Monday 27 May 2013

BLOGGER TRƯƠNG DUY NHẤT BỊ BẮT (tin tổng hợp)




Chủ nhật 26 Tháng Năm 2013

Theo tin từ Thanh Niên online chiều 26/05/2013, blogger Trương Duy Nhất vừa bị cơ quan an ninh điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam bắt giữ tại Đà Nẵng. Ông Nhất bị bắt về "hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 Luật hình sự.

Công an cũng đã khám xét khẩn cấp nhà ông Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng. Hiện nay trang blog “Một góc nhìn khác” của ông không còn truy cập được.

Ông Trương Duy Nhất trước đây là nhà báo, nhưng sau đó ông đã nghỉ việc để chuyển sang viết blog. Các bài bình luận của ông trên blog “Một góc nhìn khác” theo sát thời sự, và có những lúc chỉ trích thẳng thừng các nhân vật lãnh đạo Việt Nam.


Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các nhận định ban đầu về sự kiện trên :

Nghe (03:41)  :  Nhà báo Phạm Chí Dũng_TP Hồ Chí Minh     26/05/2013

Thật ra tôi không biết rõ về blogger Trương Duy Nhất, và cũng ít đọc bài của Trương Duy Nhất, trừ một số bài gần đây. Tôi nhớ là trước Hội nghị trung ương 7, tôi có đọc một cái tiêu đề là “Tổng bí thư và Thủ tướng nên ra đi”. Và tôi ngạc nhiên là tại sao một blogger lại có thể viết thẳng thắn như thế. Sau đó tôi tìm hiểu và biết blogger đó tên là Trương Duy Nhất, lượng người đọc blogger này tập trung ở bài đó là khá nhiều.

Trong hội nghị trung ương 7 thì lại xuất hiện tiếp một bài của Trương Duy Nhất. Bài này cũng đã lan truyền khá rộng, có tiêu đề là “Hai tân ủy viên Bộ Chính trị”, nói về ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Nhưng mà vấn đề lớn nhất, có lẽ là đáng chú ý nhất của bài viết này, chính là mức độ cập nhật thông tin của bài viết rất cao. Mà tôi để ý là lượng người đọc blogger Trương Duy Nhất ở bài viết này rất lớn. Có thể nói giống như một bài tường thuật bóng đá, gần như từng phút, hoặc từng nửa tiếng đồng hồ một, và thêm những phần bình luận gần như là một người trong cuộc chứ không phải là một người ngoại cuộc.

Tôi cũng được biết là blogger Trương Duy Nhất trong thời gian họp Quốc hội đã tổ chức một cuộc gọi là “Bỏ phiếu cùng Quốc hội” trên blog. Cuộc bỏ phiếu này nhắm tới việc lấy phiếu tín nhiệm “ngoài lề” cho một số nhân vật là đại biểu Quốc hội, và các chức danh cao cấp trong Đảng và Chính phủ, trong đó có Thủ tướng.

Nói tóm lại, nếu lướt qua những bài viết của Trương Duy Nhất trong thời gian gần đây thì blogger này đánh giá, bình luận và chỉ trích những nhân vật cấp cao của Bộ Chính trị, trong đó chủ yếu có hai người. Một là Thủ tướng và hai là Tổng bí thư. Đó là việc thứ nhất tôi có thể bình luận.

Yếu tố thứ hai là lần này cơ quan an ninh điều tra - như báo Thanh Niên và một số báo trong nước có đưa tin - thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với blogger Trương Duy Nhất là theo điều 258, tức là “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Tôi cũng đang tự hỏi tại sao.

Thường thì trước đây người ta áp dụng điều 88 (tuyên truyền chống Nhà nước), hoặc nặng hơn nữa là điều 79 (âm mưu lật đổ chính quyền). Song lần này lại không phải là điều 88 và 79 mà lại là điều 258. Rõ ràng là điều 258 nhẹ hơn điều 88 và điều 79.

Và điều 258 này cũng làm tôi nhớ lại một trường hợp khác. Vào tháng 11/2010, blogger Cô Gái Đồ Long, tên thật là Hương Trà, cũng đã bị cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an bắt về điều 258. Thời gian đó thì có một số đồn đoán, cho là Hương Trà đã đưa ra một số thông tin chỉ trích gia đình một Thứ trưởng Bộ Công an, dù có thông tin từ Bộ Công an phủ nhận chuyện đó. Đấy là theo tin đồn ngoài lề.

