Song
Chi/Người Việt
Friday, May 17, 2013 8:48:08 PM
Chỉ
sau mấy tiếng đồng hồ chóng vánh, phiên tòa xử hai sinh viên yêu nước Nguyễn
Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đã kết thúc vào buổi chiều ngày 16 tháng Năm
2013 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Long An với bản án nặng nề:
Đinh Nguyên Kha bị kết án 8 năm tù, cộng 2 năm của
một vụ án khác về tội danh cố ý gây thương tích, tổng cộng là 10 năm tù giam, 3
năm quản chế. Nguyễn Phương Uyên bị kết án 6 năm tù giam, 3 năm quản chế.
Dù đã quá quen với bản chất cũng như kết quả của những
vụ án như thế này ở VN,
nhưng bất cứ ai còn có lương tâm, có hiểu biết cũng
đều phải phẫn uất vì bản án quá nặng.
Không khó để nhận thấy đối với nhà cầm quyền VN,
trong những vụ án có liên quan đến yếu tố chính trị, nếu người bị xử án tỏ ra
ăn năn, nhận tội, bản án sẽ nhẹ hơn và ngược lại. Ví dụ như vụ án xử blogger
Điếu Cày tức nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, blogger Anh Ba Sài Gòn tức luật gia
Phan Thanh Hải, blogger Công lý và Sự thật tức nhà báo, luật gia Tạ Phong Tần.
Anh Ba Sài Gòn do nhận tội nên bản án nhẹ hơn 2 người còn lại.
Cũng như vậy đối với vụ án Lê Công Định, Lê Thăng
Long, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức. Vì cương quyết không nhận tội,
anh Trần Huỳnh Duy Thức đã phải nhận bản án nặng hơn hẳn-16 năm tù giam.
Trong vụ án ngày hôm nay, cả Đinh Nguyên Kha và
Nguyễn Phương Uyên đều không nhận tội. Nếu như sự bất khuất đó của hai sinh
viên đã mang lại niềm tự hào cho ba mẹ, người thân, niềm cảm phục, thương yêu
của mọi người thì đồng thời nó cũng là sự thách thức, không thể tha thứ đối với
nhà cầm quyền.
Một điều thứ hai nữa, những vụ án chính trị nào càng
được dư luận trong và ngoài nước quan tâm theo dõi, lên tiếng, tưởng rằng sẽ
khiến cho nhà nước này phải cân nhắc trước khi kết án thì ngược lại, họ càng xử
mạnh tay. Như bất chấp dư luận, như muốn khẳng định đất nước này là của họ, họ
vẫn còn đầy đủ quyền lực và họ muốn xử thế nào tùy thích, chẳng ai can thiệp
được, không một cái gì làm cho họ chùn bước.
Ngược lại, vụ án Lô Thanh Thảo cũng cùng tội danh
“Tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa XHCN VN” theo điều 88 bộ luật hình
sự, nhưng vì ít ai chú ý nên bản án từ 3 năm 6 tháng tù tại phiên sơ thẩm đã hạ
xuống thành 2 năm tù trong phiên phúc thẩm ngày 13 tháng Năm 2013.
Cách hành xử như vậy vào lúc này khi nhà cầm quyền
VN đang ở trong thế khó khăn vây bủa tứ phía, từ kinh tế đến chính trị, quốc
phòng, đang phải đối phó với thù trong giặc ngoài mà niềm tin của người dân
dành cho họ thì đã cạn kiệt…là một cách hành xử vô cùng ngu xuẩn. Chẳng khác
nào tự đóng đinh vào chiếc quan tài của chế độ.
Nhưng tất nhiên, nhà cầm quyền VN không nghĩ như
thế. Họ vẫn nghĩ họ còn mạnh, còn tồn tại lâu dài. Chẳng có một chế độ độc tài
nào trước khi sụp đổ lại nghĩ rằng họ sắp chết .
Trước khi Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên ra
tòa, từ mẹ, người thân của hai em cho đến những ai theo dõi và quan tâm đến vụ
án này đều lo âu không biết cả hai có giữ được tinh thần không, nhất là trước
đó thông tin Nguyễn Phương Uyên và có lẽ cả Đinh Nguyên Kha nữa đều bị đánh, bị
uy hiếp tinh thần nặng nề.
Thế nhưng, mọi người đã thở phào nhẹ nhõm. Cả hai đã
hết sức vững vàng. Những tấm hình chụp hai sinh viên trong bộ đồng phục áo trắng
mảnh mai giữa muôn vàn áo xanh công an trong phòng xử án, với vẻ bình tĩnh toát
ra từ khuôn mặt, đôi mắt, cái nhìn, dáng ngồi, dáng đứng…được đăng tải khắp các
trang mạng xã hội, blog cá nhân cho đến báo chí bên ngoài. Những câu nói rành
rọt, đanh thép của các em được ghi lại.
