Monday, 16 July 2012

TÂM TÌNH CÙNG ÔNG ĐẠI SỨ (Nguyễn Tiến Nam - Đàn Chim Việt)





Tối chủ nhật tôi nhận được điện từ Lãnh sự:
- Đại sứ muốn gặp trực tiếp anh.
- Vâng.
- Vậy mai 10h anh có thể đến được Đại sứ quán.
- Vâng, tôi sẽ cố gắng.
Y lệnh sáng thứ hai 10h tôi có mặt tại Đại sứ quán Việt Nam trên đường Plzenska. Người nhân viên tạp vụ dẫn tôi lên phòng khách. Tuy thứ hai là ngày làm việc, nhưng không khí trong sứ quán vẫn còn tĩnh mịch.
Phòng khách sang trọng được bố trí theo kiểu biệt thự quyền quý Tây phương, nhưng được điểm thêm bên góc một bức tượng kiểu Á đông, mà tôi đoán có lẽ người Châu Á thường gọi là “thần tài”. Ở đâu đó, thỉnh thoảng lại phảng phất lên mùi nhang khói khiến tôi liên tưởng chắc trong sứ quán cũng có một bàn thờ chủ tịch Hồ Chí Minh, như ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan. Vậy mà ai dám bảo những người Cộng Sản chỉ theo thuyết duy vật biệt chứng. Đang lơ mơ với những suy nghĩ vẩn vơ, thì Đại sứ bước vào phòng. Ông niềm nở bắt tay. Tôi cũng lấy làm cảm động, vì lần đầu tiên được một quan chức Việt Nam cao cấp nhất tại CH Séc tiếp đón.
Ông vào đề ngay:
- Nam là một trong số rất ít người được đón tiếp tại đấy. Hôm nay, Nam muốn tôi tiếp Nam với tư cách đại sứ với công dân, hay là tư cách tình cảm anh em Việt Nam?
Tôi hơi bất ngờ, nhưng cũng từ tốn:
- Tôi lên đây là vì công việc hộ chiếu – trước hết, mong anh giải thích trên tình thần công việc, còn sau đó thì tùy anh.
- Ồ, không có việc gì đâu.. Tôi gọi Nam lên, là trao hộ chiếu đã gia hạn cho Nam. Tôi đã chỉ đạo bộ phận Lãnh Sự gia hạn tối đa theo quy định cho Nam. Quy đình gia hạn là không quá ba năm.
Tôi vẫn chưa hòa nhập được không khí thân tình mà ông đại sứ tạo ra, nên vẫn khách sáo:
- Tôi cám ơn Đại Sứ, đã dành cho tôi sự quan tâm và gia hạn hộ chiếu cho tôi theo đúng quy định của pháp luật.
- Chúng tôi là quan chức nhà nước, chúng tôi phải làm tròn bổn phận của mình. Tôi là Đại Sứ Đặc mệnh Toàn quyền, do Chủ tịch nước bổ nhiệm, tôi có quyền quyết định mọi vần đề liên quan đến người Việt Nam tại Cộng Hòa Séc. Nếu công dân Việt Nam có thắc mắc gì, thì cứ đề đạt, chúng tôi sẽ giải quyết. Tôi trực tiếp các công việc ở đây, tôi không bị chi phối bởi những lệnh này lệnh nọ từ nhà. Tôi quyết theo tình hình thực tế ở đây.
Tôi định hỏi Đại sứ, vậy chứ hôm bà trưởng phòng lãnh sự trả lời báo Xa X, là trường hợp của anh Cang “cả tôi và Ngài đại sứ cũng không có quyền giải quyết” là sao? Nhưng lại ngại làm mất hòa khí, đang có chiều hướng tăng dần:
- Anh em mình nói chuyện thế này, có phải tốt hơn không? Với trường hợp của Cang, tôi đã có ý kiến với anh em đồng hương Thái Bình. Theo dõi và giúp đỡ Cang, tôi cũng nói với cả chủ chợ Sapa dành cho Cang một chỗ buôn bán, làm ăn ổn định không tính toán gì. Làm được thì trả, không thì thôi cũng chẳng sao.
Một lần nữa, tôi cảm động, nhưng cũng thắc mắc, không hiểu liệu chủ chợ có đồng ý hay không? Hình như chợ này là chợ cổ phần mà nhiều cổ đông lắm. Liệu họ có đồng ý không?
Đại sứ vẫn say sưa nói tiếp:
- Anh em họ tiếp xúc với Cang, về nói lại, đã giở hết cách, mà nó không nghe. Thật chưa thấy ai gàn giở như nó. Tìm hiểu gia đình Nam, tôi thấy Nam rất cơ bản làm ăn có phần chắc chắn. Gia đình lại có truyến thống cách mạng, nhưng tại sao hôm Cang biểu tình, lại có mặt ở đấy? Nên muốn trao đổi với Nam một vài điều, để tránh xảy ra những điều không đáng có.
- Cang thì em cũng biết. Em thấy anh ta chẳng làm gì sai quy cả. Tính tình thì hiền hậu, hoàn cảnh anh ấy bây giờ khó khăn thật. Cũng có đôi lúc em có hỏi có cần giúp đỡ gì không? Nhưng anh ta nói “em lo được. Em tạm thời hài lòng với cuộc sống như vầy, khi nào cần thì em ới sau”. Còn việc anh ta viết lách hay tham gia này nọ, cũng chẳng vi phạm pháp luật gì cả.
