Thursday, 9 May 2013

MADE IN VIETNAM (Hồ Đình Nghiêm)




Hồ Đình Nghiêm
Posted: 09/05/2013

Blogger Nguyễn Hoàng Vi

Chắc bạn không thể nhận biết người trong ảnh này là ai? Nếu bạn từng thấy qua hình chụp cô mặc áo thun đen có in hàng chữ: “Free Đieu Cay Ta Phong Tan AnhBaSaiGon” trước ngực, vào năm ngoái, hẳn bạn sẽ ngờ vực như mình đã ngờ vực: Phải Nguyễn Hoàng Vi đó không? Nhân vật mà mình từng ví có nụ cười đẹp hơn cả tranh Mona Lisa.

Nhà nước Việt Nam đã mạnh tay tàn phá mọi thứ, kể cả việc chẳng ngần ngại khi muốn hủy diệt nhan sắc một người con gái. Mình không thể nhẫn tâm chưng lên cho bạn xem những tấm ảnh “xấu xa” khác, bởi mình tôn trọng Nguyễn Hoàng Vi. Em gái cô, Nguyễn Thảo Chi, bị công an đánh gãy mất nhiều răng, môi sưng, máu chảy đẫm ngực áo. Mẹ cô thì bị chúng dụi điếu thuốc đang hút vào mặt, cháy bỏng…

Mình đã ngờ vực, và mình đang buồn đau. Một nhà làm phim chắc sẽ loại bỏ kịch bản có những màn tra tấn tương tự. Chỉ trùm khăn vào đầu rồi đổ nước cho ngạt thở khi muốn lấy khẩu cung bọn khủng bố, họ cũng phải trả một giá đắt cho hành động ấy. Bạn là người hay thú vật? Câu hỏi đó được gióng lên trên những vùng đất còn biết đến tình người, họ e dè, đắn đo, run tay, dằn vặt, tự vấn lương tâm… nghĩa là những thứ tủn mủn vụn vặt đó không hề có trên đất nước mang tên Việt Nam. Khi công an nói lớn trước pháp đình: “Tự do cái con cặt!” thì điều ấy đồng nghĩa với sinh mạng mong manh của người dân sẽ bị chúng chà đạp không hôm nay thì ngày mai. Lo âu, thấp thỏm trên từng cây số một kiếp nhân sinh vốn ngắn ngủi.

Câu chuyện bắt đầu ra sao? Chắc có bạn không theo dõi, để biết. Thì chúng bắt Nguyễn Hoàng Vi về đồn, như đã từng trói ké cô ấy trước đây (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú là chốn rừng thiêng nước độc khỉ ho cò gáy nào? Ở ngay trung tâm Sài Gòn sao?) Bắt, lục soát và tịch thu tất cả những gì cô mang trên người. Cô được thả về lúc hai ba giờ sáng, đợi hoảng loạn tạm lắng dịu, đợi mặt trời mọc, đợi ánh dương quang chan hòa, cô cùng gia đình (mẹ và em gái) trở lại đồn bót để đòi lại những thứ bị thu giữ. Và hậu quả là phía chân yếu tay mềm bị đổ máu, bị đánh hội đồng không khoan nhượng (ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngất trời- lời bài hát khát máu Giải phóng miền Nam dạo nào).

Bạn mình có lắm người viết văn làm thơ, họ sẽ nói gì nếu giả thử bị đón nghe câu hỏi: Em gái của anh bị bắt bớ đánh đập bầm dập như vậy thì anh sẽ có phản ứng nào, trong nhất thời? Mình tin những vị “kỹ sư tâm hồn” kia chắc cúi mặt xuống, thở dài; hoặc họ sẽ cầm lòng không đậu: Đéo mẹ, nói làm đếch gì cái bọn khốn nạn ấy!

Trong lúc này đây, bạn hiểu cho, người ta chẳng thể dối lòng để làm khác đi. Sự thơ mộng, cái ướt át lãng mạn thường hằng của thơ văn dường như buộc phải trốn vào góc tối. Người ta thổn thức trước những tin buồn vọng ra từ quê cũ và người ta ý thức sự bất lực của chữ viết, đôi lúc không chửi thề e không xong. Tiếc chẳng được như người xưa: Ngửa mặt vào cao xanh cười lên ba tiếng, gầm đầu xuống đất mà khóc rơi ba giọt lệ.

Bạn mình có thằng sắp đi Việt Nam. Hỏi: “Ông có gửi quà không? Tôi mang hộ”. Mình mua ít áo quần, hàng hiệu, khá đắt, xong giao cho nó cả túi lớn nylon. Nó cười như người lên cơn suyển: “Xời, mất mặt thế, sao toàn cả đồ Made in Vietnam? Mang về thì chúng cười cho thúi đầu”. Mình làm thinh, chửi thề trong bụng. Một cái bao tử luôn nhức nhối bởi cả triệu điều chẳng tài nào tiêu hóa nổi.

Rồi nó hồ hởi ra phi trường. Một ngàn rưỡi vé khứ hồi, bay suốt Montréal-Paris-Saigon. Mình chúc nó đừng gặp cảnh bị không tặc, an lành để đáp xuống Tân-sơn-nhất. Mình chúc nó sẽ bị chặt chém ở hải quan, chúc nó ra đường bị xe đụng, chúc nó bị dân anh chị có số má trấn lột, chúc nó bị công an sờ gáy, kết tội là đảng phục quốc và cầu trời cho nó bị đánh toe tua trong ngục tù. Đù má, mày tưởng Việt kiều là ngon hả? Việt kiều thì ông uýnh theo kiểu Việt kiều.

Nguyễn Hoàng Vi ạ, bọn chúng đánh người bạn của mình, cho tha hồ tẩm quất mình chẳng xót. Sao nghe Vi bị chúng hành hung mình lại xốn ruột lộn gan? Dù đôi ta chưa hề một lần gặp gỡ, trò chuyện hoặc có với nhau chút giây mơ rễ má nào cả. Mình có viết lách và đôi khi bình tâm để nhìn nhận điều này: Số phận của Vi bị dồn tới cái mà người ta gọi là bi kịch. Và bi kịch ấy, bọn cầm bút khó mà chia sẻ, với tới, đặt để vào trong tiểu thuyết.

Người ta thường có khuynh hướng khi dễ những thứ made in Vietnam, nhưng một thiếu nữ Việt Nam (đương đại) như Nguyễn Hoàng Vi thì mình cực lòng chẳng biết dụng chữ nào khác, ngoài hai chữ ngưỡng mộ, hai chữ đáng quý, hai chữ nhớ thương. Đã đủ 6 chữ vàng chưa, hở Vi cách biệt?

Hồ Đình Nghiêm
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh




No comments:

Post a Comment

View My Stats