Saturday, 4 August 2012

SAU HỘI NGHỊ AMM 45, ĐẢNG CSVN CHỈ CÒN MỘT CHỌN LỰA (Nguyễn Gia Kiểng)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ năm, 02 Tháng 8 2012 19:02

Hội nghị các ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 45, hay AMM 45, trong ba ngày 9, 10 và 11 tháng 7 tại Phnom Penh, đã thất bại. Lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN các thành viên đã không thể đồng ý trên một thông cáo chung. Lý do là vì Campuchia đã nhất quyết không chịu đưa vào thông cáo chung điều mà Việt Nam và Philippines đòi và đa số các nước ASEAN cũng muốn : báo động về tình hình căng thẳng do Trung Quốc gây ra trên Biển Ðông.

Ðã có rất nhiều sửa đổi dự thảo để cố tìm thỏa hiệp nhưng không thành. Campuchia vẫn nhất định không chấp nhận bất cứ một tuyên bố chung nào đề cập đến trách nhiệm của Trung Quốc ngay cả một cách gián tiếp, viện cớ rằng ASEAN không phải là một tòa án mặc dù không có đoạn nào trong các dự thảo thông cáo chung được đề nghị lên án Trung Quốc cả.

Thái độ của Campuchia, cũng chính là nước chủ trì hội nghị AMM 45 này, là bệnh vực Trung Quốc đến cùng. Campuchia đã từ chối mọi thảo luận về một lập trường chung của khối ASEAN về Biển Ðông với lý cớ rằng các xung đột trên Biển Ðông chỉ là những vấn đề của một vài nước chứ không phải là vấn đề của mọi nước ASEAN. Ðó cũng chính là lập trường của Trung Quốc.

Sự ngụy biện của Campuchia đã quá trâng tráo : nếu ASEAN không quan tâm tới những đe dọa chủ quyền của các thành viên thì nó tồn tại để làm gì ? Hiến chương của ASEAN đặt hòa bình trong khu vực như là một mục tiêu chính và ngay trong điều 1 của nó đã khẳng định là chủ quyền của các thành viên phải được tôn trọng, trong khi hòa bình trên Biển Ðông và chủ quyền của Việt Nam và Philippines đang bị đe dọa. Campuchia đã ngụy biện như một đại diện của Trung Quốc. Philippines đã lớn tiếng tố giác thái độ thiếu thành thực này. Việt Nam tỏ ra rất thất vọng. Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei và Thái Lan cũng chia sẻ sự thất vọng của Việt Nam.

Ðây là một bước lùi lớn và đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng cho ASEAN. Thí dụ như ASEAN có thể làm được gì nếu vẫn giữ nguyên tắc đồng thanh cho phép một thành viên, bất kể với động cơ nào, bác bỏ một lập trường mà đa số ủng hộ? Indonesia sau đó vài ngày đã cố thuyết phục Campuchia để đi đến một thỏa hiệp có đề cập đến Biển Ðông nhưng một cách mơ hồ, chẳng làm hài lòng ai và cũng chẳng đụng chạm gì đến Trung Quốc.

Thái độ của Campuchia không bất ngờ đối với ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Họ thừa biết là chính quyền Hun Sen đã bị Bắc Kinh mua chuộc và đã sẵn sàng trở mặt từ hơn một năm nay. Họ không có phương tiện tài chính của Bắc Kinh và đành chứng kiến một cách bất lực Campuchia rơi dần vào quỹ đạo Trung Quốc. Tuy vậy thái độ trâng tráo của chính quyền Hun Sen trong hội nghị AMM 45 cũng vẫn là một đòn quá đau đớn cho họ.