Tuồng như, đại sứ không muốn tranh luận về chuyện Cang, nên lái sang chuyện khác:
- Gia đình Nam là gia đình Cộng Sản truyền thống, chỗ anh em, anh nói thật. Có gì bức xúc thì trao đổi vời nhau, đừng làm gì quá đáng ảnh hưởng đến gia đình. Người xưa nói “Trăm sông rồi cũng đổ ra biển”, con người ta có cội nguồn. Em nên cố gắng về thăm gia đình.
Đại sứ như đánh trúng tâm sự của tôi:
- Em cũng biết gia đình mình Cộng sản nòi. Nhà em bốn chú ruột là liệt sỹ, ông già thì tập kết. Hồi năm 79 Trung Quốc đánh Việt Nam, em đã trích máu viết huyết tâm tư tình nguyện đi bộ đội. Tuổi trẻ hăng hái, nhiệt tình lắm. Thế mà bà nội em còn không nhận bà mẹ Việt Nam anh hùng, bà bảo: Cộng sản còn ác hơn bọn Tây, bọn Mỹ ngụy. Vì khi các chú bay đánh đồn, thì chúng nó chỉ tới đốt nhà thôi. Sau đó bà con giúp đỡ cây que cất lại nhà. Còn bây giờ Cộng sản mang tiếng là giải phóng, nhưng nó thu hết đất đai hương hỏa của ông bà để lại, thì làm gì còn đất để mà cất nhà…
- Khi đó, bà em ở đâu?
- Ở Tây Ninh, anh ạ.
- Ông già cũng ở đấy à?
- Không, ông già em đi tập kết, sau về chiến khu D và về Bình Dương. Anh biết không, trước khi em đi sang đây, ba em nói vơi em như thế này: “Con đi, hãy cố sống tốt cho đúng con người, còn việc vào Đảng, thì con nên suy nghĩ kỹ. Bởi vì Đảng chỉ là một thứ tôn giáo, mà ở đó không có chúa trời”.
Em thật sự phân vân, bà nội thì nói thế, ba em thì khuyên vầy, mà những điều mà em học ở trường, thì hoàn toàn khác. Từ ngày qua Tiệp Khắc, em mới nghiệm dần ra, mới biết những nhà trường ở Việt Nam dạy là không có thật, là giả dối, láo toét.
Công bằng ở đâu? Dân chủ ở đâu? Dân giàu nước mạnh ở đâu? những năm 80 đã xuất khẩu bao nhiêu lao động sang đây? Vậy mà 32 năm sau vẫn xuất khẩu lao động lại còn nhiều hơn nữa? Sang cả những nước nghèo hơn như Châu Phi, Ả Rập… Ngẫm lại, thấy bà nội em nói đúng thật.. Cộng sản mang tiếng là giải phóng nhưng thật tình, toàn là giải phóng đất đai… Nay Tiên Lãng, mai Văn Giang.. Ngày kia lại đến Vụ Bản…
Tôi kể cho Đại Sứ hai câu chuyện về thu hồi đất đại hồi ở Tiệp. Một là về cô thợ cắt tóc ở Hranice u Moravy. Hai là về một bà lão nông ở Hradec Králové. Cả hai trường hợp Chính phủ đều phải nhượng bộ. Bởi vì thể chế ở đây là dân chủ, quyền lợi của dân là trên hết.
Đại sứ cũng trần tình lại:
“Em ạ. Giá trị dân chủ là cái đích, mà tất cả chúng ta đều mong tiến tới. Nhưng trình độ dân trí của dân ta còn thấp lắm, nên chưa thể làm như vậy được. Thêm nữa, là dân ta – người ta thường bảo là dân gian, nên so sánh với các nước như vậy, nó có phần khập khiễng”.
Khi tôi hỏi quan điểm riêng của Đại Sứ về Trung Quốc, thì Đại Sứ mạnh mẽ:
- Đó là quân ăn cướp, quân đểu cáng!
- Vậy sao Đảng lúc nào cũng đề cao là anh em. Là 16 chữ vàng, là 4 tốt?
- Em ạ, mình là nước nhỏ, mình sống bên cạnh nước lớn, nó hùng mạnh. Mình phải khôn khéo, không nó hắt hơi một cái là mình cũng khổ. Dân mình khổ nhiều rồi, không nên để xảy ra khổ nữa. Ngày xưa cha ông ta đánh thắng Tàu bao lần, mà vẫn phải cống nạp đấy thôi.
Tôi đề cập việc chúng tôi tổ chức chiếu phim “Hoàng Sa:Nỗi đau và nước mắt” tại Plzeň chỉ nói lên những nỗi khổ của bà con ngư dân, tại sao Sứ quán lại có động thái chỉ thị hội người Việt Nam cản trở? Thì Đại sứ đã từ chối và có nói rằng là không có chỉ thị làm việc đấy.
Cuộc trò chuyên đang sôi nổi, thì bỗng reo lên tiếng chuông điện thoại. Tôi cũng hiểu rằng, câu chuyện giữa tôi và đại sứ đã đến hồi kết thúc. Đại sứ bắt tay và hứa sẽ có dịp khác anh em mình tâm sự nhiều hơn. Tôi cám ơn Đại sứ đã đành thời gian đón tiếp mình và không quên mời đại sứ nếu có dịp về Plzeň thì ghé thăm gia đình.

