Saturday, 11 May 2013

NHỮNG MẢNH VÁN GHÉP VÊNH VẸO (Minh Diện)




Minh Diện
Thứ sáu, ngày 10 tháng năm năm 2013

Tiếng loa phóng thanh của thôn Việt Thành bắt đầu cất lên từ 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa, rồi lại từ 4 giờ chiều đến tối. Ngày nào cũng ra rả như vậy. Những chiếc loa sắt hình phễu, giống loa bên bờ Bắc sông Bến Hải ngày xưa, âm thanh chát chúa, chói tai, gây cho người ta cảm giác hừng hực như thời chiến.

Tôi ép mình giữa bụi cây trên bờ ao, nhìn đàn cá nổi trên mặt nước hớp không khí, cố tìm sự yên tĩnh vốn có nơi thôn dã, nhưng bất lực. Tiếng loa phóng thanh vẫn nhói vào tai, cái giọng nói vừa ngọng, vừa chua của cô phát thanh viên không chuyên.

Một món ăn ngon, ăn hoài cũng chán! Một câu chuyện hay, kể đi kể lại củng nhàm! Nội dung những buổi phát thanh của thôn Việt Thành quê tôi không phải là món ăn ngon, cũng chẳng phải câu chuyện hay, mà cứ ra rả từ sáng đến tối, hết ngày này qua ngày khác. Ngày xưa ít đài đóm đã đành, bây giờ nhà nào cũng có TiVi , hàng chục kênh, phát sóng suốt ngày đêm, còn sử dụng phương tiện thông tin cổ lỗ như vậy kể cũng lạ! Mà thông tin có gì mới và thiết thực đâu? Ngoài mấy bản thông báo của ban lãnh đạo thôn, xã, nội dung toàn lấy từ báo hình, báo nói, báo viết lề phải ra, đọc đi đọc lại, nghe nhàm tai. Phải chăng dân không tự giác nghe nhìn những thứ ấy, nên phải dùng biện pháp nhồi nhét ? Giữa bầu không khí làng quê, nhẽ ra để tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ ngân nga, lại oang oang tiếng loa phóng thanh! Những ngày nghỉ cuối tuần, nhiều người muốn trốn sự ồn ào đô thị, tìm về làng quê, không ngờ “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa!”.

Anh Lưu, cựu Hiệu trưởng trường phồ thông trung học, nói với tôi:
- Tiếng loa phóng thanh chả khác gì tiếng kèn tây lạc lõng trong một dàn nhạc hổ lốn, hoặc như những mảnh ghép không hài hòa trong bức tranh!
Anh chép miệng, trầm ngâm suy nghĩ một lát, rồi nói tiếp:
- Nhưng thời buổi này nó thế! Quê mình chả khác một bức tranh với nhiều mảnh ghép vênh vẹo, kệch cỡm!
Anh Lưu dẫn tôi ra cánh đồng đang thực hiện quy hoạch dồn điền đổi thửa, theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Chỉ cánh đồng nhằng nhịt bờ ngang bờ dọc, Lưu hỏi tôi:
- Ông trông có khác gì tấm áo và chằng vá đụp không?
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Cứ tưởng dồn điền đổi thửa thì đồng ruộng thảng cánh cò bay chứ?
Anh Lưu bĩu môi:
- Hôm nọ một cán bộ cao cấp về thăm, bảo cánh đồng này như bức tranh tuyệt đẹp sau khi hoàn thành chương trình nông thôn mới. Ảo tưởng ! Thực tế hoàn toàn khác...

