Thụy My -
RFI
Thứ bảy 04 Tháng
Tám 2012
Vừa qua, 42 công dân đã cùng ký tên trong một bức thư gởi Thành ủy, Ủy ban Nhân dân và Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục gây hấn, mưu toan xâm chiếm vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông.
Lá thư đề nghị trong trường hợp các đoàn thể chính thức không đứng ra tổ chức, thì các công dân của thành phố sẽ thực hiện quyền biểu tình đã có ghi trong Hiến pháp. Bốn mươi hai công dân này cho biết sẽ công khai ngày giờ, địa điểm biểu tình, và đề nghị bố trí lực lượng chức năng giữ trật tự an ninh cho đoàn tuần hành.
Những người ký tên trong lá thư là những trí thức tên tuổi, nhà văn nhà báo, nhất là những khuôn mặt trong
phong trào đấu tranh
đô thị trước 1975, từng giữ nhiều cương vị trong bộ máy nhà nước. Có thể kể giáo sư Tương Lai, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, luật gia Lê Hiếu Đằng, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, nhà thơ Đỗ Trung Quân…
Chúng tôi đã liên lạc với luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu diễn tiến của sự việc.
Nghe
(11:10) : Luật gia Lê Hiếu Đằng 04/08/2012
RFI : Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, lá thư vừa rồi đã có được những phản hồi nào chưa ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Sau khi chúng tôi gởi cho Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban nhân dân, Hội đồng Nhân dân thư đề nghị tổ chức biểu tình để chống lại những hành động khiêu khích, xâm lấn, muốn độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, thì về phía nhân dân cả nước và nhân sĩ trí thức đã ủng hộ rất nhiều. Trên trang mạng
bauxite cũng như các trang mạng khác – anhbasam chẳng hạn, thì những comment ủng hộ chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi rất cảm kích và trân trọng những ủng hộ đó.
Có những người đề nghị cho họ ký tên ủng hộ, nhưng do đây chỉ là văn bản đề nghị thôi, thành ra không nhất thiết phải nhiều người. Vì vậy mà chúng tôi đề nghị các tầng lớp nhân dân thành phố cũng như cả nước dành tất cả nghị lực và sức lực của mình cho những cuộc biểu tình nếu có trong thời gian
tới.
Trong trường hợp Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố không có chủ trương này thì chúng tôi sẽ thông báo cho đồng bào rõ ngày giờ và địa điểm tổ chức cuộc biểu tình, để biểu thị ý chí của người dân thành phố đối với sự ngang ngược xâm lấn trắng trợn của Trung Quốc, gây thiệt hại rất nhiều cho nền kinh tế Việt Nam, người dân Việt Nam,
cũng như đe dọa toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Và gần đây nhất lòng dân càng sôi sục khi
Trung Quốc lại xua 23.000 tàu cá – không loại trừ là các tàu cá đó có vũ trang – xuống vùng biển Hoàng Sa và các vùng biển khác ở Biển Đông. Thì rõ ràng đấy là một hành động khiêu khích, gây hấn hết sức nghiêm trọng.
Chúng tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại đề nghị phải biểu tình ngay. Nhưng chúng tôi thấy rằng cũng phải tôn trọng thời gian luật định, để xem thử Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban
Nhân dân có trả lời về vấn đề này hay không. Nếu quá thời gian
luật định mà không trả lời thì chúng tôi sẽ thực hiện quyền công dân của mình, như trong văn bản đã nói, sẽ tổ chức cuộc biểu tình nói trên, để chống hành động bành trướng xâm lược của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
RFI : Phản ứng của chính quyền TPHCM ra sao ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Thay
vì nghiên cứu văn bản đó một cách nghiêm túc, không hiểu vì lý do gì lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh lại chỉ đạo cho các cơ sở Đảng và chính quyền, công an đến gặp nhiều người trong số 42 công dân đã ký tên vào văn bản đó. Nội dung gặp có tính cách truy bức, có thể làm lo sợ.
