Tuesday, 14 May 2013

BÀ HỒ THỊ BÍCH KHƯƠNG BỊ BIỆT GIAM, BÀ TẠ PHONG TÂN BỊ CHUYỂN TRẠI (Gia Minh - RFA)




Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-05-14

Hai nữ tù nhân lương tâm được nhiều người biết đến tại Việt Nam là bà Hồ thị Bích Khương và Tạ Phong Tần vừa được người nhà lên tiếng cho hay tình trạng đáng ngại của họ trong nhà tù.

Blogger Tạ Phong Tần, người chịu án 10 năm về tội tuyên truyền chống Nhà Nước cùng trong vụ án với blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và blogger Anhba Saigon, chỉ vì công khai lên tiếng về tình hình bất công, tham nhũng tại Việt Nam nay bị chuyển trại từ Xuân Lộc, Đồng Nai ra Thanh Hóa.

Cô Tạ Minh Tú, em gái của blogger Công lý & Sự Thật Tạ Phong Tần cho biết mới được người chị từ nhà tù gọi điện về cách đây một hôm, và nay gia đình đang trên đường mang những thứ cần thiết để đến trại mới gặp blogger Tạ Phong Tần:
“Tin mới nhất là họ chuyển chị ra Thanh Hóa mà gia đình không hay, họ không thông báo cho gia đình. Mới cách đây một ngày chị có điện về nói ở Thanh Hóa rất lạnh. Chị thì bị bệnh viêm họng mãn tính và khớp mà hai thứ bệnh đó kỵ lạnh. Thời tiết như thế người ta vào nam để tránh mà đưa chị ra đó. Gia đình nhận định là họ gây khó cho gia đình thăm nuôi.”

Một tù nhân lương tâm khác là bà Hồ thị Bích Khương, hiện đang bị giam tại Trại giam Thanh Chương, Nghệ An, và gia đình cho biết bà bị biệt giam hơn chục ngày qua.

Lý do mà gia đình nhận định về việc biệt giam bà Hồ thị Bích Khương lâu nay luôn cương quyết không nhận tội, tiếp tục đấu tranh dù phải chịu tù tội. Dù bị đánh đập trong tù đến thương tích nhưng bà Hồ thị Bích Khương vẫn không nản chí. Bà kiên trì viết đơn tố cáo và tìm mọi cách để gửi ra bên ngoài.

Tin từ người nhà cho biết cách đây hơn 10 ngày, đứa con trai duy nhất chưa đến tuổi vị thành niên của bà Hồ thị Bích Khương được những người quen đưa đến để gặp mẹ trong tù. Sau khi về, cháu nói lại về tình hình của bà mẹ cho người dì là bà Hồ thị Lan, và bà này cho biết như sau:
“Có người ở đó gọi điện lén về cho tôi, và cháu Đức được đưa đến đó và là người đang được nuôi dưỡng nên được cho gặp. Cháu được gặp và mẹ nói bị biệt giam. Cháu nói mẹ nhìn chậm chạp, ngơ ngẩn như mất trí.”

Bản thân bà Hồ Thị Lan cũng là người thân hằng tháng đều có đi thăm em gái là Hồ thị Bích Khương trong tù. Qua những lần thăm nuôi đó, bà có nhận xét về sức khỏe cũng như những yêu cầu từ bản thân bà Hồ thị Bích Khương như sau:
“Những lần tôi đi thăm trước thì Bích Khương có nói nhờ bên ngoài tác động và các cơ quan báo chí tác động để cho Khương được đi phẫu thuật lại cánh tay. Bây giờ cứ đau ê ẩm. Họ nói cho đi bệnh viện Thanh Hóa nhưng Khương không đồng ý, vì khi Khương bị tai nạn đưa vào bệnh viện Thanh Hóa họ không nhận, phải đưa đến bệnh viện Trung ương mới làm được, mà bây giờ lại đưa vào bệnh viện Thanh Hóa không thể bảo đảm được nên Khương không chịu. Bây giờ Khương muốn về lại nơi viện chữa trước đây nhưng họ không cho đi.
Khương đòi gặp đại diện quốc tế về nhân quyền để đối chất ba mặt một lời xem Khương có sai hay là bị hại.”

