Lê Cao / Phan Mạnh (báo Chất Lượng Việt Nam – Viet Q)
Thứ Năm, 23/08/2012 16:17
(VietQ.vn) - Hàng trăm thắc mắc bạn
đọc gửi đến tòa soạn Chất lượng Việt Nam xung quanh câu chuyện bắt giữ, khởi tố
điều tra ông "bầu" Nguyễn Đức Kiên. Liệu ông Kiên có được tại ngoại?
Quan hệ giữa "bầu" Kiên với ông Lý Xuân Hải?...
>Hé lộ dấu hiệu vi phạm ở 3 công ty của bầu Kiên
>ACB lên tiếng vụ bầu Kiên bị bắt
>Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội ACB bị bắt
>Nhiều ngân hàng đồng loạt né “bầu Kiên”
>Bầu Kiên từng học "lớp chọn" trong quân đội
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có
cuộc trao đổi với ông Lê Cao - Chuyên gia Pháp lý, Công ty luật hợp danh FDVN
(Đà Nẵng) để bạn đọc có cái nhìn khách quan, đánh giá đúng bản chất sự việc
trong lúc chờ đợi kết quả điều tra chính thức từ Bộ Công an.
- Trong thông cáo phát đi, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ
Công an cho biết, căn cứ để bắt giam, khởi tố ông Nguyễn Đức Kiên dựa vào đơn
thư tố cáo ông Kiên vi phạm tại hoạt động của 3 công ty do ông làm chủ tịch hội
đồng quản trị và phạm tội theo Điều 159 Bộ luật hình sự. Theo quy định của pháp
luật, có cần thiết phải bắt tạm giam ông Kiên?
- Bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi
nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm đều là những
biện pháp ngăn chặn mà bị can có thể bị áp dụng từ phía cơ quan tiến hành tố
tụng.
Các biện pháp nói trên được cơ quan
tiến hành tố tụng sử dụng để ngăn chặn tội phạm khi có căn cứ chứng tỏ bị can,
bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, hoặc sẽ tiếp tục
phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án.
Ngoài quy định tại Điều 79 Bộ luật tố
tụng hình sự nêu trên, theo quy định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự thì
tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp như
bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng; bị
can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định
hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản
trở điều tra, tuy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Theo thông tin ban đầu, trường hợp
ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố theo tội thuộc loại ít nghiêm trọng, mức hình
phạt cao nhất với tội được nêu ban đầu là đến hai năm, nghĩa là không phải
“trên hai năm” nhưng ông Kiên vẫn bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam.
- Như vậy việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam ông
Kiên đúng hay sai?
- Pháp luật hiện hành về căn cứ, điều
kiện để tạm giam hay không tạm giam một bị can khi bị khởi tố vẫn rất cảm tính,
chưa thực rõ ràng. Bởi lẽ, với căn cứ tại Điều 79 Bộ luật tố tụng hình sự thì
cơ quan điều tra có thể, bằng những cơ sở chứng cứ của mình, bằng những tình
tiết liên quan đến vụ án mà họ có được, đủ thấy bị can có thể cản trở quá trình
điều tra, có dấu hiệu tiếp tục phạm tội, bỏ trốn... để quyết định áp dụng biện
pháp ngăn chặn tạm giam sau khi khởi tố.
Tuy nhiên, nếu chiếu theo Điều 88 Bộ
luật tố tụng dân sự thì bị can có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam trong
trường hợp họ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc nếu phạm
tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng mà mà Bộ Luật hình sự quy định hình phạt tù
trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều
tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Như thế việc áp dụng tạm giam ít nhất
cũng phải trong trường hợp phạm tội theo quy định hình phạt tù trên hai năm và
có những căn cứ khác như đã nêu. Trong khi tội của ông Kiên bị khởi tố chỉ
ngang mức từ hai năm tù trở xuống, không phải “trên” mà đã áp dụng biện pháp
ngăn chặn tạm giam thì là chưa phù hợp với Điều 88 Bộ luật tố tụng dân sự đã
quy định. Bởi lẽ trên hai năm hoàn toàn khác với hai năm, ai cũng dễ dàng thấu
hiều điều này?
