Tuesday 14 May 2013

NHÂN DÂN LÀ NHỮNG AI ? (Nguyễn Trần Sâm)




13-5-2013

Cách đây gần hai mươi năm, có lần một anh bạn thân bỗng nhiên hỏi tôi:

“Theo mày thì từ “nhân dân” dịch ra tiếng Anh là gì?”

“People”, tôi đáp.

“Mày ngu thật. Tao không ngờ mày ngu thế. Mày học môn gì cũng giỏi, ngoại ngữ cũng giỏi, nhưng nhận thức về xã hội ngu thật…” Anh bạn tôi làm một thôi một hồi. Tôi ngạc nhiên đến mức không phản ứng gì.

Một lúc sau tôi mới nói:
“Nhưng đây là chuyện ngữ nghĩa. Chuyện tra từ điển. Tao tra thì thấy từ “people” nó ghi là “nhân dân” hoặc là “người”…”

“Thế thì mày mới ngu. Mà bây giờ thì tao nghi ngờ cả khả năng ngoại ngữ của mày nữa. Nghĩa của một từ không thể tra từ điển mà đã hiểu đúng được. Phải xem thực tế người ta dùng như thế nào.”
Tôi im lặng lắng nghe.

“Vậy theo mày trong tiếng Việt, người ta thường dùng từ “nhân dân” với nghĩa gì?” Anh bạn tôi hỏi tiếp.

“Thì có hai nghĩa chính. Một là tập hợp mọi người trong một quốc gia, tức là gần như đồng nghĩa với từ “dân tộc”. Hai là tập hợp những người không nằm trong guồng máy thống trị. Nhưng người ta hay dùng với nghĩa thứ hai hơn, và thường gọi tắt là “dân”.”

“Tạm được. Mày nói khá đúng đấy. Người ta hay dùng từ “dân” thay cho “nhân dân”, và ngụ ý đó là tất cả những người không có chức quyền. Như vậy, chỉ riêng việc dùng từ này đã cho thấy người ta chia xã hội thành hai loại. Dân và vua quan…”

“Thì ở đâu mà chẳng thế. Dân và vua quan. Thống trị và bị trị. Có nhà nước là có sự phân biệt đó. Chẳng lẽ bên Mỹ không có?…”

“Khoan hãy bàn bên Mỹ. Nói chuyện ở ta đã. Chính vì có sự phân biệt vua quan với dân, mà vua quan nếu không được dân nuôi hoặc thậm chí bị dân chống lại thì chết, nên người ta phải làm cái gọi là “dân vận”, thực chất là lừa phỉnh dân. Bọn đó làm ra vẻ chính họ mới là người đem lại quyền lợi cho dân. Vì thế nên mới có cụm từ “chăm lo cho dân”. Đây là cụm từ khốn nạn nhất trên đời…”

“?…”

“Không biết người khác thế nào, mày thế nào, chứ tao thì tao “éo” cần thằng nào chăm lo cho tao. Tao muốn ăn, mặc, chi tiêu cho mọi nhu cầu bằng những đồng tiền do tao làm ra, do tao bỏ công sức ra mà có. Kể cả người ta chăm lo cho tao thật, tao cũng đếch cần và không muốn. Ăn của kẻ khác thật, đã là nỗi nhục. Đằng này lại còn mang tiếng được chăm lo nhưng thực chất là phải è cổ ra nuôi cái bọn “chăm lo” cho mình. Nhục chồng lên nhục… Khổ và nhục. Khi đã thừa nhận, dù là tự giác hay miễn cưỡng, là mình đang chịu ơn người khác, nhất là kẻ cầm quyền, thì nó bảo gì cũng phải nghe theo. Chống lại là chết.”

“Thì biết thế, nhưng làm gì được?”
“Làm gì thì chẳng làm gì được. Thế nên tao chỉ ước giá mà đất nước này cắt ra được một khoảnh riêng cho những người không cần ai chăm lo, thì tao sẽ là thằng đầu tiên đến đó ở. Còn ai muốn được “các bác ấy” chăm lo thì cứ ở lại với các bác ấy. Các bác ấy thương dân lắm. Bác Y, bác Z gì đó đã nói rồi: “Cái gì có lợi cho dân thì các đồng chí làm. Cái gì có hại cho dân, các đồng chí đừng làm.” Xúc động quá còn gì! Mày chắc cũng ở lại theo các bác suốt đời?” Anh bạn tôi nói và nhìn xoáy vào mắt tôi với vẻ giễu cợt.

