Vừa
rồi mình có bạn là đôi vợ chồng người Pháp ghé thăm Hà Nội. Bạn hỏi nên đi đâu
trong thời gian chỉ có hai ngày? Hỏi bạn thích gì thì nói, thích bảo tàng. Ừ
thì bảo tàng. Đấy, bảo tàng Mỹ thuật, Lịch sử, Cách mạng, Dân tộc học, Quân
đội…Tiện thể chấm cho bạn mấy điểm nữa có thể ghé thăm. Lại hỏi, bảo tàng Lịch
sử khác gì với bảo tàng Cách mạng? Trả lời thế, thế…Bạn ngạc nhiên lắm. Vẫn
không hiểu sao cách mạng lại không là lịch sử mà cần đến hai bảo tàng? Không lẽ
tiến trình cách mạng không nằm trong tiến trình lịch sử của đất nước? Chả biết
nữa…Nhưng ngẫm nghĩ có khi thế hóa hay.
Hôm
sau gặp, chả thấy nói gì đến bảo tàng này nọ mà chỉ khoe đã lượn vòng hồ Tây.
Trầm trồ khen hồ Tây đẹp. Đẹp chứ sao. Cái này thì mình đồng ý vì từ lâu vô
cùng yêu mến nó. Gia đình bên ngoại mình gắn với hồ Tây khá mật thiết vì hồi đó
còn ấp trại ở làng Khán Xuân (Bách Thảo bây giờ). Theo gia phả thì các cụ đời
trước thuê hồ Tây để trồng sen và nuôi cá. Đến mùa đánh bắt, cá trắm bắt lên xỏ
mang hai người khiêng như khiêng nước mà đuôi cá còn quét lê trên đất. Lại nói
có thợ đánh cá bị cá húc mà chết. Nghe như huyền thoại. Thấy thích vì được che
phủ những chuyện khó tin là thật.
Sau
này học trường Chu Văn An, mỗi khi cúp cua hay cùng lũ bạn kéo ra hồ Tây nô phá
trời như con trai. Nhìn bờ bên kia ngút tầm mắt, mờ mịt trong sương mù khói tỏa
nếu là mùa thu hay sang đông. Dù gió bấc thì co ro đạp xe trên đường Cổ Ngư vẫn
lãng mạn như thời tiền chiến với cô gánh hàng hoa tưởng tượng. Hiếm nơi nào ở
Hà Nội có địa danh dày đặc các di tích lịch sử như quanh hồ Tây. Kể ra thì
nhiều lắm lắm. Ngay như tên gọi đã có 6. Những người già cũ kỹ có khi quen
miệng vẫn gọi là hồ Dâm Đàm, Lãng Bạc, Kim Ngưu, đầm Xác Cáo, rồi thì Đoài Hồ
và hồ Tây…Trong các tên ấy nghe thinh thích là tên Xác Cáo, Dâm Đàm, Lãng bạc.
Tên xưa nhất là Xác Cáo có sự tích từ thời Lạc Long Quân. Mình cứ nhớ con cáo
chín đuôi biến thành tinh hay tác oai tác quái bị Lạc Long Quân dìm chết dưới
hồ để cứu người khi còn con nít…Thế mà thành tên đầm Xác Cáo.
Còn
các làng cổ quanh hồ Tây nhiều vô kể với lịch sử thăng trầm, dù biến mất trên
thực tế thì trong tâm thức của người Hà Nội nó vẫn tồn tại: làng Nghi Tàm, quê
hương nhà thơ "Bà huyện Thanh Quan" với chùa Kim Liên có kiến trúc
độc đáo; làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng; làng Trích Sài có chùa
Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh; làng Thụy Khuê có chùa Bà Anh; làng Nhật
Tân có nghề trồng đào nổi tiếng, làng Yên Thái với nghề làm giấy dó…Xa hơn chút
là làng Khán Xuân, làng Ngọc Hà trồng hoa…Quanh hồ có tới 64 di tích, trong đó
có 21 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng và
nhiều văn vật giá trị. Có chuyện trong lịch sử đã kể anh chàng chài lưới đánh
bắt cá trên hồ Dâm Đàm tên Mục Thận vì có công cứu vua Lý Nhân Tông nên được
phong làm Đô uý và được ban đất quanh hồ làm thực ấp. Khi mất, ông được lập đền
thờ ở làng Võng Thị, truy phong tước Thái úy Duệ Lượng Công. Võng Thị giờ vẫn
bám theo con đường quanh hồ có nhiều biệt thự đẹp, sang trọng của nhà giàu.
Quanh đó vẫn còn các làng cổ nhưng chả còn cổ, chỉ còn ở tên gọi.
Hồ
Tây giờ nhỏ bé lắm so với trước đây. Sau mỗi thời kỳ phát triển của thành phố
thì hồ Tây thu mình lại. Những tòa nhà, biệt thự,khách sạn lấn dần ra, mặt nước
như bị dồn ứ không lối thoát. Có người đã ước tính từ năm 1987 tới nay, hồ Tây
đã bị lấn chiếm khoảng 50ha. Ôi chao, 50ha đất là bao nhiêu tiền hả trời? Chiếm
cảnh đẹp để lấy tiền. Đổi di tích để lấy dự án. Giờ đâu chỉ còn 526 ha mặt nước
với chu vi vòng hồ là 18km. Mỗi chiều đạp xe quanh hồ Tây vẫn còn đẹp lắm. Vẻ
đẹp bị xâm hại mà vẫn làm nao lòng người mới đến và người thành thân thuộc.