Nguyên hiệu trưởng phổ thông trung học chọn một mô đất cao, kéo tôi ngồi xuống, châm điếu thuốc lá Vinataba rẻ tiền , móp má hít một hơi dài, từ từ thả ra làn khói đen khét lẹt. Hình như cái vẻ đạo mạo của người thầy giáo, Lưu đã gửi lại bục giảng, để trở về với gốc gác của mình. Khuôn mặt rắn rỏi, mái tóc muối tiêu, cách tính toán và nói năng bộc trực của một nông dân hiện rõ trên con người ông.
Lưu bảo tôi:
- Những cánh đồng dồn điền đồi thửa, phải cắt ra từng mảnh để chia cho từng hộ xã viên. Sau khi tổ chức bốc thăm, mà anh vừa nghe thông báo trên đài truyền thanh, mọi người mang giấy chúng minh, hộ khẩu tới đăng ký nhận đất, Hộ một mẫu, hộ vài sao, có hộ chỉ bảy tám chục thước. Dù đã bốc thăm chấp nhận hên xui, nhưng vẫn có quyền đổi đi đổi lại chán. Muốn đồi miếng đất ngon thi phải đi đêm với ban quy hoạch. Người ta dùng danh từ “đi vồ”! Thế là tranh chấp, khiếu nại! Làng xóm lại một phen xào xáo rối bời...Dồn, đổi băm nát ruộng đồng, chẳng qua cái cớ để chính quyền dễ dàng thâu tóm đất đai mà thôi!
Cánh đồng cũng xào sáo tung lên như lòng dân chứ đâu có phẳng phiu? Trước chia thành trăm mảnh, giờ ít nhất cũng bày, tám chục mảnh. Vẫn là một tấm áo vá! Chỉ khác bờ ruộng được nắn thẳng hơn thôi. Giá phải trả cho cái bờ ruộng thằng thớn ấy là 200 ngàn đồng bình quân mỗi đầu người. Xã mình có 55 ngàn người, tồng số tiền đóng góp để đắp bờ lên tới 11 tỷ đồng.
Tôi hỏi ông Lưu:
- Vậy sao họ hăng hái làm?
- Vì có lợi cho chính quyền!
Lưu lấy quyền sổ nhàu nát trong túi, với thói quen của một giáo viên dạy toán, ông viết những con số ngay ngắn trước mặt tôi:
- Bây giờ người ta chia ruộng theo sản lượng. Làng ta lấy sản lượng năm 2011 làm chuẩn. Một sào loại A 250 kg thóc, loại B 220 kg, loại C190 kg. Khi dồn điền đồi thửa, phá bờ, phá bãi, lấp hồ ao, diện tích đất dư ra. Khi lấy sản lượng lúa quy ra diện tích đất, là lấy cái ảo, quy ra cái thực, mập mà mập mờ, đất lại dư thêm . Dư bao nhiêu chính quyền quản lý bấy nhiêu, Theo Hiến pháp, đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân , do nhà nước quản lý mà lị! Anh biết không, trước kia xã ta, tổng diện tích đất công có 81 tấn, nghĩa là khỏang 41 mẫu, đã sử dụng làm trường, trạm , cho thuê, và bán gần 30 mẫu , thế mà bây giờ, diện tích đất công là 134 tấn, nghĩa là khoảng 70 mẫu. Đất đẻ ra nhờ dồn điền đổi thửa theo chương trình nông thôn mới đấy! Đất ấy chính quyền quản lý, muốn bán chác thế nào quyền họ, dân chả còn lý do gì hạch hỏi khiếu kiện!
Vậy là điều các nhà hoạch định chương trình nông thôn mới chưa nhìn thấy đã và đang hiện hữu trên quê tôi. Những cánh đồng không thẳng cánh cò bay, thuận tiện cho việc cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất lớn đi lên xã hội chủ nghĩa như họ kỳ vọng, mà lại ngăn bờ chia thửa , manh mún , vụn vặt như thuở ban đầu. Vẫn là mảnh áo và mà gây tốn kém tiền bạc, công sức nhân dân, lại tạo kẽ hở cho tham nhũng.
- Nhưng đó chưa phải là điều đáng buồn nhất! Còn những mảnh ghép nhớp nhúa hơn!
Ông Lưu thở dài, nói với tôi như vậy, và ông rủ tôi ra bờ sông Cô Giang để xem một “mảnh ghép đáng buồn hơn”.

