Sunday, 8 July 2012

TRANH LUẬN VỀ TÀI LIỆU & NGƯỜI KHỞI XƯỚNG "CON ĐƯỜNG VIỆT NAM" (Dân Luận)




Dân Luận
Chủ Nhật, 08/07/2012

Các tác giả đã gửi tranh luận của mình tới Dân Luận dưới dạng phản hồi tại đây. BBT Dân Luận xin đưa thành một bài riêng với tựa đề do chúng tôi đặt.
----------------------------------

Chào chú Phương Nam,

Đầu tiên, con tôn trọng ý kiến của cá nhân. Có người ủng hộ, người không ủng hộ là quyền riêng nhưng khi đọc được bình luận của chú thì con không thể nào không trả lời lại được. Đây không phải vì con bênh vực ba con. Những lời con nói sau đây là phân tích của con về những lời nói của chú, những ý kiến mà con không đồng ý với chú vì có những điều chú nói là vô căn cứ. Trước hết con xin lỗi chú nếu những điều con nói sau đây vô tình bất lễ với chú hoặc là nghe không thuận tai.

Điều thứ nhất: "Tôi biết rất rõ về Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Lê Thăng Long, nhóm tác giả của tài liệu Con đường VN"

- Chú có thể giải thích cho con hiểu là chú hiểu 'rõ' ba con đến mức độ nào không? Chú biết ba con như thế nào, qua những bài báo hay qua truyền thông đại chúng? Chú đã có từng khi nào gặp gỡ ba con, nói chuyện và bàn về những hoài bão của ba con chưa? Nếu như chú biết 'rõ' ba con qua phương tiện truyền thông thì con xin lỗi chú con phải nói rằng chú không hề biết gì về ba con. Có những bài báo, phương tiện truyền thông đưa ra những ý kiền đúng về ba con, cũng có những cái sai. Họ viết về ba con dựa trên những gì họ nghe được, những gì họ biết được và những gì họ nghĩ. Nhưng việc đó không có nghĩa những gì họ viết là đúng. Người ta có câu 'tai nghe không bằng mắt thấy'. Chú không nên tin những gì người ta nói khi chú chưa tận mắt chứng kiến và tự mình trài nghiệm. Người ta cũng có câu một con người thông minh là một con người biết nghi ngờ mọi việc, là người luôn tự hỏi mình liệu việc đó đúng hay sai. Và chúng ta không ai nên, nếu không nói là không có quyền phán xét 1 con người nếu như chưa biết rõ về người đó. Chú có quyền không thích ba con nhưng con xin chú đừng nói là chú biết 'rõ' ba con trong khi chú thật sự không biết gì hết để rồi nói những điều sai phán xét ba con. Chú thử tưởng tượng nếu con cũng phán xét một người thân của chú chỉ dựa vào những gì con nghe được khi con không hề quen biết người đó thì chú nghĩ sao?

Điều thứ hai: "sau đó được ra tù và tiếp tục “ngựa quen đường cũ”".
Thêm một lần nữa con xin hỏi chú ý 'ngựa quen đường cũ' của chú nghĩa là sao? Ba con và những chú khác chỉ đấu tranh vì hoài bão của họ thì sao lại là ngựa quen đường cũ được chú? Nếu chỉ vị họ phải đi tù rồi vì vậy mà nhụt chí từ bỏ đi hoài bão chân chính của mình thì họ thành những con người hèn nhát hay sao? Con hoàn toàn tin tưởng ba con và họ không phải là những người như vậy. Chỉ khi nào việc họ làm là sai trái như cướp bóc chẳng hạn rồi họ đi tù nhưng khi ra tù họ vẫn không thấy hối lỗi và lặp lại việc sai trái thì mới gọi là ngựa quen đường cũ chú à.

Điều cuối cùng con muốn bàn luận với chú là về phong trào Con Đường Việt Nam (CDVN). Đầu tiên chú nói là ba con phải liên hệ với nhiều người khác như chú Lê Công Định mới hoàn thành được cuốn sách vì ba con không đủ năng lực. Nhưng thực tế là mặc dù chú có thể có nặng lực nổi trội hơn người khác nhưng chú không thể nào làm tốt được hết tất cả mọi việc một mình. Mọi kế hoạch, từ bản kế hoạch kinh doanh, tới việc tranh cử tổng thống, chức vụ, chú có tự tin là một mình mình có thể làm tốt, có thể dẫn đến thành công không chú? Việc họp tác với những người khác không có nghĩa là thiếu năng lực mà là đó là một điều khôn ngoan để có thêm nhiều ý kiến từ nhiêu quan điểm khác nhau để nâng cao khả năng thành công.

