Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com
Cập
nhật: 11:17 GMT - thứ ba, 28 tháng 5, 2013
Những người từng học về nghệ thuật quản lý và lãnh đạo ở
nhiều nước trên thế giới hẳn biết tới Sarah.
Đó không phải là tên của một cô nàng tóc vàng óng ả có
tài lãnh đạo nào mà đơn giản là những chữ cái đầu của Shock - Anger - Rejection
- Acceptance - Help.
Những từ tiếng Việt tương đương là Sốc - Giận dữ - Chối
bỏ - Chấp nhận và Trợ giúp.
Đây là những giai đoạn tâm lý mà một cá nhân hay tổ chức
phải trải qua trong các cơn khủng hoảng hay chấn động.
Trước một điều không mong muốn xảy ra, người ta thường
chuyển từ cú sốc ban đầu sang tức giận, chối bỏ thực tế rồi tiến tới chấp nhận
và hiểu ra mình cần được trợ giúp để vượt qua khủng hoảng.
Vẫn còn chối bỏ
Về mặt kinh tế, đảng cộng sản đã đi qua toàn bộ năm giai
đoạn này với những mức độ khác nhau.
Từ cú sốc mà những tác hại của nền kinh tế mệnh lệnh cũng
như sự sụp đổ của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu gây ra, Đảng giữ
sự bực tức và chối bỏ thực tế trong một thời gian trước khi chấp nhận từ bỏ mô
hình kinh tế xã hội chủ nghĩa cực đoan và đón lấy bàn tay của kẻ cựu thù Hoa Kỳ
và khối được lập ra với mục tiêu chống cộng ASEAN cùng nhiều tổ chức và quốc
gia khác nhằm thoát ra khỏi vũng lầy kinh tế.
Về mặt chính trị, Đảng vẫn mới chỉ ở giai đoạn tức giận
và chối bỏ.
Ngay cả những người tù chính trị năm xưa cũng không thể
chấp nhận chuyện họ bị thách thức và lại bị cáo buộc bỏ tù những người bày tỏ
chính kiến, điều mà nhiều lãnh đạo lão thành của Việt Nam đã và đang làm.
Họ còn chưa chấp nhận rằng tiếng nói, cho dù có trái
chiều, của mỗi một người dân ở quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới đều có
thể được bày tỏ và đều có thể có trọng lượng nhất định.
Các nhà lãnh đạo cao cấp, hầu hết ở độ tuổi trên 60,
không chấp nhận cách phản ứng của người dân mà độ tuổi trung bình chưa bằng nửa
độ tuổi của giới lãnh đạo chóp bu.
'Nắm chính nghĩa'
Người đi theo Cách mạng từ khi còn trẻ tuổi và từng giữ
chức phó chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hiếu Đằng, nói
Đảng đang "đi ngược lại lợi ích của dân tộc và xu thế của thời đại về đấu
tranh cho dân quyền và nhân quyền" mà ông nói Hiến pháp 1946 của Việt Nam
đã công nhận.
Ông Đằng nói khi ông theo Cách mạng, chính những người
lãnh đạo của ông cũng "dạy" ông rằng người ta không bao giờ từ bỏ
quyền lợi, không bao giờ rời vũ đài chính trị một cách tự nguyện.
Ông nói thêm,trong phỏng vấn với BBC hôm 27/5,về làn sóng
đấu tranh của người dân hiện nay:
"Khi chúng tôi đi theo Cách mạng thì chúng tôi cũng nói là hễ mình có
chính nghĩa thì sẽ thắng lợi thôi, mà hiện nay chúng tôi nắm chính nghĩa trong
tay. Bởi vì chúng tôi đấu tranh để bảo vệ độc lập và toàn vẹn đất nước, đấu
tranh chống tham nhũng, đấu tranh cho một nền dân chủ, đấu tranh cho các quyền
dân sinh dân chủ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam mà do họ thấp cổ bé họng họ
không thể nói được thì những người có điều kiện trong xã hội hiện nay cần phải
có tiếng nói. Chứ không thể để cho một bộ phận nhóm lợi ích khuynh loát chính
quyền và làm thiệt hại biết bao nhiêu".
'Bạo lực chính trị'
Sự không chấp nhận thực tế mới của nhiều lãnh đạo cộng
sản ở Việt Nam thể hiện qua việc họ dùng nhiều biện pháp để trấn áp những người
dám lên tiếng đấu tranh.
Ông Đằng dẫn trường hợp của hai nhà hoạt động có tiếng từ
thời cuộc chiến Việt Nam và có những hoạt động phản kháng trở lại trong thời
gian gần đây, ông Huỳnh Tấn Mẫm và Hồ Ngọc Nhuận.
Bộ công an đã gây sức ép với hiệu trưởng của trường dành
cho trẻ em tự kỷ mà ông Mẫm giúp lập ra với hơn 100 học sinh theo học trong khi
gia đình và cá nhân ông Nhuận bị đe dọa, theo ông Đằng.
Nhưng những hành động như thế này của công an Việt Nam sẽ
chỉ làm cho người dân hiểu thêm về sự sai trái của chính quyền và làm lớn thêm
đa số thầm lặng ủng hộ các hành động phản kháng, người từng là lãnh đạo trong
Mặt trận Tổ quốc nói.
Ông Đằng bình luận thêm rằng đa số thầm lặng này đến
"một lúc nào đó" sẽ trực tiếp tham gia đấu tranh và như vậy chính các
nhà lãnh đạo hiện nay đang tự làm lung lay ghế của chính họ bằng những hành
động mà ông Đằng nói rằng "tạo sự khủng bố".
Ông nói : "Việc bắt bớ không làm sứt mẻ gì phong
trào đấu tranh cho dân chủ trong nước mà càng làm cho mọi người phẫn nộ và tham
gia nhiều hơn nữa".
Cho tới nay Đảng cộng sản không tự nguyện chấp nhận thực
tế mới và ông Đằng cho rằng sẽ đến lúc các lãnh đạo Cộng sản bị buộc phải chấp
nhận "xu thế của thời đại".
Có thể nói Đảng mới đi được nửa đường trong quá trình
chinh phục Sarah.
Nửa đường còn lại chông gai nhất nhưng cũng hứa hẹn mang
lại nhiều phần thưởng nhất cho những người dám đối diện với thực tế và với
chính mình.
Thay vì sống trong sợ hãi với một trái bom nổ chậm, nhiều
nhà đấu tranh trong đó có những người có hàng chục năm tuổi Đảng đang thúc giục
giới lãnh đạo hiện nay dũng cảm tháo ngòi nổ.
Và một trong những cách tháo ngòi nổ là để cho mỗi người
Việt Nam có quyền nói lên suy nghĩ của họ nhằm góp phần chỉ ra những gì mà một
số nhà phân tích coi là "bạo lực chính trị" ẩn chứa trong những khái
niệm và tổ chức nghe có vẻ trung lập và ôn hòa, từ chủ nghĩa cộng sản tới những
định chế an dân như viện kiểm sát, tòa án và quốc hội.
Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com
No comments:
Post a Comment