Dòng sông này chảy qua mấy thôn trong xã, ngày xưa nước trong xanh, giờ đổi màu đen kịt. Ông Lưu nói, nước đổi mầu mấy năm nay rồi, từ khi xuất hiện cái nhà máy cán thép Chen-Lee của người Trung Quốc.
Cái nhà máy ấy, ban ngày cách xa khoảng nửa cây số có thể nhìn thấy ba ống khói màu nâu đậm nhô lên trên các mái tôn hoen rỉ , nhả khói đen xì, còn ban đêm, cách vài cây số cũng nhìn thấy từng quầng lửa đỏ rực bốc cao lên trời.
Ngày ngày những chiếc xe Container, xe tải bịt kín ra vảo nhà máy. Những con đường bị vằm nát, khói bụi mù mịt. Người dân quanh vùng chỉ biết cái nhà máy của Trung Quốc , trên đất đai tổ tiên ông bà mình như vậy!
Nguyễn Thanh cùng học với tôi hồi cấp hai, đi bộ đội, sau giải phóng chuyển ngành sang công an, mới về hưu , hiện đang sinh sống cách nhà máy Chen- Lee không xa, mà cũng không được biết gì hơn người dân bình thường.
Theo bà con quanh khu vực, năm năm trở lại đây số người mắc bệnh ung thư ruột, ung thư gan trong thôn tăng đột biến. Chỉ trong năm 2012 đã có mười người ở hai thôn Cổ Lạc và Mỹ Lạc tử vong vì ung thư. Phải chăng do bà con uống nước sông Cô Giang bị nhiễm chất độc từ nhà máy cán thép Chen - Lee thải ra?

Tôi gặp Quân, một công nhân trẻ từng làm việc ở nhà máy Chen-Lee.
Nước da xanh xám, hai mắt lõm sâu, Quân dè dặt nói với tôi:
-Tuy làm việc cho nhà máy ấy gần 5 năm, nhưng cháu chỉ là công nhân khuân vác vòng ngoài, phải qua ba vòng, ba trạm gác mới vào vòng trong. Chưa bao giờ cháu dám bén mảng tới đó. Bọn bảo vệ người Trung Quốc sẵn sàng dùng dùi cui cao su đánh vào đầu công nhân Việt nếu vô tình xâm phạm vùng cấm . Theo cháu biết thì không có bất kỳ công nhân Việt Nam nào được lọt vào vòng trong . Ở đó toàn công nhân Trung Quốc đầu trọc. Chúng được tuyển chọn , đưa từ Trung Quốc sang. Hầu hết có vợ con , thành lập một khu tập thể , treo cờ Trung Quốc, cấm người Việt lai vãng...
Theo lời Quân, số công nhân của nhà máy Chen-Lee khoảng hơn một ngàn . Trước kia có khoảng hai trăm người Việt Nam , bây giờ không còn ai. Quân là người cuối cùng bị sa thải cách đây một tháng.
Bọn chủ nhà máy kỷ thị chủng tộc, hay chúng làm chuyện phi pháp, nên giữ bí mật tuyệt đối như thế? Câu hỏi đó dành cho những người có trách nhiệm. Điều có thể khẳng định là , nhà máy Chen-Lee đã gây ô nhiễm môi trường một cách khủng khiếp.
Quân nói với chúng tôi:
-Nó chở phế liệu từ Trung Quốc sang, nấu nhôm, sắt thành phẩm chở về Trung Quốc, còn các chất phế thải đổ hết xuống sông!

