Sunday, 5 August 2012

SÁCH (Nguyễn Ngọc Duy Hân)




August 5, 2012 8:07 AM

Nếu bạn thích đọc sách, bạn sẽ được coi là Thượng Đế, là Ông Trời đấy!

Chuyện như vầy: Một ngày đẹp trời năm 1972, tác giả Bùi Giáng mang theo cuốn “Cõi Người Ta” và “Hoàng Tử Bé” do chính ông dịch thuật vào tiệm chào hàng nhưng chẳng bán được. Cuối cùng một học sinh tên Phạm Văn Nga chịu mua, Bùi Giáng thắc mắc: Có tiền sao không để bao gái mà lại mua sách? Nga trả lời: Dạ, tại con thích đọc. Tâm đắc quá, thi sĩ họ Bùi rủ cậu học trò đi uống rượu rồi tặng thêm 4 cuốn khác. Ông đề trên trang đầu cuốn sách như sau: “Kính tặng Ngài Văn Nga” rồi giải thích: Tao viết hoa chữ Ngài, cho mầy bằng Thượng Đế vì những người mê sách đều xứng đáng là Thượng Đế!

Sách nhỏ nhất thế giới.

Chữ nghĩa, sách báo là nét văn minh, phương tiện để truyền đạt văn hóa nhân loại, lưu giữ giá trị tri thức cho con người. Sách là sản phẩm tinh thần mà cũng là sản phẩm vật chất, sách hay cũng cần phải in đẹp, hình bìa mỹ thuật. Đọc sách cần cho đầu óc chẳng khác gì thân thể cần phải tập thể dục. Càng đọc ta càng nhận ra kiến thức mình hạn hẹp phải bổ sung. Theo Cao Bá Quát, thiên hạ có bốn bồ chữ, một mình ông giữ hết hai bồ, anh của ông là Bá Đạt và bạn là Nguyễn Văn Siêu giữ một bồ, còn một bồ phân phát cho thiên hạ. Tài sản văn hóa, sách báo ngày nay cơ man mà kể, không biết bao nhiêu bồ, bao nhiêu thúng dưới đủ hình thức, thể loại, nội dung.

Cuốn sách đầu tiên trên thế giới là những tấm đất sét nung (sun-baked clay tablets). Cuối thế kỷ 19, các nhà khảo cổ đã phát giác ra những tấm đất sét phơi khô có ghi những ký hiệu. Cho tới nay, người ta đã thu lượm được hàng chục ngàn tấm, hầu hết những “cuốn sách” này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Cuốn sách nhỏ nhất thế giới là cuốn sách kinh bằng đầu ngón tay với những ký tự Hy Lạp. Kế đến là truyện của văn hào Gogol (Nga) với nhan đề “Chiếc Áo Khoác Dài” vào cỡ 3 x 3.2 cm, dày 120 trang. Tuy bé nhưng sách có 300 bức tranh minh họa màu và bìa màu.

Hình cuốn sách Codex Gigas.

Cuốn sách lớn nhất thế giới được thực hiện vào đầu thế kỷ 13 trong tu viện Podlazice – Cộng Hòa Czech, tựa đề là Codex Gigas – hay còn gọi là Kinh Quỷ Dữ – được sánh ngang với những kỳ quan thế giới thời Trung Cổ. Sách bề dài 92 cm, bề ngang 50 cm và dầy 22 cm. Tuy nhiên, Sách Kỷ lục Thế giới vừa công nhận một kỷ lục mới: Đó là quyển sách viết về vương quốc Bhutan do một nhà khoa học Mỹ tên M. Hawley gây quỹ để hình thành, to cỡ một cái bàn ăn lớn, dầy 112 trang và nặng 59 ký. Bạn muốn mua chỉ cần đặt qua mạng Amazon.com và chịu khó bỏ ra $10,000 đô Mỹ.

Đặc biệt là sách khổng lồ làm từ đá gồm 1458 tờ: Đó là chùa Kuthodaw ở Mandalay, Myanmar với cuốn kinh Tam Tạng được khắc chữ, đổ vàng ròng lên các phiến đá cẩm thạch, mỗi tấm cao 1 mét rưỡi, rộng 1 mét. Du khách phải mất nhiều ngày mới có thể đọc và hiểu toàn bộ cuốn sách.

