16-8-2012
Bốn năm chờ đợi. Hàng tỷ cặp mắt
dồn về Luân Đôn. Thành phố sương mù này quả không hổ danh là một trong những kỳ
quan văn hóa nhân bản và tự do dân chủ của loài người. Hai buổi lễ rộn rã khai
mạc và tưng bừng bế mạc đã hớp hồn khán giả toàn cầu. Anh Quốc có quá nhiều
danh nhân văn hóa ở tầm thế giới để tự hào và tuyên dương trước vài tỷ khán giả
trải khắp địa cầu. Lại có thừa âm nhạc để một vạn vận động viên nhớ đời trong
buổi chia tay nhau, và vẫy tay tạ từ khán giả khắp địa cầu sau những trận thư
hùng với tinh thần thượng võ trong một dịp gặp gỡ mệnh danh là Thế Giới Hợp
Nhất.
Khoảng giữa của hai buổi lễ hội kỳ
vĩ đó là hơn hai tuần lễ hồi hộp làm nhảy sái nhịp tim một phần nhân loại, qua
non vạn cuộc tranh tài, từ vòng loại đến chung kết, của 302 bộ môn thuộc 26 môn
thể thao mùa Hè.
Đông đúc và sôi động ngần ấy, thế
mà chỉ có một sự việc đáng tiếc đáng kể xảy ra: Huấn luyện viên đội tuyển bóng
tròn nữ Bắc Triều Tiên không cho cầu thủ vào sân đấu với đội tuyển Columbia, vì
Ban tổ chức trương nhầm cờ Nam Hàn trong phần giới thiệu, cho đến khi Ban tổ
chức chính thức xin lỗi đoàn tuyển thủ Bắc Triều Tiên.
Sự kiện đó càng làm tăng thêm sự
chú ý của giới truyền thông (vốn dĩ …nhiều chuyện) vào sinh hoạt của hai phái
đoàn tuyển thủ thể thao của quốc gia duy nhất trên thế giới còn bị chia đôi bởi
lằn ranh quốc-cộng từ thời khởi đầu chiến tranh lạnh đến nay: Nam Hàn và Bắc
Triều Tiên.
Triều Tiên, như dòng đầu một bài
nhạc chuyển ngữ, có nghĩa là “sớm mai tươi hồng”. Bán đảo Triều Tiên là một dải
đất thuộc Đông Bắc Á châu, nhô ra biển Thái Bình ở khoảng giữa Trung Quốc với
Nhật Bản, nên có một chiều dài lịch sử và văn hóa 3000 năm dính liền với hai
quốc gia này. Triều Tiên, qua sách sử của TQ, từng được gọi là “Cẩm tú giang
sơn” và “Đông phương lễ nghi chi quốc”. Triều Tiên cũng là nơi phát minh ra máy
in, quả thiên cầu, đồng hồ nước và tàu chiến bọc sắt.
Năm 1910, Nhật xâm chiếm và biến
Triều Tiên thành thuộc địa cho tới khi Nhật đầu hàng phe Đồng minh và kết thúc
đệ nhị thế chiến, ngày 15-8-1945. Sau đó là ảnh hưởng bành trướng chủ nghĩa
cộng sản của Liên Xô cùng nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn chận làn sóng đỏ, đã tạo
ra tình huống chính thức chia đôi đất nước Cao Ly ở vĩ tuyến 38, vào ngày chấm
dứt chiến tranh Cao Ly, 27-7-1953. Phía Bắc là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều
Tiên (Democratic People’s Republic of Korea). Phía Nam là Cộng hòa Hàn Quốc
(Republic of Korea). Hai nước có riêng quốc kỳ, nhưng có quốc thiều Aegukka sử
dụng cùng giai điệu của một bài ca ái quốc, chỉ khác lời, nên biến thành hai
bản quốc ca.