Bước ra về, lòng tôi vui buồn lẫn lộn. Vui bởi vì lần đâu tiên được trút bầu tâm sự cùng một vị quan chức Việt Nam cao nhất tại Séc. Buồn, là bởi vì ngẫm lại lời Đại sứ, tại sao các nước người ta văn minh hơn mình, người ta đã biết vứt vào sọt rác cái chủ nghĩa Cộng sản bất nhân thất đức, mà sao mình lại vẫn còn giữ? Hơn nữa, chủ nghĩa Cộng sản này cũng chỉ là một thứ sản phẩm nhập ngoại về thôi, chứ có phải của ông cha ta xây dựng lên đâu?

Nỗi buồn thứ hai nữa, là ngày xưa ông cha ta có đem cống nạp cho Tàu thật, nhưng chưa bao giờ ông cha ta để mất một tấc đất. Thế mà ngày nay đảng Cộng sản Việt Nam hiến nào là thác Bản Giốc, nào là Ải Nam Quan, nào là Hoàng Sa rồi bao nhiêu đất đai cho Tàu. Thế mà bảo là khôn khéo ư? Buồn lắm. Thôi, lần sau nếu có dịp, tâm sự tiếp…

Nguyễn Tiến Nam
Plzeň, Cộng Hòa Séc.

© Đàn Chim Việt




No comments:

Post a Comment

View My Stats