Chùa Kuthodaw ở Mandalay, Myanmar

Người ta sáng tạo ra nhiều kiểu sách độc đáo, thí dụ thay vì để phần gáy bên phải trống trơn, người ta vẽ lên đó những bức tranh nghệ thuật, tranh sẽ hiện lên khi bạn gập sách vào. Có sách làm bằng gỗ như tác phẩm của Barbara Yates, tái chế từ những thân cây chết. Có sách làm bằng thiếc và đá như của Tim Baker, nhà nghệ thuật đồ họa và điêu khắc. Để minh họa cho nội dung quyển sách, người ta cắt sách thành hình dáng đặc biệt, như cuốn “Nghệ Thuật Tội Phạm” được cắt thành hình cây súng. Trong cuốn “Chim Sẻ”, sách được cắt hình một con chim. (Nếu vậy sách viết về tội ác Việt Cộng chắc nên cắt hình đôi dép râu hoặc cái nón cối!). Lại có cuốn sách vô nghĩa nhất thế giới, được thực hiện bởi trang web Gogel Mogel nổi tiếng với các ý tưởng sáng tạo. Trong gần 200 trang, sách không hề có bất kỳ chữ gì ngoài chữ “blah blah blah” và dù nội dung không có nhưng sách vẫn chia chương, đánh số trang đàng hoàng. Thị hiếu ngày nay chuộng cái khác thường, miễn lạ là được, nhiều người ăn mặc tóc tai theo kiểu “quái chiêu” không cần biết có thẩm mỹ, hợp lý hay không.

Một trang trong cuốn sách bí ẩn Voynich.

Quyển sách bí ẩn nhất thế giới là bản thảo viết tay Voynich. Di vật 500 tuổi này được phát hiện ở Rome vào năm 1912, bao gồm 240 trang, người ta ra sức giải mã nhưng chưa thành công vì ngoài kiểu chữ chưa từng thấy, còn những hình vẽ thực vật và động vật không hề giống với thực tại.

Sách nổi tiếng trên thế giới phải kể là Kinh Pháp Hoa tại Đại Hàn (918-1392) được làm từ giấy lụa tơ tằm mạ vàng bạc, những hình ảnh minh họa về đức Phật được nạm kim cương, đá quý. Hoặc cuốn sách làm bằng vàng ròng thời Bắc Tống (1008) ghi lại các tục lệ hiến tế Fengshan. Cuốn sách Thiên thần Kells là một kinh cổ vô giá nếu bạn muốn tìm hiểu về lịch sử đất nước Ireland. Cuốn sách được viết trên da dê với nét chữ cầu kỳ bay bướm và rất nhiều hình ảnh minh họa Chúa Jesus với bìa sách làm bằng vàng ròng & đá quý. Những tư liệu này gộp thành phần mở đầu của Kinh thánh Tân ước. Dù làm bằng tay nhưng sách không có lỗi nhỏ nào, khiến người ta tin rằng nó phải do bàn của các thiên thần làm ra. Năm 1986, trường Đại học Trinity mới cho phép sao chụp cuốn sách Kells này. Bản chụp mà giá tới 18000 đô Mỹ.

Ở Việt Nam cũng có một cuốn sách vàng được làm vào thời vua Thiệu Trị. Cuốn sách có 10 trang, kích thước 14 x 23 cm được đúc từ vàng và bạc nặng hơn 2 ký, bìa sách được chạm trổ hình rồng tinh xảo.

Tại nhà thờ Mằng Lăng, Tuy Hoà có lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên in tại Ý năm 1651. Đó là quyển Giáo lý của cha Đắc Lộ Alexandre de Rhodes – người khai sinh ra chữ quốc ngữ.

Thế nhưng hay nhất là cách viết trên lá do Nguyễn Trãi thực hiện. Vì muốn giúp Lê Lợi đánh thắng quân Minh, Nguyễn Trãi cho quân lính dùng mật ong viết chữ “Lê” lên lá cây, kiến ăn mật nên cắn lá theo nét chữ viết, dân nhặt được lá tin là điềm Trời sai Lê Lợi xuống cứu nước nên hết lòng chiến đấu, nhờ thế cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thành công, triều đại nhà Lê được thành lập.