Im lặng một lúc, rồi tôi nói:
“Nhưng quay lại chuyện ngữ nghĩa, tao thấy trong từ điển nó cũng ghi từ “people” có một nghĩa là “thần dân”, “những người không có chức quyền” đấy chứ.”

“Đúng thế. Nhưng đó không phải là cái nghĩa chính. Vấn đề là người ta hay dùng với nghĩa nào. Tao đọc sách báo tiếng Anh, của bọn Anh, bọn Mỹ, nghe các phát biểu của bọn tổng thống, thủ tướng các nước đó, rồi xem phim, vân vân, chẳng bao giờ thấy xuất hiện cụm từ “chăm lo cho dân”, không bao giờ thấy tổng thống Mỹ nói với các quan chức Nhà Trắng “Các ông phải chăm lo cho dân.” Còn khi một quan chức nói: “phấn đấu vì nhân dân Mỹ” thì cái cụm từ “nhân dân Mỹ” này, “the American people” hay đơn giản là “the American”, ngụ ý toàn bộ những người có quốc tịch Hoa Kỳ, bất kể họ có chức tước hay không. Vì vậy, khi ông Clinton nói làm việc gì đó vì nhân dân Mỹ, ông ấy cũng ngụ ý là chính ông ấy và các quan chức Nhà Trắng cũng được hưởng thành quả.
Đấy, khác nhau ở chỗ ấy. Tổng thống làm việc vì mọi người và vì chính mình, nên ông ta nhiệt tình. Còn ở ta, các bác ấy chỉ chăm lo cho dân, tức là dân thường thôi, bản thân mình chẳng được hưởng lợi lộc gì, nên lâu lâu rồi các bác ấy cũng mệt, thỉnh thoảng lại phải giấu giấu giếm giếm “đánh quả” cho mình. Rồi đến lúc hoạt động chính là giấu giấu giếm giếm… Cho nên vì “phục vụ nhân dân” mà các bác ấy mới suy thoái đạo đức.
Ở bên tư bản, thậm chí đôi khi tao thấy ngược lại, nguyên thủ nước tư bản nói họ mang ơn những người nông dân nuôi họ, làm ra bánh mỳ cho họ có cái ăn.
Và điều quan trọng là họ hầu như không phân biệt những người có chức với dân thường. Tổng thống với nông dân là bình đẳng. Hết làm quan thì lại làm dân thường, nên trong não trạng của họ không có khái niệm họ là loại người khác dân thường. Ở các nước Bắc Âu thì thậm chí thủ tướng tự lái xe, tự nấu ăn, không thì bảo vợ hoặc chồng nấu cho. Họ quan niệm làm quan là một nghề, như bao nghề khác. Ăn lương và làm tròn bổn phận. Bổn phận của những kẻ xài tiền thuế của người lao động, xài tài nguyên quốc gia. Quan chức không phải là “cha mẹ dân”, mà chính quan chức cũng là những người dân. Họ khác ta ở chỗ đó. Và tao tin rằng ở Bắc Âu không ai dùng từ “dân” để chỉ những người không có chức tước trong guồng máy quyền lực.
Đương nhiên, khi tiếp xúc với quyền lực và tiền công, đa số quan chức dễ sinh lòng tham. Nhưng ở nước họ có những cơ chế để ngăn chặn lòng tham và sự phát triển của nó…”

Câu chuyện đó đã xảy ra cách đây gần hai mươi năm. Lúc đó tôi không giận bạn tôi, nhưng thầm nghĩ anh ta hơi cực đoan. Nhưng càng nhìn đời và ngẫm nghĩ sự đời, tôi càng thấy anh bạn tôi thật có lý.
Giá mà mình được tự chăm lo mình. Trong một nhà nước mà chính quyền chỉ làm đúng những gì pháp luật quy định. Nếu nó không làm thì mọi người có quyền đòi nó, buộc nó phải làm. Đòi, và buộc, chứ không phải xin! Và đừng ai phải nghĩ quá nhiều đến chăm lo cho dân. Đừng ai cướp đi của dân thường cái quyền được tự lo.

NGUYỄN TRẦN SÂM



No comments:

Post a Comment

View My Stats