Chính họ đã cưu mang và chiều đãi Hun Sen, cũng như Heng Samrin, từ khi ông này trốn sang Việt Nam năm 1977 để thoát khỏi đội hành quyết của chính quyền Pol Pot do Trung Quốc đỡ đầu. Tháng 1-1979, chính họ đã tung quân vào Campuchia đánh đuổi Pol Pot để đem Heng Samrin, và sau đó Hun Sen, lên cầm quyền. Họ đã kéo dài cuộc chiếm đóng Campuchia để giúp cho chính quyền Hun Sen có thời giờ củng cố. Năm 1998, họ cũng là chính quyền duy nhất ủng hộ cuộc đảo chính trá hình của Hun Sen để loại bỏ các thành phần khác trong chính phủ liên hiệp và nắm trọn quyền hành dù chỉ có một thiểu số trong quốc hội. Gần đây hơn, năm 2008, họ đã lớn tiếng bênh vực cuộc bầu cử bịp bợm đem lại một đa số gian lận cho Hun Sen. Chính họ đã tích cực vận động để Campuchia được chấp nhận làm thành viên ASEAN năm 1999. Và cũng chính họ đã làm trung gian cho Trung Quốc lập quan hệ với chính quyền Hun Sen, một chính quyền được thành lập để chống Trung Quốc, gồm những người lãnh đạo đã suýt bỏ mạng dưới tay chính quyền Khmer Ðỏ do Trung Quốc đỡ đầu.

Cuộc xâm lăng Campuchia của quân đội Việt Nam năm 1979 có lý do chính đáng, chỉ có điều là chính quyền cộng sản Việt Nam không có tư cách nào để nhân danh một đạo đức chính trị nào. Nó là phản ứng bắt buộc sau những tấn công đẫm máu của chính quyền Pol Pot vào các tỉnh biên giới của nước ta, đồng thời nó cũng cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng của Pol Pot.

Nhưng cuộc chiếm đóng kéo dài hơn mười năm sau đó đã khiến Việt Nam phải trả giá quá sức chịu đựng. Chưa hề có một thống kê chính thức về những thiệt hại của cuộc chiến này cho Việt Nam cũng như cho Campuchia. Một vài tác giả đưa ra con số 25.000 người chết và 55.000 người bị thương về phía quân đội Việt Nam. Cũng có những tác giả nói tới con số hơn 200.000 chết và bị thương. Những con số này chỉ dựa trên những tài liệu không đầy đủ. Ngày 12- 6 vừa qua hai chính quyền Việt Nam và Campuchia còn tuyên bố là trong thời gian từ năm 2000 đến nay hai bên đã phối hợp tìm kiếm và đã quy tập được hơn 14.500 hài cốt bộ đội Việt Nam. Con số này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số tử vong của quân đội Việt Nam vì quân Việt Nam đã rút hết khỏi Campuchia từ tháng 9-1989, nghĩa là hơn mười năm trước, và đại bộ phận thi hài các binh sĩ Việt Nam thiệt mạng đã được mai táng hoặc chuyển về Việt Nam trước đó. Sự kiện chính quyền cộng sản Việt Nam không đưa ra một thống kê nào cũng khiến người ta có thể nghĩ rằng những tổn thất đã rất lớn.

Nhưng không phải chỉ có thế. Cuộc chiến Campuchia đã khiến Việt Nam kiệt quệ về kinh tế và bị cả thế giới lên án. Lợi dụng tình trạng cô lập và kiệt quệ đó Trung Quốc đã tung ra chiến dịch biên giới, tàn phá Cao Bằng, Lạng Sơn và Lao Cai và gây những tổn thất sinh mạng rất lớn cho cả quân đội lẫn thường dân Việt Nam rồi chiếm luôn nhiều vùng đất cho tới bây giờ, như thác Bản Giốc. Nên nhớ rằng vào lúc xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung - cũng là lúc mà làn sóng thuyền nhân đang làm cả thế giới xúc động - chế độ cộng sản Việt Nam bị nhìn như một tên côn đồ quốc tế trong khi Trung Quốc của Ðặng Tiểu Bình được nhìn như một chế độ đáng khuyến khích vì đang mở ra với thế giới.