Sách cắt hình cây súng.

Tại Việt Nam, tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên là Gia Định Báo ra mắt vào ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn. Nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) được coi là Ông Tổ nghề báo. Nữ ký giả đầu tiên là con gái ông đồ Nguyễn Đình Chiểu – bà Sương Nguyệt Ánh. Tờ báo phụ nữ đầu tiên là báo Nữ Giới Chung (Tiếng chuông của nữ giới) xuất bản tại Saigon. Tầm ảnh hưởng của báo khiến bọn Pháp e ngại nên tháng 7, 1918 tờ Nữ Giới Chung bị đình bản.
Tờ Nam Phong Tạp Chí với ấn phẩm đặc biệt “Số Tết” năm 1918 đã trở thành tờ báo Tết đầu tiên, mở màn cho truyền thống làm báo Xuân, đặc san Tết sau này. Có nhiều tờ báo tuổi thọ rất ngắn (tưng bừng khai trương, âm thầm đóng cửa) như tờ Nhà Quê, chỉ ra được đúng một số vào ngày 11/2/1926 (Quê thật!)

Thời xưa, vua Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh đốt sách, chôn sống học trò, nhưng ngày nay cũng có rất nhiều sách đã bị cấm, xin kể 3 cuốn tiêu biểu đã bị cấm trong thế kỷ qua: Đầu tiên là cuốn The Adventures of Huckleberry Finn của Mark Twain. Chuyện viết về những chuyến đi của cậu bé Huckleberry và người nô lệ đang trốn chạy. Để giữ được giá trị bình dân trung thực, tới hơn 200 lần các từ ngữ thô tục xuất hiện trong sách nên lúc đầu đã bị cấm tại nhiều nơi trong nước Mỹ. Kế tới là tác phẩm Candide của Voltaire. Đây là một cuốn truyện châm biếm với ba mươi chương kể về sự đen đủi của một chàng trai, nhưng qua các biến cố này anh đã châm chọc tới các thế lực lúc đó: nhà thờ, triết gia, nhà cầm quyền… Dù bị hội đồng Geneva cấm ngay sau khi được xuất bản, cuốn Candide bây giờ được coi là một tác phẩm giá trị. Thứ ba là cuốn Harry Porter của bà J.K. Rowling: Cuốn sách quá nổi tiếng đã được dựng thành phim, nhưng tập truyện này mới đầu đã bị các vị phụ huynh phản đối, đem đốt do có nhiều hình ảnh bạo lực và đề cao quá mức thế giới pháp thuật.

Do phong tục tập quán, nhận thức khác nhau, có sách được nước này hoan nghênh nhưng lại bị chê bai ở nước kia, như cuốn Người Lái Buôn Thành Venise – vở kịch nổi tiếng của Shakespeare. Năm 1931, trường Trung học ở New York – Mỹ cấm dạy, bởi một số cư dân Do Thái cho rằng nội dung khinh rẻ dân tộc họ. Nỗi Đau Của Chàng Vécte, tác phẩm của Goethe năm 1776 đã bị một số nhà thờ Đan Mạch cấm lưu hành. Cuốn Giã Từ Vũ Khí của Hermingway đã bị Ý cấm khoảng năm 1929 vì mô tả rất thật cảnh quân Ý rút lui. Cuốn Kim Bình Mai của Lan Lăng, Tiếu Tiếu Sinh thời Minh & Thanh cũng từng bị coi là dâm thư cấm đọc.

Gần đây nhất là cuốn Bà Mẹ Hổ “Battle Hymn of the Tiger Mother” của giáo sư Đại học Yale – bà Amy Chua – đã làm bùng nổ nhiều tranh luận. Amy Chua kể lại cách dạy dỗ hai con gái là Sophia và Lulu theo kiểu giáo dục Trung Hoa xưa. Nhờ mẹ cứng rắn độc tài mà hai cô đã nên người, nhưng dân Âu Mỹ phản đối kịch liệt, thậm chí có kẻ còn hăm dọa sẽ “chiên khét” bà vì tội hành hạ, ác độc với trẻ em. Tôi ưng có ai viết cuốn “Bà Vợ Hổ”, dạy phái nữ làm sao để các ông An-Nam ta tài đức dễ thương, không về Việt Nam ăn chơi với bồ nhí, không say xỉn chồng Chúa vợ tôi, vô lý với con cái!
Trang Forbes.com đưa ra danh sách 10 nhà văn có thu nhập cao nhất thế giới, xin kể ba người thôi kẻo bài dài quá: J.K. Rowling, kiếm 300 triệu đô Mỹ vì ngoài bản quyền sách, còn tiền phần trăm làm thành phim và các sản phẩm khác. Thứ nhì là James Patterson, 50 triệu và Stephen King, 45 triệu.

