Tuesday 21 August 2012

TRÒ CHUYỆN VỚI HUỲNH THỤC VY (Huy Phương /. Người Việt)




Huy Phương/Người Việt
Monday, August 06, 2012 2:19:24 PM


Huỳnh Thục Vi.   (Hình: Huỳnh Thục Vi cung cấp)


Chế độ này cai trị bằng khủng bố, bằng đe dọa vin vào sự sợ hãi của người dân. Sợ hãi vì khủng bố cũng là chuyện bình thường, nhưng con nghĩ, sống sao cho đúng nghĩa là một người có lương tâm và có tri thức .
Huỳnh Thục Vi


Huỳnh Thục Vi là một cây bút chính luận trẻ tuổi ở Việt Nam với những bài viết phê phán thực trạng trong nước được phổ biến rộng rãi ở hải ngoại qua các trang blogs. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, những bài viết của cô về các đề tài cách mạng, dân chủ, nhân quyền, luật pháp... không chỉ thể hiện một kiến thức tự học có nền tảng mà còn một sự suy nghĩ sâu sắc vượt tuổi của mình. Có lẽ cô là một trong những cây bút chính luận hiếm hoi đã có nỗ lực nối truyền thống tâm linh của mình với con đường cách mạng dân chủ và nhân quyền của dân tộc.
Những bài viết của Huỳnh Thục Vy, cũng như hoạt động của cả gia đình cô, đã khiến cho chính quyền Cộng Sản tìm mọi cách trấn áp. Cha của cô là nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn bị đe dọa là phải làm áp lực với con gái chấm dứt các bài viết của mình: “...Nếu con anh gặp vấn đề gì thì thời gian còn lại trên cuộc đời này sẽ rất vô nghĩa!” Lê Khánh Duy, hôn phu của Huỳnh Thục Vy, cũng bị công an nhắn gửi những lời hăm dọa độc ác: “Tao nói với mày, con Vi nó hết cơ hội làm lại cuộc đời rồi, nó muốn con nó phải sống trong xã hội thế này thế nọ. Tao chắc với mày, biết nó có thể còn đẻ được nữa hay không!”
Chúng tôi đã nói chuyện với Huỳnh Thục Vi sau khi cô bị áp giải từ Sài Gòn về Quảng Nam sau cuộc biểu tình ngày 1 tháng 7 năm 2012. “Dạ, con là Huỳnh Thục Vi đây!” tiếng nói nhỏ nhẹ của đứa con gái xứ Quảng kiên cường từ bên kia đầu dây điện thoại.


Huy Phương: Chào Huỳnh Thục Vi! Trước hết xin cháu cho độc giả Người Việt biết sơ qua vài dòng về tiểu sử của cháu, vì cũng có nhiều người chưa biết nhiều về cháu trước khi chúng ta bắt đầu vào câu chuyện.

Huỳnh Thục Vi: Con sinh năm 1985. Gia đình con nguyên quán ở Tam Kỳ, nhưng gia đình con chuyển về sinh sống ở xã Tam Phú. Con mồ côi mẹ từ năm lên sáu (1991). Qua năm sau, 1992 thì ba con (Huỳnh Ngọc Tuấn ) bị bắt, về tội viết văn “tuyên truyền chống chế độ,” về sau sửa lại là tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của bộ luật hình sự, và bị kết án tù bởi một bản án của tòa án Quảng Nam-Ðà Nẵng. Mẹ mất được một năm thì cha vào tù, gia đình con gặp quá nhiều khó khăn nên hai người cô của con, đều không lập gia đình, là Huỳnh Thị Hường và Huỳnh Thị Thu Hồng đã đem chị em con về nuôi, từ đó đến nay. Sau đúng 10 năm (27 thángg 10, 2002) ba con ra tù, trở về, chịu thêm 4 năm quản chế. Qua năm sau (2003) thì con mới tốt nghiệp lớp 12, gia đình quá nghèo, nên không thể tiếp tục đi học, phải xin đi làm công nhân cho một hãng điện của Nhật ở Ðà Nẵng.
Người ta thường gọi con là blogger, nhưng thật ra con không có blog riêng. Mà chỉ viết bài rồi gửi cho chú, bác thân hữu của gia đình và nhất là trên “Ðàn Chim Việt” từ năm 2008.

