Saturday, 11 May 2013

NHẠC SĨ VĂN GIẢNG - THÔNG ĐẠT QUA ĐỜI, THỌ 89 TUỔI (Huy Phương - Người Việt)




Huy Phương/Người Việt
Saturday, May 11, 2013 5:38:34 PM

FOOTSCRAY, Úc (NV) - Nhạc sĩ Văn Giảng, tác giả hai nhạc phẩm “Lục Quân Việt Nam” và “Ai về Sông Tương,” vừa qua đời ở thành phố Footscray, tiểu bang Victoria, Úc, hôm Thứ Năm, 9 Tháng Năm, hưởng thọ 89 tuổi.

Cố nhạc sĩ Văn Giảng. (Hình: Huy Phương/Người Việt)


“Ðường trường xa, muôn vó câu bay dập dồn...”

Anh em cựu quân nhân VNCH, nhất là những sĩ quan xuất thân từ trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức không thể nào không biết đến bài hát Lục Quân Việt Nam mà mỗi buổi sáng, buổi chiều vẫn thường cất tiếng hát khi đi trong hàng quân: “Ðường trường xa, muôn vó câu bay dập dồn...” hay bài “Thúc Quân,” nhưng ít ai biết hay còn nhớ tên của người nhạc sĩ: Văn Giảng, cũng là Thông Ðạt, tác giả bài tình ca nổi tiếng một thời: “Ai về Sông Tương”.

Văn Giảng tên thật là Ngô Văn Giảng, sinh năm 1924, tại làng Bác Vọng Ðông, Thừa Thiên. Ông sinh ra trong một gia đình Phật Giáo thuần thành, song thân làm nghề thương mãi, và ông thú nhận học lực của ông không qua hết bậc trung học. Sau khi học ở trường tiểu học Paul Bert, rồi Phú Xuân, ông phải nghỉ học sớm để ở nhà giúp cha mẹ. Trong suốt thời ấu thơ, Ngô Văn Giảng chịu ảnh hưởng của nhạc cổ điển qua những ban nhạc tài tử dân giả của đất Thần Kinh. Không qua một trường lớp âm nhạc nào, nhưng ông đã trở thành một người chơi đàn hạ uy cầm, tây ban cầm và đại hồ cầm nổi tiếng ở Huế, là trưởng ban nhạc của đài phát thanh Huế, từ lúc đài này mới thành lập (1949), và sau đó là giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế (1963).

Ðài phát thanh Huế, dưới thời của Giám Ðốc Ngô Ganh, ban nhạc của Văn Giảng tuy là một ban nhạc nhỏ, nhưng quy tụ nhiều ca, nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Lê Quang Nhạc, Trần Văn Tín (về sau là đại tá ngành quân nhạc), ca sĩ Minh Trang, Tôn Thất Niệm (nay là bác sĩ tại Nam California)... Năm 1963, Văn Giảng được bổ nhiệm làm giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế và sau đó hai năm, ông được cấp học bổng du học Hoa Kỳ, theo học âm nhạc tại đại học ở Honolulu, Hawaii.

Sau biến cố Mậu Thân, theo ý nguyện muốn được rời Huế, Văn Giảng được Bộ Văn Hóa mời vào giảng dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Trong thời gian này, ông gặp nhạc sĩ Châu Kỳ, người bạn đã chỉ dẫn ông đi vào con đường làm giàu nhờ viết nhạc. Ông bắt đầu sáng tác những tình khúc “hái ra tiền”. Ký bản quyền cho hãng dĩa xuất bản Asia, Sóng Nhạc, Văn Giảng đủ tiền mua một căn nhà khang trang mặt tiền trên đường Thoại Ngọc Hầu. Thị hiếu của quần chúng bình dân cả nước lúc bấy giờ là mua những bản nhạc “bolero” thịnh hành của các nhạc sĩ. Những bản nhạc của Văn Giảng như “Hoa Cài Mái Tóc,” “Tình Em Biển Rộng Sông Dài,” “Ðôi Mắt Huyền,” được ấn hành hàng chục nghìn bản, phổ biến rộng rãi trên thị trường, điều mà trước đây, khi còn là một “nhạc sĩ công chức” ở Huế, Văn Giảng không hề nghĩ đến.