Đây không phải là lần đi tù thứ nhất của bà Hồ thị Bích Khương mà là lần thứ ba. Điều khiến bà Hồ thị Bích Khương phải đi tù là do từ uất ức bản thân bị oan ức vì tài sản, đất đai bị thu hồi, phá hết một cách phi pháp. Bà đi khiếu kiện cho trường hợp của bản thân, từ đó giúp cho những người khác; và tố cáo những quan chức, nhân viên công quyền vi phạm pháp luật, cũng như những bất cập của chế độ hiện hành.

Bà Hồ thị Lan đưa ra nhận định về người em và việc cơ quan chức năng khép tội cho bà Hồ thị Bích Khương:
“Tôi rất thương em, từ ngày nhỏ chúng tôi mất mẹ, sau đó năm 84-85 tôi đi thoát ly. Ở nhà em tôi xây dựng được quán, ốp làm ăn khấm khá, giỏi giang. Nhưng họ phá quán, phá ốp nhiều lần. Phá mà không thỏa thuận, bồi thường. Khi Khương biết trong ‘hiến pháp 92’ nên từ năm 93 đến nay đi khiếu nại. Khi đi khiếu nại thì gặp nhiều người cùng cảnh ngộ, nhưng đi đâu cũng bị ‘đá bóng’. Đi khiếu kiện đến khi không còn gì nữa, Khương uất ức lên. Họ ghét và đổ cho tội chống nhà nước. Khương là người yêu nước yêu dân, không có tội.
Vụ án này khi họ bắt Khương thì người dân chúng tôi cũng tưởng có tội; nhưng khi ra tòa thì có luật sư bào chữa. Luật sư là người học từ trường Cộng sản bảo vệ nói Khương không có tội, nên chúng tôi nhận thấy Khương không có tội. Nhưng Khương vẫn bị đi tù. Chúng tôi biết họ làm sai nhưng không biết làm sao cả.”

Xin phép được nhắc lại blogger Tạ Phong Tần từng là một đảng viên Cộng sản và làm trong ngành công an. Bà trở thành một nhà báo tự do và viết blog lên tiếng đấu tranh về những tệ trạng tham nhũng tại Việt Nam. Bà bị bắt hồi tháng 9 năm 2011 cùng với hai blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và AnhbaSaigon Phan Thanh Hải trong nhóm Câu Lạc Bộ Nhà báo tự do. Đến ngày 24 tháng 9 năm 2012 tòa sơ thẩm thành phố Hồ Chí Minh tuyên án blogger Tạ Phong Tần 10 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước XHCNVN. Phiên phúc thẩm vào ngày 28 tháng 12 cùng năm giữ nguyên mức án do tòa sơ thẩm đã tuyên.

Hồi ngày 8 tháng 3 năm nay, blogger Tạ Phong Tần được ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry vinh danh là một trong 10 phụ nữ can đảm trên thế giới.

Còn bà Hồ thị Bích Khương hồi năm 2005 bị tòa án quận Ba Đình, Hà Nội kết án 6 tháng tù về tội gọi là gây rối trật tự. Đến tháng 4 năm 2007, bà lại bị bắt và sau đó bị tòa án Nam Đàn, Nghệ An kết án 2 năm tù giam với tội danh ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà Nước, xâm phạm lợi ích công dân’. Vào tháng 12 năm 2010, bà bị bắt lại, và phiên tòa sơ thẩm vào ngày 29 tháng 12 năm 2011, tòa án tại Vinh xử bà 5 năm tù giam và ba năm quản chế. Phiên phúc thẩm vào ngày 30 tháng 5 năm 2012 tòa phúc thẩm y án sơ thẩm.

Bà Hồ thị Bích Khương được tổ chức Human Rights Watch trao giải Hellman Hammett năm 2011.



No comments:

Post a Comment

View My Stats