Ở Trung Quốc bọn chủ nhà máy nhôm này chắc chắn đã bị tẩy chay, nên phải chạy qua Việt Nam. Chúng biến đất nước ta thành những bại chất thải độc hại. Dòng sông Cô Giang trước kia xanh trong thế, giờ đen đặc, bốc mùi thum thủm. Bầu không khí trong lành của miền quê , giờ hầm hập nóng , khét lẹt mùi khói. Mức độ ô nhiễm môi trường đã lên tận đỉnh !
Tại sao ta phải trả cái giá ấy ? Bình quân thu nhập của tỉnh nhà thêm được bao nhiêu đô la? Bao nhiêu người dân có công ăn việc làm, khi toàn bộ công nhân nhà máy thép Chen-Lee giờ toàn người Trung Quốc?
Những câu hỏi đó , như đại tá cựu chiền binh Nguyễn Văn Phổ cho tôi biết , đã được nêu trong hàng trăm lá đơn của nhân dân gửi lên các cấp , và đã có vài đoàn cán bộ về làm việc. Nhưng sau khi được chủ nhà máy người Trung Quốc đón tiếp rất long trọng, họ ra đi. Không ai lên tiếng công khai trên báo chí về ô nhiễm môi trường do nhà máy Chen- Lee gây ra, không một đề tài nghiên cứu xác minh tại sao mỗi năm hàng chục người dân trong khu vực sông Cô Giang chết vỉ bệnh ung thư kể từ khi nhà mày này hoạt động.
Cái gì đã bịt miệng những đoàn cán bộ ấy ? Vì sao họ trở nên vô cảm như vậy? Tôi được biết cách nhà máy Chen- Lee không xa, có một nhà máy khác, cũng liên doanh với Tàu, cũng gây ô nhiễm môi trường, hồi trước tết âm lịch vừa qua đã đánh gần chết một công nhân Việt Nam, chỉ vì anh tiết lộ thông tin gây ô nhiễm môi trường. Một đoàn cán bộ cũng đến rồi đi , như không có chuyện gì sảy ra.
Ôi chả nhẽ vì tiền mà người ta coi rè dân mình, quê hương mình như vậy?

Buổi tối hôm ấy, Hào, Nghĩa, Thắng, Hải, Ngọc cùng nhập ngũ và ở cùng đơn vị với tôi thời chống Mỹ , mời đại tá Phan Lân uống rượi. Đại tá Phan Lân mặc quân phục, đeo quân hàm quân hiệu đàng hoàng . Bốn mươi tám năm trước, chúng tôi đeo lon binh nhì, tập tễnh bước vào đời lính, dưới sự dẫn dắt cùa đại đội trưởng đồng hương Phan Lân. Ông nhập ngũ năm 1951, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1965 đeo lon trung úy , và 1984, về hưu với cấp bậc đại tá.
Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi thường gặp nhau , và luôn luôn đồng tâm nhất trí với nhau, như những mảnh ghép hài hòa trong một bức tranh.
Nhân buổi họp mặt, tôi muốn mang những chuyện bức xúc ra nói cho hả. Nhưng tôi vừa mở miệng thì đại tá Phan Lân gạt đi:
- Đừng nói chuyện chính trị!
- Chuyện ô nhiễm môi trường, chuyện tham nhũng hối lộ ngay trên quê hương mình thủ trưởng ạ!
- Đảng biết rồi, có đảng lo!
- Đảng bây giờ...
- Cậu định nói như bầy sâu chứ gì? Các cậu ăn phải bả bọn phản động , đòi sửa đổi điều 4 Hiến pháp, đòi phi chính trị hóa quân đội , đòi tư hữu hóa đất đai chứ gì? Láo toét!
Hảo ngắt lời đại tá Lân:
- Ô hay , thủ trưởng phải nghe anh en nói chứ!
-Tớ không muốn nghe!
Hào nói nhỏ vào tai tôi:
- Cái sồ hưu 10 triệu mụ mị ông già rồi!
Bữa tiệc rượu trở nên nhạt thếch. Những người từng gắn bó vào sinh ra tử với nhau , tưởng hiểu thấu lòng nhau , mà bây giờ lại không hiểu nhau. Một đại tá về hưu không thèm nghe những người lính cũ, bỏ ngoài tai mọi sự trớ trêu, chỉ vì cái sổ hưu 10 triệu đồng một tháng, thì thử hỏi những kẻ đương chức đương quyền mỗi năm kiếm vài chục tỷ chịu nghe ai?

Chẳng lẽ cái bức tranh quê hương tôi, đất nước tôi là những mảnh ghép rời rạc, vênh vẹo như vậy chăng?




1 comment:

View My Stats