Điều tiếp theo chú nói ba con có tham vọng làm bộ trưởng kinh tế và muồn tự tiến cử mình. Con xin hỏi chú như thế có gì là sai sao ma chú nói là để 'phá hoại'. Công trình cả một đời người của ba con, nếu thành công thì tại sao ba con lại phải chính tay phá hoại nó, phá hoại đất nước mà ba con yêu quý. Con người phải có tham vọng thì mới tiến lên phía trước được. Chỉ có điều khác biệt là ở cách họ đạt được tham vọng đó như thế nào thôi. Nếu ba con tự ứng cử và được sự ủng hộ vì năng lực của ba con thì sao ba con lại không thể làm? Ở đây con không nói việc đó sẽ xảy ra, con chỉ nói là nếu nó có thì ba con hoàn toàn chân chính.

Con thấy là chú chưa hề đọc qua CDVN thì làm sao chú có thể dẫn chứng cho những phán xét của chú, để chứng minh những phán xét của chú là đúng? Con đã đọc qua con thấy CDVN được viết rất logic với những phân chia ra rõ ràng nội dung, cương lĩnh, mục tiêu, quan điểm là gì. Quan điểm hoạt động cũng đã được giải thích rất rõ ràng. Mọi thành viên đều có trách nhiệm riêng quan trọng. Họ được toàn quyền đóng góp ý kiến, hoạt động. Và những hoạt động đó góp lại thành một phong trào. Mặc dù ba con và những người khác nằm trong ban quản trị và sáng lập, không có nghĩa họ được toàn quyền quyết định. Những quyết định đó được đưa ra dựa trên sự đồng ý và ý kiến của mọi thành viên. Chú nói 'dựa vào Mỹ mà dám nói đến nhân quyền' con thấy hai điều này hoàn toàn không liên quan tới nhau. Ở đây con không nói là ba con dựa vào Mỹ vì con khẳng định việc này hoàn toàn không có thật. Con chỉ chỉ ra việc hai việc đó hoàn toàn không có liên kết với nhau để mà đem ra so sánh.

Điều cuối cùng là chú nói họ không lo được cho bản thân họ thì họ lo cho ai. Trong lịch sử thế giới có rất nhiều người đã hy sinh, đã phải bị tù đầy chỉ vì họ lo cho đất nước, cho người khác. Nếu mà một người lo cho mình được đầy đủ cơm áo mà lại không đi lo được cho người khác, cho đất nước được thì cũng có nghĩa lý gì. "Những con người nhút nhát, nhụt khí mà lại tham vọng giữ chức này, chức nọ như vậy mà đòi đứng ra làm thủ lĩnh của một phong trào thì ai dám đi cùng", con thấy qua câu này nó đã chỉ ra việc chú đã mâu thuẫn với suy luận của mình. Bên trên thì chú nói họ là 'ngựa quen đường cũ' bây giờ thì chú lại nói là họ nhụt khí nhút nhát thì câu nào của chú là đúng? Nếu họ nhút nhát thì sao lúc đầu họ cứ yên phận với cuộc sống của họ đi. Ai cũng là doanh nhân, luật sư thành công trong lĩnh vực của mình, có một cuộc sống đầy đủ khá giả. Họ phải dấn thân làm gì để rồi phải đi tù oan với tội danh âm mưu hại đất nước? Nếu họ nhụt khí như chú nói thì chú Long cần gì 'ngựa quen đường cũ' để rồi có thể bị bắt lại? Trong cuộc sống cũng như mọi việc đều cần những người dám nghĩ dám làm thì mới làm ra được kì tích thưa chú.

Con mong chú hãy suy nghĩ kĩ về những gì mình đã nói. Con không có ý nói ra những điều này để bênh vực ba con, để bắt chú phải đồng ý với ba con và CDVN. Con chỉ muốn nói ra những gì con nghĩ và việc đồng ý hay không đồng ý với ý kiến của con cũng như CDVN hoàn toàn là quyền của riêng chú.
Con cảm ơn chú vì đã lắng nghe.
Con chào chú.
_________________________

VỀ TÀI LIỆU PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM

Ấp ủ từ năm 2005 nhưng đến 2007-2009 mới thực hiện được và hiện nay tài liệu con đường VN đang được đăng tải trên một số tờ báo mạng. Trước khi bàn về nội dung của tài liệu, xin có mấy lời về nhóm tác giả của nó.