Huy Phương: Gia đình cháu có liên hệ gì với chế độ VNCH trước năm 1975 không? Ðộng lực nào đã thúc đẩy cháu bắt đầu viết những bài đăng trên “Ðàn Chim Việt,” những bài báo mà chính quyền trong nước hiện này không ưa, và cũng chính vì đó mà bản thân cháu cũng như gia đình bị trù dập không nương tay?

Huỳnh Thục Vi: Gia đình con không có ai phục vụ trong chế độ VNCH, ông nội con là một nông dân. Năm 1975, cha con mới 18 tuổi. Gia đình con không có liên quan gì nhiều đến cả hai phía trong cuộc chiến tranh Việt Nam vì thế mối tương quan tình cảm của con trong cuộc chiến hầu như rất ít.
Con là một người dân bình thường ở Việt Nam, có lương tri trung bình, có một kiến thức trung bình cũng có thể hiểu được tất cả những điều tồi tệ, xấu xa đang xảy ra ở Việt Nam, mà những điều tồi tệ xấu xa này xuất phát từ bản chất của hệ thống chính trị. Chỉ cần một lương tâm và một kiến thức trung bình thôi, người ta ai cũng hiểu, nhưng người ta không dám nói vì sợ hãi hoặc người ta có liên quan đến quyền lợi với chế độ này. Con cũng như tất cả những người khác lớn lên trong những khó khăn như vậy và trực tiếp đã có những cảm nghĩ sống động về cái xã hội Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản này thì mình phải nhận ra những điều này chứ không thể không biết được. Con đã có những cảm nhận thực tế về chế độ này và phải viết bài để nói lên những cảm nhận đó. Con đã có học một chút luật để hiểu thêm những vấn nạn của Việt Nam hiện tại, về hệ thống chính trị mà luật pháp là một vấn đề quan trọng.

Huỳnh Thục Vi (bên phải) và thân phụ (giữa) cùng cậu em trai út Huỳnh Trọng Hiếu. (Hình: Huỳnh Thục Vi cung cấp)

Huy Phương: Khi cháu đã dấn thân vào con đường viết lách và phê phán chế độ Cộng Sản này, cháu có nghĩ đến những khó khăn, nguy hiểm sẽ đến với cháu không?

Huỳnh Thục Vi: Chế độ này cai trị bằng khủng bố, bằng đe dọa vin vào sự sợ hãi của người dân. Sợ hãi vì khủng bố cũng là chuyện bình thường, nhưng con nghĩ, sống sao cho đúng nghĩa là một người có lương tâm và có tri thức. Vì con người có tự do nên con nghĩ là viết và phải viết để nói lên những cảm nghĩ của mình về cuộc sống, về xã hội. Ðó là quyền của con người và không ai có thể cướp đoạt của mình được. Nếu có một kẻ nào đó hay một chế độ nào đó có thể tước đoạt cái quyến ấy của con, thì chính hành động đó đã trưng bày rõ cái bản chất xấu xa của người ta và công luận trong nước cũng như hải ngoại và toàn thế giới sẽ lên án. Con hy vọng những bài viết nói lên chính kiến của mình sẽ cho các bạn trẻ có một cái nhìn chính xác về xã hội Việt Nam hiện tại, và việc mở rộng tư duy, mở rộng kiến thức, nâng cao dân trí có thể làm cho dân chủ bén rễ ở Việt Nam để chúng ta có hy vọng cho tương lai, xây dựng một nền dân chủ cho đất nước.

Huy Phương: Từ khi những bài viết của Huỳnh Thục Vi hiện diện trên “Ðàn Chim Việt” và được phổ biến, phát tán rộng rãi trên Internet, thái độ của chính quyền Việt Nam như thế nào và bản thân cháu cũng như gia đình đã bị khó khăn, gặp hoạn nạn như thế nào?

