Phạm Đình Trọng
Thứ Hai, 06/08/2012
1. THĂM THẲM ANGKOR
Trở lại sau ba chục năm, tôi thấy đất nước
Campuchia như không hề thay đổi. Ngút ngát tầm mắt vẫn chỉ có hai màu: Màu xanh
mướt mát của thốt nốt, của dừa, của chòm xóm hiền hòa, bình yên và màu nâu nồng
nàn của đất. Đã sang tháng bảy vào mùa mưa mà mới có vài trận mưa rào dè dặt,
ngắn ngủi. Mới có lác đác vài mảnh ruộng xanh màu mạ non. Còn lại cánh đồng
bằng phẳng, tít tắp vẫn một màu đất nâu khô hạn chờ mưa.
Ở Sài Gòn, khu công nghiệp Tân Bình thênh
thang nằm ngay trong thành phố giữa cuồn cuộn người xe. Ra khỏi thành phố đi về
hướng nào cũng gặp liên tiếp những khu công nghiệp rộng lớn. Các khu công
nghiệp nối liền Sài Gòn với các thành phố chung quanh Biên Hòa, Thủ Dầu Một,
Tân An thành một khối đô thị khổng lồ, một liên hiệp các khu công nghiệp mênh
mông, không còn chỗ cho một mảnh ruộng, một bờ cỏ xanh, không còn chỗ cho một
mảnh vườn xum xuê cây trái vốn là hình ảnh thân thuộc từ bao đời của đất miền
Đông, miền Tây Nam Bộ.
Ở Campuchia, một ngày ô tô bon bon hơn năm
trăm cây số qua năm tỉnh đồng bằng đông dân Svay Rieng, Kampong Cham, Kampong
Chnang, Kampong Thom, Seam Reap, tôi không thấy một khu công nghiệp. Theo đường
số Năm từ hướng tây hay theo đường số Một từ hướng đông vào thủ đô Phnom Pênh
hai bên đường cũng chỉ có những ngôi nhà sàn cột bê tông lênh khênh. Nhà sàn dù
tường xây hay tường gỗ, dù mái ngói hay mái tôn thì hai đầu nóc mái nhà nào
cũng có hai đường cong uyển chuyển như cặp sừng duyên dáng trên đầu con bò, như
cặp râu vênh vênh điệu đàng, kiêu hãnh của con kiến. Đó là nét riêng của ngôi
nhà sàn Campuchia.
Ngồi trên ô tô chạy cả ngày đường, chỉ hai
lần tôi nhìn thấy con mương mảnh mai mới đào với chút nước lắp xắp đáy mương
chạy thẳng tắp giữa cánh đồng khô hạn. Nền sản xuất nông nghiệp thô sơ còn phụ
thuộc vào thiên nhiên, một năm chỉ có một vụ lúa vào mùa mưa thế mà ngày nay
Campuchia đã trở thành nước xuất khẩu gạo một triệu tấn năm.
Đi từ Việt Nam sang Campuchia là đi từ sự
hối hả, nhốn nháo sang sự điềm tĩnh, thanh thản. Các khu công nghiệp bề thế,
các khu đô thị ngổn ngang khắp nơi trên đất Việt Nam là sự nhốn nháo trong đời
sống kinh tế dẫn đến sự nhốn nháo trong đời sống xã hội. Nhiều khu công nghiệp hoành
tráng, nhiều khu đô thị nguy nga chỉ là nơi quyền uy giành giật đất sống của
người nông dân, chỉ là nơi quyền uy làm giầu trên sự khốn cùng của người nông
dân, đẩy người nông dân thất thểu dắt díu nhau lũ lượt ra thành phố bán sức lao
động, nhiều người phải bán cả lương tâm kiếm sống, tạo ra sự nhốn nháo trong
hoạt động xã hội, nhốn nháo cả trong đời sống văn hóa, trong tâm hồn con người.
Đi từ sự nhốn nháo đó đến sự điềm tĩnh
Campuchia càng thấy lòng thư thái, thanh thản.