- Như vậy là có khả năng có "căn cứ đặc biệt nào
đó" nên cơ quan điều tra mới áp dụng biện pháp tạm giam đối với ông Kiên?
- Vụ việc đang được điều tra, làm rõ
và chưa có kết luận thì cũng chưa thể khẳng định được điều gì. Tuy nhiên, một
khả năng về việc xuất hiện những yếu tố đặc biệt, những vấn đề liên quan thì
tôi nghĩ là có thể. Bởi với chỉ tội danh kinh doanh trái phép và với khung hình
phạt như quy định, cũng như các yếu tố cấu thành tội danh này thì chẳng có gì
nghiêm trọng đến độ Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ công an phải vào cuộc.
Do đó, câu trả lời cho câu hỏi vì sao
ông Kiên không được tại ngoại có thể nằm bên ngoài, phía sau những gì chúng ta
chưa được biết; và điều này thì chỉ khi có kết luận, thông tin từ cấp có thẩm
quyền mới rõ được.
- Ở nước ngoài, những người nhiều tiền thường dùng tiền để
bảo lãnh khỏi phải tạm giam. Ở nước ta pháp luật có quy định về việc này không,
thưa ông? Nếu có thì ông Kiên có thể sử dụng tài sản của mình
để bảo lãnh để tại ngoại không thưa ông?
- Hiện nay, Điều 93 Bộ luật tố tụng
hình sự có quy định liên quan đến vấn đề nhà báo đề cập. Đó cũng được xác định
là một biện pháp ngăn chặn, đó là việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo
đảm, thay thế biện pháp tạm giam.
Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy
hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị
can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ
đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu
tập.
Tuy nhiên trên thực tế lâu nay hầu
như rất ít trường hợp áp dụng được biện pháp này để thay thế cho việc bị tạm
giam. Bên cạnh đó việc hướng dẫn thực hiện quy định này cũng chưa có mặc dù Bộ
luật tố tụng hình sự đã được ban hành từ năm 2003.
Mới đây, dự thảo thông tư hướng dẫn
quy định này cũng mới được các Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà
án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến
góp ý để ban hành trong thời gian tới, chưa ban hành chính thức.
Trong dự thảo quy định này có bàn đến
các nội dung như, về nguyên tắc thì cơ quan tiến hành tố tụng phải cân nhắc
toàn diện và đầy đủ các điều kiện về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của
hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can bị cáo, đối chiếu
với yêu cầu về bảo đảm hiệu quả ngăn chặn để quyết định việc áp dụng biện pháp
đặt tiền, tài sản bảo đảm thay thế cho biện pháp tạm giam.
Còn về điều kiện để áp dụng, cơ quan
tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm đối với bị
can, bị cáo đang bị tạm giam khi có đủ các điều kiện sau đây: Bị can, bị cáo có
nhân thân tốt (ví dụ: chưa có tiền án tiền sự; thành khẩn, ăn năn, hối lỗi; là
thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; là người chưa thành niên
và đang đi học); Bị can, bị cáo phải có khả năng về tài chính để đặt bảo đảm
theo mức mà cơ quan tiến hành tố tụng quyết định. Đối với bị can, bị cáo là
người chưa thành niên mà không có hoặc không đủ tiền, tài sản bảo đảm thì xem
xét đến khả năng tài chính của người đại diện hợp pháp; có căn cứ để tin rằng,
bị can, bị cáo có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc
không tiêu huỷ, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra,
truy tố, xét xử hoặc việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây ảnh
hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội.
Bị can theo quy định tại Điều 93 Bộ
luật tố tụng hình sự có thể yêu cầu để được xem xét áp dụng biện pháp ngăn chặn
thay thế nêu trên. Ngoài ra, thì muốn được tại ngoại, bị can cũng có thể nhờ
người thân bảo lãnh, hoặc xin được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên,
như đã nói, đối với trường hợp của ông Kiên, có thể là rất khó...