Huỳnh Thục Vi: Con bắt đầu viết bài từ năm 2008, nên qua năm 2009, con đã bị công an địa phương gửi giấy mời lên “làm việc”. Con đã giữ thái độ bất hợp tác bằng cách không tuân hành giấy mời, nên sau đó công an đã đến nhà con để trực tiếp hạch hỏi và hăm dọa. Từ đó đến nay gia đình đã bị sách nhiễu, quấy rối nhiều lần một cách vô lý.
Ngày 8 tháng 11 năm 2011, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã đưa một lực lượng công an chìm nổi, phối hợp với đoàn thanh tra của Sở Thông Tin-Truyền Thông Quảng Nam, chừng 200 người án ngữ mọi nẻo đường chung quanh ngôi nhà gia đình con đang cư ngụ ở Ðội 1, thôn Phú Quý, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam. Họ đột nhập vào nhà con, khám xét, niêm phong và tịch thu bộ computer, 1 thùng CPU rời, 1 máy in hiệu Canon, 1 bộ loa, và các dụng cụ dùng cho máy vi tính với tội trạng: “Phát tán trên mạng những tài liệu chống đảng, nhà nước, phá hoại sự đoàn kết dân tộc.”
Ngày 22 tháng 11 năm 2011, trên các tờ báo lớn của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đồng loạt đưa tin về việc xử phạt ba cha con 260 triệu đồng (tiền Việt Nam) vì đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Chưa đầy một tháng sau, cả trăm công an đã xông vào nhà con, hành hung, đánh đập con, bà nội con, Mai Thị Yến, đã 85 tuổi, em trai con là Huỳnh Trọng Hiếu và hai người cô con. Họ đọc ba quyết định “xử lý vi phạm hành chính” về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó: Phạt cha con 100 triệu đồng, bản thân con, Huỳnh Thục Vy 85 triệu đồng, và em trai con, Huỳnh Trọng Hiếu 85 triệu đồng. Tổng cộng 270 triệu đồng (!)Sau đó, họ tịch thu 1 máy ảnh Canon và 6 điện thoại di động của toàn gia đình con và bắt em họ con là Huỳnh Ngọc Lễ (đang mặc áo “cắt lưỡi bò” No-U) lên xe chở về đồn công an vì “chống người thi hành công vụ” (do đã xông vào để bảo vệ cho con đang bị công an đánh). Sau khi họ rút hết khỏi nhà, hai người cô con đã phát giác ra việc mất 3,000 đô la, cất trong tủ áo, nhưng không biết kêu oan, khiếu nại ở đâu!

* Kỳ sau: Cuộc áp giải Huỳnh Thục Vi vội vã từ Saigon về Quảng Nam, trong 17 tiếng đồng hồ, không ăn uống, nghỉ ngơi



Huy Phương/Người Việt
Monday, August 13, 2012 2:57:30 PM

Nếu bạn vẫn tiếp tục sống trong ích kỷ và sợ hãi, những cái bạn mất còn nhiều gấp bội phần những cái bạn có thể giữ được nhờ vào sự cầu an.
Huỳnh Thục Vy

Huỳnh Thục Vy và Lê Khánh Duy. (Hình HTV cung cấp)


-Huy Phương: Câu chuyện gia đình cháu đi Saigon biểu tình ngày 1 tháng 7, 2012 và sau đó bị áp tải về lại Quảng Nam như thế nào?

