Sunday, 26 August 2012

ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI VỨT BỎ "BỐN TỐT" & "MƯỜI SÁU CHỮ VÀNG" (Chu Chi Nam)





Từ ngày có Hội Nghị Thành Đô vào tháng 9/1990, trước khi Lê Đức Thọ chết vào tháng 10/1990, Cộng sản Việt Nam đã quay trở lại thần phục Trung Cộng. Và nước này luôn luôn dùng lời ngon ngọt để phỉnh gạt Cộng sản Việt Nam, như “Bốn Tốt” và “Mười sáu chữ vàng”; nhưng trên thực tế Trung cộng lúc nào cũng tìm cách xâm chiếm đất liền và lãnh lãi VN, cùng đi theo một chính sách ngoại giao bành trướng của “Đại Hán”, coi các nước khác, nhất là những nước chung quanh như những nước nô lệ, phải thần phục “Thiên Triều”.

Gần đây hành động hãng dầu quốc doanh của Trung cộng gọi đấu thầu công khai 9 địa điểm thuộc chủ quyền Việt Nam. Phải chăng đây là giọt nước cuối cùng làm tràn đầy ly, giúp Cộng Sản Việt Nam (CSVN) thức tỉnh, vứt bỏ “Mười sáu chữ vàng ” và “Bốn Tốt”, để có lại một bang giao bình đẳng với Trung cộng?

Mười sáu chữ vàng và bốn tốt là gì?
Mười sáu chữ vàng, đó là: “Láng giềng hữu nghị; Hợp tác toàn diện; Ổn định lâu dài; Hướng tới tương lai.”
Bốn tốt là: “Láng giềng tốt; Bạn bè tốt; Đồng chí tốt; Đối tác tốt.”
Mười sáu chữ vàng và bốn tốt này xuất hiện sau Hội nghị Thành đô. Trước đó, thì CSVN và Trung cộng cắn quái nhau. Trung cộng dạy cho CSVN một bài học, bằng cách gửi quân sang đánh Việt Nam vào đầu năm 1979. Hai bên dùng đủ mọi ngôn từ để tố cáo, chửi bới lẫn nhau.

Người ta tự hỏi: Tại sao vậy mà lại có Hội Nghị Thành đô và xuất hiện bốn tốt và mười sáu chữ vàng?

I) Tình hình Việt Nam và thế giới trước Hội nghị Thành đô 3/1990

Tình hình thế giới lúc này là vào cuối Chiến tranh Lạnh, khối cộng sản dẫn đầu bởi Liên sô đang trên đà sụp đổ, vì dựa trên nền tảng lý thuyết không tưởng của Marx, chủ trương bãi bỏ quyền tư hữu, lâm vào cảnh “Cha chung không ai khóc, ruộng chung không ai cày, nhà chung không người chăm sóc”; vì tranh chấp nội bộ, tranh chấp biên giới Nga – Hoa, Việt – Hoa, Việt – Căm Bốt; vì sa lầy tại A Phú Hãn và chạy đua vũ trang, trong khi kinh tế đình trệ, làm xuất huyết chế độ.

Đấy lại chưa nói từ ngày Brejnev chết vào năm 1982, hai người Tổng bí thư kế tiếp, Andropov (1914 – 1984), Tchernenkho (1911 – 1985), vì quá già nên cầm quyền không lâu, chết vào lúc đương quyền.

Gorbachev (1911 -), người trẻ nhất trong Bộ Chính trị lên nắm chính quyền vào năm 1985 trong lúc đất nước tang thương, chỉ có cái vỏ bọc bề ngoài là đệ nhị cường quốc; nhưng bên trong tất cả đều mục nát: kinh tế thảm bại, nhiều nơi đã thiếu ăn, chết đói; chính Gorbachev nói: “Tiếng khua của xong chảo nhiều khi ghê rợn hơn tiếng súng đại bác và xe tăng”; nội tình đảng thì phân tán, bang giao hữu nghị xã hội chủ nghĩa rất xấu như bang giao Nga-Hoa, Việt-Hoa, Việt-Cam Bốt; bang giao quốc tế nhất là với Hoa Kỳ, bề ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong Hoa Kỳ ép Liên sô chạy đua vũ trang, như ép một kẻ nghèo thi đua tiêu tiền với một kẻ giàu, ép một anh lực sĩ yếu sức cố gắng chạy đua với một anh dài sức, kết quả cuối cùng là anh yếu sức, kiệt lực mà chết.

Gorbachev, khi lên nắm quyền, ý thức rất rõ điều này, nên tìm cách chấn chỉnh nội bộ, ngừng chạy đua vũ trang, tài giảm binh bị với Hoa Kỳ, thiết lập bang giao với Trung cộng, ép cộng sản Việt Nam rút khỏi Căm Bốt, nối lại bang giao với Trung cộng, với chính sách Tái Cấu trúc (Pérestroika), Cởi mở (Glasnost), bỏ chế độc tài, trở về dân chủ.