- Vụ việc của ông Kiên gây hoang mang và tò mò trong dư
luận và tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam.
Theo ông chúng ta cần làm những gì để tránh những ảnh hưởng xấu đến nền kinh
tế, đến người dân?
- Thông tin còn chưa rõ ràng, chưa cụ
thể thì sẽ còn những tò mò, những chấn động tâm lý tiêu cực trong dân chúng là
điều dễ hiểu. Dù có rất nhiều ngân hàng, thậm chí cơ quan truyền thông, những
người có liên quan trước đây có cố gắng né tránh ông Kiên trong thời điểm hiện
nay, hay cố chứng minh sự không nghiêm trọng của vai trò ông Kiên đối với thị
trường tài chính, tiền tệ ở Việt Nam thì cũng khó thuyết phục các nhà đầu tư,
những người dân bình thường.
Bởi vì hiệu ứng tiếng tăm mà ông Kiên
đã tạo ra trong dư luận trong năm vừa qua là rất lớn, truyền thông đã cũng góp
phần làm hình ảnh ông rất bề thế từ tài chính, ngân hàng đến sân chơi bóng đá.
Do đó, càng thông tin minh bạch về vụ
việc liên quan đến ông Kiên, để dư luận không còn gì mà lo lắng, tò mò nữa thì
họ mới yên tâm được. Nếu thông tin được âm ỉ nuôi dưỡng hoặc được đưa ra một cách
xiêu vẹo thì sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường cho các nhà đầu tư, cho người
dân gửi tiền ở các ngân hàng và cho nền kinh tế.
- Báo chí và dư luận quan tâm đến mối quan hệ giữa ông
Kiên với ông Lý Xuân Hải (Tổng giám đốc ngân hàng ACB) nhưng thông tin về việc
đã bắt, hay không bắt ông Hải lại được mỗi báo nêu một khác, ông nhìn nhận vấn
đề này như thế nào?
- Hiện nay có báo thông tin người này
bị bắt, báo thì bảo người này liên hệ làm việc. Các thông tin như thế này đáng
ra phải được cơ quan công an khẳng định, chẳng hạn việc bắt ông Lý Xuân Hải hay
không thì chả nhẽ Bộ Công an lại không biết? Cho nên nếu chúng ta thông tin rõ
ràng, minh bạch vấn đề ra với các trường hợp chưa cụ thể, chưa rõ thế này thì
người dân họ còn nhìn nhận một cách bình tĩnh các vấn đề.
Tránh hiện tượng, với sự sa lầy vào
mê hồn trận thông tin thật giả lẫn lộn sẽ khiến sự ảnh hưởng tiêu cực từ truyền
thông đến dân chúng càng nặng nề hơn.
Tôi nghĩ cần cập nhật thường xuyên
những thông tin liên quan đến vụ án quan trọng này bằng những cuộc hợp báo,
thông cáo chính thức. Chỉ khi đó mới giải tỏa được những nghi ngờ, những đòi
hỏi rất bình thường của người dân về những gì đằng sau cái gọi là tội kinh
doanh trái phép của bầu Kiên.
Rồi hơn nữa, cần thông tin cụ thể hơn
về việc Thủ tướng “biểu dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, đã nghiêm túc chấp
hành sự chỉ đạo của Chính phủ; đã khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các
hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động
ngân hàng” được thông tin trên các phương tiện truyền thông.
Bởi lẽ, điều bình thường ai cũng dễ
dàng liên hệ, kết nối những thông tin nhạy cảm, được đưa ra vào cùng một thời
điểm với nhau như thế, và vì thế họ sẽ nghĩ ngay đến những vấn đề phía sau, bên
cạnh câu chuyện ông Kiên bị bắt vì kinh doanh trái phép theo Điều 159 Bộ luật
hình sự. Trong trường hợp này, phía sau và những cái bên cạnh có thể được nghĩ
ra mênh mông hơn nhiều, nếu không được minh bạch thông tin thì rất nguy hiểm.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Phan Mạnh
No comments:
Post a Comment