-Huỳnh Thục Vy: Ngày 1 tháng 7, gia đình con gồm có ba chị em, vị hôn phu và anh rể con cùng vào Saigon để đi biểu tình chống Trung Cộng, phần con bị bắt đem về công an phường, làm việc hơn 13, 14 tiếng đồng hồ, đến khuya mới được thả về. Sau đó, ngày 4 tháng 7, 2012, công an đánh giấy mời gửi về nơi con tạm trú tại Saigon khi vào biểu tình, yêu cầu con đến đồn công an phường Tân Quy (Quận 7, TP.HCM) để làm việc, ký giấy phạt con 1 triệu rưỡi đồng “vi phạm hành chánh” về tội “gây rối trật tự công cộng.” Tại đây con thấy có mặt những nhân viên công an Quảng Nam, những người đã xét nhà và đánh đập gia đình con. Con tưởng đến đây là xong, toan đứng dậy ra về thì bất thình lình chúng thô bạo, lôi kéo con ra xe, một chiếc xe 12 chỗ ngồi, mang biển số Quảng Nam. Chồng con can thiệp thì bị công an dùng vũ lực ngăn cản và xô đẩy anh ấy một cách tàn nhẫn. Xe chạy rất nhanh, trong thời gian 17 tiếng, hình như họ muốn đưa con về cho kịp thời gian, với mục đích gì đó mà con không hiểu. Suốt 17 tiếng đồng hồ, không được ăn uống, ngủ nghỉ gì, và bị thẩm vấn liên tục trên đường đi, về đến đồn công an Quảng Nam mới được cho ăn chén cháo và uống nước. Chúng hỏi con đi biểu tình có dụng ý gì, viết bài có dụng ý gì, chuyện này con thấy đã quá nhàm rồi, nhưng chúng vẫn hỏi để làm cho đầu óc mình căng thẳng, cạn kiệt sức khỏe.
Sau khi về đến Quảng Nam con bị sụt ký nhưng nghĩ sức khỏe cũng không sao, tinh thần vẫn bình thường. Trong lần này họ lại đến nhà, lấy đi hai máy laptop, hai điện thoại di động, nói là để trừ vào số tiền phạt 270 triệu đồng ($14,000 đô la) theo quyết định của họ năm ngoái. Từ đầu năm nay chính quyền đưa xuống cho ba cha con con một quyết định hành chính gọi là thi hành lệnh phạt, và cho biết có thể cưỡng chế tài sản của mình bất cứ lúc nào. Chỉ tiếc là hai laptop này không phải của con mà là của anh rể và chị chồng con. Máy của anh rể con là máy cực tốt, giá đến 20 triệu đồng.

-Huy Phương: Một lực lượng không nhỏ những người đấu tranh chống chế độ CS hiện nay là những người đã bị chế độ này trực tiếp hay gián tiếp kỳ thị, bóc lột, khủng bố, và thậm chí sát hại. Chính cháu và gia đình cũng đã phải chịu đựng những khủng bố của chính quyền. Và, trong bất cứ cuộc cách mạng nào, người ta cũng vận động lòng căm thù đối phương để làm động lực đấu tranh. Nhưng trong bài Sự Nguy Hiểm của Truyền Thống, cháu viết: “Tự bản thân mình, tôi hiểu rằng hoa Dân Chủ Tự Do sẽ không thể nở trên cánh đồng hận thù và hẹp hòi.” Cháu có thể chia sẻ thêm những suy nghĩ của cháu về vấn đề này không?

-Huỳnh Thục Vy: Ðối với con, một thể chế chính trị dân chủ, tự do, pháp trị là một mô hình thực sự tốt đẹp. Chính trị và xã hội dựa vào nền luật pháp nghiêm minh với tam quyền phân lập, với một chính phủ hiệu quả và một tòa án độc lập là ưu thắng. Nhưng một thể chế chính trị tốt đẹp và nền luật pháp minh bạch không thể hoạt động hiệu quả trong một xã hội với nền văn hóa suy bại. Nói khác hơn, một nền văn hóa xã hội tốt đẹp và lành mạnh hỗ trợ rất nhiều cho việc thiết lập một nền chính trị tốt. Bởi vậy con là người coi trọng văn hóa. Và con tin rằng nỗ lực dân chủ hóa phải đồng hành cùng với việc khai dân trí, phục hưng văn hóa cổ truyền tốt đẹp và kiến tạo văn hóa tinh hoa hiện đại. Tự do dân chủ là những giá trị tích cực, không thể hoạt động trên mảnh đất tiêu cực. Con coi trọng việc đào tạo những con người với phẩm chất tốt trong xã hội.