Vấn đề thứ nhất họ đặt ra là ai đưa ký, thứ hai là ai soạn văn bản này, và thứ ba là đề nghị rút tên. Họ còn hỏi có phải chữ ký đó là của anh, chị không hay là giả mạo. Thì tất cả các anh chị được hỏi, tuy là không phối hợp với nhau, đều trả lời hết sức nhất quán.
Bởi vì đây toàn là những nhà trí thức, nhân sĩ, những người đã thông qua phong trào đấu tranh đô thị trước đây, rồi những người đã từng giữ cương vị trong bộ máy Đảng và Nhà nước, các nhà văn, nhà báo. Tức là những người có đủ trình độ để khi đặt bút ký xuống họ có suy nghĩ, chịu trách nhiệm về chữ ký của mình. Thành ra việc đặt câu hỏi đó là ngây thơ.
Buồn cười là những người được phân công đến gặp trực tiếp các vị ấy, thì chẳng nói được gì, chỉ hỏi vớ vẩn vậy thôi, nhưng bị những người đã ký tên có thể nói là tấn công dồn dập. Họ nói biểu tình chống
Trung Quốc là yêu nước, nói rằng sai là không đúng, và không khi nào rút tên. Nếu nói biểu tình chống
Trung Quốc là sai thì còn gì đất nước này nữa, trước đe dọa của Trung Quốc ! Thậm chí có nhiều đảng viên nói, nếu ký tên là vi phạm 19 điều cấm của Đảng, thì họ sẵn sàng ra khỏi Đảng.
Nếu họ bị khai trừ Đảng hoặc ra khỏi Đảng với lý do là chống Trung Quốc thì trước công luận, nhân dân sẽ nghĩ như thế nào về Đảng ? Chống một kẻ thù đang lăm le xâm lược đất nước mình, thực tế là đã bách hại ngư dân, đã làm cho nền kinh tế mình hết sức khó khăn thông qua việc cho đấu thầu các lô dầu khí – bởi vì ngành dầu khí Việt Nam là ngành kinh tế quốc dân rất là quan trọng. Rồi lại gần như là tràn ngập lãnh thổ Việt Nam, từ Lạng Sơn cho đến mũi Cà Mau ở đâu cũng có người Trung Quốc. Thì có thể nói là nguy cơ đe dọa toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là rất cao.
Thế thì nếu Đảng và Nhà nước không làm, không có thái độ cương quyết thì người dân
thực hiện quyền công dân của mình. Chúng tôi cương quyết tổ chức biểu tình để biểu thị tình cảm yêu nước, ý chí chống lại hành động xâm lược của Trung Quốc. Còn ai nói đó là việc làm sai thì để công luận sẽ đánh giá.
Quan niệm của chúng tôi là bây giờ mọi việc phải được công khai. Do đó một mặt gởi cho Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban
Nhân dân thì vài ngày sau chúng tôi đưa lên mạng - để báo cáo với nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước là có 42 công dân ở thành phố này làm một việc rất công khai minh bạch và đúng luật, thực hiện quyền công dân của mình trước nguy
cơ đất nước bị ngoại xâm.
Với truyền thống chống xâm lược của nhân dân thành phố cũng như cả nước, chúng tôi tin tưởng rằng không có thế lực nào ngăn cản được, và nhân dân sẽ hưởng ứng cuộc vận động này. Để đến thời gian thích hợp, khi
tổ chức biểu tình, thì sẽ tham gia đông đảo. Chúng tôi công khai, không giấu diếm gì, và trước khi biểu tình chúng tôi sẽ thông báo địa điểm cũng như ngày giờ cho chính quyền biết. Trước hết là để giữ gìn an ninh trật tự, và thứ hai là để cho đồng bào thành phố biết, cùng tham gia.
RFI : Thưa như vậy có kỳ vọng quá nhiều nơi chính quyền không ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Thì nếu Nhà nước thấy rằng khó khăn khi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng tổ chức biểu tình, thì cứ để cho người dân tổ chức, và nhiệm vụ của Nhà nước là bảo đảm an ninh trật tự, chứ không nên dẹp, chống lại, đàn áp bắt bớ như cuộc biểu tình ngày 1/7 vừa qua.
