Monday, 13 August 2012

SẼ TRẢ GIÁ ĐẮT NẾU QUAY LƯNG LẠI VỚI NHÂN DÂN (Lê Xuân Khoa / Ngọc Trân - RFA)




Ngọc Trân, Thông tín viên RFA
2012-08-13

Hôm 6 tháng 8 vừa qua, 71 nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước đã gửi một Thư Ngỏ cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề Biển Đông, cũng như đề xuất một số biện pháp cải cách thể chế chính trị, thực hiện dân chủ.

Nhân dịp này, Thông tín viên Ngọc Trân đã phỏng vấn GS Lê Xuân Khoa, từng là Viện phó Viện Đại học Sài Gòn, sau đó nghiên cứu và giảng dạy ở trường Đại học Johns Hopkins. GS Lê Xuân Khoa là một trong những người đã ký tên trong bức Thư Ngỏ gửi lãnh đạo đảng và nhà nước gần một năm trước.


Nên lắng nghe dân

Ngọc Trân: Thưa Giáo sư, có lẽ GS đã biết về bức Thư Ngỏ của 71 nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước gửi lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam hôm 6 tháng 8 vừa qua. Giáo sư nghĩ sao về lá thư này? Giáo sư có nghĩ rằng lá thư ngỏ này sẽ được lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam lắng nghe hay là sẽ tiếp tục bị gạt bỏ/ như đối với tất cả những kiến nghị và thư ngỏ trước đây của trí thức?

GS Lê Xuân Khoa: Trước hết, tôi hoan nghênh các nhân sĩ trí thức đã chọn hình thức Thư ngỏ để công khai bày tỏ ý kiến với nhà cầm quyền trước nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Thư ngỏ này thể hiện tiếng nói chung của những người quan tâm sâu sắc đến sự tồn vong của đất nước và dân tộc Việt Nam, dù đang sống ở trong hay ngoài nước.
Kế đến, tôi xin đặt lại câu hỏi như thế này: Trí thức đã biết rõ là tất cả những ý kiến xây dựng trước đây đều bị nhà cầm quyền bác bỏ, vậy tại sao còn tiếp tục viết thư cho họ?
Câu trả lời của tôi là, người trí thức chân chính không thể ngồi yên trước những vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước. Trí thức là đại diện sáng suốt của nhân dân, vì vậy mỗi khi tình thế đòi hỏi thì trí thức phải lên tiếng, không chỉ riêng với chính quyền mà cho cả nhân dân trong nước và dư luận quốc tế được biết. Ý dân là ý trời. Nếu chính quyền nghe theo dân thì được dân ủng hộ, nếu bác bỏ ý dân thì sẽ làm cho nhân dân bất mãn.
Tiếng nói của nhân dân càng nhiều thì áp lực vào chính quyền càng mạnh. Nếu chính quyền cứ tiếp tục bác bỏ ý kiến của nhân dân, thậm chí gia tăng ngăn chặn và đàn áp những người yêu nước thì lòng bất mãn của nhân dân càng chồng chất đến mức sẽ bùng nổ thành cách mạng lật đổ chế độ.
Gần đây lãnh đạo chính quyền và Quốc hội đã có một số động thái chứng tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với những hành động chèn ép của Trung Quốc, cho nên trí thức lại thấy cần phải lên tiếng với lãnh đạo, nhằm thúc đẩy thực hiện hai mục tiêu chính: thứ nhất là dứt khoát vượt ra khỏi vòng kiềm toả của Trung Quốc để có thể cùng với các nước trong khu vực và trên thế giới ngăn chặn mọi mưu đồ bá quyền của Trung Quốc, thứ hai là cải cách chính trị triệt để và toàn diện để có thể vận dụng được sức mạnh của dân tộc trong và ngoài nước vào công cuộc xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh và dân chủ.
Nói tóm lại, thư ngỏ này của 71 trí thức là một trắc nghiệm mới về quyết tâm bảo vệ đất nước và dân chủ hoá chế độ. Vì giả thiết rằng chính quyền muốn thay đổi thật sự, lời lẽ của thư ngỏ có tính cách khuyến khích thay đổi hơn là phê phán những sai lầm trong chính sách hiện thời.

