Tuesday, 21 August 2012
Một
mình ông Nguyễn Đức Kiên không thể chi phối cả hệ thống ngân hàng nếu không có
sự lơi lỏng trong các chính sách và sự bảo kê của những người có thế lực đứng
đằng sau ông.... Ngân hàng Á Châu 1993 - 2012: chừng ấy năm để một cơ chế không
có trong luật tồn tại lâu như vậy mà không xử lý, trách nhiệm này không của
riêng ai. Đó là trách nhiệm và là tội (chứ không còn là lỗi) của những người
vận hành nền kinh tế xã hội theo "cơ chế" này. Ai sẽ chịu trách nhiệm và chịu tội trong việc này?...
*
Nguyễn Đức Kiên hay còn gọi là
"bầu" Kiên, "bố già" Kiên có lẽ là cái tên nóng nhất trên
mặt báo tại Việt Nam ngày hôm qua.
Thông tin ông Kiên bị bắt giữ bởi
Cơ quan CS điều tra được xác nhận bởi lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống
Tội phạm (Bộ Công an) về một số sai phạm liên quan đến hoạt động kinh tế khiến
cho "dư luận rúng động".
Các báo liên tục chạy tin về cá
nhân ông Kiên, những hoạt động kinh tế công khai của ông và có cả tờ báo cập
nhật từng phút diễn biến tại nhà riêng ông Kiên như một phóng sự chiến trường.
Thông tin cần thiết nhất có thể tạo
ra "sự ổn định xã hội" như lời các anh an ninh làm việc với những
bloggers viết bài phát biểu quan điểm trên blog cá nhân đến giờ vẫn chưa thấy
mấy.
Nói ra điều này để thấy rằng, thông
tin trên báo lề đảng mà hàng ngày chúng ta vẫn đọc, đang chịu sự chi phối và
kiểm soát rất lớn từ cơ quan công an đối với các vụ án, và từ một thế lực chi
phối nguồn tin. Chính xác hơn là đại đa số người đọc báo đảng, xem ti vi, nghe
đài... chỉ nhận được thông tin đã được kiểm duyệt một cách chặt chẽ, hay gọi là
ban phát thông tin.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc
nhận thức và thái độ cá nhân đối với xã hội.
Trong phiên trả lời chất vấn trước
Quốc hội chiều 21/08/2012, khi đại biểu Đỗ Văn Đương thắc mắc về việc có hay
không dấu hiệu thao túng thị trường tín dụng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng
là do một số ngân hàng thương mại cổ phần có các hành vi trái pháp luật, thống
đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam - ông Nguyễn Văn Bình cho biết chỉ nhận được
thông tin từ phía cơ quan Công an rằng ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt do đã thành
lập ba công ty con và ba công ty này có hành vi kinh doanh trái pháp luật.
Cũng theo ông Bình, ông Kiên nguyên
là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB)
song “cơ chế Hội đồng sáng lập này không có trong bất cứ văn bản pháp luật
nào”.
“Theo luật, các ngân hàng thương
mại cổ phần chỉ có HĐQT và Ban điều hành”, ông Bình nói. (Theo Vietnamnet)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu
(tên giao dịch bằng tiếng Anh: Asia Commercial Bank), được gọi tắt là Ngân hàng
Á Châu (ACB), chính thức đi vào hoạt động kinh doanh sau ngày 4 tháng 6 năm
1993. (Theo Wikipedia)
1993 - 2012: chừng ấy năm để một cơ
chế không có trong luật tồn tại lâu như vậy mà không xử lý, trách nhiệm này
không của riêng ai. Đó là trách nhiệm và là tội (chứ không còn là lỗi) của
những người vận hành nền kinh tế xã hội theo "cơ chế" này.
Ai sẽ chịu trách nhiệm và chịu tội
trong việc này?
Trong bối cảnh hiện nay, đảng Cộng
sản Việt Nam đang phát động phong trào "phê và tự phê" thì việc bắt
giữ một cá nhân có ảnh hưởng với sự ổn định của nền kinh tế, chẳng khác gì việc
cắt bỏ một chân rết trong xâu chuỗi lũng đoạn thị trường để làm ví dụ điển hình
cho phong trào trên.
Sau phê và tự phê sẽ là gì nếu
không phải là tự sướng?
Sau mỗi lần phát động một phong
trào, phải chăng có một cá nhân đại diện cho một nhóm lợi ích bị đưa ra trước
vành móng ngựa nhằm trấn an dư luận, củng cố lại niềm tin?
Một mình ông Nguyễn Đức Kiên không
thể chi phối cả hệ thống ngân hàng nếu không có sự lơi lỏng trong các chính
sách và sự bảo kê của những người có thế lực đứng đằng sau ông. Vì vậy, việc
bắt giữ ông Kiên trong tình trạng kinh tế năm 2012 bị khủng hoảng, nợ xấu liên
ngân hàng chồng chất dẫn đến thị trường bất động sản đóng băng, chẳng qua là
một hành động "giải ngân" chẳng đặng đừng trong quá trình phê và tự
phê của đảng.
"Bầu" Kiên hay bất kỳ ông bầu nào khác bị bắt, cũng chỉ là
giải quyết phần ngọn của một cái gốc đã thối rửa đang nuôi dưỡng nó.
Thực trạng kinh tế hiện nay của
Việt Nam cho thấy khó có chỗ dung chân cho một doanh nghiệp tư nhân tử tế nếu
không biết theo kịp "cơ chế" vuốt đuôi sự vận hành thị trường. Còn
các doanh nghiệp nhà nước với cung cách điều hành của bộ máy quản lý đã để lại
nhiều khối nợ hàng chục, hàng ngàn tỷ lên vai người dân sau vài màn hạ cánh của
cá nhân đứng đầu các doanh nghiệp này.
Có bao nhiêu người dân biết được
rằng tiền thuế họ đóng góp từ tiền lương, từ việc mua sắm chi tiêu, từ các quan
hệ thông thương trong xã hội đã bị tiêu xài hoang phí cho sự vận hành nền kinh
tế thị trường như hiện nay?
Khi được hỏi "Liệu từ giờ đến
cuối năm có giảm được nợ xấu không?" - thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt
Nam Nguyễn Văn Bình trả lời rằng: "Từ giờ đến cuối nhiệm kỳ, tôi tin là
với sức mạnh hệ thống chính trị của chúng ta, chúng ta sẽ đưa được nợ xấu về
mức bình thường"
Câu hỏi dành cho chủ thể
"Tôi" là ông Bình - với cương vị là người điều hành hệ thống ngân
hàng và câu trả lời mà người nghe, người đọc nhận được là "Chúng Ta"
cùng với "sức mạnh hệ thống chính trị" thật mơ hồ cho thấy rằng: Sẽ
không có chuyện một cá nhân nào ở cương vị lãnh đạo sẽ phải chịu trách nhiệm
hay hậu quả với những chính sách sai lầm đã áp dụng cho đất nước này.
Và khi không có một cá nhân
"tôi" nào phải chịu trách nhiệm, thì cái tập thể đầy sâu "chúng
ta" kia sẽ vẫn cứ ung dung mà hưởng thụ lợi ích mà thôi.
No comments:
Post a Comment