Không cần căn cứ vào những con số thống kê
về sản lượng công nghiệp, nông nghiệp, chỉ nhìn cảnh quan tự nhiên, chỉ nhìn
vào sinh hoạt xã hội và phong thái con người trong đời sống hàng ngày cũng thấy
rõ Campuchia vẫn còn ở nền sản xuất nông nghiệp thô sơ, tiết tấu cuộc sống vẫn
khoan thai, chậm rãi, phẳng lặng của xã hội nông nghiệp.
Trình độ phát triển sản xuất cũng chính là
trình độ phát triển xã hội. Dù
rất khiêm nhường tôi cũng có thể nói rằng xã hội Việt Nam ở thang bậc phát
triển cao hơn xã hội Campuchia. Nhưng nhìn vào quản lí xã hội thì tôi lại ngậm
ngùi nhận ra rằng những nhà quản lí xã hội Campuchia ở thang bậc cao hơn, có
tầm văn hóa cao hơn những nhà quản lí xã hội Việt Nam và điều quan trọng là họ
thực sự tiêu biểu cho ý chí của dân tộc Campuchia!
Thang bậc năng lực quản lí xã hội và tầm
văn hóa của nhà quản lí chính là ở cung cách ứng xử với văn hóa, với thiên
nhiên và với người dân. Đến Angkor Thom,
Angkor Wat, leo lên bậc thềm những tòa tháp đá hùng vĩ, ngỡ ngàng, kinh
ngạc chiêm ngưỡng những tượng đá uy nghi, những phù điêu, những chạm khắc tinh
tế trên đá như do những bàn tay thần tạo nên, tôi khâm phục sức lao động phi
thường, thẩm mĩ lịch lãm và tài năng sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của tổ tiên
người Campuchia. Đi trong không gian di sản giữa rừng già đại ngàn, nhìn những
cây rừng đồ sộ, lừng lững như có từ thời tiền sử, nhìn cành lá rừng tươi xanh
đan dày từ mặt đất lên cao ngay sát con đường dập dìu người, xe, tôi hiểu rằng
người dân Campuchia không phải chỉ nâng niu giữ gìn từng khối đá của đền đài
mang hồn thiêng của tổ tiên Khmer, mang tầm vóc nền văn minh Angkor mà họ còn
nâng niu, giữ gìn từng chiếc lá rừng nhỏ bé, bình dị, thành kính lưu giữ cả
không khí trầm tư, ngưng đọng của lịch sử, lưu giữ không gian hùng tráng của sử
thi đá Angkor. Trong cách
ứng xử đó của người dân Campuchia với di sản Angkor có dấu ấn năng lực, có tầm
văn hóa của những nhà quản lí đất nước Campuchia và tôi càng khâm phục những
nhà quản lí đó.
Tầm văn hóa của
người quản lí đất nước đã nâng tầm văn hóa của cả dân tộc Campuchia lên. Trong vòng bán kính
ba mươi nhăm cây số quanh đền đài Angkor, người dân không xây cất những công
trình mới, không làm thay đổi một gò đất, một gốc cây. Khu vực đền đài không có
nhà hàng, tiệm buôn. Không có người bán đồ lưu niệm đeo bám khách viếng di sản.
Không có rác âm thanh trong không gian và rác vật chất trên mặt đất, trong rừng
cây. Không có một hàng chữ quảng cáo kinh doanh. Không có cả những khẩu hiệu
lên gân chính trị. Chỉ có sự tĩnh lặng của tư duy, sự thao thức của lịch sử, sự
hiển hiện của văn hóa nâng tâm hồn con người lên.
Trong không khí tĩnh lặng và trong lành
nguyên sơ đó, tôi đi trong đền đài Angkor Thom, Angkor Wat như đi vào thăm thẳm
lịch sử thời lập nước Khmer để rồi lại xót xa nhớ đến những đền đài của lịch sử
Việt Nam, những mảnh đất tâm linh của tâm hồn Việt Nam đang bị hủy hoại, đang
bị vơi hụt, mất mát trên đất nước Việt Nam thân yêu của tôi cũng đã từng có một
lịch sử dựng nước huy hoàng và một nền văn minh rực rỡ.
Núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng ở trên đỉnh tam giác châu thổ
sông Hồng nơi Vua Hùng đặt thủ đô đầu tiên của Nhà nước Việt Nam đầu tiên từ
hai ngàn năm trước, nơi có đền thờ nước, đền thờ tổ
tiên người Việt mà ngày nay người dân vô tư đến bạt sườn núi thiêng Nghĩa Lĩnh
ngay sát ngôi đền thờ nước, san nền làm nhà ở, làm chuồng trâu, chuồng lợn!
