Friday, 24 August 2012

“VỠ QUẺ BẦU KIÊN” CHỈ LÀ CUỘC CHIẾN MINI (Luật sư: Lê Quốc Quân)




Luật sư: Lê Quốc Quân
24/08/2012

Dư luận rúng động, truyền thông căng lên, vàng tăng giá, chứng khoán sập sàn…là những dấu hiệu bề nổi vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt.

Còn tảng băng chìm là những bình luận vô tiền khoáng hậu ở mọi cấp về một cuộc chiến Ba-Tư [1]; là sự lo ngại sụp đổ của hệ thống tiền tệ, là băn khoăn về một xu hướng mới theo Mỹ hay theo Tàu; và thậm chí cả hy vọng của những người đấu tranh cho tiến bộ xã hội.

Phải tìm ra kẻ thù

Có thể trong những ngày tới, 5 hay 10 người nữa sẽ bị bắt, mỗi tuần vài chú, nhưng chắc chắn không có bộ trưởng, thậm chí thứ trưởng nào vào vòng lao lý. Màn kịch này đủ để gây xúc động nhưng không để có biến động.

Nhiều người cho rằng “quẻ” đã vỡ và sẽ có biến động chính trị, nhưng chắc chắn là không có chuyện đó vào thời điểm này, vì những uỷ viên BCT có thể kèn cựa nhau về quyền lợi và những mâu thuẫn cá nhân nhưng đều đang cùng một nhóm lợi ích bảo vệ sự thống trị của chính mình.

Các “vina” có đổ vỡ ào ạt nhưng song sắt, vốn đang khóa chặt nhiều người dân vô tội, không rộng mở để đón chào các ủy viên Bộ Chính Trị.

Việc bắt bớ là hệ quả tất yếu của những diễn biến kinh tế chính trị thời gian qua ở Việt Nam. Khi cơ chế “lập lờ đánh lận con đen” này đã tạo ra những ổ tham nhũng, những tập đoàn Mafia lũng đoạn đến “tận căn”, vượt quá ngưỡng chịu đựng của dân chúng là lúc Bộ Chính trị phải bật đèn xanh để tìm ra một số: “kẻ thù của nhân dân”nhằm thỏa mãn đòi hỏi của dân chúng.

Kẻ thù dễ chĩa mũi dùi vào nhất vẫn là các chủ tư bản mới nổi. Nó vừa phù hợp với học thuyết vô sản mà đảng đang cổ súy đồng thời ngăn chặn được sự phẫn nộ của công chúng về bất công quá đáng của cơ chế thị trường.

Về mặt bề ngoài, nó cũng cần có một “sự biến” đủ lớn để tạo nên những chú ý trong dư luận nhưng chắc chắn không thể đi xa ngoài tầm kiểm soát. 14 thành viên BCT vẫn đủ tỉnh táo và nhẫn nhục để thỏa hiệp và stop lại nếu như nó tạo ra một cuộc đảo chính hoặc một cuộc chiến tranh “mini”.

Các quan chức sẽ đứng ngoài cuộc để lạnh lùng trở nên mạnh hơn.

Thủ kho và tên trộm

Vào một đêm nọ có một thằng ăn cắp đi vào một kho tài sản khổng lồ của nhân dân bao đời gầy dựng với biết bao nhiêu máu và nước mắt. Đầu tiên có kẻ tắt đèn bằng Nghị quyết làm cho bóng tối bao trùm; một tay thủ kho cầm chìa khóa đang đợi sẵn để mở theo Luật pháp. Tên trộm lẻn vào và ăn cắp tài sản của nhân dân, nó lấy đi nhiều đến nỗi dân chúng không còn cái để ăn, mẹ già ốm không có thuốc, công nhân đói bị teo cơ, ngư phủ chết vì giành nhau cá ươn, thiếu nữ chạy loạn xin lấy chồng Hàn Quốc để kiếm miếng ăn…

Đèn bật sáng bằng chỉ thị, tên thủ kho tung chưởng hình sự và kẻ trộm bị chính hai kẻ này bắt giữ. Nhân dân vỗ tay vui mừng hớn hở mà quên rằng không thể có một sự lũng đoạn nào được thực thi nếu không có sự chỉ đạo bằng Nghị Quyết và tiếp tay bằng Pháp luật. Xong rồi, đảng sẽ lại trong sạch hơn, nghiêm túc hơn trong mắt nhân dân. Thế là họ lại bắt đầu một cuộc chơi mới, đầy bóng tối với những tay thủ kho và tên trộm. Và những khoản thủ đắc ngày càng lớn hơn.

Nhưng thực tế thì tên trộm này là người nuôi bóng tối và thủ kho trong suốt nhiều năm qua. Ngoài tiền thuế nó đóng vào ngân sách để trả lương cho cả hai hệ thống Đảng và Nhà nước, những giám đốc này rải tiền dài miên man từ Móng cái đến Cà Mau, rải sâu từ trưởng thôn lên tận Bộ Chính Trị, rải mạnh đến mức từ thông tư đến cả nghị quyết đảng đều có dấu ấn tư duy của họ thâm nhập vào trong từng điều khoản.

