Sunday 19 August 2012

TÍNH "BIỆT LY" TRONG CA KHÚC của CỐ NHẠC SĨ ANH VIỆT (Du Tử Lê)




Du Tử Lê
Wednesday, August 15, 2012 3:47:43 PM

Lịch sử chiến tranh hay cách mạng của một đất nước luôn có những thời điểm rõ ràng, cụ thể. Thí dụ, cuộc Cách Mạng Pháp, khởi đầu từ vụ phá ngục Bastille, ngày 11 tháng 7 năm 1789. Hay cuộc Nội Chiến Nam-Bắc Mỹ, khởi sự ngày 12 tháng 4 năm 1861.

Nhạc sĩ Anh Việt-Trần Văn Trọng.

Gần gũi hơn với chúng ta, không ai tranh cãi về ngày 19 tháng 8 năm 1945, là ngày toàn dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp...
Nhưng, ở những lãnh vực khác, như lãnh vực Văn Học, Nghệ Thuật (VHNT) Việt Nam, tới giờ, người ta có thể đồng thuận với nhau rằng, dòng VHNT tiền chiến, khởi đi từ đầu thập niên 1930. Nhưng không ai có thể chỉ ra một cách rõ ràng và, thuyết phục được tất cả mọi người về thời điểm kết thúc của dòng VHNT ấy.
Một số nhà phê bình văn học đã lấy ngày 19 tháng 8 năm 1945, làm ngày tang của dòng VHNT tiền chiến. Ðó cũng là ngày chấm dứt một thời kỳ thanh bình của Việt Nam. Dù tạm bợ trong chế độ quốc gia do người Pháp bảo hộ.
Nhưng thời điểm từ 1946 tới 1954 (trước khi có Hiệp Ðịnh Geneva và, cuộc đi cư vào miền Nam của hơn 1 triệu đồng bào miền Bắc), thì chúng ta phải gọi đó là thời kỳ VHNT gì?
Có nhiều người gọi đó là thời kỳ VHNT Kháng Chiến.

Tôi thiển nghĩ chỉ danh này không đúng lắm. Bởi nếu có một số văn nghệ sĩ thoát ly gia đình, bỏ thành phố, vào chiến khu tham gia công cuộc chống Pháp - (Mà, không lâu sau, thực tế cho thấy, cuộc kháng chiến của toàn dân đó, đã bị người CS tiếm đoạt) - Thì, cũng có không ít văn nghệ sĩ ở lại vùng quốc gia.

Chưa kể, cũng có rất nhiều văn nghệ sĩ, sau một thời gian đi theo kháng chiến, đã “dinh tê” tức trở lại vùng “tề,” vùng quốc gia. Như các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng, Tạ Tỵ, Mai Thảo, v.v... Các nhạc sĩ, ca sĩ như Phạm Ðình Chương, Phạm Duy, Lê Trọng Nguyễn, Nhật Bằng, Thái Hằng, Thái Thanh, v.v...

Lịch sử oan nghiệt của Việt Nam, trong mỗi thời kỳ chiến tranh, ly tán, đều có hiện tượng phía này đã nhìn phía kia, nếu không phải là kẻ thù, chí ít cũng là những kẻ... phản quốc!

Những người có tinh thần công bình, với ý thức sáng suốt tối thiểu, không ai có thể quả quyết những người dân ở vùng... “tạm chiếm” là không yêu nước! Trái lại. Có chăng, họ yêu nước theo cách của họ.

Cũng thế, dù đứng ở phía nào, quan điểm nào, những người có tinh thần khách quan, cũng không thể phủ nhận tinh thần yêu nước, yêu quê hương, dân tộc của những văn nghệ sĩ sống, hay từ vùng kháng chiến trở về vùng quốc gia kiểm soát.

Vì thế, không ít người cho rằng, dựa vào thời gian khởi sự cuộc kháng chiến của toàn dân Việt Nam năm 1945, làm dấu mốc chấm dứt giai đoạn VHNT tiền chiến, để bước qua giai đoạn mới: Giai đoạn VHNT kháng chiến, tự thân thiếu tính thuyết phục trong thực tế.

Bởi vậy, ở lãnh vực âm nhạc, nhiều nhà nhạc-sử (điển hình như nhạc sĩ Trần Quang Hải,) đã khá lúng túng, không biết phải xếp những nhạc sĩ có sáng tác từ trước điểm mốc 1945 vào giai đoạn nào?

Khi mà, vì sự giới hạn của phương tiện phổ biến thời đó, khiến sáng tác của một số nhạc sĩ ở giai đoạn này, chỉ được quần chúng biết đến, sau thời kiểm vừa kể.

Ngược lại, cũng có những ca khúc sáng tác sau 1945, nhưng lại được quần chúng yêu thích, phổ biến một cách rộng rãi, cùng lúc với những ca khúc ra đời từ thời tiền chiến.

Ðiển hình là trường hợp của cố nhạc sĩ Anh Việt/Trần Văn Trọng. (1)

Căn cứ vào bài viết nhan đề “Lỡ chuyến đò - Tưởng nhớ nhạc sĩ Anh Việt” của nhạc sĩ Thanh Trang, (tác giả nhiều ca ca khúc nổi tiếng, trong số đó, có “Duyên Thề”) - Thì cố nhạc sĩ Anh Việt/Trần Văn Trọng sáng tác nhạc từ năm 1940. Ðiểm mốc này nằm trong giai đoạn được khẳng định là giai đoạn VHNT tiền chiến.

Tôi không biết những năm đầu thập niên (19)40, nhạc sĩ Anh Việt ở đâu? Nhưng dù ở đâu thì, đó vẫn là thời gian mà, những phương tiện phổ biến nhạc ở miền Nam còn rất giới hạn. Hậu quả, những ca khúc đầu tay của ông, đã không được biết tới.

Phải đợi tới những năm sau 1946, những ca khúc như “Bến Cũ,” “Một Chuyến Ði,” “Lỡ Chuyến Ðò” hay “Thơ Ngây” của cố nhạc sĩ Anh Việt mới được nhiều người biết tới. Hơn thế nữa, chúng còn được đón nhận như những cơn sốt vỡ da trong tâm hồn người thưởng ngoạn.

Bìa nhạc phẩm Thơ Ngây.

Chỉ riêng với ca khúc “Thơ Ngây” của cố nhạc sĩ Anh Việt, nhạc sĩ Trần Quang Hải trong bài viết “Nhạc sĩ Anh Việt và dòng nhạc 50 năm sáng tác,” đã ghi nhận như sau:

“Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, những nhạc phẩm có tác dụng giao hòa được tâm hồn và trái tim của người trình diễn lẫn người thưởng thức, như nhạc phẩm ‘Thơ Ngây,’ không phải là nhiều. Chính vì thế 'Thơ Ngây' đã sống mãi với thời gian, không khác gì những nhạc phẩm lãng mạn bất hủ như 'Biệt Ly' của Doãn Mẫn, 'Con Thuyền Không Bến' của Ðặng Thế Phong , 'Nỗi Lòng' của Nguyễn Văn Khánh hay 'Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa' của Tô Vũ, v.v...” (2)

Du Tử Lê
(Còn tiếp)

Chú thích:
(1) Cố nhạc sĩ Anh Việt/Trần Văn Trọng sinh năm 1927 tại Rạch Giá. Theo tư liệu của nhạc sĩ Trần Quang Hải thì, nhạc sĩ Anh Việt lập gia đình với bà Tố Oanh, người Huế, họ Nguyễn. Ông bà có được với nhau tất cả 9 người con, đều đã thành danh. (Wikipedia/Bách khoa toàn thư mở.)
Theo trang mạng Art@all.net trích dẫn bản tin của Dân Sinh News thì:
“Trong giờ tưởng niệm vào chiều Thứ Bảy ngày 22 tháng 3, 2008 ca sĩ Thu Hà, tức Bác Sĩ Nguyệt đã hát bài Bến Cũ bằng 1 giọng truyền cảm và xúc động để tiễn đưa lần cuối nhạc sĩ Anh Việt tại nghĩa trang Oak Hill, thành phố San Jose.
“Bà Thu Hà cho biết nữ sĩ Tố Oanh là phu nhân của cố nhạc sĩ đã để bản Bến Cũ trên đầu giường bệnh. Nghe nửa chừng thì ông ra đi.” Ðó là ngày 14 tháng 3 năm 2008.
(2) Nguồn đd.


No comments:

Post a Comment

View My Stats