Nguyễn
Phương Uyên: "Tôi là
sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác
sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên,
tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam
tâm".
Đinh
Nguyên Kha: "Tôi
trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân
tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là
tội".
Sự bình tĩnh mà cả hai bạn trẻ có được ngày hôm nay
trước phiên tòa, có lẽ một phần không nhỏ là từ sự ủng hộ, hết lòng thương yêu
các em của gia đình. Gia đình đã cố gắng truyền cho con em mình niềm tin rằng
các em đã làm đúng, gia đình hiểu và luôn yêu thương các em. Và từ sự ủng hộ
của đông đảo mọi người, khiến cho các em biết rằng mình không bị đơn độc, không
bị hiểu sai.
Nhưng trên hết, các sinh viên đã chứng tỏ nhân cách,
sự trưởng thành của mình-họ không phải là những con rối bị các “thế lực thù
địch” giật dây, xúi bẩy, họ không làm những việc này chỉ vì vài trăm đồng đô la
hay cái máy laptop gì đó như những lời lẽ trong bản luận tội.
Họ hành động vì họ yêu nước, họ hành động vì không
thế không đóng góp phần nhỏ bé của mình đề cảnh tỉnh những ai còn u mê trước
họa xâm lăng đang sờ sờ trước mắt.
Khi những bản
án phi lý, nặng nề được những người bị kết án đón nhận một cách bình tĩnh, nhẹ
nhàng như không, có nghĩa là bạo quyền và sự đàn áp đã hoàn toàn thất bại.
Cũng có nghĩa là cái ngày tàn của chế
độ độc tài toàn trị dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản VN không còn bao xa nữa. Không đủ dài cho bản án 16 năm của Trần Huỳnh Duy Thức trước đây hay bản
án 6 năm, 10 năm của Phương Uyên, Nguyên Kha bây giờ.
Nhìn những khuôn mặt sáng sủa của Phương Uyên,
Nguyên Kha giữa phiên tòa, người ta càng thấy rõ bản chất của chế độ khi đã
tống cổ những đứa trẻ như vậy vào tù bằng những bản án nghiệt ngã, chỉ vì những
hành động mà nếu ở trong bất cứ quốc gia tiến bộ nào khác, các em sẽ không bao
giờ bị kết án.
Việc thể hiện quyền tự do ngôn luận, thể hiện chính
kiến, bày tỏ lòng yêu nước chống ngoại xâm và cho dù có là chống lại chế độ đi
chăng nữa, mà nếu hoàn toàn không bạo động, các em cũng không thể vì thế mà bị
tù.
Sau phiên tòa hai bạn trẻ ra xe tiếp tục trở về nhà
tù nhỏ.
Nhà tù của cộng sản VN thì vô cùng hà khắc, đặc biệt
là tù chính trị. Các em sẽ còn phải đối mặt, phải chịu đựng sự trả thù của nhà
nước này dài dài trong lao tù.
Bởi vì, cũng ngay trong những ngày này, thông tin về
những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm khác bị hành hạ tiếp tục lọt ra
ngoài: Blogger Điếu Cày bị chuyển ra miền Bắc đi đâu chưa rõ, blogger
Công Lý và Sự Thật bị chuyển ra Thanh Hóa bất chấp sức khỏe của chị không
chịu đựng nổi cái lạnh của khí hậu miền Bắc, Đỗ Thị Minh Hạnh bị chuyển
trại giam và đánh đập, Hồ Thị Bích Khương bị hành hạ sức khẻe suy kiệt
trong tù v.v…
Chỉ mong sao các em có đủ sức khỏe để chịu đựng
những ngày sắp tới.
Còn gì chua chát hơn, trong khi nhà cầm quyền thẳng
tay tống giam những sinh viên yêu nước đã lấy máu để viết lên những dòng chữ
đanh thép phản đối TQ xâm lược VN. Thì ngoài biển Đông, TQ ồ ạt xua hàng chục
tàu cá ngang nhiên đánh bắt ngay trong khu vực Trường Sa thuộc chủ quyền của
VN, tiếp tục quá trình lấn chiếm và tìm cách hợp pháp hóa chủ quyền trên thực
tế từ Hoàng Sa đến Trường Sa.
Còn tàu cá của ngư dân VN thì cô độc bị rượt đuổi,
đánh cướp, bắn chìm ngay trên vùng biển thuộc lãnh hải của quê hương mà chỉ
được nhà nước này bảo vệ bằng mồm….
Và giữa Ba Đình, cả một tập đoàn lãnh đạo VN lại vừa
mới trải qua một phiên đấu đá triệt hạ lẫn nhau, tịnh không hề nhắc nhở gì đến
cái họa mất nước đã gần kề…
Lịch sử VN có bao giờ trải qua những ngày u ám đến
thế?
No comments:
Post a Comment