Đất núi thiêng Nghĩa Lĩnh bị xâm phạm, không gian linh thiêng của ngôi đền nước
bị hủy hoại, lỗi không phải ở người dân mà là lỗi ở tầm văn hóa quá thấp của
người quản lí xã hội dù những người này đều có bằng cấp, học hàm, học vị cao
chót vót, những người được nhà văn Phạm Toàn gọi chính xác là Những – Giáo – Sư
– Mù – Chữ! Những giáo sư tiến sĩ mù chữ đó đang ở vị trí đường đường phương
diện quốc gia nên nước Việt Nam văn hiến mới đến nông nỗi hôm nay!
Suốt mấy ngàn năm tồn tại, dân tộc Việt Nam
phải liên tục chiến đấu chống giặc bành trướng phương Bắc. Các thế hệ trai
tráng phải nối tiếp nhau ra trận để cho những người phụ nữ hết đời nay đến đời
khác trở thành góa bụa suốt đời khắc khoải ngóng trông người ra trận. Trời
ơi sinh giặc làm chi / Cho chồng tôi phải ra đi chiến trường (Ca dao). Thực
tế lịch sử nghiệt ngã đó đã trở thành tiềm thức trong lòng người dân rồi trở
thành huyền thoại, truyền thuyết, ca dao, dân ca. Giặc từ phương Bắc tràn tới
vì thế biên cương phía Bắc là nơi những người phụ nữ khắc khoải hướng tới ngóng
chồng. Và một ngọn núi chênh vênh, lắt lẻo ở biên cương phía Bắc đã được mang
truyền thuyết là bóng dáng, là bức tượng
đài nàng Tô Thị ôm con ngóng chồng hóa đá. Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa / Có
nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh (Ca dao), ngọn núi Tô Thị mang hồn lịch sử,
mang thân phận dân tộc, bức tượng đài người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử chống
ngoại xâm nay đã bị nổ mìn đánh sập lấy đá nung vôi rồi! Để nàng Tô Thị của văn
hóa dân gian bị nung vôi mà người quản lí xã hội vẫn vô can thì xã hội đã tụt
xuống đáy của văn hóa, của kỉ cương và nhân cách, liêm sỉ người quản lí xã hội
cũng đã tụt xuống tận đáy!
Nếu đền đài Angkor Campuchia là trường ca
mà tổ tiên người Campuchia viết bằng đá để chứng minh tài năng, chứng minh sự
lao động sáng tạo kì diệu của con người và diễn tả thế giới tâm linh của dân
tộc Campuchia thì vịnh Hạ Long Việt Nam là trường ca mà tạo hóa viết bằng núi
và nước, viết bằng đảo và biển chứng minh sự sáng tạo phi thường của tự nhiên,
phô diễn vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên. Đến đền đài Angkor thấy những người quản lí xã hội
Campuchia chín chắn, từ tốn, dè dặt, thận trọng nâng niu trường ca đá Angkor
của họ bao nhiêu tôi lại thấy những người quản lí xã hội của chúng ta nông nổi,
thô bạo, sỗ sàng, chụp giật với trường ca núi và nước Hạ Long bấy nhiêu.
Cách ửng xử với đền đài Angkor cho thấy người quản lí xã hội Campuchia vì giá
trị văn hóa lâu dài, vì giá trị tâm linh thăm thẳm của Angkor. Cách ứng xử với
Hạ Long cho thấy người quản lí xã hội của chúng ta chỉ vì lợi ích vật chất, chỉ
vì lợi nhuận tiền bạc tức thì mà họ có phần trong đó.