Trường hợp của Trương Duy Nhất cũng lặp lại như Hương Trà về điều 258. Tôi cho là có thể có một cái ý gì đó, mà tôi chưa biết rõ.

Tuy nhiên có một chi tiết khác liên quan tới việc bắt giữ Trương Duy Nhất. Cũng giống như lần trước bắt giữ Hương Trà, là sau khi Trương Duy Nhất bị bắt, thì ngay lập tức chiều nay báo chí trong nước đã được thông tin. Thậm chí là thông tin một cách khá đầy đủ, lập tức đưa tin ngay. Đó là việc thứ nhất.

Thứ hai, báo chí trong nước cũng đưa tin, là công an Đà Nẵng bắt, nhưng có sự phối hợp với an ninh của Bộ Công an. Sau đó Trương Duy Nhất được di lý ra Hà Nội. Điều đó làm cho dư luận có cảm giác đây là một vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Và việc bắt giữ cũng như di lý Trương Duy Nhất ngay ra Hà Nội và thông tin lập tức cho báo chí, cho thấy một quyết tâm nào đó của những người chỉ đạo bắt blogger Trương Duy Nhất.

Đó là một số vấn đề trước mắt, theo những thông tin sơ bộ mà tôi nắm được. Tôi cho là có những vấn đề có lẽ cần phải bàn luận thêm.

*
*
Tháng Năm 26, 2013

Tháng 10 năm ngoái, “Một góc nhìn khác” đã nhận được lời cảnh cáo về “thái độ tiêu cực, thiếu ý thức xây dựng, thậm chí kích động dư luận xã hội“.

Tuy nhiên, bấy giờ Trương Duy Nhất đã trả lời rằng “nếu chỉ đọc thấy trên trang này “thái độ tiêu cực, thiếu ý thức xây dựng, thậm chí kích động dư luận xã hội“, thì chính quí vị mới là kẻ tiêu cực, thiếu ý thức và kích động, thậm chí là… phản động!”. Nói thẳng như thế, với cơ quan an ninh.

Không ít lần, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp (trên một bản sử ký chẳng hạn tôi đã nói anh “mó dái ngựa”) tôi bóng gió nói về việc Trương quá thẳng thắn và những lời lẽ sắc bén như dao cạo của anh khiến ngay cả những người đọc bình thường cũng gây sốc. Nhưng, với tính cách người xứ Quảng (nơi anh lớn lên từ bé), Trương Duy Nhất nói anh không chịu nổi “cách nói kiểu Bắc Hà”.

Sau khi anh post bài này, tôi có trao đổi với anh rất dài. Trương Duy Nhất có đùa rằng nếu anh “có làm sao” thì hy vọng tôi là người sẽ đi thăm anh. Tuy nhiên, Nhất khẳng định Công an không thể bắt anh được. Vì anh công khai tên tuổi. Vì anh nói thật. Vì người ta không thể bắt một người vì nêu chính kiến cá nhân, dẫu những ý kiến đó là chỉ trích và có thể làm người khác tức giận.

Nhưng hôm nay, Trương Duy Nhất đã bị bắt. Dù lý do chưa được tiết lộ. Nhưng với điều 258, có lẽ, sẽ ít nhiều liên quan đến những điều anh viết. Thôi thì cứ coi như là “Sinh nghề tử nghiệp”. Cứ coi như anh phải trả giá cho khí chất xứ Quảng thẳng đến không thể chịu nổi.

Dưới đây là bài mà Trương Duy Nhất đã viết vào tháng 10 năm ngoái, với nhan đề “Viết sau 3 cuộc làm việc với công an”.

*
*
Sau khi về quê ngoại truy lục lý lịch, sáng qua thứ sáu 12/10/2012, công an tiếp tục làm việc với tôi.
Thật ra đây là lần thứ ba. Hai lần trước tôi đã im lặng bởi coi đó là những động thái góp ý thiện chí, tích cực. Lần này là A 87 (cục an ninh thông tin truyền thông Bộ Công an), cơ quan an ninh văn hóa và an ninh điều tra. Thượng tá Trần Quốc Bảo khuôn mặt tươi tỉnh, dễ cảm tình. Phía công an Đà Nẵng, đại tá Nguyễn Ngọc Dương và thượng tá Nguyễn Nho Chinh (trưởng- phó phòng PA83) thì không xa lạ gì. Đây là 3 khuôn mặt tạo cho tôi nhiều ấn tượng tốt, cho tới bây giờ.

Nhưng sau khúc chào hỏi dạng tuyên bố lý do, giới thiệu mục đích quen thuộc khá nhã nhặn cảm tình là một buổi khảo tra, qui chụp khá nặng nề kéo dài đến gần 12 giờ trưa (cho dù tôi đã tuyên bố trước là chỉ làm việc đến 11 giờ). 3 cán bộ khá trẻ với những tập bài viết photo dày cộp ngồi đối diện tôi là Nguyễn Văn Cương (A87, không biết hàm chức gì vì mặc thường phục, không phù hiệu không bảng tên), thiếu tá Nguyễn Ngọc Ánh (PA83) và thượng úy Lê Thanh Dương (PA92).

Phía công an gọi cuộc làm việc, truy hỏi này là “trao đổi đối thoại”, nhưng tôi không có nhu cầu trao đổi đối thoại với công an. Những gì cần viết tôi đã viết, những gì cần nói tôi đã nói, những gì cần trao đổi tôi cũng đã trao đổi, trao đổi đến cạn nghĩa dốc lòng qua hai lần làm việc trước. Vì thế lần thứ 3 này tôi không còn nhu cầu trao đổi đối thoại nữa.

Một “biên bản lấy lời khai” được lập như mọi lần. Tôi ký như muốn rạch nát tờ giấy sau khi ghi “Tôi không đồng ý với cách ghi “lời khai” bởi tôi không phải là tội phạm và cũng không có hành vi sai phạm nào. Tôi không đồng ý với những nhận xét mang tính qui chụp của câu hỏi. Trang blog của tôi không có bất cứ điều gì sai phạm”.

Đã 3 lần công an mời tôi lên làm việc. Thậm chí đã nhiều lần tôi chấp nhận cả các hình thức “trao đổi đối thoại” ở quán nhậu- cà phê. Vì thế, đây cũng sẽ là lần cuối cùng tôi chấp nhận đến làm việc với công an theo giấy mời.

Tôi đã định dành một bài chi li trả lời lại những câu hỏi khảo tra đầy tính qui chụp qua tất cả 3 cuộc làm việc, nhưng nghĩ lại thấy không cần thiết. Điều đó đến giờ là quá thừa.

Nên biết đọc và nhìn những bài viết trên trang của tôi ở nghĩa tích tực. Và thật sự rất nhiều bài viết, nhiều phản biện góp bàn của tôi đã tạo ra những hiệu ứng và thay chuyển tốt. Hơn 4 năm trước, khi một ông Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương phán định trang Trương Duy Nhất có “thái độ tiêu cực, thiếu ý thức xây dựng, thậm chí kích động dư luận xã hội“, tôi đã trả lời rằng “nếu chỉ đọc thấy trên trang này “thái độ tiêu cực, thiếu ý thức xây dựng, thậm chí kích động dư luận xã hội“, thì chính quí vị mới là kẻ tiêu cực, thiếu ý thức và kích động, thậm chí là… phản động!”.

Tôi không phải tội phạm. Những bài viết trên trang blog Trương Duy Nhất- Một góc nhìn khác cũng không đả phá, không phản động. Những loại giấy mời, triệu tập và hình thức khảo tra đó hãy dành cho những thằng phản động đang “cõng rắn cắn gà nhà”, những “nhóm lợi ích” đang thâu tóm hệ thống ngân hàng và tài sản quốc gia, những “bầy sâu ăn hết phần của dân”, những “bộ phận không nhỏ” trong đảng đang đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ.

Đấy mới là cách bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ. Bọn đó mới là tội phạm, là lũ trọng phạm đang đục khoét đe dọa đến sự tồn vong của đảng và chế độ, chứ không phải là trang blog của tôi. Bọn đó mới là lũ phải gửi “giấy mời”, phải triệu tập, phải bắt giam, phải… chém đầu bêu trước nhân dân!
Đó mới đúng là chức phận của ngành công an. Cái còng và khẩu súng là để chĩa vào bọn vinh thân phì gia, những kẻ đang cài nhét con cháu vào ghế này chức nọ bất chấp nguyên tắc và đạo lý, đục khoét ăn hại tàn phá đất nước, chứ không phải chĩa về những cây bút dám vứt bỏ hi sinh tất tật mọi quyền lợi để dốc lòng cạn tâm đêm ngày phản biện góp bàn cho sự chuyển thay tích cực của đảng và dân tộc như Trương Duy Nhất. (Ảnh: Trương Duy Nhất (áo đen) trong một lần ra Hà Nội)

*
*
27-5-2013

(TTHN) – Đây là bài viết đã đăng trên TTHN, bức thư được gửi đến hộp thư của TTHN với bút danh Tom Cat với tiêu đề “Tom Cat cảnh báo blogger Trương Duy Nhất”, chúng tôi không có điều kiện kiểm chứng tính xác thực nên xin đăng nguyên văn với sự thận trọng nhất để bạn đọc tham khảo.

*
*

“Vì nhiều lý do nên tôi không trực tiếp gửi bài này cho ban biên tập Dân Luận và X-café đăng dùm tôi như mọi lần. Xin nhờ web site TIN TỨC HÀNG NGÀY đăng tải giúp. Xin cảm ơn” – TC.

Đã trở thành thông lệ, mỗi khi Tom Cat tôi buộc phải lên tiếng thì một nhân vật có ý tưởng chống đối chính quyền sẽ phải vào tù. Lần đầu là trường hợp của ông Cù Huy Hà Vũ, gần đây tôi đã cảnh báo Blogger Người Buôn Gió – anh Bùi Thanh Hiếu, cùng các ông Nguyễn Hữu Vinh và ông Nguyễn Xuân Diện. Tất cả những lời cảnh báo của tôi tới họ xuất phát từ việc tôi thật sự không muốn những người mà tôi tôn trọng và phải ngồi tù. Lần cảnh báo gần đây nhất đã được các anh có tên trên tiếp thu và biết điều hơn, ngoại trừ trường hợp Blogger Người Buôn Gió – anh Bùi Thanh Hiếu vẫn tỏ ra chưa biết sợ.

Anh Trương Duy Nhất thân mến, mặc dù anh cố tình tỏ ra không phải là thành phần chống đối chế độ, nhưng các hoạt động và các bài viết của anh đã khiến cho một số lãnh đạo và những người làm công tác an ninh và bảo vệ tư tưởng văn hóa đặc biệt khó chịu. Khi anh núp bóng viết blog phản biện nhưng thực chất việc làm của anh là dựa vào một thế lực chính trị khác trong đảng để chống đối, bôi nhọ và nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước nhằm mục đích chia rẽ gây hoang mang trong dư luận quần chúng. Điều này hết sức nguy hiểm, là một kiểu tự diễn biến đánh từ trong đánh ra. Điều này rất bất lợi cho sự lãnh đạo của đảng và chính quyền.

Tôi xin mạn phép cảnh báo anh Nhất biết là đã có quyết định chính thức của cơ quan chức năng sẽ buộc phải vô hiệu hóa anh nếu anh còn tiếp diễn. Tôi rất lấy làm tiếc về điều này, và thật sự tôi hy vọng với những dòng cảnh báo này anh sẽ chấm dứt hoàn toàn những hoạt động chống đối trên, xin anh nên nhớ không có bất kỳ thế lực nào có thể đảm bảo sự an toàn cho anh ngoài cá nhân anh. Như vậy thì cơ quan Công An có thể sẽ tha thứ cho anh, tôi thật sự không muốn anh vào tù trước Tết Nguyên đán và rất mong anh suy nghĩ.

Trân trọng
Tom Cat

P/s: Anh nên chuẩn bị các tài liệu và câu trả lời về chuyến đi du lịch Bắc Mỹ trong thời gian vừa qua của anh.