Kết hợp trong và ngoài nước

Ngọc Trân: Được biết, tháng 8 năm ngoái, Giáo sư cùng 35 nhân sĩ, trí thức ở nước ngoài đã có một Thư Ngỏ gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng vể hiểm hoạ Trung Quốc và sức mạnh dân tộc. Giáo sư có thấy sự bất đồng nào giữa hai nhóm thư ngỏ năm ngoái và năm nay hay không? Ngoài ra, thư ngỏ của 71 trí thức năm nay gồm có một số người ở nước ngoài nhưng không nhắc đến thư ngỏ của 36 trí thức năm ngoái, vì sao vậy, thưa Giáo sư?

GS Lê Xuân Khoa: Tôi chỉ thấy có sự đồng cảm và đồng thuận giữa trí thức trong và ngoài nước về vấn đề hiểm hoạ Trung Quốc, về phương cách gỉải quyết các vấn đề Biển Đông cùng với ASEAN, Hoa Kỳ và các nước đồng minh khác. Ngoài ra, cả hai lá thư ngỏ năm ngoái và năm nay đều nhấn mạnh đến nhu cầu đổi mới chính trị, bảo đảm thực hiện các quyền tự do dân chủ của người dân, ngăn ngừa và diệt trừ tham nhũng.
Về việc Thư Ngỏ của 71 trí thức năm nay không nhắc đến Thư Ngỏ năm ngoái của 36 trí thức, tôi nghĩ, điều này chỉ là do sự thận trọng cần phải có của người dân trong nước để không bị cơ quan an ninh quy chụp là kết cấu với “thế lực thù địch” ở bên ngoài. Trong số 36 người ký tên trên thư ngỏ hồi tháng Tám 2011, phần lớn đều là người tị nạn và một số lại là cựu tù cải tạo. Chỉ có một số ít được trí thức trong nước quen biết và đồng cảm qua những trao đổi trực tiếp hay gián tiếp.
Trong khi đó, hầu hết hay có thể là tất cả mười bốn người ký “bản ý kiến” vào tháng Chín 2011, dù sinh sống ở nước ngoài, đều đã có quan hệ làm việc với trí thức trong nước từ lâu. Trong những năm gần đây, trí thức trong và ngoài nước, dù có quá khứ khác nhau, nhưng họ đã có nhiều cơ hội gặp gỡ, thảo luận và hợp tác với nhau. Những cơ hội này cần được gia tăng và đã đến lúc chính quyền cấn phải tạo điều kiện cho sự hợp tác của trí thức trong và ngoài nước nếu muốn vận dụng sức mạnh của toàn dân vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Trước những hành động lấn chiếm của Trung Quốc đã và đang diễn ra càng ngày càng thô bạo, thậm chí có thể xảy ra chiến tranh, chính quyền không thể tiếp tục loay hoay với “16 chữ vàng” và “4 tốt” giả dối nữa, mà phải có những quyết định dứt khoát, những bước đột phá về đối nội và đối ngoại để có đuợc sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế.
Cần nói thêm một điều là mọi sự thay đổi ở Việt Nam đều phải do chính quyền hay nhân dân trong nước chủ động và người ở nước ngoài chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Đó là những suy nghĩ của đại đa số trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Khi có thay đổi thì những hành động chống đối sẽ tự động giảm bớt và những hành động hỗ trợ sẽ mạnh mẽ gia tăng.

Phải đổi mới tư duy

Ngọc Trân: Giáo sư vừa nói đến những bước đột phá cần thiết về đối nội và đối ngoại. Giáo sư có thể nói rõ hơn về những bước đột phá nào cần thực hiện và sẽ được thực hiện như thế nào?

