Monday, 13 August 2012

TỪNG NGƯỜI THÔNG MINH CHƯA ĐỦ (Hoàng Tụy)




Bản gốc của GS Hoàng Tụy
Một phần đã đăng trên báo mạng hn24h.com.vn (ngày 12/08/2012)

13-8-2012

Thứ hạng trí tuệ của người Việt Nam đạt 79/141 quốc gia. Đây thực sự là một vị trí thấp. Bảng thứ hạng này đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: sức sáng tạo của người Việt Nam có thấp hay không và do nguyên nhân nào lại bị xếp hạng thấp như vậy.

PV đã có buổi trao đổi với GS Hoàng Tụy – nhà toán học nổi tiếng về vấn đề này.

Thưa giáo sư, vừa qua tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu – WIPO đã đưa ra bảng thứ hạng trí tuệ toàn cầu năm 2012. Trong đó đáng báo động là Việt Nam xếp ở thứ hạng rất thấp: 79/141 quốc gia (xem Tia Sáng, số 15-05.8.2012) . Giáo sư có đánh giá như thế nào về điều này?

- Bảng xếp hạng nói đó là xếp hạng theo “chỉ số đổi mới/sáng tạo toàn cầu” ta gọi tắt là bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu. Việt Nam đứng ở thứ hạng khá thấp trong bảng đó: báo động đỏ là đúng, không oan. Thực ra chẳng cần phải nghiên cứu kỹ, ai cũng thấy rõ điều này ít nhất từ 20 năm nay rồi. Mọi người làm khoa học kỹ thuật, làm giáo dục, ở Việt Nam đều ý thức rõ sự lạc hậu, sự yếu kém của chúng ta so với thế giới. Trừ một số it người vì những lý do dễ hiểu cứ cố tình nhắm mắt trước thực trạng đó, còn ai có chút lương tâm với đất nước đều cảm thấy đau xót, tủi hổ. Những số liệu cụ thể càng khiến chúng ta lo lắng hơn, vì thời nay một đất nước thua kém trí tuệ mà cứ dửng dưng vô tư thì coi như đang … “chết lâm sàng”, như có người đã dùng từ rất xác đáng.

Từ trước đến nay, chúng ta luôn tự hào về sự sáng tạo của người dân Việt Nam, nhưng trong bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu, Việt Nam lại đứng rất thấp. Phải chăng trí tuệ của con người Việt Nam thực sự thấp?

- Không, xét từng con người có lẽ dân Việt không kém gì ai về trí thông minh, chúng ta có thể tin như vậy. Tuy nhiên điều đó hoàn toàn không mâu thuẫn với việc chúng ta đứng thấp trong bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu. Mấu chốt vấn đề là trong bất cứ cộng đồng nào, tài trí thông minh riêng lẻ của từng thành viên chưa làm nên sức mạnh trí tuệ của cộng đồng, mà phải có tổ chức, cơ chế phù hợp, tạo ra một môi trường khuyến khích, thúc đẩy tính tích cực năng động và phát huy tài trí thông minh của từng cá nhân, từng bộ phận, liên kết tất cả họ lại qua sự tương tác, hợp tác, tạo ra synergy (cộng năng) cần thiết, nhân lên nhiều lần và liên tục khả năng, tài trí từng cá nhân, từng bộ phận. Cái cơ chế đó có thể gọi nó là trí tuệ của hệ thống, là phầm mềm vận hành hệ thống. Tất cả thông minh tài trí của cộng đồng tập trung ở đấy, nhờ đấy mà ra, mà nhân lên. Cũng giống như cái phần mềm của chiếc máy tính mà tồi thì máy tính vô tích sự, dù các chip, các phần cứng của nó đều tốt.

Nhưng sự thật thì đất nước chúng ta luôn tự hào vì có những con người tài giỏi được cả thế giới công nhận như Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác. Và chúng ta cũng có không it những thành tựu khoa học có giá trị. Bên cạnh đó có không ít những em học sinh – sinh viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế. Vậy tại sao trí tuệ của chúng ta lại bị đánh giá kém như vậy, thưa giáo sư?