Vả lại chúng tôi nghĩ rằng tại sao Trung Quốc họ cứ ngang ngược lấn tới như vậy, mà Nhà nước Việt Nam cũng như hệ thống chính trị của Việt Nam lại im lặng ? Đây là một việc không thể chấp nhận được, nếu không nói đây là nỗi nhục nhã của cả một dân tộc vốn có truyền thống kiên cường chống ngoại xâm.
Cha ông chúng ta trước đây thật ra là đâu có thuận lợi như ngày nay mà vẫn chống được xâm lược phương Bắc. Thì nay với các thuận lợi rất lớn, một là lòng dân đang sôi sục nhất là sau khi nghe tin 23.000 tàu cá triển khai xuống Biển Đông như vậy. Thứ hai là tình hình quốc tế hiện nay, bạn bè trong khu vực cũng như trên thế giới người ta ủng hộ Việt Nam. Thì tại sao
chúng ta lại không cương quyết, không cảnh báo nhà cầm quyền Trung Quốc là nếu anh làm như thế thì chúng tôi sẽ có biện pháp.
Chúng ta hết sức tránh chiến
tranh, điều đó rõ ràng rồi. Nhưng không thể vì vậy mà chúng ta lại nhu nhược để cho
Trung Quốc lấn tới. Mười sáu chữ vàng và bốn tốt có nghĩa lý gì khi chúng ta vẫn hô hào như thế nhưng trên Biển Đông Trung Quốc vẫn lấn tới, vẫn khiêu khích một cách trắng trợn như vậy. Thì mười sáu chữ vàng và bốn tốt cũng chỉ là con ngoái ộp, cái chiêu bài đưa ra để đánh lạc hướng nhân dân Việt Nam mà thôi.
Đây là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Còn nếu thấy trong điều kiện chưa thể làm được việc đó thì để cho dân làm. Và chúng tôi cũng suy đoán trước là có thể Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân sẽ không trả lời, không chấp nhận chương trình này. Bằng chứng là mới đăng tải trên các trang mạng một, hai ngày là họ đã triển khai
lực lượng để tìm cách khống chế một số nhân vật trong
42 người đã ký tên.
Chúng tôi cho rằng việc làm đó là không ổn, là mờ ám, không phù hợp với tình hình hiện nay và không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân thành phố cũng như nhân dân cả nước. Nhân đây chúng tôi cũng xin thông báo cho đồng bào cả nước tình hình như vậy và cũng cam kết với nhân dân thành phố là chúng tôi không lùi ! Bốn mươi hai an hem chúng tôi sẽ không bao giờ lùi bước, cũng như các tầng lớp sinh viên học sinh,
thanh niên thành phố sẽ không bao giờ lùi trước bất cứ áp lực nào trong cuộc đấu tranh chống lại ý đồ bành trướng xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc.
RFI : Thưa ông, có những chuyên gia cho rằng đây là dịp để đưa vấn đề Hoàng Sa ra trước quốc tế…
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Đúng ! Nói thật, một trong những khẩu hiệu mà khi biểu tình chúng tôi sẽ sử dụng là « Phải trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam ! ». Bây giờ chúng ta phải đấu tranh để đòi trả Hoàng Sa lại cho
Việt Nam
RFI : Chứ không chấp nhận chuyện đã rồi phải không ạ ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Đúng rồi, bây giờ mình phải đấu tranh đòi trả để các thế hệ mai sau có thể tiếp tục. Và nếu đưa ra tòa án quốc tế, chúng ta đủ chứng cứ về sử liệu và pháp lý, để có những phán xét thuận lợi cho chúng ta.
RFI : Xin chân thành cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng.
------------------------------------------
TÀI LIỆU LIÊN QUAN
:
Boxitvn
05/08/2012
Thanh Trúc, phóng
viên RFA
2012-07-31
Boxitvn
31/07/2012
No comments:
Post a Comment