Tuesday 21 August 2012

VỤ WIKILEADS : RẮC RỐI CHÍNH TRỊ, RẮC RỐI NGOẠI GIAO (Hà Tường Cát / Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Saturday, August 18, 2012 3:41:30 PM

LONDON -Chính quyền Ecuador hôm Thứ Năm loan báo quyết định cho ông Julian Assange hưởng quy chế tị nạn.

Chính phủ Anh Quốc và Thụy Ðiển mạnh mẽ phản đối hành động này, đưa tới tình hình căng thẳng ngoại giao trầm trọng giữa hai nước Bắc Âu với quốc gia Nam Mỹ.

Anh Quốc khẳng định sẽ không để Assange ra khỏi nước Anh. Nhưng ngoại trưởng Ecuador, ông Ricardo Patino, cảnh cáo là Anh “nên tôn trọng quyết định của một nước ngoài,” nếu không “chúng tôi sẽ dùng những phương cách khác, chiếu theo công pháp quốc tế, để yêu cầu Anh phải cho đi”. Ông Paterno giải thích thêm: “Tôi không cho là hợp lý khi một chính phủ ngoại quốc đã quyết định cấp quyền tị nạn chính trị mà một công dân còn bị buộc phải lưu lại một thời gian lâu dài trong sứ quán”.

Julian Assange đã trốn vào tòa đại sứ Ecuador ở London ngày 20 tháng 6. Việc này đã có nguồn gốc từ lâu dài. Tháng 11 năm 2010, thứ trưởng ngoại giao Ecuador là Kintto Lucas đề nghị Assange có thể đến sống tại Ecuador và như vậy “tự do trình bày tất cả những thông tin gì mà ông ta có”. Từ gần hai năm nay, giữa hai bên đã có nhiều tiếp xúc và Ecuador bí mật thương lượng với Anh đề nghị cho Assange ra đi. Về phía Australia, mặc dù Assange là công dân nước này, chính phủ Australia tuyên bố không can thiệp và nói rằng đây là chuyện giữa đương sự với Thụy Ðiển và Anh.

Dư luận cho rằng tổng thống Ecuador, ông Rafael Correa, có quyết định làm lớn chuyện cho Assange tị nạn là nhằm nhu cầu tái tranh cử vào đầu năm tới. Ông muốn chứng tỏ với dư luận rằng mình là người chủ trương dân chủ, bênh vực quyền tự do phát biểu.

Lập luận của Assange và Ecuador
Assange cho rằng việc Thụy Ðiển truy tố ông về vụ tấn công tình dục hai phụ nữ chỉ là cái cớ để che đậy một âm mưu chính trị. Nếu ông bị dẫn độ qua Thụy Ðiển, nước này sau đó sẽ giải giao ông sang Hoa Kỳ để bị truy tố về việc WikiLeaks tiết lộ những hồ sơ mật của Hoa Kỳ và có thể lãnh án tử hình.

Ngoại trưởng Ecuador tán đồng lập luận ấy, cho là “có những yếu tố khác” trong việc Thụy Ðiển muốn dẫn độ Assange và có mối nguy hiểm đến sinh mạng Assange. Ông Paterno nói: “Nếu Assange bị dẫn độ sang Hoa Kỳ, ông ta sẽ không được xét xử công bằng. Ông ta có thể bị xử trước tòa án quân sự hay một tòa án đặc biệt. Cũng không phải là không thể ông ta sẽ bị ngược đãi hay sự đối xử tàn bạo và có thể lãnh án chung thân hay tử hình”. Do đó, theo ông hành động của Ecuador nhằm bảo đảm là người Mỹ, Anh, Thụy Ðiển không đưa Assange đến Hoa Kỳ. Cả ba nước mạnh mẽ gạt bỏ lý luận ấy.

Tỏ bày sự bất bình với việc Ecuador cấp quy chế tỵ nạn cho Assange, Bộ Ngoại Giao Thụy Ðiển cho biết đã triệu đại sứ Ecuador tới để đưa thư phản kháng. Ngoại Trưởng Carl Bildt bác bỏ lập luận của Ngoại Trưởng Paterno và nói rằng “Thụy Ðiển không để Ecuador phải chỉ dạy”. Theo ông, Thụy Ðiển hành động bằng quyền của nước mình để thẩm vấn Assange về tội trạng bị cáo buộc. Ông cũng phủ nhận việc Assange cuối cùng có thể bị đưa sang Hoa Kỳ và đương đầu với án tử hình. Ông cũng nhắc lại rằng Tòa án Nhân quyền Âu Châu không cho phép dẫn độ một nghi can tới một nước có luật phạt tử hình.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Victoria Nuland tuyên bố không chấp nhận lối giải thích của Assange cũng như sự phụ họa của Ecuador về lập luận ấy. Bà nói: “Tôi hoàn toàn bác bỏ lời tố giác rằng Hoa Kỳ có ý định bức hại ông ta”.

Trong khi đó cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol, trụ sở đặt tại Pháp, cho biết tên của Assange vẫn nằm trong danh sách bị truy tầm.

Ngoại Trưởng Anh William Hague tuyên bố “Anh Quốc không có cơ sở pháp lý để cho Assange an toàn đi Nam Mỹ”. Ông minh định rằng Assange bị Thụy Ðiển truy tầm để trả lời những cáo buộc trầm trọng về tấn công tình dục và “việc dẫn độ ông ta không liên hệ gì đến chuyện WikiLeaks hay với Hoa Kỳ”.