Cả hai vùng Triều Tiên, ngoại trừ
lãnh thổ miền Bắc hơn miền Nam khoảng 20 ngàn cây số vuông, từng giống nhau ở
nhiều đặc điểm, về thổ nhưỡng/tài nguyên/tập quán… Tuy nhiên, sau 59 năm tách
rời, đã có rất nhiều khác biệt, có thể liệt kê một số điểm chính theo những
thống kê gần nhất:
Bắc Triều Tiên
|
Nam Hàn
|
|
Chính thể
|
Cộng sản – độc đảng
(KWP và 2 vệ tinh CCP – SDP) |
Cộng hòa – đa đảng
(DUP, DLP, FHA, LFP, RKP, NFP, UPP) |
Dân số
|
24 triệu rưỡi
|
49 triệu
|
Tuổi thọ trung bình
|
69,2
|
79,3
|
Tổng sản lượng
|
28 tỷ USD:
23% nông nghiệp 43,4% công nghiệp 33,6% dịch vụ |
1116 tỷ USD:
2,6% nông nghiệp 39,2% công nghiệp 58,2% dịch vụ |
Tổng sản lượng bình quân
|
1.800 USD
|
31.100 USD
|
Tổng số lao động
|
12,2 triệu
|
25,1 triệu
|
Sản phẩm
|
Quân dụng, cơ giới, điện, hóa chất, khoáng chất…
|
Nông phẩm, các mặt hàng điện tử/viễn thông, xe hơi, tàu chở dầu…
|
Xuất khẩu
|
2,5 tỷ USD:
Khoáng chất, vũ khí, sản phẩm luyện kim, sản phẩm dệt… |
556,5 tỷ USD:
Tivi, vi tính, phôn di động, các sản phẩm điện tử/viễn thông, ô-tô, tàu thủy, thép, hóa chất dầu khí, máy móc gia dụng… |
Nhập khẩu
|
3,1 tỷ USD:
Dầu hỏa, than đá, máy móc, tơ sợi, ngũ cốc… |
524,4 tỷ USD:
Máy móc, linh kiện điện tử, dầu khí, cơ khí vận chuyển, nguyên liệu plastic… |
Dự trữ
|
Không có số liệu
|
306,4 tỷ USD
(~11 lần GDP của Bắc Triều Tiên) |
Điện thoại
|
1,2 triệu đ/t bàn
|
28,5 triệu đ/t bàn & 50,7 triệu di động
(gấp ba lần dân số Bắc Triều Tiên) |
Cty nối mạng internet
|
7 Cty
|
293.000 Cty
|
Số người sử dụng mạng internet
|
Không có số liệu
|
Trên 40 triệu
(gần gấp đôi dân số Bắc Triều Tiên)
|
Độ cách biệt của Nam Hàn so với
chính nó trong sáu thập niên qua đã là một kỳ tích đáng nể, trong điều kiện “cư
an tư nguy” vào mọi lúc đối với một đảng cộng sản Bắc Triều Tiên có tiếng là
hiếu chiến lại có trong tay vũ khí hạt nhân. Và kể cả trong phạm vi dân chủ hóa
đất nước, với những nỗ lực hoàn thiện một nền dân chủ, lắm khi nhân dân phải
trả giá khá đắt ở các cuộc biểu tình trường kỳ, tính từ thời dân chủ nghiêm
nhặt của Park Chung-Hee (1962-1979) qua Chun Doo-Hwan (1980-1988). Mỗi thời kỳ
thay đổi lãnh đạo ở Hán Thành là một dịp cả nước cải cách/hoàn chỉnh chính thể
dân chủ đa nguyên đa đảng đó, làm nền tảng vững chắc cho đất nước Nam Hàn cất
cánh, cả kinh tế lẫn vị thế trên trường quốc tế.
Hiện Nam Hàn là thành viên hoặc đối
tác chính của những định chế quốc tế nổi tiếng: ADB, AfDB (thành viên ngoài khu
vực), APEC, ARF, ASEAN (đối tác), Australia Group, BIS, CD, CICA, CP, EAS,
EBRD, FAO, FATF, G-20, IADB, IAEA, IBRD, ICAO, ICC, ICRM, IDA, IEA, IFAD, IFC,
IFRCS, IHO, ILO, IMF, IMO, IMSO, Interpol, IOC, IOM, IPU, ISO, ITSO, ITU, ITUC,
LAIA (quan sát viên), MIGA, MINURSO, NEA, NSG, OAS (quan sát viên), OECD, OPCW,
OSCE, Paris Club, PCA, PIF, SAARC (quan sát viên), UN, UNAMID, UNCTAD, UNESCO,
UNHCR, UNIDO, UNIFIL, UNISFA, UNMIL, UNMISS, UNMOGIP, UNOCI, UNWTO, UPU, WCO,
WHO, WIPO, WMO, WTO, ZC.
Độ cách biệt của Nam Hàn so với Bắc
Triều Tiên, sau gần 60 năm chia cách, đã quá xa và hiển nhiên đến mức không cần
chứng minh bằng số liệu. Nam Hàn đã nhiều lần nhiệt thành đáp ứng lời kêu gọi
cứu đói của Bắc Triều Tiên. Nam Hàn cũng đã từng tổ chức Thế vận hội mùa Hè
1988, và cùng Nhật Bản đồng tổ chức FIFA Worldcup 2002…
Độ cách biệt của Nam Hàn so với
Nhật Bản, cũng là một kỳ tích đáng nể khác. Hiện Nam Hàn đã hoặc đang vượt qua
Nhật Bản ở một số lãnh vực quan trọng như tàu thủy, màn hình ti-vi và màn hình
vi tính, điện thoại di động, máy móc gia dụng, âm nhạc và điện ảnh… Trong lúc
du khách đến Hán Thành hiếm khi thấy dân chúng nơi đây sử dụng những sản phẩm
của Nhật, đáng chú ý là ô tô, xe máy và truyền hình… thì Nam Hàn đã qua mặt
Nhật Bản để tranh hạng 3-4 trong trận Worldcup 2002, Nam Hàn lại đứng hạng tư
Olympic 1988 (với 12 huy chương vàng, 10 bạc, 11 đồng) trong lúc Nhật Bản đứng
hạng 14 (với 4 huy chương vàng, 3 bạc, 7 đồng).
Lần này, tại London Olympic 2012:
* Nam Hàn có 257 vận động viên tham
dự, đứng hàng thứ 5 (sau Mỹ, TQ, Anh, Nga), với 13 huy chương vàng, 8 bạc, 7
đồng.
* Nhật Bản có 305 vận động viên
tham dự, đứng hàng thứ 11, với 7 huy chương vàng, 14 bạc, 17 đồng.
* Bắc Triều Tiên có 56 vận động
viên tham dự, đứng hàng thứ 20, với 4 huy chương vàng, 0 bạc, 2 đồng.
Tại Làng thế vận, trong lúc vận động viên các nước giao
tiếp thân tình trong tinh thần Thế giới hợp nhất, thì phái đoàn vận động viên
Bắc Triều Tiên lại sinh hoạt với rất nhiều điểm gây chú ý:
1. Bị theo dõi/kiểm soát gắt gao để
tránh đào tỵ (ngay cả kỳ Olympic 2008 ở Bắc Kinh là nơi khó lòng đào tỵ).
2. Bị áp suất rất nặng bởi sự lo sợ
hậu quả nếu không đoạt được huy chương. Hệ quả càng khó lường nếu để thua một
vận động viên Nam Hàn (kinh nghiệm của Huy chương đồng Nhu đạo thế giới 1989
Lee Chang-Soo, năm sau, bị thua đối thủ Nam Hàn trong trận chung kết 1990 Asian
Games ở Bắc Kinh, khi về nước bị đày đi làm thợ khai thác mỏ than).
3. Được ủy viên truyền thông Ri
Kwang-Chol trong đoàn thông báo là nhà nước cho phép truyền hình 15 phút tường
thuật Olympic 2012 mỗi ngày, đồng thời, nhắc nhở/động viên cả đoàn là phải gắng
sức đoạt thêm 15 huy chương vàng, ngay khi phái đoàn Bắc TriềuTiên đã đoạt được
cái thứ tư.
4. Phải tự cô lập ra khỏi thế giới
trẻ trong ngày hội Olympic toàn cầu – không được trò chuyện hay kết bạn với bất
kỳ ai.
5. Không được du ngoạn ngắm
cảnh/mua sắm hay tham dự các cuộc giải trí chung đông người.
6. Không được phép trả lời phỏng
vấn. Câu trả lời hiếm hoi mà các phóng viên nghe được, là của vô địch nhu đạo
An Kum-Ae, thì lại có nội dung rất đáng nhíu mày, rằng: “Tôi tin rằng tôi đã
mang đến những niềm hạnh phúc và vui thú cho lãnh đạo của chúng tôi, Kim
Jong-Un”.