Nhà văn Đậu Khấu (Dou Kou, sinh năm 1994) nước Tàu mới 6 tuổi đã có tự truyện Đậu Khấu Phiêu Bạt Ký dài 110 nghìn chữ được xuất bản.

Chú bé Thuỵ Sỹ Christopher Beale cũng đã hoàn thành cuốn chuyện đầu tay “Du Lịch trong Mùa này và Mùa trước” khi mới hơn 6 tuổi. Christopher còn tự dịch tác phẩm của mình sang tiếng Ý. Tuy thế, nhà văn ít tuổi nhất trong lịch sử thế giới là Meleik Delaney, viết sách khi chú bé mới lên ba và in thành sách khi 4 tuổi. Lạ nhỉ, chắc các bé kiếp trước là văn sĩ, chứ tuổi đó đánh vần còn chưa thông nói chi tới viết chuyện!

Chuyện Kiều của thi hào Nguyễn Du cũng là cuốn sách giá trị nên nhắc tới, người Việt mình có lẽ ai cũng thuộc ít nhất vài câu trong thi phẩm này.

Trong chuyện chưởng Kim Dung, có mấy pho sách đặc biệt như cuốn Cửu Dương Chân Kinh, Cửu Âm Chân Kinh, Ngọc Nữ Tâm Kinh và Tịch Tà Kiếm phổ. Trong Anh Hùng Xạ Điêu, năm người võ công cao siêu nhất đã đấu trên đỉnh Hoa Sơn để tranh nhau Cửu âm Chân kinh và Vương Trùng Dương đã giành được sách quý. Cầm bí kíp trong tay ông nghĩ lại, định đốt đi để tránh chuyện tàn sát trong võ lâm nhưng cuối cùng vì tiếc công người xưa nên Trùng Dương lại giao cho Châu Bá Thông đem đi giấu. Trên đường giấu sách, Bá Thông bị vợ Hoàng Dược Sư đánh lừa, dùng trí nhớ siêu phàm đọc qua một lần nhớ hết quyển Hạ rồi về viết lại cho chồng. Đầu óc đàn bà kinh khiếp chưa, nhớ dai quá sức, quý ông chớ coi thường mà phải khổ!

Tiểu Long Nữ trong Thần Điêu Đại Hiệp đã luyện Ngọc Nữ Tâm Kinh. Cô Long cuối cùng đã cùng Dương Quá vượt qua bao khó khăn để sống bên nhau, dù đây là mối tình cô trò rất khó được chấp nhận vào thời ấy (Tiểu Long Nữ là sư phụ của Dương Quá). Tịch Tà Kiếm Phổ là cuốn sách dạy võ rất quý nên nhiều người tranh dành, Dư Thương Hải đã tàn sát cả dòng họ Lâm để mong chiếm sách. Hậu duệ duy nhất còn sống sót là Lâm Bình Chi vì nóng ruột trả thù nhà đã phải tự biến mình thành Thái giám để luyện Tịch Tà kiếm pháp, đành lòng bỏ bê vợ là Nhạc Linh San vừa hiền lành vừa xinh đẹp. Sau này chính Lâm Bình Chi đã ra tay giết Linh San, cô chết nhưng vẫn thương chồng hờ mà dặn dò Lệnh Hồ Xung chăm sóc Bình Chi lúc đó đã ra thân tàn ma dại. Tội nghiệp các bà thế đấy, luôn quan tâm, hy sinh dù có bị đối xử tệ!

Cuốn “Những Loài Chim Châu Mỹ” của James Audubon.

