Friday 3 August 2012

BÀI THƠ LẠNH HỒN (Trần Khải Thanh Thủy)





Năm 1989, tôi lập gia đình. Như mọi người phụ nữ khác với thiên chức muôn thuở của phụ nữ, tôi có thai. Cả gia đình tôi đều vui mừng trước tin vui này, vì dù sao cũng là con đầu cháu sớm. So với độ tuổi gần 30 của mình, nhất là trong điều kiện Việt Nam, tôi thuộc loại vãn hôn, đơn giản vì từ năm 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học (khi đó gọi là cấp III) tôi đã được mời đi dự đám cứơi bạn cùng lớp, và cứ thế trong suốt 12 năm sau đó, năm nào cũng có vài chục đám cưới trong độ tuổi từ 18 đến 25, chỉ loại “sứt môi lồi rốn”, xấu đến mức…ma chê quỷ hờn mới chịu cảnh ế chồng, vò võ cô đơn một mình. Còn bằng tuổi tôi khi đó, đứa nào cũng “duyên may tay bế tay bồng” cả rồi. Nhiều đứa còn tuyên bố: “xong sớm nghỉ sớm” nên 30 tuổi đã có con 9,10 tuổi để sai vặt.

Còn tôi, hết người nọ tới người kia trựơt chân ngã sóng soài ngoài cửa nhà. Không phải tôi “kén cá chọn canh” gì mà khi đó tôi coi tình yêu và hôn nhân cứ như một trò đùa của tạo hóa. Tại sao nam nữ không “thụ thụ bất thân” như lời Khổng Tử dạy mà cứ phải sống với nhau, ràng buộc nhau trong nghĩa vụ vợ chồng, vui thú thì ít, mà cãi nhau thì nhiều? Cái kiểu vợ chồng mà ông bà định nghĩa: “Vợ chồng như thớt với dao, ngày thì cãi lộn, đêm vào ngủ chung”, khiến tôi phát bực, vì tính tôi vốn thẳng ruột ngựa: “Hoặc là tất cả, hoặc là không, đã cãi lộn thì còn lăn vào ngủ chung với nhau làm gì”? Hơn nữa dưới con mắt tôi khi ấy, đám đàn ông chẳng có mấy người đáng giá.
Vốn sách vở đầy mình, tôi tự đề ra cho họ những tiêu chuẩn đúng như những câu danh ngôn đọc được trong sách: “Thiên tài là dấu hiệu giới tính thứ hai của nam giới” và “Làm trai đó là một danh từ đẹp”…Vậy mà vây xung quanh tôi lại toàn là đám người “vai u thịt bắp” ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời. Cho nên được bạn trai để ý từ ngày còn học cấp III, nhiều cậu làm thơ hay viết thư tỏ tình, còn bị tôi mắng cho như tát nước vào mặt phải ra đi đầu không ngoảnh lại, dù con tim nức nở vơi đầy…Nhiều người không đến mức bị cấm cửa, nhưng đành ngậm đắng nuốt cay vì biết rõ trong “ngân hàng tình cảm” của tôi, họ chẳng có lấy một số “tài khoản” có giá nào.

Năm 1989, tôi chuyển từ miền núi về làm giáo viên trường làng (cái nghề dạy học ở Việt Nam vốn thế, cứ có tiền là có chỗ đứng nơi bục giảng tử tế giữa thủ đô). Còn không tiền thì đảng đặt đâu chúng tôi phải…ngồi đấy, không ngồi thì bị hủy bằng tốt nghiệp, coi như toi cơm 4 năm học, phí bao nhiêu tiền của của bố mẹ và sức lực của bản thân: (4 năm Đại học còn gì là thân)…Lúc này một trong số những người yêu mến ngòi bút, tính cách con người tôi là nhà văn Nguyễn Xuân Thiều, ông lập lá số tử vi cho tôi và cao giọng cảnh báo: “Tuổi này, mệnh này, chi này, can này mà trong năm nay không chịu lấy chồng thì sẽ không bao giờ lấy được chồng nữa vì cứ đứng núi nọ trông núi kia cao” v.v Thế là a lê hấp… tấp vào liền, không cần biết trái nhân duyên hay không, cứ thấy có người…đẹp trai qúa mức cần thiết đến trồng cây si trước cửa trường nơi tôi dạy là lấy đại, cũng không cần để ý đến lời Khổng Tử dạy; “Người quân tử sang ở cốt, không sang ở mã” và lời thách đố của đám bạn cùng dạy: “Không đời nào cái Thủy nó lấy cậu T, dù sao nó cũng là người Hà Nội, viết báo từ Nam ra Bắc, em trai lại đang ở Tiệp, vừa có tài, vừa có sắc, sao lấy đại một ông “nông dân bao bạc” được?”

