Hùng
Tâm/Người Việt
Wednesday,
August 22, 2012 3:24:38 PM
Giới
Thiệu:
Thời sự dồn dập hàng ngày trên cả Ðịa cầu có thể giúp chúng ta biết được rằng
chuyện gì đang xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không hiểu
được vì sao lại xảy ra một biến cố như vậy, và hậu quả sau này sẽ ra sao...
Cũng vì lý do ấy, nhật báo Người Việt mở thêm một tiết mục và lưu trữ trên
trang mạng Người Việt Online để quý độc giả tham khảo. Ðó là mục “Hồ Sơ
Người-Việt,” xuất hiện ngày Thứ Năm mỗi tuần, với nội dung trình bày khung cảnh
khách quan của một vấn đề và, nếu có thể, một số dự báo về tương lai hầu độc
giả khỏi ngỡ ngàng khi sự biến xảy ra. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc
giả...
----------------------------------------
Thông thường thì tháng 8 có thể là tháng yên bình trong năm vì
tại Bắc Bán Cầu, phần sinh hoạt năng động nhất của Ðịa cầu, đấy là cao điểm của
việc dân chúng nghỉ hè.
Từ
lãnh đạo đến quốc dân các nước đều tạm gác một bên những ưu tư thường nhật để
có một chút không khí đổi gió.
Năm
nay không là một năm thông thường. Sau này, tháng 8, 2012 sẽ được ghi dấu là
thời điểm của những biến động bất thường ở vùng biển Á Châu Thái Bình Dương,
nơi có nền kinh tế năng động nhất và cũng là một trung tâm giao dịch hàng hóa
và dịch vụ lớn nhất thế giới.
Những
biến động bất thường là tranh chấp về chủ quyền trên các hòn đảo nhỏ hay bãi
cạn không có giá trị chiến lược ở vùng Ðông Bắc Á, giữa năm nước là Liên Bang
Nga, Nam Hàn, Ðài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc. Người ta gọi vùng biển này là
“Ðông Hải bên cạnh Trung Quốc.”
Bất
thường hơn vậy là tranh chấp về chủ quyền trên hai vùng quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa, theo cách gọi của Việt Nam, giữa Trung Quốc và Ðài Loan với các nước
Ðông Nam Á như Việt Nam và Philippines. Chúng ta có thể gọi vùng biển này là
“Ðông Hải bên cạnh Việt Nam,” một khu vực còn chiến lược hơn cả vùng biển Ðông
Bắc Á.
Vì
sao lại như vậy, “Hồ Sơ Người-Việt” xin đóng góp một số dữ kiện khả dĩ giải
thích khu vực ta gọi chung là Ðông Hải, biển Ðông của Châu Á.
Ðiểm
nóng ngoài khơi
Người
Việt Nam tất nhiên là chú ý đến tình hình Ðông Hải của Việt Nam hay là vùng
biển Ðông Nam Á. Nhưng tháng 8 vừa qua lại bùng nổ những tranh chấp ở khu vực
Ðông Bắc Á, từ biển Okhotsk đến biển Nhật Bản xuống tới eo biển Ðài Loan và
chuỗi quần đảo Lưu Cầu (Ryukyu theo tiếng Nhật).
Ngày
14 tháng 8 năm 1945 là khi Nhật Bản đầu hàng sau 35 năm hùng cứ Ðông Á và gây
ra đại chiến trên mặt biển Thái Bình Dương và chỉ chịu thua khi bị Hoa Kỳ khuất
phục. Ngay sau khi nước Nhật bại trận vào tay Mỹ, Liên Bang Xô Viết thừa thắng
chiếm đóng bốn đảo nhỏ của Nhật trên dãy quần đảo ở mạn cực Bắc của lãnh thổ
Nhật. Ðó là các đảo Kuril Island hay Chishima Retto (Thiên Ðảo Liệt Ðảo) nói
theo tiếng Nhật.
Hôm
15 vừa qua, Liên Bang Nga tuyên bố sẽ đưa bốn chiến hạm của mình vào khu vực
đó, từ 25 tháng 8 đến 17 tháng 9. Tất nhiên là Tokyo lên tiếng phản đối. Thời
sự hàng ngày không chú ý đến việc đó vì hai biến cố khác.
Biến
cố thứ nhất là chuyện Hàn-Nhật. Ðể ghi dấu ngày Nhật Bản đầu hàng, hôm mùng 10,
Tổng Thống Nam Hàn Lee Myung Bak (Lý Minh Bác) bất ngờ thăm viếng các đảo Dokdo
nhỏ xíu (Ðông Ðảo) mà Nhật Bản gọi là Takeshima (Trúc Ðảo). Là tổng thống đầu
tiên đặt chân lên mấy hòn đảo cạn hiện do Nam Hàn quản lý, ông tuyên bố Dokdo
thuộc chủ quyền của Ðại Hàn Dân Quốc.
Biến
cố thứ hai là tranh chấp về chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên vài đảo
nhỏ hiện do Nhật Bản quản lý, là Ðiếu Ngư Ðài Daioyu theo tiếng Hoa hay Senkaku
theo tiếng Nhật (Tiêm Các Chư Ðảo). Tranh chấp bùng nổ vì Nhật bán một đảo cạn
ở nơi này cho tư nhân. Người Hoa bèn xâm nhập và cắm cờ Trung Quốc và Ðài Loan
(Trung Hoa Dân Quốc) trên đó nên bị Nhật Bản bắt giữ và trục xuất. Dân chúng
Trung Quốc đã biểu tình phản đối, đập phá nhiều cửa hàng Nhật tại Hoa Lục và
còn lật một xe hơi Nhật của... cảnh sát! Họ đả kích chính quyền là không bảo vệ
quyền lợi của Trung Quốc và Tokyo chính thức yêu cầu Bắc Kinh phải kiểm soát
làn sóng chống Nhật.
Khi
ba biến cố Nga-Nhật, Hàn-Nhật và Hoa-Nhật bùng nổ, lãnh đạo Bắc Kinh bèn kêu
gọi: ba nước Nga, Hàn, Trung cùng kết hợp nỗ lực để mở ra một chiến tuyến chung
chống lại Nhật! Chuyện bất thường ấy đã xảy ra trong tháng 8 mà quốc tế lại ít
quan tâm nên báo chí Việt Nam ít loan tải.
Lý
do cũng dễ hiểu vì điểm nóng nhất lại ở vùng biển Ðông Nam Á, ngoài khơi Việt
Nam.
Ðó
là từ quyết định của Bắc Kinh ngày 21 tháng 6 nhằm nâng cấp đơn vị hành chánh
có thẩm quyền quân sự tại thành phố họ gọi là Tam Sa trong quần đảo Hoàng Sa mà
Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ năm 1974 sau một trận hải chiến với Hải Quân
Việt Nam Cộng Hòa. Việc Bắc Kinh có thái độ ngang ngược và bất chấp công pháp
quốc tế hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) đã được nhiều nơi
phân tách, “Hồ Sơ Người-Việt” xin khỏi nhắc lại ở đây.
Nhưng
vì sao cùng lúc lại bùng nổ những biến cố này?
Nguyên
nhân gần xa
Một
nguyên nhân đầu tiên có thể được gọi là “vì dầu khí.”
Mọi
người đều nói hoặc nghĩ là có thể tìm ra dầu thô và khí đốt dưới thềm lục địa
của Ðông Hải. Vì vậy, chủ quyền trên biển đảo có thể bảo đảm quyền khai thác
năng lượng ở bên dưới. Năng lượng vốn là tài nguyên chiến lược cho các nước
đang kỹ nghệ hóa, và đa số trong này, kể cả Trung Quốc, vẫn còn nghèo. Thật ra,
xin độc giả ghi nhớ một điều mà các chuyên gia về năng lượng đã cảnh báo dù ít
ai nghe.
Tiềm
năng dầu khí bên dưới Ðông Hải có thể không dồi dào như người ta, nhất là Trung
Quốc, vẫn mơ ước. Và khai thác năng lượng dưới thềm lục địa là một việc đầu tư
tốn kém. Thả vào chục triệu đô la vào một cái lỗ dưới mấy ngàn cây số thì mới
có hy vọng tìm ra dầu khí và đem lên chế biến thành nhiên liệu là điều không dễ
không rẻ. Nhưng phản ứng chung của các nước nghèo trong khu vực, xưa kia bị các
cường quốc Âu Châu rồi Nhật Bản chinh phục, là vẫn cố tìm dầu. Vì vậy, bằng mọi
giá thì phải làm chủ khu vực này. Trung Quốc trả giá mạnh nhất vì có nhu cầu
cao nhất.
Nguyên nhân thứ hai
là sau cả một thế kỷ bị khuất phục và nửa thế kỷ xoay trở và đấu tranh để giành
độc lập và xây dựng nền móng quốc gia ở bên trong, đến cuối thế kỷ 20 các nước
mới nhìn ra ngoài.