Tên trộm bị bắt nhưng bởi cùng hội cùng thuyền nên những kẻ bị bắt sẽ không bao giờ khai ra hoặc tố cáo những người đương chức trong chính quyền vì họ có cơ sở để tin rằng là mình sẽ được “giải cứu” từ chính những người đã tắt đèn và mở khóa để họ vào kho.

Kết cục đường dây Mafia này sẽ ra sao ?

Rồi những án tù sẽ được đưa ra mà thời hạn thua xa so với một vài cá nhân viết blogs cho vui với duy nhất một điều là mong mỏi một cuộc sống chân thật hơn;

Rồi chỉ vài năm sau những tên mafia cỡ bự lại quay về với những tài sản ăn cắp được của mình, vẫn còn đó những kẻ tắt đèn và thủ kho trung thành đợi sẵn.

Rồi nhân dân Việt Nam ngàn đời lam lũ, vốn giàu lòng vị tha, cũng vội quên đi tiền thuế, máu và nước mắt, thậm chí cả cái chết của họ.

Quan trọng hơn họ bị đánh lừa khỏi những vấn đề thời sự lớn lao hơn là giặc giã ngoài biên cương, biển đảo bị mất, tây nguyên bị chiếm và vô vàn vấn nạn nhãn tiền khác.

Rồi sẽ còn họp hành liên miên với vô vàn tranh luận vô bổ rất mất thời gian giữa luật và nghị quyết. Cuối cùng có thể phải đi đến một số biểu quyết nhưng có thể cũng như cuộc bỏ phiếu “tín nhiệm” ở cấp cao nhất vừa qua, dù có 3/13 phiếu thuận thì thủ tướng vẫn bình chân như vại vì đó không phải là bỏ phiếu “bãi nhiệm”.

Và nếu có “bãi nhiệm” thì cũng không ai có thể “bứng” ông đi được nếu bản thân ông muốn trụ lại.

Liêm sỉ đang là thứ quá xa xỉ, chưa nói đến sự đan xen nhằng nhịt quyền lợi giữa đảng và chính phủ, giữa luật và nghị quyết, giữa lợi ích cá nhân và phe nhóm.

Điều đó cho phép hàng loạt thỏa hiệp dễ dàng tiếp theo với một thời gian rất dài so với mong mỏi của người dân và những người đang đấu tranh cho công lý và minh bạch xã hội.

Công lý và tự do báo chí !

Cuộc đánh nhau hiện nay có thể dẫn đến kẻ thắng kẻ thua, nhưng công lý thì không bao giờ được thực thi vì chính những kẻ trong và ngoài song sắt đều không hướng việc hy sinh thân mình để tiêu diệt điều xấu xa, để tăng cường pháp chế và bảo vệ dân chủ mà họ chỉ lo bảo vệ tài sản và bản thân mình.

Nhưng rõ ràng chỉ có một nhà nước pháp quyền mới soi rọi được kẻ có tội và bảo vệ người vô tội, tội phạm mới chùn tay làm việc ác còn người vô tội mới được thanh thản sống bình an.

Không có pháp quyền và công lý thì Nhà nước sẽ nghiền nát nhân dân như cát sỏi, trái lại một Nhà nước pháp quyền vì công lý thì sẽ bảo vệ mọi người trong phạm vi của nó, kể cả những kẻ tội phạm.

Nếu có tự do báo chí thì vụ bắt “bầu Kiên” và các vụ tiếp tục sau này phải bắt đầu bằng một cuộc họp báo.

Ở giữa là Bộ Công an, một bên là Ngân hàng Nhà nước và một bên là Viện Kiểm sát. Tất cả hành vi tội trạng phải được nêu ra công khai và báo chí tha hồ đặt câu hỏi về tình tiết, động cơ, mục đích, thái độ và bất cứ ai đứng sau chịu trách nhiệm về vụ việc này với những kiểu hỏi và trả lời đầy lắt léo, ngoạn mục…

Nhưng trên tất cả chỉ có dân chủ mới có đối lập để cùng cạnh tranh chạy đua hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Nếu Đảng cộng sản vẫn tiếp tục độc quyền và tổ chức bắt giữ người như những vở kịch để làm tươi mới và trong sạch hóa bề ngoài nhằm duy trì sự độc tôn lãnh đạo và xác lập cả khuynh hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới thì biết đâu lại mang họa lớn cho toàn dân tộc ?



[1] Dư luận cho rằng đang có sự tranh chấp quyền lợi và đấu đá giữa Ba Dũng (TT Nguyễn Tấn Dũng) và Tư Sang (CT nước Trương Tấn Sang)

Tác giả gửi cho Nguyễn Tường Thụy blog   







No comments:

Post a Comment

View My Stats