Từ xa nhìn thấy những tháp đá giăng giăng
như bức tường thành đá do con người tạo nên, lập tức sự uy nghi của những tháp
đá và hồn của những tượng đá đã hút hồn con người nên hầu như không ai để ý đến
ngay bên con đường dẫn vào đền đài Angkor một tấm bảng đá nhỏ đặt trên giá thấp
khắc chìm khiêm nhường hàng chữ WORLD HERITAGE (DI SẢN THẾ GIỚI) mà UNESCO đã
đánh giá xếp hạng đền đài Angkor. Không cần biết đến Angkor đã được UNESCO công
nhận là Di sản Thế giới thì người từ mọi nẻo đường thế giới, mọi màu da chủng
tộc đến Angkor cũng phải nghiêng mình khâm phục và biết ơn dân tộc Campuchia đã
sáng tạo cho loài người một Angkor kì vĩ, nghiêng mình kính trọng lịch sử dựng
nước huy hoàng của dân tộc Campuchia. Nói như nhà văn Pháp Jean Paul Sartre khi
từ chối giải thưởng Nobel: Nobel cần Sartre chứ Sartre không cần Nobel
thì UNESCO công nhận đền đài Angkor là di sản thế giới không làm tăng giá trị
của Angkor mà chỉ làm tăng giá trị của UNESCO.
Hữu xạ tự nhiên hương. Người thực sự có trí tuệ, có văn
hóa cao thì chẳng cần phải xác nhận bằng học hàm, học vị, bằng cấp mà chính
việc làm, cách sống đã xác nhận nền tảng văn hóa trí tuệ của họ. Các quan chức của ta hối hả, đôn
đáo, quyết liệt, cố sống cố chết chạy bằng cấp, mua học hàm, học vị chính là để
che đậy nền tảng văn hóa trống rỗng, tầm vóc trí tuệ thiếu hụt của họ.
Con người có bằng cấp cao mà trí tuệ trống rỗng thì sự tử
tế, sự lương thiện cũng trống rỗng. Vì thế họ làm đâu lụn bại đấy, làm đâu phơi bày sự bất
lương, đê tiện ở đó. Vì thế mới có sự đổ vỡ thê thảm của Vinashin, Vinalines,
mới có sự thua lỗ cay đắng của điện lực, của dầu khí, mới có các công trình
giao thông giá thành đắt nhất thế giới nhưng chất lượng công trình lại tồi tệ
cũng nhất thế giới. Vì thế mới có những quan tham nhân danh chính quyền nhà
nước cướp đất của dân giữa ban ngày diễn ra khắp nơi trên cả nước và vừa dồn
dập diễn ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng, ở Văn Giang, Hưng Yên, ở Vụ Bản, Nam
Định... Và kinh tế đất nước cứ trầy trật, nghèo khó triền miên, đời sống người
dân cứ khốn đốn kéo dài mà người có trách nhiệm vẫn thản nhiên tại vị, vẫn nhơn
nhơn ban phát những lời dạy bảo đạo đức!
Hạ Long buổi
sáng khác Hạ Long buổi chiều. Hạ Long trưa mùa hè chói nắng khác Hạ Long sớm
mùa đông mù sương. Vẻ đẹp kiêu sa, huyền bí, luôn biến đổi bất ngờ của Hạ Long
không cần đến sự bình chọn, xếp hạng của một tổ chức vô danh như cái tổ chức
kiếm chác bằng kinh doanh tin nhắn điện thoại vừa bình chọn bằng tin nhắn xếp
hạng Vịnh Hạ Long là kì quan thiên nhiên mới của thế giới. Vậy mà ông bộ trưởng
bộ Văn hóa của Nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa đã lôi cả đứa cháu còn ẵm
ngửa ra cầm tay nó nhấn số điện thoại nhắn tin bình chọn cho Vịnh Hạ Long, góp
tiền làm giầu cho cái công ty vô danh kia. Rồi ông Bộ trưởng của cái bộ được
gọi là Văn hóa đó lại đổ tiền thuế của dân ra tổ chức buổi lễ linh đình ở giữa
thủ đô đón nhận danh hiệu Vịnh Hạ Long kì quan thiên nhiên thế giới, một
danh hiệu có được bằng sự nhập nhèm, gian lận. Một người có thể bình chọn bằng
hàng chục, hàng trăm tin nhắn, một đứa bé còn ngậm vú mẹ cũng được người lớn
cầm tay dí vào máy điện thoại nhắn tin bình chọn thì sự bình chọn đó không thể
đàng hoàng, không văn hóa, không có giá trị gì.