Hãy nhớ đến mấy thập niên chiến tranh du kích trong rừng nhiệt đới Ðông Nam Á!
Bây giờ, khi tương đối kiểm soát được nội địa, các nước bắt đầu để ý đến kích
thước và chủ quyền quốc gia ở ngoài biển. Một số may mắn thì tìm lại bản chất
hay truyền thống hải hành, di chuyển trên biển, của các sắc dân Ða đảo
(Polynesians) hay Ða đảo (Melanesians). Vì vậy, bước qua thế kỷ 21, những tranh
chấp giữa các nước trong quá khứ có thể sẽ diễn ra ngoài biển.
Nguyên
nhân thứ ba là kinh tế thị trường hay chủ nghĩa tư bản.
Người
ta có thể làm giàu bằng giao dịch mua bán và càng mua bán nhiều thì càng mau
phát triển, chứ nếu cứ ngăn sông cấm chợ trong chế độ tự cung tự cấp thì sẽ còn
lạc hậu. Mà buôn bán xuyên lục địa thì phải giải quyết bằng phương tiện hàng
hải, bằng tầu hàng. Muốn bảo vệ việc giao dịch có lợi đó thì phải có hải quân.
Xây dựng lực lượng hải quân trở thành một nhu cầu chiến lược về an ninh cho mục
tiêu kinh tế. Với nhiều quốc gia, nhu cầu này chưa hề có trong nhiều thế kỷ.
Ngày nay, họ ráo riết thâu ngắn khoảng cách.
Khi
ráp nối ba chuyện trên (dầu khí, biển khơi và hải quân), ta thấy ngay một sự
thể khách quan là “thể nào cũng có chuyện.” Quốc gia nào chậm hiểu ra điều ấy
thì sẽ gặp bất lợi lớn.
Sự kiện đó khiến
mình phải phân biệt Ðông Bắc Á và Ðông Nam Á, nguyên nhân thứ tư.
Tại
khu vực Ðông Bắc Á, năm nước liên hệ là Nga, Tầu, Hàn, Nhật và cả Ðài Loan đều
có sức mạnh quân sự đáng nể và cũng cần làm ăn buôn bán với nhau nên sẽ cố
tránh xung đột. Bốn nước sau cùng lại có chung một quyền lợi là bảo đảm khả
năng giao dịch hàng hải tại Ðông Nam Á, nơi sinh hoạt của 600 triệu dân và là
vùng biển nối liền Thái Bình Dương với Ấn Ðộ Dương và xa hơn. Xa như Úc Ðại Lợi
hay Biển Á Rập, Trung Ðông và Âu Châu, xa nhất là Hoa Kỳ.
Ngoài
các loại hàng hóa khác, bốn xứ Ðông Bắc Á đều phải nhập dầu qua biển Ðông Nam
Á, theo tỷ lệ sinh tử sau đây về lượng chuyển vận: Nhật Bản và Ðài Loan 60%,
Nam Hàn 65% và Trung Quốc 80%. Vì vậy, dù có tranh chấp với nhau, họ đều ưu
tiên chú ý đến Ðông Hải của Việt Nam và nút nhặn là Eo biển Malacca.
Nguyên
nhân thứ năm là nhu cầu chính trị nội bộ.
Các
quốc gia vừa giễu võ giương oai đều đang có vấn đề ở nhà và lãnh đạo cần đánh
lạc hướng quan tâm của người dân. Chính quyền Vladimir Putin bị chống đối nặng
hơn người ta có thể nghĩ. Ðảng Tân Quốc Gia của Tổng Thống Lý Minh Bác đang gặp
khó khăn trước kỳ bầu cử sắp tới và ứng cử viên sắp tới của đảng còn có lập
trường đối ngoại cứng rắn hơn, đó là Phác Cận Huệ, con gái của ông Phác Chính
Hy ngày xưa.
Hoàn
cảnh của Thủ Tướng Nhật Yoshihiko Noda còn bi thảm hơn vì nội tình bết bát. Ðã
thế, Nhật Bản từng là thủ phạm lâm chiến với ngần ấy quốc gia Nga Tầu và Ðại
Hàn trong thế kỷ 20! Ðào bới chuyện cũ để ru ngủ người dân là mưu thuật dễ
hiểu. Nhưng, gay go nhất chính là tình hình Trung Quốc với quá nhiều rối loạn
trước khi tổ chức Ðại hội 18.