Chợt đọc lại bài “Chơi hồ Tây nhớ bạn” của nữ sỹ tài hoa Hồ Xuân Hương:
Phong
cảnh Hồ Tây chẳng khác xưa
Người
đồng châu trước biết bao giờ
Nhật
Tân đê lở nhưng còn lối
Trấn
Bắc rêu phong vẫn ngấn thờ
Nọ
vực Trâu Vàng trăng lại bóng
Kìa
gò Phượng Đất khói tuôn mờ
Hồ
kia thăm thẳm sâu dường mấy
So
dạ hoài nhân chửa dễ vừa
Lại
có chuyện náo loạn vì nghe đâu người ta sắp làm một đường tàu chạy trên không,
băng qua hồ Tây. Nếu chuyện đó xảy ra, có lẽ hồ Tây sẽ chấm hết sứ mạng danh
lam của Hà Nội. Sẽ không còn là đặc sản của thủ đô mà khách phương xa đến đều
yêu mến ghé thăm. Liệu nó có giống cái ao làng chảy qua chân cây cầu? Chắc chắn
không thể lãng mạn để các cô gái ngồi giặt áo mà hát trong tiếng sáo của trai
làng như lời một bài hát. Đây có phải là dấu chấm hết cho vẻ đẹp liêu trai của
hồ Tây?
Mấy
ngày nay dư luận ồn ào, giận dữ trước việc chùa Trăm Gian ngót 1000 năm tuổi bị
phá đi xây mới (http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/86114/kinh-ngac-vi-chua-tram-gian-bi-huy-hoai-mot-cach-vo-loi.html).
Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông (nhà Lý), niên hiệu Trinh Phù thứ 10, 1185.
Đến thời nhà Trần có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây. Tương truyền Ngài
có nhiều phép lạ. Sau khi Ngài mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn
gọi là Đức Thánh Bối.
Có
truyền thuyết kể sự ra đời của Ngài như sau: vào thời nhà Trần, ở làng Bối Khê
có một người phụ nữ nằm mộng thấy Đức Phật giáng sinh, có mang, sinh ra đứa con
trai. Năm lên 9 tuổi, sau khi bố mẹ mất, con trai ấy bỏ nhà vào tu ở chùa Đại
Bi trong làng. Lên 15 tuổi, đến thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, (huyện Chương
Mỹ), thấy cảnh đẹp, người xin yết kiến và theo học kinh kệ với trưởng lão tu
tại ngôi chùa trên núi. Sau mười năm học đạo, người thanh niên đó hiểu thấu mọi
phép linh thông. Vua Trần nghe tiếng, sắc phong là Hòa thượng, đặt hiệu là Đức
Minh rồi mời về tu ở chùa trong kinh đô.
Sau
khi vị trưởng lão ở chùa Tiên Lữ viên tịch, Hòa Thượng Đức Minh xin về làng
dựng ngôi chùa mới. Năm 95 tuổi, Sư ngồi vào một cái khám gỗ, từ biệt đệ tử rồi
siêu thoát. Một trăm ngày sau, đệ tử mở cửa khám, kim quang Sư bay mùi thơm
nức, ngào ngạt gần xa. Dân làng và đệ tử xây tháp để gìn giữ kim thân và tôn
thờ là Đức Thánh Bối.
Chùa
Trăm Gian có ao sen, gác chuông và 100 gian chùa rất đẹp và được công nhận di
tích lịch sử quốc gia. Giờ thì nét cổ kính không còn nữa. Kinh ngạc vì sự vô
minh, ngu dốt, tham lam, vô cảm của con người, đặc biệt những người có trách
nhiệm. May quá cho mình đã từng đến một lần, được nhìn ngôi chùa cổ lần cuối
trước khi người ta làm “cách mạng” cho chùa. Hình như đất nước đang trong cơn
máu lửa của các cuộc cách mạng? Cái gì cũng cách mạng trừ tư duy…Đau khổ cho
những ai yêu quí di sản cha ông. Nhưng nỗi đau khổ này có là gì với tinh thần
dự án phần phật? Và có dự án là có tiền…
Câu
đối trên cổng làng Yên Thái phía đường Thụy Khuê:
Mỹ
tục thuần phong, vĩnh chiếu Tây hồ minh kính
Thiện
ngôn hảo sự, trường lưu mạt lị danh hương
(Có
người tạm dịch: Mỹ tục thuần phong mãi mãi chiếu trên gương nước hồ Tây. Lời
hay việc tốt lưu truyền dài lâu như hương thơm của hoa nhài).
Đúng
thế. Nhưng đó là chuyện của quá khứ khi con người còn muốn giữ gìn thuần phong
mĩ tục. Giờ thì không phải lúc bàn những chuyện xa xỉ này trước cơn lốc làm
giàu và sống giàu…Dù lưu truyền trong sử sách về một thời điên khùng như hiện
nay cũng không làm ai đó lo sợ vì lúc đó đã ở cõi thiên thu. Với họ chết là
hết. Tiếng xấu để đời là thứ khỏi nghĩ bàn. Vì thế…
Thành
nhà Mạc ở Tuyên Quang thành cái “lò gạch” án ngữ ngay lối vào thành phố. Rất
hợp với thời của Chí Phèo hiện đại.
Chùa
cổ Trăm Gian đã mất…
Hồ
Tây sắp mất…
Và
rất nhiều thứ đã mất mà không thể nhìn thấy, chỉ có thể cảm thấy…Đành lòng dặn
mình, thôi đừng hoài cổ nữa làm gì…
No comments:
Post a Comment