Sự bình chọn xô bồ, gian lận đó chẳng mang
lại vẻ vang gì cho Vịnh Hạ Long kiêu sa của chúng ta mà chỉ mang lại lợi nhuận
cho công ty vô danh kia và làm thiệt thòi cho người dân Việt Nam. Ngay sau khi
có cái danh hiệu hão đó, giá vé đến với Vịnh Hạ Long liền bị đẩy lên cao. Thiên
nhiên kì thú Vịnh Hạ Long, vẻ đẹp diễm lệ Vịnh Hạ Long là tài sản của đất nước
Việt Nam, tài sản của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam, những người chủ
thực sự của Vịnh Hạ Long phải được khám phá, chiêm ngưỡng Vịnh Hạ Long. Nhưng
với giá vé đến Vịnh Hạ Long vừa bị đẩy lên cao, từ nay những người dân lao động
nghèo không còn dám bén mảng đến Vịnh Hạ Long nữa rồi!
Ấn tượng sâu sắc về di sản Angkor, mảnh đất
lịch sử của dân tộc Khmer, ân tượng tốt đẹp về sự thành kính, trân trọng của
những người quản lí đất nước Campuchia đối với từng phiến đá của tổ tiên dân
tộc Khmer để lại, đối với từng ngọn cỏ, từng cây rừng của đất đai Campuchia, tôi lại
tê tái nhớ đến một mảnh đất thiêng, một mảnh đất của lịch sử, của tổ tiên Việt
Nam đã bị những người quản lí đất nước Việt Nam hôm nay nhẫn tâm thí bỏ, cắt
nhượng cho phương Bắc.
Năm 1407, quan Tư
nghiệp Quốc tử giám Nguyễn Phi Khanh, một trí tuệ, một nhân cách Việt Nam bị
giặc Tàu thời nhà Minh xâm lược Việt Nam bắt giải về Tàu. Nguyễn Trãi đi theo
cha đến mảnh đất Việt Nam cuối cùng ở phía Bắc, nơi có tòa thành cổng nước Việt
ở Lạng Sơn, đành dừng lại. Từ tòa thành cổng nước ở Lạng Sơn, người cha, trí
tuệ Việt Nam Nguyễn Phi Khanh lặng lẽ rơi nước mắt xa con, xa nước, lầm lũi đi
vào đất giặc sống kiếp đời tù tội. Người con, Anh hùng của lịch sử Việt Nam,
nhà thơ lớn của văn hóa Việt Nam Nguyễn Trãi nhìn theo cha, nước mắt lã chã rơi
xuống nền đất tòa thành cổng nước. Nước mắt cha con Nguyễn Trãi cũng là nước
mắt nước mất nhà tan của dân tộc Việt Nam suốt ngàn năm đau đớn dưới ách Bắc
thuộc. Những giọt nước mắt đó còn lại mãi trong lịch sử Việt Nam, còn lại mãi
nơi cổng nước phía Bắc, Lạng Sơn.
Năm 1979, trong
cuộc chiến đấu chống giặc bành trướng phương Bắc xâm lược Việt Nam, máu của
hàng ngàn chiến sĩ sư đoàn 337 và người dân Lạng Sơn đã đổ xuống thấm đẫm mảnh
đất đã thấm nước mắt cha con người Anh hùng Việt Nam, nhà văn hóa Việt Nam
Nguyễn Trãi.
Mảnh đất của lịch
sử Việt Nam đó, mảnh đất của máu và nước mắt Việt Nam đó nay không còn trong
bản đồ Việt Nam, không còn là đất đai Việt Nam. Từ khi những người quản lí đất nước Việt Nam hôm nay kí
hiệp định biên giới với phương Bắc, ngày ba mươi, tháng mười hai, năm 1999, tòa
thành cổng nước sừng sững hiên ngang của lịch sử Việt Nam ở Lạng Sơn, tòa thành
cổng nước bi tráng của dân tộc Việt Nam ở Lạng Sơn đã thấm đẫm máu và nước mắt
lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã thuộc về đất Đại Hán phương Bắc rồi!
Kí hiệp định cắt nhượng mảnh đất của tổ
tiên, của lịch sử Việt Nam, của máu và nước mắt Việt Nam cho Phương Bắc, những
người quản lí đất nước Việt Nam hôm nay đã không hề có một chút ý chí của dân
tộc Việt Nam!
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment