Sunday, 8 July 2012

TƯ DUY VƯƠNG ĐÌNH HUỆ (BS Ngọc)




06/07/2012

Ông Vương Đình Huệ, đương kim bộ trưởng Bộ Tài chính, từng có một bình luận bất hủ. Ông hỏi tại sao một tờ báo tiếp thị mà lại đi bàn chuyện chính trị. Câu hỏi thể hiện cái tư duy của ông, làm nghề gì chỉ có thể nói về nghề đó chứ không nói ra ngoài nghề nghiệp được. Tôi tạm gọi đó là loại “tư duy Vương Đình Huệ”. Thực ra, ông không xứng đáng có tên cho cái “tư duy” đó, nhưng đây chỉ là cách gọi tạm thời. Đó là một tư duy nguỵ biện. Nhưng xem chừng cái tư duy đó được khá nhiều người ủng hộ và còn lấy ra làm chuẩn mực để phê phán những ai dám lên tiếng phản biện những vấn đề xã hội.

Tư duy VĐH được đem ra bêu rếu rất nhiều. Nhái theo loại tư duy đó, người ta có thể đặt ra hàng loạt câu hỏi. Tại sao báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ lại viết chuyện trẻ em? Tại sao báo Nhi Đồng lại viết về người lớn? Tại sao báo Phụ Nữ lại nói chuyện đàn ông? Tại sao báo dành cho đàn ông lại đăng hình đàn bà. Tại sao báo dầu khí lại nói chuyện chính trị? Tại sao báo Cựu chiến binh lại đi bàn chuyện bà Yến. Và biết bao câu hỏi tại sao. Nhưng câu hỏi như thế cho thấy sự vô lí và vô tri của loại tư duy VĐH.

Nhưng “miệng nhà quan có gan có thép”. Người ta tưởng rằng đó là một câu nói được thốt ra sau khi chưa suy nghĩ chín chắn, làm trò cười cho giới trí thức. Nhưng mọi người đều sai. Một câu nói của ông VĐH cũng đủ làm cho mục về triết học trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị bị khoá. Đó là tư duy bịt miệng. Thế mới biết cần phải nói một chút để ngăn ngừa cái tư duy VĐH, không cho nó cơ hội lan phát trong xã hội và sinh hoạt tri thức.

Thật ra, không cần đến ông VĐH, trong thực tế, không hiếm người vẫn dùng cái tư duy “chuyên môn hoá” đó để nhằm mục đích làm cho những người phản biện phải im lặng. Theo quan điểm của VĐH, người được đào tạo trong ngành A không được nói chuyện ngành B. Tôi không được nói chuyện ngoài chuyên môn nghề y. Chuyện giáo dục là lĩnh vực của các nhà giáo dục. Chuyện xã hội phải để cho nhà khoa học xã hội nói. Chuyện thời sự là đặc quyền của giới chính trị gia. Vân vân. Thoạt đầu nghe qua cũng có lý, người có chuyên môn nào chỉ nên bàn về chuyên môn đó. Nhưng nghĩ kỹ thì thấy tư duy đó rất nguỵ biện và ngu xuẩn.

Đó là một loại nguỵ biện. Nguỵ biện là vì vấn đề là luận điểm, chứ không phải là nhân thân của người phát biểu. Noam Chomsky bàn về chính trị quốc tế, nếu là người văn minh thì nên phản biện giá trị và tính hợp lý của luận điểm của ông, chứ không phải bác bỏ luận điểm của ông chỉ vì ông là một nhà ngôn ngữ học. Nếu Nhà văn Nguyên Ngọc bàn về giáo dục đại học, thì vấn đề là những điểm cụ thể trong giáo dục đại học mà ông bàn; vấn đề không phải là cá nhân ông có bằng cấp gì, hay học vị giáo sư hay không, hay kinh nghiệm gì trong ngành giáo dục đại học. Đi ra ngoài vấn đề tranh luận để tập trung vào nhân thân của người phát biểu là một kiểu nguỵ biện, thể hiện sự thiếu tự tin. Vì thiếu tự tin trong tranh luận nên phải hạ mình để tấn công vào nhân thân của người phản biện. Đó cũng là một thái độ hèn hạ vậy.

Tư duy VĐH cũng là một biểu hiện của sự ngu xuẩn. Thủ tướng Pháp Georges Clemenceau từng nói một câu bất hủ, chiến tranh là việc rất hệ trọng để giao cho các tướng lãnh điều hành (war is too serious a matter to be left to the generals). Tôi hiểu câu này rằng phải phân biệt hai nhóm người, thực hành và định hướng. Tướng lãnh là người “thực hành” ngoài chiến trận, nhưng để thực hành thành công, cần phải có những lãnh đạo và cố vấn. Do đó, không thể để giao tất cả quyền điều hành chiến tranh cho tướng lãnh. Tương tự, bác sĩ là người điều trị bệnh, nhưng có thể không phải là người lý tưởng để điều hành một nền y tế. Người có chuyên môn về kinh tế không thể điều trị bệnh nhân, nhưng có thể là người điều hành một nền y tế tốt. Phó thủ tướng Đức gốc Việt vốn xuất thân là bác sĩ, vậy mà ông phụ trách kinh tế của Đức. Hệ quả tất yếu của cách hiểu đó là chúng ta không thể nào giao tất cả cho những người gọi là “chuyên gia”.

Chúng ta đã thấy Bộ Ngoại giao “tài giỏi” như thế nào trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Những người lên tiếng sớm nhất, có hiệu quả nhất và hay nhất về Biển Đông không phải là chuyên gia trong ngành luật pháp quốc tế. Ngược lại, những người gọi là “chuyên gia” luật pháp quốc tế thì im như hến. Mang nhãn mác là chuyên gia nhưng bất tài. Việt Nam ta có rất nhiều chuyên gia bất tài.

Do đó, tư duy VĐH đặt ra vấn đề định nghĩa thế nào là “có chuyên môn”, là “chuyên gia”. Có phải người đó có bằng cấp đại học về một lĩnh vực nào đó là có tư cách chuyên môn để bàn? Gần đây có nhiều người xuất hiện trên báo chí như là những chuyên gia, nhưng có thật họ là chuyên gia. Nhìn qua danh sách những người gọi là chuyên gia trong trang sức khoẻ của Sài Gòn Tiếp Thị, với những danh xưng giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, có lẽ nhiều người rất ấn tượng cho rằng họ là “chuyên gia”. Nhưng tôi muốn có một cái nhìn khác. Theo tôi, để được ghi nhận là chuyên gia, người đó phải chứng minh mình có kiến thức chuyên môn, người đó phải chứng minh khả năng chuyên môn của mình, với các điều kiện sau đây:

1.- Nơi họ chứng minh không phải là trên báo chí, mà là trong cộng đồng chuyên môn. Báo chí đại chúng không phải là nơi để bàn chuyên sâu về chuyên môn. Nơi để bàn những vấn đề như thế là các diễn đàn khoa học quốc tế. Diễn đàn khoa học ở nước ta không còn là khoa học nữa mà chỉ là những nơi người ta chơi trò chính trị và diễn hài. Diễn đàn khoa học quốc tế là nơi khách quan để biết chuyên gia của ta có phải là loại “khôn nhà dại chợ” hay không. Tôi đã dự nhiều hội nghị y khoa trong vùng và thấy rõ ràng các “chuyên gia” của ta chỉ giỏi đi chợ chứ không phải đi họp.

2.- Chứng minh tính “chuyên gia” phải qua thực tài. Nếu bạn muốn người ta xem mình là chuyên gia về giáo dục thì bạn phải chứng minh trong cộng đồng giáo dục về chuyên môn của bạn, chứ không phải trên báo chí đại chúng. Nếu bạn nghĩ mình là chuyên gia về ung thư thì hãy chứng minh qua kiến thức, kỹ năng lâm sàng và khảo cứu. Chứng minh qua những công trình khảo cứu. Khảo cứu được trích dẫn. Loại khảo cứu không được trích dẫn là một minh chứng cho sự thất bại. Chứng minh qua những quan điểm được nhiều người công nhận. Hiểu theo nghĩa này có thể nói rằng Việt Nam có rất ít chuyên gia. Hơn 9000 giáo sư, nhưng có bao nhiêu người có công trình nghiên cứu và bao nhiêu có bằng sáng chế?

3.- Không phải dán cái danh xưng giáo sư, tiến sĩ trước tên mình là “chuyên gia”. Ai cũng biết tiến sĩ của nước ta dỏm như thế nào. Đại học nước ta nổi tiếng là những trung tâm đào tạo “tiến sĩ giấy”, những người không thật sự xứng đáng với tấm bằng cao quý đó. Cả một nhúm tiến sĩ vừa bất tài vừa dốt, dốt đến nổi viết không thạo nói không thông. Ngay cả tiến sĩ được đào tạo từ nước ngoài cũng chưa chắc là chuyên gia. Như trang Giáo sư dỏm chỉ ra một tiến sĩ được đào tạo từ Úc nhưng lại rất ư là bất tài, chưa bao giờ công bố một công trình khảo cứu nào. Giáo sư nước ta cũng nổi tiếng là dỏm. Do đó, không thể lấy tấm bằng tiến sĩ hay chức danh giáo sư mà xưng rằng mình là “chuyên gia”.

Chuyên gia ở cấp nào? Ở nước ta có rất nhiều người hoặc tự xưng hoặc được xưng tụng là “chuyên gia hàng đầu”, nhưng cần phải phân biệt “hàng đầu” ở Việt Nam hay “hàng đầu” trên thế giới. Nếu là hàng đầu của Việt Nam thì chắc khó có thể nói là hàng đầu được. Nếu có giỏi thì các chuyên gia ta hãy đi thi thố và chứng minh tài nghệ của mình với các nước khác, chứ không nên tự xưng tụng trong nhà. Cách đây không lâu, báo Thanh Niên xưng tụng một đồng nghiệp là “bậc thầy về ngành cột sống” và cho biết ông sáng tạo ra một phương pháp “Phẫu thuật tạo hình bản sống theo phương pháp VVT (Võ Văn Thành, năm 2003)”. Những ai trong ngành biết chuyện thì cười rũ rượi, còn những ai không biết chuyện thì khâm phục sát đất. Trong thực tế thì y văn không có ghi nhận một phương pháp VVT nào cả. Có phải đó là nói láo?

Một bài báo khác mô tả một nhân vật ngành y với những mỹ từ như “anh luôn là con chim đầu đàn của một chuyên ngành mới là Bệnh học Cơ-Xương-Khớp, có uy tín ở trong nước lẫn quốc tế. Cho đến nay đã có trên 100 công trình của anh được đăng tải và báo cáo trong các hội nghị chuyên ngành trong và ngoài nước. Các đề tài nghiên cứu của anh đều được đánh giá cao vì có giá trị thực tiễn”. Mới đọc qua thì thật là ấn tượng. Nhưng nếu chịu khó vào Pubmed để tìm hiểu những công trình của vị này thì kết quả sẽ là con số không to tướng. Có thể xem đây là lời nói láo. Còn những “giá trị thực tiễn” thì có lẽ chỉ là những chữ tự sướng mà thôi.

Chuyên gia của ta là như thế đó. Đó là những loại chuyên gia “nổ”. Đó là những chuyên gia “khôn nhà dại chợ”.
Những minh chứng trên chỉ để nói rằng nước ta không có chuyên gia đúng nghĩa. Bản thân ông VĐH cũng chẳng phải là một chuyên gia cho dù ông muốn tự nhận mình là chuyên gia. Người ta thường nghĩ rằng họ biết, nhưng trong thực tế thì không hẳn vậy. Có khác biệt lớn giữa “I think I know” và “I know”.

