Vì sao người ta thèm khát tiền bạc, chức vụ, địa vị?
Vì chắc chắn cái đó mang đến quyền năng. Phàm là người bình thường đều mong muốn có được điều đó ít hay nhiều. Tất nhiên ai
hiểu rõ mặt trái của quyền năng thì mới dứt được ham muốn này. Khi sử dụng quyền năng sẽ
dẫn đến bạo lực, áp đặt, xấu xa, tội lỗi… Và không ai muốn bị kẻ có quyền
năng áp đặt lên họ, sử dụng họ. Trong tình yêu càng là tội lỗi nếu bị quyền năng sai
khiến. Tình yêu này đâu chỉ chuyện đàn ông, đàn bà, mà còn là tình yêu con người, nhân loại, yêu đất nước, yêu tổ quốc họ. Vậy mà xử sở này người ta vẫn muốn dùng quyền năng để tạo ra khuôn mẫu
duy nhất cho tình yêu mà chính quyền luôn nhân danh Đất nước, Tổ quốc để rao giảng cho dân chúng. Cuộc chiến ngôn từ về
các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược
đã trở nên thô bạo, trơ trẽn, bất chấp
lẽ phải: nào là tụ tập đông người gây mất trật tự, nào là lợi dụng lòng yêu nước, nào là lợi dụng biểu tình để mưu đồ này nọ… Lột bỏ vẻ ngoài của
những ngôn từ đó là nỗi sợ hãi mất chế độ, tức là mất quyền năng của
giới cầm quyền, là những buộc tội vô cớ và thâm hiểm cho những người dân mong
muốn bày tỏ sự phản đối Trung Quốc và cả thái độ bất bình với chính quyền một cách ôn hòa. Càng sợ hãi họ càng bộc lộ sự bế tắc, lúng túng nhưng cực kỳ thô bạo, gây hấn, chuyên chế. Không lẽ có sức mạnh chính quyền
trong tay mà chỉ sử dụng quyền năng hết sức thô sơ vậy
sao?
Đài Truyền hình Hà Nội đã phát đi bản tin trưa ngày 23/7 để mô tả “đám người tụ tập gây mất trật tự công cộng” như một đám người ô hợp, bát nháo (mà không hề có minh chứng). Mình kinh ngạc khi nghe mấy bác trai, gái đáng bậc cha chú mà nhà đài phỏng vấn nói rằng, việc đấu tranh với Trung Quốc là việc của nhà nước. Vậy mà nhà đài cứ cho phát lên để bàn dân thiên hạ nghe. Nhà đài có biết là họ chỉ làm được một việc là “trau dồi, bồi dưỡng” thêm sự vô cảm cho con người vốn đã nguội lạnh từ lâu với vận mệnh đất nước, với xã hội nhiều nhiễu nhương, bế tắc, khốn cùng. “Đỉnh cao trí tuệ của nhân loại” đâu hết rồi mà lại làm như vậy? Hóa ra từ xưa đến nay chế độ chỉ luôn “sử dụng” nhân dân mình bằng quyền năng của họ như một món đồ rẻ tiền? Sử dụng nhân dân trong hai cuộc chiến tranh đẫm máu, dai dẳng với bao hy sinh mất mát để giờ đẩy đất nước, nhân dân vào cảnh tan hoang, lòng người ly tán khi hoà bình đã có gần 40 năm như thế này?
Không ai muốn bị lợi dụng, không ai muốn bị biến thành kẻ “bị sử dụng” bởi quyền lực. Với tình yêu thì càng không thể để lợi dụng và bị sử dụng, nhất là tình yêu Tổ quốc. Không thể áp đặt cách yêu Tổ quốc cho nhân dân, cũng như không thể sử dụng tình yêu Đất nước của nhân dân cho những toan tính và những vụ áp phe chính trị của giới cầm quyền. Nhân dân sẽ luôn đặt tình yêu quê hương ra ngoài những đối sách của quyền năng, nhất là những quyền năng thô bạo, áp đặt, bôi bác, khống chế… Tình yêu ấy cần không gian tự do được bày tỏ ôn hòa mà không cần (không nên, không được) giám sát bởi thứ quyền năng đã tới mức lạm quyền.
Đừng lợi dụng nhân dân cho mục đích tồn tại của chế độ đã bộc lộ quá nhiều sự xấu xa, tồi tệ, bất chấp nguy nan về chủ quyền đất nước.
Đừng lợi dụng nhân dân để bắt họ cam chịu vô tận những bất công, khổ cực mà chế độ đã “dành” cho họ như một thứ “đặc quyền” mà không cho họ kêu than, bất mãn.
Đừng lợi dụng nhân dân khi nhân danh lòng yêu nước theo kiểu bầy cừu được dẫn dắt bởi cơ chế xin-cho.
Nhân dân không muốn bị bất kỳ ai, bất kỳ đảng phái nào lợi dụng, bất kể trong tình huống nào, vì sự thiếu minh bạch, công khai.
Đừng lợi dụng nhân dân thêm nữa. Chính nhân dân là người làm nên chiến thắng trong các cuộc chiến tranh xưa nay. Và hãy nhớ quân thù đã ở ngoài biên ải, dày dặc trên Biển Đông. Khi Tổ quốc lâm nguy, liệu cách sử dụng, lợi dụng nhân dân như hiện nay có động viên được con em họ ra trận?
Lời thần Kim Qui: “Giặc chính là người ngồi sau lưng ngươi đó”. Trảm giặc ngoài biên ải cũng quan trọng như phải trảm giặc đang hoành hành ngay trong lòng Tổ quốc này.
T. L.
No comments:
Post a Comment