Wednesday, 18 July 2012

VÌ SAO HUN SEN ĐỔI THÁI ĐỘ VỚI VIỆT NAM (TS Nguyễn Văn Huy / BBC)




Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy
Gửi tới BBC từ Paris
Cập nhật: 15:23 GMT - thứ tư, 18 tháng 7, 2012

Hôm 13 tháng 7 năm nay, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 45 tổ chức tại Phnom Penh chấm dứt trong không khí chia rẽ gay gắt và thái độ của Campuchia trong vụ việc này đã làm nhiều người kinh ngạc.

Dư luận tố cáo Campuchia là con ngựa mồi của Trung Quốc, là kẻ phá vỡ khối đoàn kết ASEAN.
Nhưng thực ra Campuchia không phải là con sâu làm rầu nồi canh hay con ngựa mồi của Trung Quốc.
Campuchia, cũng như Lào, Việt Nam và Myanmar, chỉ là phần nổi của tảng băng bành trướng từ phương bắc xuống vùng biển phía nam.
Tác nhân chính trong việc chia rẽ hay phân tán nội bộ khối ASEAN là Trung Quốc.
Từ hơn mười năm qua, Bắc Kinh đã âm thầm mở rộng vòng đai ảnh hưởng xuống các quốc gia phía nam trong mục tiêu truy tìm những nguồn năng lượng mới. Chiến lược mở rộng vòng đai ảnh hưởng của Trung Quốc khá giản dị: mua chuộc sự trung thành bằng tiền.

Trong thời gian từ 1994 đến 2011, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 8,8 tỷ USD vào Campuchia và trở thành nhà đầu tư lớn nhất. Đầu tư của Trung Quốc tập trung vào các ngành thủy điện, khoáng sản, dệt may, ngân hàng, tài chánh, du lịch và công nghiệp, và gần đây hơn vào công tác dò tìm dầu khí trong nội địa Campuchia.

Những khoản đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp Trung Quốc khoảng 1,19 tỷ USD, chủ yếu vào các ngành khai thác gỗ rừng, khoáng sản, xây dựng và khách sạn. Bắc Kinh còn hứa cho Phnom Penh vay với lãi suất thấp vào bảy lãnh vực chính như tài chánh, y tế, hàng không,thông tin, giao thông, vận tải, đặc biệt là 430 triệu USD để nâng cấp các cơ sở hạ tầng và 20 triệu USD để xây dựng quân y viện và trương đào tạo quân sự.

Trung Quốc còn là nhà tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất tại Campuchia với hơn 2,1 tỷ USD như xây dựng và nâng cấp các quốc lộ (1, 2, 3, 4, 6, 7) nối liền biên giới Lào và cao nguyên phía đông đến Vịnh Thái Lan và cảng Kompong Som.

Ngoài ra, về thương mại, hai bên cam kết nâng kim ngạch thương mại song phương từ 2,56 tỷ USD lên 5 tỷ USD.
Đó là chưa kể những khoảng tiền mua chuộc, đút lót cho các cấp lãnh đạo Khmer từ trung ương đến địa phương để được dễ dàng trong việc khai thác tài nguyên và xây dựng cơ sở.
Số người Trung Quốc hiện diện chính thức trên lãnh thổ Campuchia khoảng 350.000 người, trong đó 200.000 người thường trú tại thủ đô Phnom Penh.
Trước những khoản tiền khổng lồ này, không một cấp chính quyền nào của Campuchia có thể làm ngơ.
Dư luận lo sợ rằng Campuchia sẽ trở thành một thuộc địa của Trung Quốc trong nội bộ ASEAN như Myanmar đã từng và đang cố vùng vẫy để thoát ra.
Nhưng có một yếu tố ít ai nhắc tới, đó là tính thực tiễn của các cấp lãnh đạo Khmer: chính sách đu dây hay thái độ hai mặt, nghĩa là biết ngả theo phe mạnh nhất để giữ gìn và bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ.

Cố thoát gọng kìm

Từ thế kỷ thứ 17 đến nay, các cấp lãnh đạo Campuchia đã áp dụng thái độ hai mặt để thoát khỏi thế gọng kìm giữa Việt Nam và Thái Lan và đã thành công.
Đối với Phnom Penh, Trung Quốc ngày nay giống như Pháp hồi cuối thế kỷ 19 là cường quốc bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ Campuchia trước sự "chèn ép" của Thái Lan, như tại đền Preah Vihear, và Việt Nam trong việc phân chia ranh giới dọc khu vực Takeo và Svay Rieng.
Chính vì thế, trước những tranh chấp hiện nay trên Biển Đông, thái độ của Phnom Penh là trung lập, cũng như Sihanouk trước kia trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai (1965-1975).
Từ chối ủng hộ Việt Nam và Philippines và không ghi vào bản tuyên bố chung cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, sau hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao ngày 13 tháng 7 vừa qua, nằm trong lô gích này.