-Huy Phương: Ðối với cháu, niềm tin vào chính mình như một người có lương tâm và có tri thức có thể đã đủ để thắng nỗi sợ hãi và để can đảm nói lên cảm nghĩ của mình về cuộc sống về xã hội, cụ thể là xã hội Việt Nam dưới chế độ toàn trị Cộng Sản. Cháu có lời động viên nào có thể giúp cho các bạn trẻ vượt thắng nỗi sợ hãi chế độ để cùng đồng hành với cháu và những người yêu nước khác nếu niềm tin vào lương tâm và tri thức của chính mình của họ chưa đủ?

-Huỳnh Thục Vy: Tư lợi là bản chất cơ bản của con người. Vì người ta tư lợi, nên người ta cố bám víu vào chút lợi ích trước mắt, hoặc tiếc rẻ sự an toàn hiện tại mà không dám đấu tranh. Nhưng nếu có lời nào con muốn nói với các bạn trẻ thì đó là: bạn có biết rằng sự thờ ơ và thụ động của bạn có thể khiến bạn mất tất cả những lợi ích và sự an toàn hiện tại hay không? Bởi khi đất nước bị ngoại xâm, hoặc vì chế độ thối nát mà lụn bại, tương lai của bạn và con cháu bạn có sáng sủa không? Nếu bạn vẫn tiếp tục sống trong ích kỷ và sợ hãi, những cái bạn mất còn nhiều gấp bội phần những cái bạn có thể giữ được nhờ vào sự cầu an.

(Kỳ sau: “Từ bỏ ngã chấp để theo chồng là đáp lại tình yêu và sự chia sẻ khó khăn của chồng.” Ngày 3 tháng 9, 2012: Huỳnh Thục Vy lên xe hoa.)


Huy Phương/Người Việt
Monday, August 20, 2012 5:04:55 PM

Nếu bạn vẫn tiếp tục sống trong ích kỷ và sợ hãi, những cái bạn mất còn nhiều gấp bội phần những cái bạn có thể giữ được nhờ vào sự cầu an.
Huỳnh Thục Vy

Cuộc chuyện trò với Huỳnh Thục Vi từ trong nước được tiếp tục.

Huy Phương: Chúng ta đã thấy Martin Luther King, Jr. và Desmond Tutu đấu tranh cho nhân quyền trong cảm hứng Thiên Chúa Giáo cũng như Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và Aung Sang Suu Kyi đấu tranh chống độc tài xâm lược với những giá trị Phật Giáo. Theo cháu, cảm hứng nào và những giá trị tâm linh nào có thể là bạn đồng hành cho những bạn trẻ như cháu trên con đường đấu tranh chống toàn trị để chuyển hóa Việt Nam?