Quen nhau đầu năm thì cuối năm cưới, 3 tháng sau thì “làm ra trẻ con” không ngờ buổi chiều ngày 19-11-1989 (trước ngày hiến chương các nhà giáo), tôi vụt nảy ra những ý thơ và ngồi viết một mạch trong vòng 15 phút:

Tôi nằm lại đây chốn nghĩa trang
Trạm cuối cùng cuộc đời bao số kiếp
Đất phủ kín mình tôi gía lạnh
Khói nhang thơm mách nẻo đi về
Quà chia tay bạn hữu tặng trao
Nhị rữa nát hám hôi mùi nghĩa địa
Gió cứ thổi vật vờ khoang đất trống
Quạ tru rên từ khoang đất không người
Cỏ đã xanh rờn chân, tóc, tai
Hồn tôi thoát tục để băng ngàn
Lang thang rừng thẳm muôn nơi ngắm
Cõi trần ai người sống đoạ đầy
Thôi hãy xanh cùng với đất đai
Tạo hoá anh minh đã mỉm cười…

Bài thơ có tên là “Lời người dưới mộ”, như thể nằm ngắm cái chết của mình mà tả lại vậy.
Chưa đủ, những ý tưởng vụt lóe trong đầu, tôi viết tiếp bài tứ tuyệt khác để “ Đùa tạo hóa”

Ôi tạo hóa đùa trêu không ít lúc
Giận dữ sinh linh tạo hóa buồn
Lòng ta đôi lúc như lòng cối
Tạo hóa vung chầy, nện… thiết tha

Sáng sớm hôm sau, tôi dạy sớm như thường lệ, vào buồng tắm, tẩy trần, mặc quần áo đẹp để kịp ra bến xe vào trường dự ngày lễ của ngành. Như có linh tính mách bảo, hễ xối nước lạnh vào người đến đâu, bụng tôi quặn thắt đến đấy… vết thương như có dao cứa… đau quằn quại, không kịp mặc quần áo ngoài, tôi lao lên giường, ôm bụng kêu rên.

Chồng tôi đang chuẩn bị đi đến các tòa soạn lấy báo phát hành, thấy thế liền nán lại bên tôi. Khi thấy tôi mồ hôi chảy túa trên trán, người lạnh toát, vội vàng mặc quần áo ấm, đắp chăn cho tôi rồi lên mời bác sĩ của viện, vốn ở ngay tầng trên.

Ngắm nhìn thân hình và cái mặt méo xẹo của tôi, bà ta bảo:
- Thai đang dọa xảy, nằm im, đừng cựa quậy gì mà xảy thai, phí lắm. Không sao đâu, cô đi làm, có gì 12 giờ trưa cô về, xem lại cho.
Yên tâm chồng tôi lật đật xách túi, xách xe đi. Như có linh tính mách bảo, tôi gọi với theo chồng, mắt ầng ậc nước:
- Em đau lắm, anh đừng đi, ở lại nhà với em!
Chờ đến 10 giờ, 4 tiếng đồng hồ liền, càng lúc tôi càng đau quằn quại, tím tái mê man, bĩnh cả ra giường mà không hề biết. Không thể chờ đến 12 giờ như bà bác sĩ bảo, chồng tôi vội đi tìm bác sĩ tư.