Tuy nhiên đã quá trễ!

Căn nhà Liên sô đã quá mục nát, đụng vào chỗ nào cũng hư, chẳng khác nào như một chiếc xe cũ, Gorbachev, tưởng rằng bộ phận này hư, tháo ra, nhưng không làm cho xe chạy mau, lại tháo chỗ khác, đi đến hiện tượng “Tháo tất cả các bộ phận của xe, trở thành một đống sắt vụn”, làm cho chế độ sụp đổ.

Đấy là chưa nói trước đó có biến cố Thiên An môn năm 1989, cả triệu sinh viên, học sinh, thợ thuyền biểu tình ngay tại công trường Thiên An môn, thủ đô Trung Quốc, đi đến kết quả là chính quyền Trung cộng dùng xe tăng, súng đàn áp biểu tình gây ra cả ngàn người chết.

Về tình hình Việt Nam, sau khi xua quân cưỡng chiếm miền Nam, CSVN chưa kịp “vui mừng với chiến thắng”, thì đã xảy ra chiến tranh với Cam Bốt năm 1978; rồi chiến tranh với Trung cộng năm 1979; rồi Lê Duẫn chết vào năm 1986.

Sau khi Lê Duẫn chết, CSVN vẫn còn thần phục Liên sô, người được đưa lên làm quyền Tổng Bí Thư là Trường Chinh, đã 2 lần sang Liên sô “cầu phong”, nhưng Gorbachev không chấp nhận. Chính vì lẽ đó mà Nguyễn Văn Linh lên. Những người già như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, phải về hưu.

Trong ba ông già này, kẻ có nhiều thủ đoạn, âm mưu thâm độc, giết người không gớm tay, có thực quyền lúc bấy giờ, là Lê Đức Thọ.

Trong tình hình quốc tế và quốc nội đó hội nghị Thành đô đã diễn ra.

II) Hội nghị Thành Đô:

Họp trong 2 ngày 3 và 4 tháng 9/1990. Chủ chốt phía Việt Nam có Nguyễn Văn Linh – Tổng Bí thư Đảng, Đỗ Mười – Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Phía Trung Cộng có Giang Trạch Dân – Tổng Bí thư, Lý Bằng – Chủ tịch Chính phủ.
Có lẽ trong lịch sử Việt Nam, chưa có một hội nghị quốc tế nào mà làm mất quốc thể và sĩ diện dân tộc như hội nghị này.

Theo nguyên tắc, những hội nghị quốc tế, có tính cách quốc gia – quốc gia, thì phải họp ở thủ đô. Nay Trung cộng viện cớ, bắt họp ở một thủ phủ vùng tỉnh. Hơn thế nữa, để bỉ mặt cộng sản Việt Nam, Trung cộng ép phái đoàn Việt Nam đi bằng đường bộ, chứ không được đi máy bay. Người ngoại trưởng VN lúc bấy giờ có khuynh hướng chống Trung cộng đã không được tham dự, được thay thế bằng Trần Quang Cơ, thứ trưởng bộ ngoại giao, mà sau này chính ông viết sách tố cáo sự hèn mạt của phái đoàn Việt nam (Xin xem Hồi ức và Suy nghĩ của Trần quang Cơ, trên internet).

Chính Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng ngoại giao vào lúc đó có nói về hội nghị này: “Một thời kỳ bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu.”

Đặng Tiểu Bình, nói là sẽ tới gặp Phái đoàn Việt Nam, nhưng sau đó không gặp, mà còn nói câu sỉ nhục: “Đảng CSVN là phường ăn cháo, đái bát. Tôi không thèm gặp những con người đó.”

Nên nhớ, chính họ Đặng, sau khi viếng thăm Mỹ, theo như nguồn tin báo chí đáng tin cậy, thì hỏi sự bằng lòng của Mỹ, để “dạy cho Việt nam một bài học.”

Nhiều người cho rằng quyết định quan trọng đi Thành Đô, thần phục Trung cộng, là chỉ có Lê Đức Thọ, con người gian hung, sẵn sàng làm bất cứ giá nào để đạt mục đích, dù là giết người hay bán nước.

Điều này không phải là hoàn toàn sai, vì lúc đó Lê Đức Thọ kiểm soát toàn đảng và chính phủ: những người trong Bộ chính trị từ Nguyễn Văn Linh – Tổng bí thư, cho tới Đỗ Mười – Thủ tướng, Mai Chí Thọ – Bộ trưởng Công an, qua Lê Đức Anh – Bộ trưởng Quốc phòng, đều là tay em hay anh em họ hàng của Thọ.