“Gần đây, con trở thành một tín đồ Công Giáo...” Ảnh chụp tại nhà thờ Tam Kỳ, Quảng Nam. (Hình: Do HTV cung cấp)
Huỳnh Thục Vi: Mỗi người trên thế giới được sinh ra trong những điều kiện cụ thể, những điều kiện đó cho họ cơ hội để cảm nghiệm và thực hành những niềm tin tôn giáo khác nhau. Một người ở Luân Ðôn, gần như tất nhiên là anh ta sẽ theo Anh Giáo, một người ở Mỹ có xu hướng theo các hệ phái Tin Lành, một người ở phương Ðông có thiên hướng đi gần lại với Phật Giáo... Các giáo lý tôn giáo trong đời sống tâm linh của mỗi cá nhân khác nhau là vô cùng khác biệt. Nhưng xét trên bối cảnh toàn xã hội thì điều quan trọng không phải là anh tin vào một Thiên Chúa là đấng tối cao hay anh tin vào luân hồi, vào nghiệp quả; mà cái chính yếu là anh ta mang lại giá trị tốt hay xấu cho xã hội. Trong cuộc đấu tranh hiện nay cho dân chủ và tự do, điều quan trọng không phải là niềm tin tôn giáo nào được chọn làm giá trị đồng hành với chúng ta; mà là việc chúng ta là ai, chúng ta có niềm tin mạnh mẽ đến mức nào vào những giá trị đạo đức tốt đẹp giúp chúng ta vượt thắng sợ hãi để đấu tranh và chúng ta có thể làm được gì cho cuộc đấu tranh, cho đất nước. Con nghĩ rằng, tinh thần khoan dung tôn giáo là quan trọng và cần thiết cho xã hội nói chung và cho mỗi cá nhân nói riêng. Mỗi người cứ sống như chính mình, miễn là chúng ta có thể thay đổi mình cho tốt hơn, để từ đó thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp. Một hình ảnh rất cảm động, rất đẹp đối với con là hình ảnh một vị linh mục dòng Chúa cứu thế đứng cạnh một vị hòa thượng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong lễ tang bà cụ Liêng. Bất kể bạn thuộc tôn giáo nào, nếu bạn có tâm và có đủ dũng cảm để đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp cho đất nước, bạn xứng đáng được mọi người vinh danh.

Huy Phương: Trong bài Bàn Về Ðạo Ðức Thay Lời Chúc Mừng Giáng Sinh, cháu viết, “Ðạo đức dũng mãnh vạch ra lập trường đối lập với nhà cầm quyền bằng hành động ủng hộ dân chủ, đạo đức lên án kẻ ác vì chứng kiến sự chà đạp nhân phẩm của họ, đạo đức yêu thương chia sẻ vì nhìn thấy khổ đau của đồng loại,” và trong bài Tâm Tư Nhân Ngày Lễ Tạ Ơn, cháu cũng viết, “Trong vũ trụ này, không có một bản thể tồn tại độc lập với các bản thể khác... Tôi tin rằng tự do là nhân tính, là phù hợp với thiên nhiên và tự do phóng khoáng cũng là tinh thần Phật Giáo.” Phải chăng con đường hoạt động của dân chủ của cháu không chỉ được hướng dẫn bởi những ý tưởng về công bằng và tự do mà còn bởi những cảm nghiệm về đạo đức và giá trị tâm linh của dân tộc?

Huỳnh Thục Vi: Không dám tự nhận mình là một Phật tử thuần thành, nhưng lối sống và lối tư duy của con được hướng dẫn bởi niềm tin Phật Giáo với các giá trị luân lý thượng thừa Bi, Trí, Dũng của nhà Phật. Trước khi là người chịu ảnh hưởng bởi các tư tưởng tự do khai phóng của các nhà tư tưởng phương Tây, con là người luôn cố gắng giữ mình trong tinh thần Phật Giáo (dù việc này không dễ dàng). Ðạo Phật trong nhận thức của con cũng là một triết lý tự do qua những lý thuyết về “vô ngã”, “vô thường”... Có thể nói lối tư duy của con được định hình trong hai tư tưởng lớn, đó là tư tưởng Phật Giáo về nhân sinh và thế giới cùng với tư tưởng tự do-pháp trị về thể chế chính trị. Dù muốn hay không, mỗi người bị “điều kiện hóa” trong bối cảnh sống của mình, nên lối sống và tư duy của chúng ta đều có xu hướng đi theo một hướng nhất định. Con tin sự thiện lương là điểm chung của mọi tôn giáo. Ðó mới là điều chính yếu.

Huy Phương: Những việc làm của Huỳnh Thục Vi có được sự khuyến khích hay biểu đồng tình của đồng bào trong và ngoài nước không? Chấp nhận tranh đấu trong một chế độ như thế này là chấp nhận thiệt thòi, hy sinh và chịu gian khổ, như vậy việc lập gia đình của cháu có trở ngại gì cho công cuộc tranh đấu, cho lý tưởng cháu đã chọn hay không?