Nhưng nói đến nhạc tình của Văn Giảng chúng ta không thể quên “Ai Về Sông Tương,” được viết năm 1949, đã dẫn đầu như một bản nhạc “top,” bản nhạc được thính giả yêu cầu nhiều nhất của đài phát thanh Pháp Á trong hai năm 1949-1950 dưới một cái tên “lạ hoắc” là Thông Ðạt, mới nghe lần đầu trong giới nhạc sĩ. Bản nhạc đó đã được phổ biến trong vòng 25 năm dài tại miền Nam và ra đến hải ngoại sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975.

Hỏi vì sao nhạc sĩ không dùng tên Văn Giảng để ký dưới ca khúc này, ông cho biết, là một thanh niên lớn lên trong thời loạn, ông muốn dùng âm nhạc để kích động lòng yêu nước của thanh niên, mặc dù ông chỉ phục vụ trong ban 5 (tâm lý chiến) một thời gian rất ngắn tại Quân Khu I.

“Ai Về Sông Tương” là một bản nhạc thử nghiệm của ông trong loại nhạc tình viết theo sự thách đố của bạn bè đã trở thành một bản nhạc nổi tiếng. Lúc bấy giờ, thính giả của đài phát thanh chỉ biết Văn Giảng qua các bản hùng ca reo vui, phấn khởi mà không hề biết ông cũng là Thông Ðạt khi bản nhạc này được ra đời, do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành và được phổ biến trên đài Pháp Á lần đầu tiên qua giọng hát của Mạnh Phát và Minh Diệu.

“Từ Ðàm Quê Hương Tôi”

Tên Thông Ðạt cũng là sự kết hợp của hai pháp danh Nguyên Thông của Văn Giảng và Tâm Ðạt của người vợ ông. Cuộc hôn nhân này đã kéo dài 62 năm trong hạnh phúc từ trong nước ra đến hải ngoại của một người nhạc sĩ đa tài, mà tiếng đàn hạ uy cầm trên đài phát thanh Huế trong thập niên 1950 đã làm thổn thức bao nhiêu con tim của những cô gái Huế. Các cô gái khuê các xứ Huế đã có một phong trào đi học đàn hạ uy cầm và lớp nhạc Văn Giảng luôn luôn đông học viên, cũng có nhiều cô đem lòng yêu thầy, nhưng cuối cùng, họ không hề đi ra ngoài vòng lễ giáo.

Và giới Phật tử cũng ít ai biết Văn Giảng là tác giả bản nhạc “Từ Ðàm Quê Hương Tôi,” được viết sau mùa Pháp nạn ở Huế năm 1966, và được ký bằng pháp danh Nguyên Thông.

Năm 1978, Văn Giảng từ Cần Thơ vượt biển với người con trai đầu lòng đến Indonesia. Ðã từng du học tại Hawaii, ông đủ điều kiện định cư tại Mỹ, nhưng vì muốn sớm bảo lãnh cho vợ và 6 đứa con còn lại, ông bằng lòng chọn Úc làm quê hương thứ hai. Ðến Melbourne, Văn Giảng sinh sống bằng nghề dạy nhạc tại tư gia về các môn sáng tác hòa âm cũng như sử dụng các nhạc khí như tây ban cầm, hạ uy cầm và đại hồ cầm cho người Việt mới đến định cư cũng như cho các sinh viên Úc. Gần 30 năm nay, Văn Giảng đã soạn nhiều sách dạy nhạc, sử dụng nhạc cụ bằng cả hai thứ tiếng Việt, Anh, nhưng chưa được xuất bản.

Năm 2011, tôi đã đến thăm nhạc sĩ Văn Giảng tại thành phố Footscray, tiểu bang Victoria. Ðộc giả có thể liên lạc với gia đình nhạc sĩ qua số điện thoại +61 (3) 9689 9623.




No comments:

Post a Comment

View My Stats