Cũng vì lợi dụng thế cô lập của Việt Nam mà năm 1988 Trung Quốc đã tung hải quân đánh chiếm một số đảo đá của Việt Nam tại Trường Sa, rồi chiếm thêm một số đảo đá nổi và chìm khác. Cần lưu ý rằng trước đó Trung Quốc không hiện diện tại Trường Sa. Như vậy nếu Việt Nam không bị cô lập vì cuộc chiến tranh Campuchia thì Trung Quốc không có mặt ở Trường Sa để có thể vẽ ra cái lưỡi bò xấc xược đang đe dọa nặng nề cả chủ quyền của Việt Nam lẫn hòa bình trên Biển Ðông.

Tóm lại chúng ta đã thiệt hại rất nhiều vì Campuchia để ngày nay Campuchia trở thành một đồng minh của Trung Quốc và một lưỡi dao bên sườn Việt Nam. Khó có thể có thất bại nào thê thảm hơn.

Các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam không thể ngạc nhiên về kết quả này. Nếu phải chọn lựa giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tình trạng hiện nay thì chắc chắn chính quyền Hun Sen chọn Trung Quốc mạnh hơn, giàu hơn, và sẵn sàng trả giá cao để có một chư hầu trong nội bộ ASEAN.

Campuchia không có lý do gì để chọn Việt Nam cả vì chế độ cộng sản Việt Nam chỉ là một bản sao mờ nhạt và thu nhỏ của Trung Quốc. Lý do duy nhất khiến họ có thể chọn Việt Nam thay vì Trung Quốc là nếu Việt Nam tách hẳn khỏi quỹ đạo Trung Quốc và chuyển hóa dứt khoát về dân chủ khiến Campuchia bị kẹp giữa hai nước dân chủ lớn hẳn hơn mình là Việt Nam và Thái Lan. Nhưng Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã từ chối dân chủ và chọn làm chư hầu của Trung Quốc. Không có gì lạ nếu giữa thầy và trò, giữa một nước mạnh và một nước yếu, giữa bản chính và bản sao, chính quyền Hun Sen đã chọn Trung Quốc. Cũng không có gì lạ nếu trong một tương lai gần Lào cũng sẽ ngả hẳn về Trung Quốc.

Hãy thử tưởng tượng cái gì sẽ xảy ra nếu vào năm 1986, cùng với chính sách gọi là "đổi mới" sau khi chính Liên Xô dưới Gorbachev đã chuyển động, Ðảng Cộng Sản Việt Nam dứt khoát chọn lựa dân chủ ?

Campuchia và Lào sẽ không có chọn lựa nào khác vì hoàn toàn lệ thuộc Việt Nam, Việt Nam sẽ là một nước dân chủ như Campuchia, Lào và các nước ASEAN và sẽ được Mỹ, Châu Âu và cả thế giới dân chủ yểm trợ, kể cả Liên Xô. Trung Quốc sẽ không dám đụng tới Việt Nam vì họ vừa quá yếu vừa đang rất cần thị trường tại các nước dân chủ. Chúng ta sẽ không mất đảo và mất biển, Trung Quốc sẽ không có mặt tại Trường Sa và sẽ không thể có cái lưỡi bò. Các thỏa hiệp về biên giới trên đất liền và trên biển chắc chắn sẽ thuận lợi hơn nhiều cho chúng ta. Quan trọng hơn, Việt Nam, cũng như Lào và Campuchia giờ này đã là những nước dân chủ trong một khối ASEAN dân chủ và gắn bó không những đủ sức để khiến Trung Quốc kính trọng mà còn thôi thúc Trung Quốc dân chủ hóa nhanh chóng để sống chung hữu nghị với các nước trong vùng. Kịch bản đó đã không xảy ra vì Ðảng Cộng Sản Việt Nam đặt quyền lực của họ lên trên hết. Thay vì một nước Việt Nam dân chủ, phồn vinh và toàn vẹn nhưng họ có thể mất quyền lực họ đã chọn một nước Việt Nam nghèo khổ, tụt hậu và bị chèn ép, mất đất, mất đảo, mất biển nhưng trong đó họ có độc quyền thống trị. Họ không hành xử như một chính quyền Việt Nam mà như một lực lượng chiếm đóng. Lịch sử sẽ rất nghiêm khắc.