Có nhiều cuốn sách thuộc loại đồ cổ rất mắc tiền, như cuốn Vũ Trụ Học của Ptolemy – 4 triệu đô Mỹ. Đây là tập bản đồ được làm vào thế kỷ thứ 2, xuất bản vào năm 1477 và hiện chỉ còn 2 bản. Cuốn “Những Loài Chim Châu Mỹ” của James Audubon được bán với giá 12 triệu. Bản chép tay Leicester của Leonardo Da Vinci – hơn 30 triệu được bán cho Bill Gates vào năm 1994.

Kinh Thánh là cuốn sách được phổ biến nhiều nhất trên thế giới, đến nay có khoảng 6 tỷ cuốn, dịch ra hơn 2,000 ngôn ngữ khác nhau. Đứng thứ hai trong danh sách là Mao Tuyển. Cuốn sách Đỏ này là tập hợp những câu nói, bài viết của Mao Trạch Đông xuất bản năm 1964. Cho tới nay, sách đã bán được tới 1 tỷ bản (chắc nhà nước Tàu có lệnh ngầm ai không mua sẽ bị cúp hộ khẩu!) Đứng thứ ba trong danh sách là Kinh Koran của đạo Hồi, xấp xỉ 800 triệu bản.

Lột da người để bọc sách (Anthropodermic bibliopegy) là một tập tục bắt nguồn từ các nghi lễ trừng phạt thời xưa. Năm 1605, linh mục Henry Garnet bị bắt vì âm mưu lật đổ Thượng viện Anh. Sau khi bị treo cổ, vua James đã sai người lột da vị linh mục này để làm bìa cuốn sách “A True and Perfect Relation of the Whole Proceedings against the Late Most Barbarous Traitors, Garnet a Jesuit and his Confederats” như một cách để răn đe dân chúng. Tựa cuốn sách này dài quá, không biết có là cái tựa dài nhất thế giới không?!

Vua Melenik của Ethiopie – trị vì từ năm 1884 tới 1913 rất chăm đọc sách đặc biệt là Kinh Thánh tới mức mê tín. Mỗi lần bị bệnh ông lại nuốt vài trang sách để chữa bệnh, kết quả ông đã bị chết vì sách. Bài hát của Bastard Fairies có nhắc tới lý do chết đặc biệt này, tuy vậy các văn bản chính thức ghi là Vua chết vì tai biến mạch máu. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh một người bạn tên Lương thời học lớp 1, lớp 2 trường làng với bà giáo già khó tánh. Lương không thuộc bài, bị bà bắt đứng trước lớp bảo không học bài thì ăn trang giấy đi cho chữ vào bụng. Lương xé từng miếng vở nhỏ ngậm vào miệng, nuốt từ từ cho hết trang giấy để được đi xuống. Tôi cũng bị bà giáo này tát và đánh u đầu, hơn 40 năm rồi mà vẫn không quên. Bà cho làm toán cộng, tôi làm đúng nhưng bị ốc-tọt, chị tôi xúi lên kiện bảo bà sửa điểm lại. Chắc là lúc đó tôi ăn nói không khéo nên bị bà tát tai sưng cả mặt, bảo là có lỗi còn dám “sửa lưng”. Thì ra tôi đã xớn xác chép tựa đề sai nhưng cộng đúng, bà chỉ nhìn đáp số dựa vào đáp án nên gạch chéo. Má tôi “vui chuyện” kể cho cha hiệu trưởng nghe, cha nhắc nhở sao đó mà ngày kế bà dùng đuôi cây roi mây gõ vào đầu tôi sưng u, mắng là “còn dám đi méc cha sở hả”! Lần này tôi biết khôn dấu bặt không cho má và chị biết để tránh bị đòn thêm (Ấy chết, tôi lại “linh tinh” quá, đề tài là Sách chứ đâu phải Roi!)

Tháng 5, 2012 bắt đầu có sách in trên giấy chống thấm nước. Cuốn sách đầu tiên “waterproof” là cuốn “The Greater Bad”. Bạn có thể yên tâm thưởng thức sách trong phòng tắm hay ở hồ bơi, sách sẽ bền không sợ mối mọt, danh từ “Con Mọt Sách” để chỉ người thích đọc sách coi bộ sẽ lỗi thời.

