Wednesday, 1 August 2012

ĐÁM TANG BÀ ĐẶNG THỊ KIM LIÊNG thành NƠI QUY TỤ (Khánh An - RFA)




Khánh An, phóng viên RFA
2012-08-01

Cái chết vì tự thiêu của bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của blogger Tạ Phong Tần, vào hôm 30/7 là một tin gây chấn động dư luận cả trong và ngoài nước.
Trên khắp các diễn đàn, trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông được xem là “lề trái”, rất nhiều người lên tiếng chia buồn, bày tỏ quan điểm cũng như đưa thông tin về đám tang đặc biệt này.

Người dân mọi miền đến viếng
Kể từ sau khi gia đình đưa xác bà Đặng Thị Kim Liêng về nhà vào tối 30/7, rất nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã lần lượt đổ về Bạc Liêu để thăm viếng, thắp hương cho bà. Không hẹn mà gặp, căn nhà của bà Liêng trở thành nơi quy tụ, điểm đến của những người dân oan, những người đấu tranh chống bất công, các blogger, những nhà dân chủ, đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam. Nhiều người cho biết họ đến để chia sẻ nỗi đau, sự mất mát đối với gia đình Liêng và bày tỏ sự kính phục đối với bà.

Bà Bùi Thị Minh Hằng, một người đã từng nhiều lần bị bắt vì đi biểu tình chống Trung Quốc, cho biết bà hoàn toàn thấu hiểu được tại sao bà Liêng lại đi đến quyết định tự thiêu:
“Ai có ở trong nước mới hiểu được tâm trạng của những người đấu tranh. Bản chất của nhà cầm quyền, đến lúc này, họ vô cùng tàn bạo và độc ác. Họ khủng bố người dân và thân nhân của những người đấu tranh, như chị Tạ Phong Tần và Minh Hằng, đến mức độ mình nói là cái chết của bà cụ không thể nào không có bàn tay tội ác và trách nhiệm của nhà cầm quyền khi họ trực tiếp khủng bố, gây ra những bức hại khiến cho người dân đã phải dùng chính mạng sống mình để phản đối lại trước những uất ức không thể chịu đựng thêm được nữa.”

Theo linh mục Đinh Hữu Thoại của Dòng Chúa Cứu Thế, một người đã từng tiếp xúc với bà Đặng Thị Kim Liêng trước đây, cho biết bà Liêng là một Phật tử sùng đạo. Suốt ngày bà chỉ biết làm việc và đi chùa. Mọi “vấn đề” đến với bà chỉ vì bà là mẹ của blogger Tạ Phong Tần, một cây viết chuyên đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Linh mục Thoại nói:
 “Vấn đề là cô Tần là con của bà nên khi họ muốn gây áp lực với cô Tần thì họ về nhà họ gây áp lực với gia đình và mẹ của cô Tần là người phải gánh chịu những áp lực đó. Họ khủng bố, đe dọa, thậm chí muốn lấy đất, lấy nhà của người ta để làm cho bà mẹ phải làm theo ý họ. Họ muốn dùng gia đình để tấn công cô Tần. Chính bà nói với chúng tôi là nếu nhà nước mà ép bà quá là bà sẽ tự thiêu.”

Bà Bùi Thị Minh Hằng cho biết hoàn cảnh của gia đình nhà blogger Tạ Phong Tần cũng có những điểm tương tự như gia đình bà. Cũng chính vì quá bức xúc, quá uất ức mà ngay sau khi được thả ra khỏi cơ sở giáo dục Thanh Hà vào tháng 4 vừa qua, bà cũng đã từng tuyên bố sẽ lấy tấm thân mình ra để phản đối chính quyền vì những uất ức mà bà cho biết là “không thể chịu đựng nổi nữa”. Bà Minh Hằng chia sẻ về vụ việc bà Liêng tự thiêu:
“Cụ đã tâm sự với những người thân là cụ bị chính quyền đến đe dọa tịch thu nhà, đưa ra đảo, rồi bắt phải đấu tố con mình trong hoàn cảnh chị Tạ Phong Tần đang ở tù và điều này họ đã làm được và làm thành công với gia đình nhà Minh Hằng rồi. Cho nên trong bối cảnh một người cũng có hoàn cảnh tương tự, Minh Hằng quá đau xót, bàng hoàng và phẫn nộ trước thông tin cụ bà đã ra đi vì tự thiêu.”

Bi kịch của cả nước
Cái chết vì tự thiêu của bà Liêng đã được một số người ví như cái chết của người thanh niên ở Tunisia đã làm dấy lên phong trào cách mạng hoa nhài ở Trung Đông, mặc dù hầu hết ý kiến đều nhận định rằng tình hình ở Việt Nam hoàn toàn khác với Tunisia.