7. Phải tự “cải thiện sinh hoạt”
bằng cung cách XHCN: Một nhân viên trong phái đoàn Philippines kể lại cho phóng
viên Reuters là đã hết sức ngạc nhiên khi thấy các vận động viên Bắc Triều Tiên
kéo nhau ghé nhà hàng thực phẩm ăn nhanh MacDonald để ăn sáng, ăn trưa, ăn
chiều, ăn tối, mỗi ngày. Họ rất vui trong lúc thưởng thức tất cả những món ăn
có ghi trên thực đơn, và sôi nổi bàn luận với nhau về những món đã ăn hoặc sắp
ăn từ một nhà hàng bình dân nhưng nổi tiếng của bọn tư bản Mỹ. Chỉ vì MacDonald
là nhà bảo trợ cho Olympic 2012 và tự ý cung ứng món bánh mì kẹp thịt
(hamburgers), khoai tây chiên (fries) và món kem tan trong nước ngọt xá xị
(floats) cho mọi vận động viên. Tất cả đều miễn phí!
Với tình hình này, người ta không
hy vọng gì trận thư hùng Olympic mùa Đông 2018 sẽ được Bắc Triều Tiên đăng ký
đồng tổ chức. Cho tới giờ này, thành phố Pyeongchang của Nam Hàn đã giành phần
tổ chức, và không ngại đơn phương tổ chức. Nam Hàn có thừa điều kiện, cả phương
tiện lẫn dân trí và dân khí, để thực hiện thành công, như đã từng thành công kỳ
Olympic mùa Hè 1988, với 160 quốc gia tham dự, 8.391 vận động viên, 11.331
phóng viên tường thuật và hàng trăm ngàn du khách thưởng lãm. Tức là những 20
năm trước kỳ Olympic Bắc Kinh.
Lại có người muốn đẩy sự so sánh
lên một tầm khác: Nam Hàn, với non 80 triệu dân, so với Trung Quốc, hơn một tỷ
dân, như thế nào?
Sự chênh lệch về tài nguyên và lực
lượng lao động quá lớn, do đó, thời gian để Nam Hàn đuổi kịp TQ về mặt số lượng
sản xuất hoặc tổng sản lượng nội địa có lẽ không thể ngắn. Ngược lại, cũng còn
rất lâu nữa TQ mới đuổi kịp Nam Hàn về mặt dân trí và dân khí. TQ có thể giàu
sổi nhưng khó mạnh, bởi cải cách chính trị không có được ưu tiên như cải cách
kinh tế nhằm phục vụ cho một số nhóm lợi ích, khiến sự tăng trưởng lệch pha, và
tạo ra biết bao hệ lụy, cả môi sinh lẫn tâm lý bất mãn của quần chúng.
Ngược lại, Nam Hàn theo đuổi hai
chủ trương lành mạnh và bền vững: Một là cải cách vì con người và phát triển vì
dân tộc, chứ không phải để biện hộ cho vị trí của thiểu số cầm quyền. Hai là
phát triển toàn diện trong thế quân bình, từ khoa học đến giáo dục, văn hóa,
đặc biệt là kinh tế tri thức… Tức là, mọi chỉ số phát triển được dồn nỗ lực đạt
đến chỉ nhằm phục vụ nhân dân, không phải để trang trí hay quảng cáo cho những
cái ngai của đảng cầm quyền.
Tóm lại, ngoài
những tấm huy chương cao quý và những kỷ lục thể thao kỳ tài, người ta rút tỉa
được thêm những gì từ Thế vận hội Luân Đôn 2012?
Mỗi bốn năm mới có một dịp Thế giới
hợp nhất vào mùa Hè, mọi người tạm gát qua bên mọi xung đột chính trị hay quân
sự, để đến với nhau bằng kết nối huynh đệ và tinh thần tranh đua cao thượng,
chứ không chỉ vì các chỉ tiêu thành tích bị áp lực phải đạt.
Và, ngay giữa ánh lửa của bó đuốc
Olympic vĩ đại, chính là một chiếc đồng hồ đo trình Dân Khí.
Bởi, “tai nạn” treo nhầm cờ nói
trên lại tình cờ dẫn mọi người đến những so sánh ra khỏi Luân Đôn, đến tận
Nam-Bắc Hàn, rồi ngẫm nghĩ xa hơn một chặng:
Để dân làm chủ thực sự và thanh lọc
dần chính phủ, qua từng nhiệm kỳ, nhằm phục vụ đúng theo ý dân thì đất nước chóng
tiến triển; hay ca tụng “sứ mệnh” độc quyền cai trị của một nhóm rất nhỏ thì
đất nước sẽ tiến triển?
Và quan trọng hơn nữa, loại tiến
triển nào lành mạnh và bền vững cho đất nước?
15-8-2012 – Nhân kỷ niệm 67 năm độc
lập của bán đảo Triều Tiên từ quân phiệt Nhật.
No comments:
Post a Comment