- Đúng là chúng ta có nhiều người tài giỏi. Nhưng phải nói số đó vẫn còn ít, quá ít so với tiềm năng thật sự của chúng ta, và hơn nữa phần lớn còn ở nước ngoài hoặc hoạt động riêng lẻ. Lịch sử đất nước ta luôn gắn liền với chống giặc ngoại xâm. Chúng ta phải thường xuyên đấu tranh giành và giữ độc lập, thời gian xây dựng đất nước luôn bị ngắt quãng, khiến chúng ta không có nhiều điều kiện để đầu tư phát triển con người, phát triển đất nước. Ngay hiện nay, vừa được hòa bình chưa bao lâu đã phải lo đối phó với mưu đồ xâm lăng thâm độc của láng giềng phương Bắc.
Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất phải thừa nhận là chúng ta kém do cơ chế, như đã nói trên. Mà nói đến cơ chế quản lý tức là nói đến thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trước đây chúng ta theo chế độ bao cấp, cái gì cũng do trên quyết định, người dân chỉ việc nghe theo, làm theo, cái cơ chế đó có thể thich hợp với thời chiến, nhất là khi có những nhà lãnh đạo kiệt xuất, một lòng một dạ vì Tổ quốc, vì nhân dân. Nhưng qua thời bình cái cơ chế bao cấp đã biến tướng thành lực cản tai hại, kiềm chế, hủy hoại, tiêu diệt nhiều sáng kiến tich cực. Điều không may là cái cơ chế kiểu ấy có sức sống dai dẳng, tuy về kinh tế đã bị lên án từ lâu nhưng tàn tich của nó vẫn tiếp tục ngự trị trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Báo động đỏ ở đây thực chất là báo động về thể chế. Nếu thể chế không phù hợp mà cứ cố duy trì thì sự ức chế trí tuệ đối với xã hội vô cùng tai hại. Giáo dục, khoa học không thể phát triển lành mạnh bình thường, ắt phải tụt hậu ngày càng xa. Tài trí thông minh tàn lụi, con người tha hóa, xã hội ngày một suy đồi. Người giỏi bỏ nước ra đi, ai muốn phát triển tài năng đều tìm cách ra nước ngoài. May ra còn một số ít có tâm có tài thì làm việc cô độc và không mấy người được thật sự trọng dụng. Đó là nguy kịch thật sự chứ không phải chỉ là báo động. Nói cho đúng, chúng ta từng có những nhà lãnh đạo biết nhìn xa trông rộng, thấy trước ngủy kịch, đã nêu cao phát triển giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu. Tiếc thay, cái chủ trương ngàn lần sáng suốt ấy chưa bao giờ được thực hiện nghiêm chỉnh trong mười lăm năm qua.

Trong nhiều năm qua chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa, giáo dục. Điều này chứng tỏ chúng ta cũng đã có những cải cách rồi đúng không ạ?

- Đánh giá thành tựu của chúng ta cần dè dặt và nên so sánh thực tế với tiềm năng, so sánh ta với các nước khác, hơn nữa phải xem cái giá phải trả cho các thành tựu ấy có thật xứng hay không . Còn về cải cách thì đúng là chúng ta có làm nhưng còn nửa vời, chưa kiên quyết, không nhất quán, nên kết quả còn rất hạn chế. Bây giờ đã là thế kỷ 21 thì quản lý xã hội không thể như xưa. Lãnh đạo cần lấy dân làm gốc, lo cho dân, đặt lợi ích đất nước lên trên hết, lắng nghe dân, để dân tin, dân ủng hộ, thì đất nước mới có thể phát triển nhanh và bền vững, và đối phó thắng lợi với mọi mưu đồ phá hoại từ bên ngoài.

Như giáo sư đã nói ở trên, nhà nước và người dân luôn cần có sự gắn kết, tương tác với nhau. Vậy thì muốn trí tuệ Việt phát triển, người dân cũng là yếu tố quyết định, đúng không ạ?

- Hai cái này luôn song hành với nhau. Nhưng trong từng giai đoạn chúng ta phải xác định được đâu là khâu then chốt cần chỉnh đốn. Tôi còn nhớ câu chuyện ngày trước có lần cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng về thăm một địa phương, nghe ông bí thư nơi đó báo cáo vì dân quá lạc hậu nên việc gì cũng khó, Thủ Tướng nói ngay: đồng chí chê dân lạc hậu, vậy đồng chí lãnh đạo ai ? Ông bí thư sau đó mới hiểu ra rằng phải xem lại sự lãnh đạo trước khi đổ lỗi cho dân.

Nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân khiến chúng ta bị đánh giá kém như vậy là do chúng ta chưa thực sự hội nhập toàn cầu. Giáo sư có ý kiến gì về nhận định này?

- Đúng nhưng không hoàn toàn. Bởi toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của thời đại, muốn hay không nước nào cũng phải hội nhập mới có thể tiến lên văn minh cùng thế giới. Nhưng hội nhập thành công hay không, đó lại là do thể chế, cơ chế. Nếu cơ chế thông minh, sự hội nhập là một xu thế tự nhiên tich cực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nhưng hội nhập có nghĩa là phải đương đầu với sự cạnh tranh, đương đầu với nhiều thách thức. Mà thách thức lớn nhất suy cho cùng cũng là thách thức về trí tuệ. Chúng ta từng có nhiều bài học đau xót về chuyện này.

Theo giáo sư, chúng ta nên làm như thế nào để trí tuệ người Việt Nam rạng rỡ hơn và được bạn bè quốc tế công nhận?

- Như trên đã nói, phải cải cách thể chế, cơ chế quản lý. Cải cách chính trị đi đôi với cải cách kinh tế, cải cách giáo dục. Cần dân chù hóa chế độ, bài trừ tham nhũng, làm trong sạch bộ máy hành chính. Chỉ trên cơ sở đó thì trí tuệ quốc gia mới có điều kiện phát triển thuận lợi. Theo tôi hiểu, đó là ý nguyện của mọi công dân và cũng là lời kết không nói ra của tác giả bài viết đăng trên Tia Sáng. Cứ nhìn các nước trước đây không lâu chẳng hơn gì ta mà nay đã tiến cách xa ta, xếp hạng trên ta rất nhiều trong bảng xếp hạng trí tuệ này, đủ cho chúng ta suy ngẫm cần làm gì.

Xin cảm ơn Giáo sư!

GS Hoàng Tụy gửi cho viet-studies ngày 13-8-12



No comments:

Post a Comment

View My Stats