Tuy nhiên chúng ta cũng nên suy nghĩ lại về Đảng Cộng sản nói chung và Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng, đều là những đảng vọng ngoại, do ngoại quốc dựng lên.

Lénine về nước cướp được chính quyền là do Bộ Tham Mưu Đức, vào lúc đó là cuối Thế Chiến thứ Nhất (1914-1918) đưa về, qua lời hứa: “Nếu có được chính quyền thì sẽ ngưng chiến và cắt đất cho Đức.”

Quả thực như vậy, khi cướp được chính quyền, tại hội nghị Brest – Litovsk, tháng 3/1918, Nga đã nhượng bộ 1/3 đất đai về canh nông và kỹ nghệ cho Đức. Trotski, lúc đó là Bộ Trưởng Ngoại giao, Trưởng Phái đoàn, đã được lệnh của Lénine: “Làm bất cứ việc gì, ngay cả nhượng đất, để giữ quyền.”

Truyền thống này, được các đảng đàn em, đặc biệt là Đảng CSVN bắt đầu bằng Hồ Chí Minh, rồi sau con cháu, bắt chước theo.

Đảng CSVN vào thời kỳ Hội nghị Thành đô đã đi theo con đường:
“Thà giữ được quyền, được đảng, dù đi ngược lại quyền lợi dân tộc, trái với chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, còn hơn là mất đảng.”

Đây là một quyết định chung của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ, tất nhiên Lê Đức Thọ giữ vai trò chính, nhưng không phải chỉ có mình Lê Đức Thọ, mà phải kể cả Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Anh, những người chính trong Đảng và nhà nước.

Quyết định này đã có những hậu quả vô cùng tai hại cho dân và cho nước cho tới ngày hôm nay.

III) Bang giao Việt Trung từ Hội nghị Thành Đô cho tới ngày hôm nay.

Đảng CSVN không ngừng dâng đất nhượng biển cho Trung cộng và đã đi theo một chính sách ngoại giao thần phục Trung cộng.

Đã đến lúc CSVN phải bỏ “4 Tốt” và “16 Chữ vàng”!

Thực vậy, ngày xưa Mạc Đăng Dung, tự trói mình, đứng quì gối ở biên giới để qui hàng giặc Minh, nhằm giữ quyền; rồi Lê chiêu Thống, dẫn cả gia đình, vợ con sang Tàu để cõng rắn cắn gà nhà. Ngày hôm nay hành động qụy lụy qui hàng, cõng rắn cắn gà nhà của đảng CSVN còn hèn hạ, buôn dân bán nước gấp cả trăm lần Mặc Đăng Dung và Lê Chiêu Thống, vì Mặc Đăng Dung chỉ dâng cho Tàu mấy động ở biên giới, trong khi đảng CSVN dâng cho Trung cộng cả ngàn cây số vuông, trong đó có ải Nam Quan và thác Bản Giốc, mà người Việt, ai cũng biết, từ khi xưa đã học: “Nước Việt Nam chạy dài từ ải Nam Quan tới mũi Cà mâu”. Đó là Hiệp ước năm 1999.

Không những dâng đất, mà còn dâng cả biển, qua Hiệp ước năm 2000, dâng cho Trung cộng cả chục ngàn cây số vuông vùng biển.

Không những thế, CSVN còn tìm đủ mọi cách để qụy lụy Trung cộng qua những hiệp ước thương mại, những hiệp ước xây cất, khai thác rừng, khai thác mỏ, như việc khai thác bô xít ở cao nguyên trung phần, nóc nhà và xương sống về địa lý quân sự chiến lược của Việt Nam.

“Bốn Tốt” và “Mười sáu chữ vàng” mà Trung cộng cho Cộng sản Việt Nam chỉ là cái bình phong bề ngoài để che giấu dã tâm, chính sách bành trướng, xâm lấn của Trung Cộng, mà không những người Việt mà cả thế giới đều thấy rõ.

Đã đến lúc phải bỏ “Bốn Tốt” và “Mười Sáu Chữ vàng” đó!

Dân Việt, và những người cộng sản yêu nước, hãy ý thức điều này, hãy vùng lên, để cứu nước và tồn chủng.
Ngày xưa Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê lợi, Nguyễn Huệ, đã thay mặt cho uy quyền quốc gia dân tộc, không những giáng những bài học đích đáng cho kẻ nội thù, mà còn trừng trị nghiêm ngặt kẻ ngoại xâm.
Đừng để Giống Nòi mắc họa xiềng gông Trung Cộng!

Đừng để Núi Sông mang vòng tủi hổ, nô lệ ngoại bang!

Paris ngày 25/08/2012
© Chu chi Nam
© Đàn Chim Việt









No comments:

Post a Comment

View My Stats