GS Lê Xuân Khoa: Tôi dùng từ “đột phá” để nhấn mạnh vào tính cấp bách của tình thế đòi hỏi thực hiện gấp những đề nghị thay đổi cần thiết đã được trí thức nêu lên trong các kiến nghị và thư ngỏ. Bước đột phá căn bản là rũ bỏ dứt khoát “tư duy đường mòn” tức là sự bám víu vào chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời, thực sự là đã chết. Đổi mới tư duy đòi hỏi từ bỏ độc quyền chân lý và thực thi dân chủ.
Cần phải có một hoạch định chiến lược, một strategic planning toàn diện về những giải pháp sáng suốt và phương cách thực hiện có hiệu quả về đối nội và đối ngoại. Công việc này phải được chính quyền khởi động bằng việc thành lập một hội đồng đặc nhiệm với sự tham gia của những trí thức độc lập có khả năng và kinh nghiệm. Việc đầu tiên phải làm ngay là chấm dứt mọi biện pháp ngăn chặn, đàn áp và bắt bớ những người bày tỏ lòng yêu nước và trả tự do cho những người đang bị giam giữ vì tranh đấu hoà bình cho tự do dân chủ. Việc làm này chắc chắn sẽ được nhân dân nhiệt tình ủng hộ.
Đổi mới tư duy và những bước đột phá không phải chỉ cần thiết cho nhà cầm quyền mà cho cả đa số thầm lặng cũng như những nhà tranh đấu cho tự do dân chủ, nhất là những người ở nước ngoài. Đa số thầm lặng ở trong nước cần phải thức tỉnh và mạnh mẽ bày tỏ tinh thần yêu nước chống lại các hành động xâm lược của lãnh đạo Trung Quốc, mạnh mẽ ủng hộ những đề nghị cải cách toàn diện của trí thức ở trong và ngoài nước.
Những nhà tranh đấu ở nước ngoài cũng cần phải vượt lên khỏi tư duy chống cộng của thời kỳ nội chiến để tập trung vào công cuộc vận động thích hợp cho dân chủ và nhân quyền. Sức mạnh của cộng đồng hải ngoại là khả năng hỗ trợ những nỗ lực thay đổi ở trong nước và khả năng vận động quốc tế, kể cả trí thức và nhân dân Trung Quốc, cho những giải pháp hoà bình, hợp tác và phát triển trong khu vực. Nói đến phát triển thì lực lượng nhân tài trẻ ở nước ngoài chắc chắn sẽ có phần đóng góp quan trọng.
Trong thời gian gần đây đã có nhiều cuộc hội thảo trong cộng đồng hải ngoại tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Bên cạnh quan điểm cực đoan còn tồn tại, đã có những suy nghĩ và đề nghị thực tế và khả thi hơn, thích hợp với tình hình trong nước và những điều kiện quốc tế. Một diễn đàn điện tử đang thu thập những bằng chứng lịch sử vững chắc và thiết lập cơ sở pháp lý dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển để chứng minh hành đông phi pháp của Trung Quốc trong việc chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa và xâm phạm chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á.
Một nhóm trí thức khác đang soạn thảo văn thư vận động các ngoại trưởng Hoa Kỳ, Phi Luật Tân và Thủ tướng Úc tham khảo ý kiến Toà Án quốc tế về việc Trung Quốc thiết lập đơn vị hành chánh Tam Sa với quân đồn trú nhằm cai quản vùng biển đảo 2 triệu cây số vuông không phải là của họ.
Nói tóm lại, trước nguy cơ mất nước trầm trọng nhất trong lịch sử dân tộc, chính quyền và nhân dân cần đoàn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết để có thể bảo vệ độc lập và toàn vẹn chủ quyền của đất nước. Việt Nam nhỏ bé hơn Trung Quốc nhưng luôn luôn đánh thắng Trung quốc vì lãnh đạo và nhân dân đoàn kết một lòng. Việt Nam ngày nay đang có thêm lợi thế quốc tế trong việc đối phó với tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Chính quyền không thể bỏ lỡ cơ hội duy nhất và cuối cùng này và phải khởi sự ngay những bước đột phá cần thiết.
Thư Ngỏ của 71 trí thức phải được xem là sự biểu hiện thiện chí và cố gắng tự kiềm chế một lần cuối của trí thức và nhân dân trong nước. Nếu chính quyền vẫn tiếp tục khinh miệt trí thức và bác bỏ những ý kiến xây dựng trong Thư ngỏ thì nói như Giáo sư Tương Lai ở trong nước “cái giá phải trả cho việc quay lưng lại với nhân dân nó đắt lắm!”

Ngọc Trân: Xin cám ơn Giáo sư đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

--------------------------------------------------------


BÀI LIÊN QUAN :





No comments:

Post a Comment

View My Stats