Vừa trèo vội 3 tầng thang gác, không kịp bỏ dép ra khỏi chân để vào nhà xem tình trạng của bệnh nhân, chỉ bằng một cái nhìn “vuốt mắt “ bác sĩ buông một câu xanh rờn:
- Đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay, nếu bệnh nhân có mệnh hệ gì, tôi không chịu trách nhiệm.
Thế là chồng tôi ghé vai cõng tôi từ “đỉnh trời” xuống đường đón xích lô (hồi đó Hà Nội chưa hề có taxi, xe ôm cũng rất hiếm), còn mẹ tôi tay bế đứa con của người bạn (về hưu, trong điều kiện đồng lương không đủ sống mẹ tôi phải nhận trông trẻ), bắt một chiếc xích lô khác.

Tin tưởng vào người đạp xích lô, cả mẹ và chồng tôi đứng đợi trước cửa bệnh viện Bạch Mai.
Năm phút rồi mười phút vẫn không thấy tôi đâu, hóa ra người đạp xích lô, vốn chỉ là một người thôn quê chân chất, nhân ngày nông nhàn mà ra Hà Nội thuê xích lô chở người, kiếm thêm tiền gạo cho gia đình, nên hoàn toàn không biết gì về đường phố, trong khi Hà Nội lại là thành phố của những ngõ ngách. Cực chẳng đã chồng tôi phải đạp xe quay trở lại tìm và may mắn vớ được ông đang loay hoay phía cổng sau bệnh viện… Thế là không nói không rằng, cũng chẳng cần luật lệ, phép tắc gì hết, kéo tuột cả chiếc xích lô vào cổng sau, qua cả dãy nhà xác của bệnh viện, mặc ông bảo vệ già đứng nhìn trân trối.

Bế tôi- lúc này đã như một cái xác không hồn, da trắng bệch, mạch chìm nghỉm, chồng tôi lao vào phòng cấp cứu. Hú vía, bác sĩ hôm đó lại có cái tên thật sự là vị “cứu tinh” của đời tôi (người đã sinh ra tôi lần thứ hai) Nguyễn thị Tân Sinh. Vừa nhìn thấy tôi, lật mi mắt thiêm thiếp nhắm nghiền rồi vỗ mạnh vào bụng tôi, kết luận: “Chảy máu trong rồi, mổ ngay, nếu không sẽ không kịp”

Kết quả tôi bị chửa ngoài dạ con, mà nguyên nhân là những lần đi thực tế sản xuất xuống nông thôn, không có nước thay giặt, nên những ngày có “khí huyết thiên nhiên” đành phải đóng xô màn, cứ ra hết lớp máu này, bết lại khô cứng rồi ra lần khác, hết ngày thì vứt đi, thay cái mới (Hồi đó xô màn cũng hiếm hoi như mì chính vậy, cánh chị em phụ nữ ở thôn quê còn phải dùng tro chứa trong một cái túi để dùng thay xô màn hết năm này sang năm khác, từ khi có “khí huyết trời cho” ở tuổi dậy thì đến khi “khí huyết thiên nhiên” khô kiệt ở tuổi 49, 50.

Vòi PapLop (ống dẫn trứng) đã bị viêm nhiễm, tắc nghẽn, vì vậy trứng khi gặp tinh trùng đã không làm tổ trong tử cung mà làm tổ ngay trong lòng ống. Sau hơn hai tháng, thai phát triển mạnh, thành ống dẫn qúa mỏng nên bị vỡ, gây chảy máu trong, mất liền 2,5 lít máu. Theo lời bác sĩ, chỉ chậm 5 phút nữa là tôi đã nhập hộ khẩu cõi âm rồi.
Mất qúa nhiều máu, trong một khoảng thời gian qúa lâu, máu đã đông cứng trong ổ bụng, không thể nào lọc lại để sử dụng được nữa, bác sĩ phải đảo lộn tùng phèo cả gan ruột của tôi để gắp máu đông ra và lau sạch phần ổ bụng để tôi không bị nhiễm trùng.