Thế nhưng trong thực tế, tư duy chuyên gia hoá đã ăn sâu vào máu xương của người Việt Nam. Chúng ta đã thấy tất cả các đời bộ trưởng quốc phòng đều là tướng lãnh. Bộ trưởng y tế thường là người trong ngành y. Bộ trưởng kinh tế có làm hay học gì đó liên quan đến kinh tế. Học ngành kiến trúc (như con của ngài thủ tướng) thì làm thứ trưởng Bộ Xây Dựng. Vân vân. Có thể nói rằng hệ thống hành chính và quản trị của nước ta là hệ thống chuyên môn hoá. Với một suy nghĩ bình thường, chúng ta nghĩ rằng sự chuyên môn hoá các bộ sẽ làm cho nước ta tốt hơn. Nhưng trong thực tế chúng ta thấy gì? Quốc phòng có vẻ thúc thủ trước sự lấn áp của Bắc phương. Nền y tế rối như mớ bòng bong. Kinh tế thì càng ngày càng thê thảm. Ngành xây dựng thì càng xây càng lộ những bất cập và tham nhũng tràn lan. Thật ra, đụng vào bất cứ ngành nào cũng có vấn đề. Như vậy tư duy chuyên môn hoá có vấn đề?

Nhìn sang các nước khác chúng ta thấy họ làm khác ta. Bộ trưởng quốc phòng của Mỹ thường là dân sự, không phải là tướng. Bộ trưởng y tế không cần phải là bác sĩ hay người trong ngành y. Bộ trưởng kinh tế có thể là bác sĩ. Bộ trưởng giáo dục có khi là người chưa tốt nghiệp đại học. Vậy mà nền kinh tế của họ vận hành tốt hơn ta.
Tất nhiên, so sánh giữa 2 hệ thống như thế chưa phải là bằng chứng để kết luận rằng cách làm của các nước phương Tây là nguyên nhân dẫn đến sự phồn vinh. Nhưng nó cũng đủ bằng chứng để nói rằng hệ thống chuyên môn hoá không làm cho đất nước tốt đẹp. Tôi nghĩ một trong những tố chất để điều hành đất nước là khả năng lãnh đạo và tầm nhìn, chứ không phải là chuyên môn hoá.

Bất cứ một vấn đề nào cũng cần có cái nhìn của nhiều người. Để giải quyết vấn đề giáo dục chúng ta cần kiến thức và quan điểm của nhiều người ngoài ngành giáo dục, kể cả người lao động chân tay. Người trong cuộc có khi không sáng suốt bằng người ngoài cuộc nhìn vào. Người trong cuộc bị “nhiễm” thói quen nghề nghiệp của mình nên không thấy những gì mình làm là sai. Có rất nhiều thói quen thực hành trong chuyên ngành được xem là chân lý, là đúng, vì chẳng ai chất vấn, nhưng đến khi có ý kiến của người ngoài ngành thì mới biết đó là sai. Nên nhớ rằng người khôn nói 100 điều cũng có một điều sai. Ngược lại, người ngu nói 100 điều cũng có một điều hay. Chúng ta xem xét ý kiến của người nói, chứ không phải nhân thân của người nói.

Phản bác bình luận của ông VĐH sắc sảo nhất là bài viết của Nhà văn Nguyên Ngọc. Nhà văn buông một câu tóm lược căn nguyên của tư duy VĐH: “Thôi thế là quá rõ rồi: người ta sợ triết học, vì người ta sợ dân chủ”! Người ta sợ phản biện một cách dân chủ, sợ tranh luận, nên mới lấy tấm bia chuyên môn hoá (hay “chuyên gia”) để nguỵ biện mà thôi. Một xã hội chỉ dành quyền tranh luận cho những kẻ gọi là “chuyên gia” là một xã hội rất bệnh hoạn. Kẻ nào muốn định hướng xã hội theo mô hình “chuyên gia hoá” thì chẳng khác nào tự chúi đầu vào cát.



No comments:

Post a Comment

View My Stats