Huỳnh Thục Vi: Con nghĩ rằng tất cả mọi người trong và ngoài nước đều quan tâm và thương yêu con, ủng hộ con nên con mới có đủ sức mạnh để đeo đuổi lý tưởng của mình. Chồng con ủng hộ những việc con làm và anh ấy cũng là người đồng hành với con trên con đường con đã chọn. Anh ấy cũng nhận thức được rằng: “Tự do, dân chủ mới là câu trả lời cho xã hội Việt Nam.” Vì quen biết, liên hệ với con nên an ninh nơi quê anh ở cũng kêu anh lên làm việc và hăm dọa đủ điều, nhưng cũng không sao!
Gần đây, con trở thành một tín đồ Công Giáo, vì chồng con là người Công Giáo dòng. Con theo chồng, nên theo đạo chồng. Việc chấp nhận từ bỏ ngã chấp để theo chồng là để đáp lại tình yêu và sự chia sẻ khó khăn mà anh ấy dành cho con. Ðạo Công Giáo thật tốt và các cha bên Công Giáo dòng Chúa Cứu Thế mà con hân hạnh được biết thực sự là những bậc tu hành đầy đức hạnh.
Con xin tin cho chú biết và những người thương yêu của con biết, vào ngày 3 tháng 9, 2012 đến đây, con và anh Lê Khánh Duy sẽ làm lễ thành hôn tại Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam.
Con là một người tuổi trẻ trong nước, chịu trực tiếp những sự đàn áp của chế độ này và con luôn luôn động viên và tự nhủ mình phải bình tĩnh và không sợ hãi để đấu tranh cho những giá trị tinh thần mà mình đang đeo đuổi. Con hy vọng những việc mình đang làm sẽ là một lời động viên chân tình đối với những người trẻ có tâm huyết với đất nước và những người có tấm lòng đối với dân tộc này.
Lúc nào con có cơ hội được báo chí ở nước ngoài phỏng vấn, con cũng muốn gửi những lời cám ơn từ đáy lòng con đến tất cả bà con hải ngoại đã thương yêu và giúp đỡ con rất nhiều, con mang ơn quý vị về tất cả những điều đó, và cũng nhờ những sự yểm trợ đó mà con được an toàn cho đến hôm nay.
Con xin giữ vững tinh thần và đi theo con đường mình đã chọn.

Huy Phương: Cháu nghĩ sao về việc bà Ðặng Thị Kim Liêng, thân mẫu của bà Tạ Phong Tần tự thiêu ở Bạc Liêu vừa rồi?

Huỳnh Thục Vi: Tin này được loan truyền tràn ngập qua mạng tự do, nhưng báo chí trong nước đều ém nhẹm sự việc này. Ðây là một hành động phản đối quyết liệt chống lại chế độ và chắc chắn chính quyền sẽ gặp khó khăn vì ảnh hưởng của vụ tự thiêu này của bà Kim Liêng. Lúc con vào Saigon thì cô Tạ Phong Tần đã bị bắt nên con chưa được gặp.

Huy Phương: Xin cám ơn cháu đã dành cho Người Việt cuộc chuyện trò vừa qua và thành thật chúc mừng nhân dịp thành hôn của hai cháu, hy vọng từ nay trên đường đời cháu có thêm bạn đồng hành, sẽ bước đi những bước vững chãi, can trường hơn.
Xin gửi tặng cháu những dòng chữ đã được xâm trên ngực của Marcel Nguyễn, chàng trai mang hai dòng máu Việt-Ðức, đã đoạt huy chương bạc Thể Dục Dụng Cụ Thế Vận Hội London 2012: “Nỗi đau là nhất thời, Vinh quang mới là vĩnh cửu”.

* Với sự đồng ý của Huỳnh Thục Vi, chúng tôi xin ghi lại địa chỉ: Ðội 1, thôn Phú Quý, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam, Việt Nam và số điện thoại gia đình: 09034 822 547.




No comments:

Post a Comment

View My Stats