Tuesday, 14 August 2012

TRUNG QUỐC THỬ SỰ ĐOÀN KẾT CỦA ASEAN (Business World/ Reuters)






Người dịch: Thủy Trúc
Posted by basamnews on 15/08/2012

PHNOM PENH – Ngồi học đằng sau những chiếc bàn gỗ cũ kỹ ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia, đám sinh viên tuổi 20 viết vội viết vàng, trong khi người giáo viên nói liến thoắng một thứ tiếng nước ngoài, lẫn trong tiếng xe máy gầm rít bên ngoài.

Không như phần lớn các quốc gia khác trong khu vực, sinh viên ở ngôi trường ngoại ngữ tư thục này và các trường khác gần đó đều không học tiếng Anh – mà là tiếng Trung Quốc.

Suốt dọc con phố, đầy các bảng hiệu với những hàng chữ Trung Quốc màu vàng, treo trên những tòa nhà mới sơn đỏ và vàng, quảng cáo cho các khóa dạy tiếng Quan Thoại cấp tốc.

Gua Fa, một giáo viên kiêm quản lý ở trường tiếng Trung Ming Fa, nói: “Trước kia thì người ta đến khu vực này để học tiếng Anh, nhưng giờ là học tiếng Trung. Tất cả sinh viên đều muốn làm hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch viên tiếng Trung, hoặc làm việc trong các ngân hàng và nhà hàng”.

Đó là một biểu hiện khác của ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Campuchia – một điều đang phá vỡ sự đoàn kết của tổ chức 10 thành viên, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trung Quốc có chỗ đứng rất vững ở nước Lào nghèo đói và cả Myanmar – hai nước đều là thành viên ASEAN như Campuchia – trước sự thất vọng của các nước trong khối như Việt Nam và Philippines – hai nước này đang cãi cọ với Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Singapore, Brunei, Indonesia, Malaysia và Thái Lan là các nước còn lại trong nhóm.

Khi nước Campuchia cạn kiệt tiền mặt và kém phát triển ngày càng phải ngả về phía Bắc Kinh hơn, cả nhóm bắt đầu lo ngại về khả năng Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để kìm giữ các nước nghèo nhất khối, bắt họ làm con tin.

Bonnie Glaser, một nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói: “Mặc dù các khoản cho vay và các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc mang lại lợi ích cho khu vực, nhưng sự thù ghét cũng ngày một dâng lên. Cũng có những mối lo ngại về sự phụ thuộc thái quá vào Trung Quốc, cũng như là sợ đất nước sẽ ngày càng dễ bị tổn thương hơn trước sức ép về kinh tế”.

Trong số ba thành viên nghèo nhất ASEAN, Campuchia có vẻ là nước chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh nhiều nhất.
Khoảng 400.000 người Campuchia đã đăng ký theo học các trường dạy tiếng Trung, theo thống kê của Hội Trung-Khmer ở Campuchia, khác hẳn với tình hình chung tại một khu vực đang cố gắng thúc đẩy tiếng Anh trước khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra mắt chính thức vào năm 2015 – AEC vốn có mong muốn thu hút các nhà đầu tư vào thị trường trị giá 2 nghìn tỷ USD, của 10 nước với tổng số dân 600 triệu này.

Heng Guechly, sinh viên một trường tư thục khác, nói: “Tiếng Trung sẽ có lợi hơn tiếng Anh. Nhu cầu rất lớn, và Trung Quốc thì có quan hệ hữu hảo với Campuchia, do đó sẽ có thêm nhiều người Trung Quốc đến đây làm ăn”.
Số liệu chính thức cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia năm ngoái đạt 1,9 tỷ USD, gấp hơn hai lần tổng lượng đầu tư của toàn ASEAN ở đây, và gấp hơn 10 lần lượng đầu tư của Mỹ.

Đường chân trời đầy những ngôi nhà thấp lè tè của Phnom Penh, giờ đây lấm chấm cần cẩu và các dự án xây dựng của Trung Quốc. Quốc kỳ của hai nước bay phần phật cạnh nhau, trên những công trường nơi các vị quản đốc, đốc công hò hét bằng tiếng Quan Thoại với những người lao động Campuchia đang than thở vì không quen dùng đồ ăn Trung Quốc.

Số liệu chính thức cho thấy trong nửa đầu năm nay, có 151.887 du khách Trung Quốc đến Campuchia, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành công nghiệp du lịch hy vọng sẽ thu hút 1 triệu người Trung Quốc mỗi năm, từ giờ cho tới năm 2020.

Lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp do các công ty Trung Quốc tạo dựng, và 70% trong số 330 nhà máy sản xuất hàng may mặc – ngành mang lại nhiều ngoại tệ và việc làm nhất cho Campuchia – thuộc sở hữu của Trung Quốc.

Sức ép về kinh tế
Mối quan hệ mật thiết của Trung Quốc với Campuchia – và ở một mức độ nhẹ hơn là với Lào và Myanmar – đã tạo cho Bắc Kinh một lá phiếu phủ quyết hiệu quả của kẻ ngoài cuộc đối với các quyết định ở ASEAN – một hiệp hội vốn dĩ đòi hỏi tất cả thành viên phải đồng thuận.

Điều đó thể hiện rõ hồi tháng trước, khi một hội nghị bộ trưởng ngoại giao của ASEAN ở Phnom Penh kết thúc mà không ra được bản tuyên bố chung nào – lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối này. Philippines quy hết trách nhiệm cho Trung Quốc, bảo rằng Trung Quốc đã lợi dụng chủ nhà Campuchia để phá hoại mọi nỗ lực nhắc đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, vùng biển giàu tiềm năng dầu khí.

Theo các nhà ngoại giao tại hội nghị ASEAN này, Lào và Myanmar ngấm ngầm ủng hộ quyết tâm của Campuchia, là gạt các cuộc thảo luận song phương với Trung Quốc ra ngoài bản tuyên bố chung.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cải thiện quan hệ với Lào và làm suy yếu ảnh hưởng lâu nay của nước láng giềng Việt Nam ở đây; xây đường sá, cầu cống và sân vận động, cũng như mời chào công nghệ mới cùng các học bổng du học đại học Trung Quốc.

Các cộng đồng Trung Hoa nhập cư cũng đang phình to, và có ít nhất hai khu chơi bạc của người Trung Quốc đã được dựng lên trong lãnh thổ Lào, với các sòng bạc, khách sạn, quán karaoke chịu sự quản lý của công an mang cảnh phục Trung Quốc. Năm ngoái, thương mại hai chiều tăng vọt 40%, và các ngân hàng Trung Quốc đã tặng cho Lào khoản vay 3 tỷ USD, cùng những lời hứa hẹn là sẽ xây một mạng lưới đường sắt cao tốc trị giá 7 tỷ USD.
Tình hình cũng hệt như vậy ở Myanmar – đất nước mà dưới ách cấm vận của phương Tây, đã đi vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Mậu dịch biên giới và đầu tư của Trung Quốc vào dầu, khí và thủy điện bùng nổ. Nhưng một khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ để tưởng thưởng cho các chương trình cải cách chính trị và kinh tế, tiếp sau việc quân đội chấm dứt ách cai trị, thì sự phụ thuộc đáng lo ngại của Myanmar vào Trung Quốc có thể sớm chấm dứt.


Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012




No comments:

Post a Comment

View My Stats