Thursday, 9 May 2013

DÃ NGOẠI VÌ NHÂN QUYỀN : RSF LÊN ÁN VIỆC HÀNH HUNG BLOGGER VIỆT NAM (Nguyễn Sỹ Hoàng / Thụy My - RFI)




Thụy My  -  RFI
Thứ năm 09 Tháng Năm 2013

Ngày hôm qua, 08/05/2013, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris, đã ra thông cáo lên án việc công an đối xử thô bạo với các blogger và công dân mạng tham gia cuộc dã ngoại vì nhân quyền hôm Chủ nhật 05/05/2013. Phóng viên Không biên giới cho rằng chính quyền Việt Nam cần phải cứng rắn kỷ luật các nhân viên công an đã dùng đến bạo lực.

Thông cáo viết : « Chúng tôi mạnh mẽ lên án lực lượng an ninh cố tình sử dụng bạo lực (…) Chúng tôi quan ngại sâu sắc khi nhận thấy việc dùng bạo lực một cách không thể chấp nhận được, dường như là câu trả lời tự động và có hệ thống của chính quyền dành cho tất cả các sáng kiến về tự do ngôn luận. Chính quyền cần phải có các biện pháp kỷ luật mạnh tay để làm gương đối với các công an viên đã dùng đến bạo lực ».

Phóng viên Không biên giới nhắc lại, những người tham gia dã ngoại vì nhân quyền tại Hà Nội hôm ấy có thể tụ họp lại ở quanh hồ Hoàn Kiếm, tuy lực lượng an ninh hiện diện đông đảo. Tại Nha Trang, các blogger bị ngăn trở đến điểm hẹn, điện thoại bị cắt. Còn tại Saigon, các blogger Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Sỹ Hoàng (Hành Nhân), Quốc Anh bị bắt giữ và bị đánh đập.

Trả lời RFI Việt ngữ, blogger Nguyễn Sỹ Hoàng cho biết bản thân anh không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng các bạn khác bị đối xử thô bạo hơn. Hôm sau khi đến đòi lại tài sản bị thu giữ, em gái và mẹ của Nguyễn Hoàng Vi cũng đã bị hành hung. Tuy nhiên, các bạn vẫn giữ vững tinh thần. Anh kêu gọi các bạn trẻ tiếp tục tham gia các sinh hoạt phổ biến kiến thức về nhân quyền trong những lần tới.

Nghe (02:57)  :  Anh Nguyễn Sỹ Hoàng - Saigon   09/05/2013


Nguyễn Sỹ Hoàng: « Thật ra thì bữa đó tôi và Hoàng Vi, Quốc Anh đang phân phát bản Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát cho mọi người, thì có một số nhân viên an ninh mặc thường phục đi theo ngăn chận, làm khó dễ. Rồi họ bắt một số người như Quốc Anh, Hoàng Vi và hành hung họ. Tôi thì tôi chỉ cầm điện thoại của Hoàng Vi chụp hình lại những diễn biến đó, thì họ tới giật điện thoại, sau đó họ bắt mấy người kia.

Sau đó tôi và bạn bè tôi đang uống cà phê thì họ vô mời tôi đi làm việc. Bốn, năm người tới bắt tôi đi làm việc, họ nói là không muốn dùng vũ lực với tôi, nhưng không đi thì không được. Họ kẹp cổ tôi đưa ra một chiếc taxi đã chờ sẵn, đưa tôi về phường Hiệp Bình Chánh làm việc. Tới ba giờ rưỡi chiều thì họ lại chuyển qua một đồn công an khác. Đến chiều tối, khoảng tám giờ họ mới thả tôi về. Khi về tôi mới nghe các bạn khác bị bắt giam, bị khống chế rồi đánh đập. Còn riêng tôi thì tôi không kháng cự cho nên họ không đánh tôi.

Nhưng qua chuyện đó, tôi thấy là việc phổ biến bản Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát toàn cầu đến với người dân Việt Nam đúng là rất khó khăn. Bên Đoàn thanh niên, chính quyền không muốn phổ biến chuyện đó, vì khi người dân mà biết những quyền lợi của mình thì có thể gây khó khăn cho chính quyền. Do không ý thức rõ những quyền của mình nên người dân không đòi hỏi. Khi chúng tôi làm chuyện đó thì họ thấy bị đụng chạm, nên họ phải dập thôi.

Khi mà tôi bị câu lưu một cách không mong muốn như vậy, thì chính họ đã vi phạm quyền tự do đi lại của tôi, quyền tự do hội họp, tự do phổ biến thông tin cho nhiều người khác. Trong ngày hôm đó thì họ chỉ giữ cùng lắm đến tám giờ tối thì họ phải thả ra thôi, vì họ không có cớ, không có lý do gì hết, những điều chúng tôi làm không vi phạm pháp luật.
Một người đi phổ biến bản Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát như vậy mà lại bị ngăn chận, bị đánh đập, bắt giữ, tra khảo, thì đó là chuyện rất vô lý ! Quốc Anh bị người ta đánh và chích roi điện, khi tôi gặp lại, tôi thấy tinh thần Quốc Anh tuy là vẫn ổn nhưng sức khỏe yếu, người rất mệt mỏi. Hoàng Vi cũng bị đánh đập. Đối với Hoàng Vi thì họ tịch thu bóp tiền, iPad…Nhà Hoàng Vi cũng lo lắng, lên đòi lại với Vi thì lại bị công an phường kết hợp với Đoàn thanh niên, dân phòng, Hội phụ nữ…đánh đập.

Những người đã bị điểm mặt như tôi, Hoàng Vi hay Quốc Anh thì sẽ bị theo dõi, ngăn chận đến chỗ công cộng. Nhưng chúng tôi mong rằng những người khác – những bạn sinh viên, những người trẻ sẽ tiếp tục cái tinh thần đó, chia sẻ cho nhiều người khác biết đến bản Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát, để mọi người ý thức được quyền lợi của mình, biết quyền con người là như thế nào, để chia sẻ, trao đổi với nhau ».

RFI : Xin rất cám ơn anh Nguyễn Sỹ Hoàng ở Thành phố Hồ Chí Minh.




No comments:

Post a Comment

View My Stats