Trong khi cần máu để tiếp thì kho máu của bệnh viện lại hết, cả mẹ và chồng tôi cùng vào thử máu. May mắn làm sao cả hai người đều là nhóm máu O, cho ai cũng được.
Trong cơn nguy kịch, người bạn của tôi đến nhà đón con như thường lệ, thấy nhà khóa cửa, nghe hàng xóm kể chuyện liền vội vàng tìm vào bệnh viện đón con và thăm tôi, biết tôi đang cần tiếp máu, liền chìa tay ra thử, cũng lại nhóm máu O.
Thật là trong rủi có may, tôi được cả ba người cho máu và vượt qua được cửa ải, trở về với đời sống.

Sau này nghĩ lại, tôi vẫn không khỏi rùng mình lo sợ vì linh tính mách bảo, vì trực giác hòa tan trong cảm nhận mà tôi đã nổi hứng làm hai bài thơ kinh dị như thế. Thực chất là nằm ngắm cái chết của mình mà tả lại. Nếu không vì “trần sao âm vậy”, “đất chật người đông”, cái nghề “bán cháo phổi” bị nhập “hộ khẩu cõi âm” qúa nhiều, nên Diêm Vương buộc phải “đổi mơí tư duy” bằng cách “tinh giản biên chế” cho ngành giáo dục, thì hẳn tôi đã “ xanh cùng đất đai” trong nụ cười “anh minh” của tạo hóa rồi và bài thơ tứ tuyệt thứ hai tôi làm đã vĩnh viễn trở thành…tử tuyệt, chỉ vì dám đùa với tạo hóa, cha đẻ của muôn loài. Nếu nói theo kiểu thoáng hài của tôi: “Bắt tay xong, tay ai lại trở về túi người ấy”, thì quả là trong đời tôi đã một lần bị bàn tay lạnh ngắt của thần chết chìa ra nắm bắt và trả về… dương gian(!)

Sacramento cuối tháng 7- 2012
© T.K.T.T
© Đàn Chim Việt

2 Phản hồi cho “Bài thơ lạnh hồn”

Lu Hà says:
Hồn Thăm Điạ Ngục
Nơi huyệt mộ cỏ cây héo uá
Trạm cuối cùng cổ độ trăng soi
Xót xa cho một kiếp người
Côn trùng rên rỉ u hoài ngàn thu
Khói nhang toả âm u ảo não
Từng vòng hoa bạn hữu gửi trao
Đồng hoang đom đóm dật dờ
Quạ đen từng lớp xếp cờ vây quanh
Sương rờn rợn mong manh sợi nắng
Hồn ban mai cay đắng mây ngàn
Rừng sâu đồi trọc tro tàn
Nương dâu bến bãi trần gian não nùng
Hồn lạc xuống chín tầng điạ ngục
Quỷ hỏi tra tủi nhục trăm điều
Ác ôn mật vụ cú diều
Rằn ri vằn vện đủ chiêu hãi hùng
Ôi Thiên Chuá yêu thương cứu thế
Đưa tôi về trở lại dương gian
Sinh linh tạo hoá muôn vàn
Có may có rủi trầm luân biển hồ
Cây gai góc bốn muà mưa nắng
Hoa xương rồng một chặng đường xa
Khổ đau trong cõi ta bà
Non gần thế kỷ mặn mà thiết tha…

NGÀN KHƠI says:
CHUYỆN KINH DỊ
Chuyện này đúng kinh dị
Chuyện nhà văn Thanh Thủy
Tự nhiên lại làm thơ
Lại là thơ bi lụy !
Thơ văn tức là người
Cớ sao chơi kiểu bí
May mà trời còn thương
Nếu không đã ngã khụy !
Một lần thế mới hãi
Mới biết tin thần quyền
Mới giác ngộ siêu giới
Mới sợ Mác Lênin !
Nhớ xưa đi thực tế
Tại lần xuống nông thôn
Thiên đàng nơi hạ giới
Quả một lần hết hồn !
Bây giờ đã tới Mỹ
Nước cũng hết qua trôn
Nhớ lại câu chuyện cũ
Nay mới thật hoàn hồn !
NON NGÀN
(02/8/12)


No comments:

Post a Comment

View My Stats