Luật sư Lê Quốc Quân nhận xét:
“Đối với một cái chết của một bà mẹ mà lại tự thiêu như thế thì quả là một cú sốc rất lớn, có thể gây chấn động lương tâm và tình cảm của rất nhiều người. Tuy nhiên nếu nói rằng nó sẽ thay đổi cục diện đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam thì tôi nghĩ là không có nhiều cơ hội như vậy.”

Trong khi đó, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, quản nhiệm Hội Thánh Chuồng Bò, một trong những người có mặt trong đoàn xe bị chặn lại khi đi Bạc Liêu thăm viếng đám tang bà Liêng, cho rằng:
“Ở Việt Nam thì mặc dù sự hy sinh của bà chưa thể làm thay đổi được chế độ độc tài nhưng tôi tin đây sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh. Tôi tin là qua sự việc này, hầu hết người dân Việt Nam sẽ biết, sẽ nhận thức được chế độ độc tài. Người dân trên thế giới đều biết được sự việc này, biết sự độc ác dã man của chế độ cộng sản.”

Trước cái chết vì tự thiêu của bà Đặng Thị Kim Liêng, nhiều người đã bày tỏ phản ứng và những vấn đề bức xúc trên các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông “lề trái”. Một số người thậm chí còn lên tiếng đề nghị đi biểu tình để phản đối chính quyền vì cái chết đau đớn của bà. Tuy nhiên, bà Minh Hằng cho rằng:
“Cái này là tâm trạng chung của mọi người trong lúc bức xúc như thế này thì mỗi người mỗi ý kiến. Nhưng theo ý Minh Hằng, Minh Hằng cho rằng đứng trước cái chết đau thương của mẹ cô Tạ Phong Tần, đấy là một đồng bào của tất cả người Việt Nam chúng ta, là mẹ của cô Tạ Phong Tần là một chiến sỹ đấu tranh hiện nay đang nằm trong ngục tù, nên tất nhiên nó gây một sự phẫn nộ rất lớn. Nhưng Minh Hằng muốn mọi người hãy bình tĩnh để xem gia đình cô Tạ Phong Tần sẽ như thế nào. Một điều nữa là phải phụ thuộc vào hành xử của chính quyền.”

Có lẽ để ngăn ngừa những phản ứng có thể xảy ra khi thông tin về vụ việc ngày càng lan rộng và mạnh nên chính quyền địa phương đã bắt đầu có những hành động vừa kiểm soát vừa xoa dịu dư luận.

Những người đi thăm viếng cho biết ngoài các đoàn xe từ các tỉnh, thành về, khu vực xung quanh nhà bà Liêng còn đông đúc hơn bình thường do có sự xuất hiện của lực lượng an ninh với công tác theo dõi những người đến viếng đám tang. Thậm chí có người còn nhận ra mặt “người quen” là an ninh từ Sài Gòn xuống.

Đoàn những người bạn của blogger Tạ Phong Tần từ Sài Gòn xuống cho biết khách sạn họ ở đã bị cúp điện, bị cắt mạng internet nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc cập nhật tin tức về đám tang. Còn đoàn xe chở bà Bùi Thị Minh Hằng và 9 người khác từ Vũng Tàu đi Bạc Liêu cũng đã bị công an chặn lại gây khó dễ không cho đi. Một nhóm dân oan từ Tiền Giang cũng đã bị chặn lại.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Bạc Liêu tuyên bố sẽ trả chi phí tang lễ và mua đất nghĩa trang cho bà Liêng.
Tuy nhiên với kinh nghiệm bản thân, nhiều người nói rằng họ không tin vào khả năng có thể thay đổi trong cách hành xử của chính quyền. Bà Minh Hằng nói thêm:
“Hiện nay, những hành xử của nhà cầm quyền không thể hiện bất cứ điều gì để nhân dân nhìn vào nghĩ rằng họ có khả năng thay đổi để làm cho xã hội tốt đẹp hơn, hoặc là họ có khả năng thay đổi để sửa lại những sai lầm của họ cả.”

Hiện tin tức về cái chết của bà Liêng đã được rất nhiều các hãng thông tấn quốc tế đăng tải. Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) nói với hãng thông tấn AFP rằng cái chết của bà Liêng “không chỉ là bi kịch của riêng gia đình, mà còn là của cả nước”. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) và nhiều tổ chức nhân quyền khác cũng đã ra thông cáo báo chí lên án chính quyền Việt Nam đã đẩy bà Đặng Thị Kim Liêng tới hành động tuyệt vọng trên.


Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.



No comments:

Post a Comment

View My Stats