Tuy vậy tình hình hiện nay cũng chưa đến nỗi tuyệt vọng và hội nghị AMM 45 vừa qua cũng có tác dụng tốt của nó nếu chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn còn một chút sáng suốt. Thực tế là sau hội nghị này quan hệ giữa hai chính quyền Hà Nội và Bắc Kinh đã dứt khoát trở thành thù địch và không thể hòa giải được nữa. Từ lâu Bắc Kinh chỉ nhìn ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam như một bọn phản trắc cần dựa vào họ để tồn tại nhưng trong lòng vẫn thù ghét họ và có thể trở mặt bất cứ lúc nào. Thực ra họ cũng không lầm lắm. Với những gì Hà Nội vừa làm, như ra luật biển, vận động để ASEAN có lập trường chung về Biển Ðông, bật đèn xanh cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc v.v. họ đã đi đến kết luận là phải gia tăng tối đa và tức khắc áp lực lên Việt Nam, phải lấn chiếm ngay những gì có thể lấn chiếm được trước khi quá trễ.

Thực tế hiện nay là dù Hà Nội có muốn tiếp tục qụy lụy với Bắc Kinh để yên thân cũng không được nữa, có van xin họ cũng không tha. Với tương quan lực lượng quá chênh lệch về hải quân và không quân giữa hai nước một ngày tình trạng dùng dằng này - căng thẳng với Trung Quốc nhưng chưa xứng đáng để được các nước dân chủ bênh vực - còn kéo dài là một ngày hiểm nghèo cho đất nước. Việt Nam chỉ còn một chọn lựa, và một chọn lựa khẩn cấp : quả quyết tiến tới thế đồng minh với Hoa Kỳ và Châu Âu.

Chọn lựa này không có rủi ro nào cho Việt Nam. Trước hết là vì Trung Quốc không thể lộng hành hơn nữa. Họ đã làm tất cả những gì có thể làm mà không sợ gặp một phản ứng dữ dội của thế giới. Một sự chuyển hướng quả quyết về phía Hoa Kỳ và Châu Âu chỉ có thể có tác dụng khiến Việt Nam được bảo vệ hơn. Trái với thái độ hung hăng bề ngoài của họ, Trung Quốc còn rất sợ Hoa Kỳ, và Phương Tây nói chung. Quân lực của họ còn quá yếu để có thể thách thức thế giới, kinh tế của họ còn lệ thuộc nặng nề vào các thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản. Họ đang xung khắc với nhiều nước và một phong trào bài Trung Quốc cũng đã bắt đầu trên khắp thế giới. Họ đang gặp khó khăn. Và nếu họ lấy quyết định trả đũa duy nhất mà họ có thể làm, nghĩa là đoạn giao với Việt Nam, thì chúng ta sẽ mất gì ? Chúng ta sẽ chỉ mất khoản thâm thủng mậu dịch 13 tỷ USD với Trung Quốc. Con số này sấp sỉ bằng tổng số thâm thủng ngoại thương của Việt Nam. Trung Quốc cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần Trung Quốc.

Ðiều kiện để Việt Nam tiến tới thế đồng minh với Hoa Kỳ và các nước dân chủ là Đảng Cộng Sản Việt Nam phải từ bỏ độc quyền chính trị và chấp nhận dân chủ. Ðối với đất nước, đây là một phúc lợi lớn nhưng đối với đảng cộng sản hậu quả rất có thể là họ sẽ không còn cầm quyền. Chính vì thế mà cho tới nay họ vẫn cố bám lấy Trung Quốc mặc dầu biết bao nhiêu nhục nhằn và mất mát cho đất nước. Nhưng tình thế mới là hiện nay họ có muốn tiếp tục bám vào Trung Quốc cũng không được nữa.

Không ai đủ ngây thơ để tin rằng những người lãnh đạo cộng sản có thể coi quyền lợi của đất nước quan trọng hơn quyền lợi của chính họ, nhưng họ chỉ còn một chọn lựa : làm tác nhân hay làm nạn nhân của tiến trình dân chủ hóa.




No comments:

Post a Comment

View My Stats