Vì
vậy, xứ nào cũng tìm cơ hội biểu dương sức mạnh ra ngoài để che giấu khó khăn
bên trong. Nhưng không ai dám làm liều và mọi người đều chú ý đến Ðông Nam Á và
Trung Quốc.
Bài
toán Trung Quốc
Khi
điểm lại năm lý do gần xa khiến Ðông Hải nổi sóng, ta thấy Trung Quốc kết tụ cả
năm nguyên nhân (dầu khí, biển khơi, hải quân, chuyển vận qua Eo biển Malacca
và hò hét để lấy lòng dân chúng). Sau 150 năm lụn bại, xứ này đang cần công
nghiệp hóa, phải giao thương buôn bán với bên ngoài nên muốn bảo vệ nguồn cung
cấp và thị trường xuất cảng.
Nhưng
thay vì tiến vào thế kỷ 21 theo những nguyên tắc được thế giới công nhận và đề
cao, là hợp tác và đàm phán, Trung Quốc áp dụng giải pháp của Phát xít Nhật.
Cũng đầu tư và mua chuộc, nhưng kết hợp với sự uy hiếp bằng sức mạnh quân sự.
Trung Quốc muốn chiếm đoạt lãnh hải và tài nguyên và kiểm soát vùng biển vây
quanh như ao nhà “Intra Mare” và sẽ đòi các nước nộp tiền mãi lộ. Trung Quốc
thành vấn đề cho thế giới, nhưng cũng có những bài toán của mình.
Hoa
Kỳ hứa hẹn sẽ trở lại Ðông Á mà chưa thể làm gì trước kỳ bầu cử. Và thật ra cũng
thấy rằng chưa cần làm gì. Các quốc gia Ðông Nam Á càng trông cậy vào sự bảo vệ
của Hải Quân Hoa Kỳ thì càng dễ chấp nhận những điều kiện hợp tác của nước Mỹ.
Nhưng
Hải Quân Trung Quốc có thể uy hiếp các nước nhỏ yếu tại Ðông Nam Á chứ chưa thể
vượt qua vòng đai của hải quân trong Lực lượng Tự Vệ của Nhật Bản.
Là
cường quốc hải dương từ thế kỷ 19, và dù phải tự giải giới, Nhật Bản hiện có ưu
thế kín đáo mà hiệu nghiệm về hải quân. Nhật có lực lượng tiềm thủy đĩnh rất
mạnh đóng chốt dưới đáy biển của hành lang từ Okinawa qua quần đảo Lưu Cầu tới
Eo biển Ðài Loan. Tầu ngầm Trung Quốc không dễ thoát khỏi sự kiểm soát của
Nhật.
Từ
thời Tổng Thống Geroge W. Bush, Hải Quân Nhật còn được Mỹ trang bị hệ thống
phòng thủ chiến lược chống hỏa tiễn đạn đạo (tấm khiên AEGIS), và tham gia kế
hoạch “Lá Chắn Thái Bình Dương” (Pacific Shield). Ðã vậy, hai năm một lần, Nhật
tham dự cuộc thao dượt quân sự trong Vành Cung Thái Bình Dương RIMPAC của 22
quốc gia, trong đó không có Trung Quốc.
Ngoài
Nhật Bản với Hoa Kỳ đứng sau lại còn có Ấn Ðộ và Úc ngày nay cũng đang e ngại
về sự bành trướng của Trung Quốc....
Nhưng
hồ sơ này đã quá dài.
Kết
luận
Một:
Nếu Trung Quốc gặp ngần ấy nguyên nhân như đã trình bày thì Việt Nam cũng vậy.
Nhưng lãnh đạo Hà Nội lại tính khác: ưu tiên bảo vệ chủ nghĩa cộng sản và đặc
quyền của họ nên vẫn thực tế dựng thế liên minh với Bắc Kinh và trấn áp người
dân.
Hai:
Ngần ấy cường quốc đều muốn tránh chiến tranh. Nhưng xung đột nhỏ vẫn có thể
xảy ra với các nước nhỏ và trong lịch sử nhân loại chính là loại biến động võ
trang đó có thể dẫn tới đại chiến, ngoài sự tính toán của các nước trong cuộc.
Ba:
Tình trạng bất trắc này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới, trừ một giả thuyết
là Trung Quốc bị nội loạn và tan rã. Giả thuyết này không là mơ hồ mà có xác
suất ngày một cao hơn. Gặp kịch bản đó, Việt Nam sẽ làm gì?
No comments:
Post a Comment