Là một quốc gia nhỏ bé và yếu kém, lại nằm giữa hai gọng kềm Việt Nam và Thái Lan, Campuchia luôn bị thiệt thòi trong việc xác định làn ranh phân chia lãnh thổ và lãnh hải với cường quốc khu vực.
Trong Vịnh Thái Lan, thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế của Campuchia bị teo lại bởi những hải đảo thuộc chủ quyền Việt Nam và Thái Lan, các cấp lãnh đạo Khmer đã tỏ ra bực tức trước sự thiệt thòi này nhưng không biết giải quyết bằng cách nào.
Trên đất liền cũng thế, Campuchia không có tiếng nói mạnh để ấn định làn ranh phân chia lãnh thổ với Việt Nam và Thái Lan theo ý mình.
Để bảo vệ địa vị lãnh đạo của mình, các cấp chính quyền Khmer trước kia đã biết cậy nhờ sự che chỡ của Việt Nam và Thái Lan để loại trừ đối thủ, bù lại các thế lực bảo vệ được hưởng những quyền lợi mong muốn.

Video :   Xemmp4

Ngày nay thế lực này là Trung Quốc, không những thế quốc gia Campuchia còn được giúp đỡ trực tiếp, phản ứng tự nhiên của các cấp chính quyền Khmer là ngả theo Trung Quốc.

Quốc gia bị thiệt thòi nhất trước sự trở mặt này có lẽ là Việt Nam. Chính quyền Hun Sen đã do chính chế độ công sản Việt Nam dựng lên sau khi xua quân đánh đuổi Pol Pot năm 1979.
Cho tới năm 2010, tuy bề ngoài chính quyền Hun Sen vẫn rất gắn bó với Việt Nam nhưng trong lòng đã ngả theo Trung Quốc.
Chính quyền cộng sản Việt Nam đã tốn rất nhiều tiền bạc và xương máu tại Campuchia để rồi đi đến kết quả bi đát này.
Sai lầm chính của chính quyền cộng sản Việt Nam trong suốt thời gian qua là đã giúp Hun Sen tiêu diệt và bóp nghẹt những tiếng nói đối lập nên nay Hun Sen tự do lộng hành vì không còn ai phản đối và đã có thái độ phản trắc trong hội nghị ASEAN về ngoại giao.
Đối với ASEAN, sự trở mặt của Campuchia không quá tai hại để có thể làm mất tình đoàn kết nội bộ.

Mối lo ngại chính của các quốc gia ASEAN là sự gặm nhắm từ từ nhưng chắc chắn của Trung Quốc về chính trị và kinh tế trên năm quốc gia trên bán đảo Ấn-Trung (Indochina), đó là Myanmar (Miến Điện), Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Gần đây Myanmar đã thức tỉnh và đang cố vùng vẫy thoát khỏi màng nhện mà Trung Quốc đã giương ra.
Trường hợp của Lào và Campuchia thì khó hơn vì hai nước này ngày nay đã gần như nằm gọn trong vòng tay của Trung Quốc, doanh nhân Trung Quốc đã nắm toàn bộ mọi sinh hoạt mọi kinh tế và thương mại.
Trường họp Việt Nam thì còn đang dùng dằng, vì một mặt quần chúng Việt Nam vẫn còn sáng suốt nhìn thấy sự xâm thực ảnh hưởng của Trung Quốc và mặt khác các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang phân vân chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ai là người giúp họ duy trì quyền lãnh đạo trên đất nước.
Cũng may, con bài Campuchia đã sớm lộ tẩy để thấy âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Vấn đề còn lại của ASEAN là làm sao bảo vệ được những bí mật trao đổi nội bộ để không bị Trung Quốc làm áp lực thêm.

Trục trặc kỹ thuật trong vụ việc vừa qua buộc các quốc gia ASEAN phải có một thái độ khác với Trung Quốc, nếu muốn trở thành một khối thống nhất về kinh tế và chính trị.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tiến sỹ Nguyễn Văn Huy từ Paris, Pháp.

---------------------------------------






No comments:

Post a Comment

View My Stats