Tỵ nạn chính trị hay ngoại giao

Giáo sư công pháp quốc tế Robert Sloane trường đại học Boston cho rằng sự tị nạn mà Ecuador dành cho Assange là ngoại giao hơn là chính trị. Ông giải thích: “Tị nạn chính trị hàm ý là Anh đang bức hại hay đe dọa bức hại ông ta”. Khi dành cho Assange quyền tị nạn ngoại giao, Ecuador để ngỏ cánh cửa cho những thương lượng chính trị. Theo Sloane, loại tị nạn này không viện dẫn một quy chế ngoại giao hay một đặc quyền nào về Assange.

Nhưng Ngoại Trưởng Hague nhấn mạnh rằng Anh Quốc không công nhận ý niệm tỵ nạn ngoại giao, vì đó không phải là một tiêu chuẩn quốc tế để cho hưởng quyền tị nạn.

Các quốc gia ký kết Công ước Quốc tế năm 1951 về Tị nạn, buộc phải xét xem một cá nhân có thật sự bị đe dọa nguy hiểm tính mạng hay thương tật trầm trọng, nếu bị giao cho một cơ quan quyền lực khác hay không. Ðiều 14 của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền viết: “Mọi người có quyền tị nạn tại nước khác để tránh bị bức hại”. Như vậy bình thường, quyền tị nạn sẽ đưa ra khi một người đến biên giới một quốc gia khác và hy vọng được che chở. Trong trường hợp này Assange đã tìm “tị nạn ngoại giao” vì không tới một nước khác mà chỉ chạy vào một cơ sở ngoại giao.

Công ước liên quan đến Quy Chế Người Tỵ Nạn mà Anh và Ecuador đều đã phê chuẩn nói rằng sự che chở không áp dụng cho những ai phạm tội trầm trọng “không liên quan đến chính trị” ở nước ngoài, trước khi người này đến nước được nhận là tị nạn. Như vậy tội Assange tấn công tình dục ở Thụy Ðiển thuộc loại này.

Khi Thụy Ðiển ban lệnh truy tầm tại Âu Châu, các thẩm phán Anh đã chấp thuận cho Assange đóng bail tại ngoại với những điều kiện ràng buộc chặt chẽ trong lúc vụ án còn đang được xem xét. Chạy vào tòa đại sứ Ecuador ở London là Assange đã vi phạm quy định bail và như thế có thể bị bắt bất cứ lúc nào.

Làm thế nào bắt Assange?

Chiếu công ước Vienna 1961 về Quan hệ Ngoại giao, sứ quán là đất thuộc nước ngoài, cảnh sát và viên chức an ninh không được phép vào nếu chưa có phép đặc biệt của đại sứ. Nhưng hôm 15 tháng 8, Anh đã nhắc nhở Ecuador rằng Bộ Ngoại Giao Anh có quyền thu hồi quy chế ngoại giao của tòa đại sứ theo đạo luật về Cơ sở Ngoại giao năm 1987 nghĩa là cảnh sát có thể vào bắt Assange.

Ðạo luật này do Quốc Hội Anh thông qua năm 1987, 3 năm sau khi xảy ra vụ khủng hoảng nữ cảnh sát Yvonne Fletcher bị chết bằng một phát đạn từ tòa đại sứ Libya ở London bắn ra. Ðạo luật được đưa ra với lập luận “cần sử dụng quyền lực trong những trường hợp đặc biệt như chống lại hành động hỗ trợ khủng bố”. Tuy nhiên việc này có thể tạo tiền lệ nguy hại cho các chính phủ khác trên thế giới biện minh việc lùng bắt những phần tử đối lập chạy trốn vào sứ quán, cáo buộc họ phạm tội hình sự trầm trọng

Do đó với thực tế trong vụ Assange, nếu thu hồi quy chế ngoại giao của sứ quán Ecuador thì việc này phải do tòa án quyết định.

Trường hợp chính phủ Anh sẽ phải viện dẫn lý luận rằng ngoại giao đoàn cần tôn trọng luật pháp và trong bất cứ hoàn cảnh nào không thể xen vào những vấn đề nội bộ của nước sở tại; nhưng cũng chắc chắn Ecuador sẽ phản đối và có thể đưa vấn đề ra tòa án quốc tế và tranh biện pháp lý sẽ còn rất rắc rối.

Nhưng đến nay, cảnh sát Anh có mặt thường trực trước tòa đại sứ và nếu Assange bước ra sẽ bị bắt giữ ngay về tội đã vi phạm điều kiện bail. Cho dù Assange sử dụng xe ngoại giao vẫn có thể bị cảnh sát giữ lại, tuy nhiên sẽ không có quyền lục soát để tìm ông ta. Còn khi tới phi cảng, nếu Assange buộc phải bước ra để lên máy bay thì lúc này nguy cơ bị bắt vẫn xảy đến trở lại. Có người nói rằng nếu đưa Assange vào trong một container, thì cảnh sát Anh không được quyền khám xét vì quy chế “kiện hàng ngoại giao”, tuy vậy có những quy định về kích thước và trọng lượng các văn kiện ngoại giao và không thể giấu Assange như vậy được.

Trong quá khứ, một số những người tị nạn đã ở lại các sứ quán một thời gian rất dài từ hàng tháng đến nhiều năm. Hồng Y Jozsef Mindszenty ở 15 năm trong sứ quán Hoa Kỳ tại Budapest, sau khi Liên Xô đàn áp cuộc nổi dậy Hungary năm 1956, và cuối cùng được thương lượng đi qua Áo.







No comments:

Post a Comment

View My Stats