Tôi biết rất rõ về Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Lê Thăng Long, nhóm tác giả của tài liệu Con đường VN. Nói một cách ngắn gọn, đây là nhóm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN, đã bị bắt và ở tù từ năm 2009, sau đó được ra tù và tiếp tục “ngựa quen đường cũ”. Từ năm 2007 Trần Huỳnh Duy Thức đã nuôi âm mưu “Đoài đánh Đoài” (dùng người trong Đảng loại trừ người trong Đảng). Để thực hiện được ý đồ đó, Thức đã lập ra nhiều blog để ủng hộ blog Trần Đông Chấn là blog chính của Thức. Còn có cả blog mạo nhận là đảng viên để viết bài gây giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Toàn bộ ý đồ của Thức được thể hiện trong một kế hoạch tổng thể (còn gọi là quyển sách Con đường VN). Để viết được cuốn sách này, Thức đã quan hệ với luật sư Lê Công Định (một mình Thức không đủ trình độ, khả năng để làm) và Nguyễn Sỹ Bình (người từng bị bắt về tội chống phá Nhà nước VN). Cuối tháng 3-2009, Thức, Bình, Định đã gặp nhau tại Phù-kẹt, Thái Lan, thống nhất khi kinh tế trong nước khó khăn (đoán vào thời điểm tháng 10-2010), sẽ “phất cờ” và tung cuốn sách ra. Nhóm ba tên sẽ mời thêm hai người nữa, mỗi người phụ trách một lĩnh vực trong năm lĩnh vực (kinh tế, giáo dục, pháp luật, Biển Đông và Tây Nguyên), sẽ là đồng tác giả của cuốn sách.

Điều cần nói thêm là nhóm này giao cho Bình nhiệm vụ vận động Chính phủ Mỹ và các nước khác ủng hộ cho kế sách chiến lược Con đường VN. Tham vọng của Trần Huỳnh Duy Thức là muốn trở thành Bộ trưởng phụ trách về kinh tế. Và khi một đảng chính trị mới ra đời (chúng hy vọng Đảng Cộng sản VN sẽ kết thúc vai trò lịch sử vào năm 2020), Thức còn có ý đồ sẽ tham gia đảng chính trị mới để tạo tiền đề ứng cử vào các chức vụ cao hơn trong bộ máy Nhà nước. Ý đồ leo cao, chui sâu để phá hoại của Trần Huỳnh Duy Thức là rất rõ.

Qua sự dẫn lược vài nét sơ bộ như vậy, mọi người không cần đọc tài liệu Con đường VN cũng biết nội dung nói gì. Tuy nhiên, tôi muốn phân tích thêm một số điểm trong quyển sách để thấy được tính phi lý, mâu thuẫn và sự kịch cỡm của nhóm tác giả. Cuốn sách được viết lên bởi một bè lũ ba tên đầy tham vọng thì làm gì có con đường VN chân chính.

Trước hết nói về cấu trúc của tài liệu. Một kiểu cấu trúc không theo một logic nào, lộn xộn, chắp vá: Mục tiêu, quan điểm, phương thức hành động, tôn chỉ, cương lĩnh, khái niệm về tổ chức, cơ sở pháp lý, quy chế quản trị điều hành tạm thời, nguyên tắc cơ bản, ban quản trị, thành viên ban quản trị, trưởng ban quản trị, các phó ban quản trị, v.v.. Chỉ xin nêu (hỏi) một điều: thế nào là cương lĩnh? Nếu hiểu cương lĩnh là một văn kiện chứa đựng trong đó mục tiêu, đường lối, nhiệm vụ, phương pháp thì tài liệu này không phải là mớ hỗ lốn thì gọi là cái gì?

Về mục tiêu, sách nói đến quy luật khách quan tất yếu bắt đầu bằng tự tin, nhưng trên thực tế thì nhóm tác giả lại dựa và nhờ vào Mỹ và các nước khác. Và điều này liên quan đến một điều rất lớn là quyền con người. Dựa vào Mỹ mà dám nói đến quyền con người thì chỉ có Trần Huỳnh Duy Thức.

Một phong trào hướng tới Tự tin-Dân chủ-Công bằng-Thịnh vượng-Văn minh mà về mặt tổ chức chỉ là một hội của những người tự nguyện mà cao nhất là Ban Quản trị. Có lẽ đây là mô hình duy nhất và độc nhất trên thế giới từ xưa đến nay và từ nay về sau. Chắc chắn Obama phải cắp cặp học Trần Huỳnh Duy Thức.


Phong trào con đường VN vẽ ra bức tranh xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu để tiến tới thịnh vượng và văn minh. Họ nói để mà nói, họ nói với nhau, chứ ai cũng thừa hiểu chỉ một nhúm mấy người dựa vào nhau, lo cho mình không nổi, còn lo được cho ai. Cái mà Phong trào Con đường VN gọi là vận động và phát triển theo quy luật, thật ra là duy ý chí. Nếu nói thật nghiêm túc thì cũng không phải duy ý chí bởi vì có ý chí đâu mà duy. Vừa bị bắt đã nhận hết tội rồi còn đâu. Những con người nhút nhát, nhụt khí mà lại tham vọng giữ chức này, chức nọ như vậy mà đòi đứng ra làm thủ lĩnh của một phong trào thì ai dám đi cùng. Chỉ có kẻ nào điên thì mới đi theo phong trào Con đường VN.







No comments:

Post a Comment

View My Stats