(TTHN)

Blogger Trương Duy Nhất chuyến đi du lịch Bắc Mỹ trong thời gian vừa qua

*
*

27.5.13      55 Commentshttp://img2.blogblog.com/img/icon18_edit_allbkg.gif

Theo tin từ báo Thanh Niên, vào hôm 26/5/2013, blogger Trương Duy Nhất đã bị An ninh bộ CA bắt khẩn cấp. Đây là một thông tin rất bất ngờ và hiện đang gây xôn xao dư luận.

Chủ nhân của trang blog nổi tiếng 'Một góc nhìn khác' bị bắt với cáo buộc 'lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân' theo điều 258 bộ luật hình sự. Mức án cho tội danh này có thể lên đến 7 năm tù giam.

Đến thời điểm này, trang blog chính tại địa chỉ truongduynhat.vn và các trang dự phòng của blogger này đã không còn truy cập được.

Theo trang blog của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, thì từ sáng ngày 16/5, đã "có nhiều nguồn tin không chính thức từ Đà Nẵng cho biết blogger Trương Duy Nhất, chủ trang blog nổi tiếng "Một góc nhìn khác" đã bị bắt tại Đà Nẵng và di lý ra Hà Nội".

Trương Duy Nhất từng là một nhà báo hành nghề trong hệ thống báo chí nhà nước, viết cho báo Công An Quảng Nam Đà Nẵng, Đại Đoàn Kết. Tuy nhiên, blogger này được biết đến nhiều qua các bài viết được đăng trên trang blog cá nhân, đặc biệt là sau sự kiện ông tuyên bố: bỏ viết báo để chuyển sang viết blog

Trang blog với câu slogan ấn tượng 'Một góc nhìn khác' của Trương Duy Nhất có lượng truy cập khá đông, với những thông tin nhanh nhạy, kịp thời cùng với nhiều bài bình luận mang tính thời sự.

Một số bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của blogger này đã tạo nên nhiều cuộc tranh luận gay gắt. Ngoài ra, trang blog Trương Duy Nhất cũng nhiều lần là mục tiêu tấn công, phá hoại của tin tặc.

Vụ bắt giữ blogger Trương Duy Nhất hiện đang gây nên sự chú ý đặc biệt của dư luận. Hiện đang có rất nhiều suy đoán khác nhau liên quan đến sự kiện này.




*
*

26/05/2013 19:15

(TNO) Chiều nay 26.5, nguồn tin Thanh Niên Online cho biết Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an vừa tiến hành bắt giữ ông Trương Duy Nhất (49 tuổi, ngụ tại TP.Đà Nẵng) về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ luật Hình sự.

Sau khi thực hiện lệnh bắt, Cơ quan an ninh điều tra cũng đã tiến hành khám xét khẩn cấp đối với ông Trương Duy Nhất (hộ khẩu thường trú và chỗ ở: số 25 Tống Phước Phổ, P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).

Quá trình bắt và khám xét khẩn cấp được Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an phối hợp với Công an TP.Đà Nẵng thực hiện.

Chiều cùng ngày ông Nhất đã được di lý từ TP.Đà Nẵng ra Hà Nội.

Ông Trương Duy Nhất nguyên là nhà báo nhưng được biết đến nhiều hơn với tư cách là chủ của trang blog Một góc nhìn khác.
Hiện tại trang blog Một góc nhìn khác do ông Nhất điều hành đã không còn truy cập được.
Được biết, ông Trương Duy Nhất có thời gian làm báo Công an Quảng Nam Đà Nẵng, sau đó chuyển sang báo Đại Đoàn Kết, thường trú khu vực miền Trung.
Ông Trương Duy Nhất "gia nhập" cộng đồng mạng bằng tuyên bố "bỏ viết báo, chuyển sang viết blog", và bắt đầu thu hút sự chú ý bằng các bài viết bình luận thời sự, nhưng dưới một góc nhìn khác, theo chủ ý Trương Duy Nhất.
Các bài viết của ông Trương Duy Nhất gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí cả những cuộc "bút chiến" kịch liệt giữa các blogger.
Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của ông Trương Duy Nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.
-----------------------------------
Điều 258, Bộ luật Hình sự: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

T.U



No comments:

Post a Comment

View My Stats