Thư viện Quốc hội Canada.

Nói tới sách thì phải nói tới các cửa hàng bán sách đẹp nhất, như Nhà sách Selexyz, Maastricht, Hà Lan, được xây dựng lại trên nền nhà thờ Dominican tuyệt đẹp hoặc nhà sách Bookàbar, Rome, Ý với những thiết kế hiện đại. Hiệu sách Livraria Lello, Porto, Bồ Đào Nha, được thiết kế theo lối Gotic, mở cửa năm 1906 với cầu thang xoắn đẹp như cánh cổng tới thiên đường.

Thư viện Quốc hội Canada là một trong những thư viện đẹp nhất thế giới, giữa phòng đọc có đặt bức tượng của Nữ hoàng Victoria. Thư viện của Tu viện Admont (Áo) nằm trên bờ sông Enns, được xây dựng năm 1776 cũng đẹp không kém với các mái vòm được họa sĩ Bartolomeo Antomonte trang trí, chứa hơn 200000 tác phẩm. Thư viện sách hiếm Thomas Fisher nằm ngay tại Toronto, Canada. Thư viện Abbey St Gall, Thụy Sĩ nổi tiếng nhất vùng Địa Trung Hải. Tại Washington D.C. có Newseum chứa báo chí hằng ngày của hơn 80 nước trên thế giới. Mới đây nhất cô bé Trần Jennifer, 15 tuổi tại tiểu bang Virginia đã có sáng kiến làm bộ áo đầm bằng giấy báo. Rất nhiều người khen, muốn mua cái áo này nhưng cô quyết định tặng nó để trưng bày trong Newseum.

Khi Cộng Sản chiếm được miền Nam, nhiều tài liệu, sách quý đã bị hủy diệt thay vào bằng tài liệu để ca tụng Đảng, phục vụ nhà nước, nói sai sự thật. Heinrich Heine đã nói: “Khi họ đốt sách thì chính họ cũng đang đốt cả loài người”. Tôi nhớ khoảng 1976 ngồi dạy cháu làm toán mà buồn quá sức. Tựa đề bài toán là ngày hôm qua bộ đội ta bắn được 1 máy bay của đế quốc Mỹ, ngày hôm sau bắn được thêm 2 máy bay nữa như vậy tổng cộng là mấy máy bay tất cả? Tôi nhớ những sách Giáo Khoa mình được học ngày xưa dễ thương, giá trị biết bao nhiêu, nhiều bài học thuộc lòng mà tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Nói tới chuyện bộ đội diệt Mỹ, tôi xin kể chuyện mượn xác Mỹ để lãnh Huân chương: Ngày Đại hội Đảng là ngày trao Bội tinh, thưởng vài cân gạo cho đồng chí nào lập nhiều thành tích, mọi người phải hồ hởi lập công. Có anh nôn được gạo quá nên mới phát huy sáng kiến, vì bắn được 5 người lính Mỹ mới được thưởng, mà anh chỉ mới bắn được 4, nên anh đi mượn xác một lính Mỹ từ bạn mình cho đủ chỉ tiêu lãnh thưởng. Mượn thì phải trả đàng hoàng vì thành tích này quý lắm (nợ máu mà)!

Khoảng 1956 các ông Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phan Khôi, Trần Duy… đã hình thành nên nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, viết và phê phán những điều sai lầm của nhà nước thời đó. Báo Nhân Văn chỉ tồn tại 5 số và Giai Phẩm chỉ ra mắt được 4 số thì bị đình bản, các văn, thi sĩ bị đi học tập cải tạo tư tưởng, bị treo bút hoặc đi tù. Có lẽ ai cũng nhớ mấy câu thơ tiêu biểu của Trần Dần mà tác giả bị tội chống phá, “bôi đen” chế độ:

Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ


Hai bài hát  Việt Nam Tôi Đâu ?   Anh Là Ai ?   của Việt Khang không chỉ là một bài ca văn nghệ đơn thuần, nó là một bài hịch, một trang sách quý làm nên lịch sử yêu nước. Ai có thể trả lời được về vận mệnh đất nước khi một màu cờ đỏ còn bao phủ quê hương?

