Thursday, 2 August 2012

VIỆT NAM : TỘI ÁC LẠI THẢN NHIÊN LẬP ĐỈNH MỚI (Nguyễn Thị Ngọc Hải)




Nguyễn Thị Ngọc Hải  (SGTT)
Ngày 01.08.2012, 08:00 (GMT+7)

SGTT.VN - Không biết cái cảm giác lúc nghe tin Lê Văn Luyện giết hại cả một gia đình, so với cái tin ở Sơn Tây (Hà Nội) một kẻ lẻn vào nhà hãm hiếp bé tám tuổi, chém chết bé bốn tuổi, thì cung bậc của nỗi căm uất và sợ hãi, tuyệt vọng đã có gì thay đổi?

Thông tin ban đầu có nhiều khó hiểu, kỳ quặc về hành vi của kẻ thủ ác Đặng Trần Hoài (26 tuổi). Lúc có người vào bế bé bốn tuổi đang nằm trên vũng máu thì hắn hét lên: “Còn một đứa nữa trong đây này”, và xông ra chém. Cứ thế, không mặc quần, hắn chạy tới khi bị bắt. Lại còn ông thợ cắt tóc kể Hoài chui vào nhà ông, nằm đắp chăn, ông tung chăn đuổi đi thì thấy hắn ở truồng. Nếu đây là một kẻ điên loạn, thì khỏi phân tích gì nhiều ngoài bài học quản lý người điên và hãy cẩn thận bảo vệ con em.

Nhưng nếu Hoài là một tội phạm tỉnh táo thì sao? Giải thích thế nào đây về những hành vi quái thai và tội ác kinh hoàng, về sự phát triển con người ở xã hội chúng ta? Điều kiện xã hội cụ thể nào đã hình thành nên những con người như thế? Những kẻ không thể gọi là người, mà là ma quái, quỷ sứ ấy chắc chắn cũng lọt lòng bởi một người mẹ. Cũng bú mớm, được yêu thương, chăm bẵm, cho ăn cho uống thì mới lớn lên được. Đó là chưa kể cũng đến trường học hành, như Lê Văn Luyện. Tức là lũ quỷ quái ấy lớn lên trong chính xã hội chúng ta.

Mỗi khi có tội ác rúng động, ta ào ào lên án, ta tìm cách trừng trị không xuể. Nhưng cho đến hôm nay, cũng chưa có giới nghiên cứu hoặc giới có trách nhiệm nào bỏ công nghiên cứu tìm tòi như những dự án lớn, để tìm cho ra cơ chế nào, hình thù gì, sống trong điều kiện nào, đầu óc chứa những gì, có thể biến một người thành quỷ dữ, thành bọn không mang tính người. Và nhất là tìm cách nào để ngăn chặn cung cách hình thành lũ người như thế.

Tất cả dường như có đủ, nào phong trào, nào tổ chức nọ kia, các phương pháp giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội, sự trừng trị của pháp luật… Bao nhiêu là sáng kiến và nỗ lực. Chúng ta cũng tổng kết được căn bản đạo đức người Việt, nào là coi trọng giá trị tinh thần, coi trọng gia đình, lối ứng xử, thờ cúng tổ tiên, do luôn phải chống ngoại xâm nên ý chí kiên cường bất khuất và sùng bái anh hùng. Để chống lại tiêu cực thời đại, chống lại nền văn minh vật chất “đồng phục” (xe, điện thoại di động, net), loài người đã xây dựng nền văn minh tinh thần nhằm giải quyết tốt mối tương quan xã hội, người với người và với chính mình. Người ta bảo sự kiện lý thú nhất của thế kỷ 20 là hiện tượng Phật giáo đến với phương Tây. Ở nước ta, cũng phát triển mạnh mẽ niềm tin vào văn minh tinh thần theo quan điểm Phật giáo: nhân quả nghiệp báo là quy luật căn bản, bởi khoa học cũng không giải thích được những may rủi, các khuynh hướng của cá nhân con người… Tất cả những nỗ lực đó, bị những tội ác kinh khủng làm cho có một khoảng cách gần như vô tận với đời sống. Thực tế có vẻ nhạo báng hết thảy. Môi trường kỹ thuật rất cao mà lý tưởng rất thấp, gần như chia tay với ý thức hệ, khoảng trống văn hoá lớn, tranh giành mọi thứ bất chấp đạo lý.

Kinh tế tuột dốc, thất nghiệp tràn lan, cả nước đánh nhau với tham nhũng rất ít hiệu quả. Lợi ích nhóm không còn là “nhóm” nữa rồi, cũng chỉ là khái niệm xã hội học chứ chưa ai chỉ ra được nhóm cụ thể nào. Con người mất niềm tin. Có phải đó là môi trường tốt của sự vô giáo dục, và vì thế mà tội ác cứ luôn lập kỷ lục mới?

Ở đâu ra những lũ quỷ tàn ác ấy, triết học nào, lý thuyết nào? Nghe có vẻ xa vời. Có tranh cãi đến mai cũng không xong. Nhưng cãi vào đâu, trốn vào đâu được! Từ những nhà cách mạng xã hội lớn thời J. J. Rouseau, cho đến ngay chính Mác cũng nói: Bản chất con người là hướng thiện, họ chỉ tha hoá bởi hệ thống xã hội tồi.

Nguyễn Thị Ngọc Hải

No comments:

Post a Comment

View My Stats