Trần Jennifer và chiếc áo làm bằng báo giấy

UNESCO (Tổ chức Văn hoá, Giáo dục, Khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23 tháng 4 hàng năm làm “Ngày Sách và Bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day) dành cơ hội mua sách giá rẻ có kèm thêm chữ ký của tác giả cho những người mê sách. Ngày này ta có thể tải (download free) nhiều sách giá trị trên thế giới để dành xem dần.

Trước giờ tôi vẫn nghĩ người Tây Phương thiên về cá nhân, sống cho hiện tại, mừng sinh nhật chứ không quan tâm mấy tới ngày Giỗ, họ chụp hình đám cưới chứ không thích chụp hình đám tang, nhưng không hẳn vậy. Giải Nobel Văn học là một trong sáu nhóm giải thưởng của Nobel, được trao hàng năm đúng vào ngày Nobel chết, 10 tháng 12. (Thì ra có rất nhiều điều mình chưa nghe, chưa hiểu tỏ tường nên đưa ra kết luận sai lầm). Cho đến nay tác giả già nhất được nhận Giải Nobel Văn Học là nhà văn nữ người Anh – Doris Lessing, 88 tuổi. Jean Paul Sartre được chọn lãnh giải năm 1964 nhưng đã từ chối (Uổng quá, tiền thưởng cả triệu đô Mỹ chứ đâu ít!)

Trở lại chuyện Bùi Giáng – người điên vì Chữ – là tác giả của rất nhiều tập thơ, chuyện, sách dịch. Nét Thiền cộng một chút Tiên, một chút Điên đã làm ông thành một tác giả có một không hai. Tuy hơi mát mát nhưng ông khôn lắm, chỉ lựa người đẹp mà thích như kỳ nữ Kim Cương hoặc hoa hậu Thu Trang. Câu thơ “Còn hai con mắt khóc người một con” Bùi Giáng đã khóc cho người đẹp Thu Trang bị không chồng mà có con, thương cho cô gái một con trông mòn con mắt. Trịnh Công Sơn khi phổ thành bài hát, lại thêm vào câu “Còn hai con mắt một con khóc người” làm Bùi Giáng tức lắm. Khi TCS trích tiền nhuận bút bản nhạc gửi Bùi Giáng, ông cầm xấp tiền vừa đi vừa rải trên đường vừa la: Thằng Sơn nó phá thơ tao! Tức là phải, vì khi nghe bài hát, tôi cứ tưởng mấy ông này biết vận dụng công lực chỉ rơi nước mắt một bên, còn mắt kia ráo hoảnh! Bùi Giáng hay chửi nhà nước, cán bộ cũng chịu thua ông già điên không làm gì được vì bắt vào tù lấy bo bo đâu mà nuôi. Hôm ấy Bùi Giáng đi vào chợ thấy có nhiều công an đứng gần, ông tỉnh bơ “chôm” một ghi-đông xe đạp rồi đi thẳng, bà bán hàng tri hô: “Ăn cắp lấy đồ của tôi!” Ông nhìn đám công an trả lời: Người ta đánh cắp cả nước sao bà không lên tiếng, tôi lấy có một chút đồ bà lại la ầm ỹ! Bùi Giáng điên vì ông quá tỉnh.

Ngoài Bùi Giáng cũng có Phạm Công Thiện, viết rất nhiều sách đặc biệt là triết học, người cũng có thời kỳ “bị khủng hoảng tinh thần”. Trong tủ sách nhà cũng có vài cuốn của ông, có điều chịu thua – đọc chẳng hiểu gì sất!

Thống kê của Jenkins Group cho thấy 33% sinh viên tốt nghiệp trung học và 42% sinh viên tốt nghiệp đại học không bao giờ đọc thêm sách khác sau khi rời trường. 80% gia đình Mỹ đã không mua hoặc đọc một cuốn sách nào trong năm. 70% số sách được xuất bản không tạo ra lợi nhuận. 20% dân Mỹ đọc sách điện tử “online”.

Ebook là sách điện tử ngày nay rất thông dụng, tiện lợi. Nếu đang làm việc hoặc lái xe không đọc bằng mắt được có thể nghe đọc bằng tai qua các MP3, cũng thú vị lắm. Sách báo, truyện tiếng Việt ngày nay trên các diễn đàn internet có rất nhiều, tha hồ mà đọc. Nhân đây tôi cũng xin cám ơn các bạn bè, vi hữu xa gần đã chọn lọc, chuyển cho tôi rất nhiều emails hữu ích.

Xã hội đang lên tiếng báo động vì việc đọc sách đang ngày một giảm, thay vào đó người ta nhất là các em chỉ thích xem TV, phim ảnh, chơi games. Nếu có đọc sách, chưa chắc các em đã thích đọc những văn phẩm giá trị, mà lại thích các cuốn có nhiều yếu tố tình dục, bạo lực, kinh dị. Các nhà Giáo dục cần suy nghĩ lại để giải quyết vấn đề này. Bạn chúng tôi người Canada, nhất định không cho con xem TV, chơi games, chỉ cho đọc sách và các môn giải trí khác, các cháu coi bộ rất thông minh, dễ thương học giỏi dù không biết cái TV ra sao.

Hai cuốn chuyện tôi đọc gần đây nhất là cuốn Đứa Con Trong Thời Chiến của Nguyên Bá, tác giả ở Canada và Cuốn Ngàn Giọt Lệ Rơi của Đặng Mỹ Dung – Yung Krall ở Mỹ. Cả hai đều xây dựng trên bối cảnh từ thời chống Pháp đến khi vượt biên qua hải ngoại, tình gia đình, tình quê hương, nỗi đau dân tộc đã làm người đọc phải bồi hồi rơi lệ. Mỗi cuốn khá dầy khoảng 500 trang, bạn tìm đọc đi sẽ thấy rất thích.

Cậu thanh niên Tàu – Kim Bằng, khi được gặp Tổng thống Clinton để nhận giải thưởng giỏi Toán nhất không có bộ quần áo lành lặn để mặc, thầy giáo cậu quan tâm nhưng Kim Bằng trả lời: Phúc Hữu Thi Thư Khí Tự Hoa – Trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa, thầy đừng lo. Tôi tin Kim Bằng nói đúng. Hồi trẻ tôi cũng thích người đẹp trai, nhưng càng lớn tuổi tôi càng quý cái đẹp trong tâm hồn, cái sáng của trí tuệ, cái mã bề ngoài quả là không cần thiết. Trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, vào đêm tân hôn khi thấy Thân đem chiếc khăn trắng ra trải lên chiếu, Loan đã cười khinh bỉ và nghĩ: Chỉ có sự trinh tiết trong tâm hồn là đáng quý. Một câu nói hay, một cuốn sách tốt có thể thay đổi cả một đời người. Con của bạn tôi rất giỏi về tài chính, suốt ngày mê mải làm việc trên thị trường chứng khoán kiếm rất nhiều tiền, khi được tặng một cuốn sách đạo, anh lật ra xem và đã quyết định bỏ tất cả đi tu, sắp trở thành Linh Mục.

Từ lúc còn bé mấy chị em chúng tôi đã rất mê đọc sách, cuốn nào, thể loại nào cũng nghiền ngẫm, nhớ dai (bây giờ thì chịu thua, đọc xong lại quên). Chúng tôi còn chơi đố Tam Quốc Chí, như hỏi Quan Vân Trường được tặng danh hiệu gì, cỡi ngựa gì, Bàng Thống tên hiệu là gì, chết ở đâu, mấy tuổi? Câu trả lời đại khái là Quan Vân Trường có râu đẹp nên được đặt là Mỹ Nhiêm Công, cỡi ngựa Xích Thố. Bàng Thống tức Phượng Sồ Tiên Sinh chết trên đồi Lạc Phượng lúc mới 35 tuổi…. Khi chuẩn bị đặt tên cho con, tôi cũng có nghĩ tới các tên như Quý Sách, Hữu Thư để thể hiện sở thích, nhưng tính lại thấy nếu nước còn thì mới mong còn sách, còn các thứ khác, nước mất là mất tất cả, nên chúng tôi đặt tên cho hai cháu là Duy Việt và Duy Nam, với ước mong đất nước mãi còn, văn hóa và con người Việt Nam mãi mãi tốt đẹp….

Nguyễn Ngọc Duy Hân
duyhan@rogers.com






No comments:

Post a Comment

View My Stats