Tuesday, 24 July 2012

RA MẮT SÁCH "CUNG TRẦM TƯỞNG, MỘT HÀNH TRÌNH THƠ 1948 - 2008 (Ngọc Lan / Người Việt)




Ngọc Lan/Người Việt
Monday, July 23, 2012 8:40:39 PM

WESTMINSTER (NV) - Bất chấp cái nóng oi bức, hầm hập của một chiều hè cuối tuần thiếu gió và thiếu mưa, mọi người tới để cùng nghe, cùng tham dự buổi ra mắt quyển sách “Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ (1948-2008)” của tác giả Cung Trầm Tưởng.

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, “một trong những người làm tân kỳ chữ nghĩa ở miền Nam trước 1975 và đến nay ông vẫn tiếp tục điều đó” (nhà thơ Viên Linh). (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Khán phòng Viện Việt Học, chiều Thứ Bảy, 21 tháng 7, cứ mỗi lúc một đông dần, đông dần, những chiếc ghế cứ được sắp thêm, sắp thêm, cho những người mới tới, đầy ắp. Trong số những người hiện diện, có nhiều gương mặt nổi tiếng trong lãnh vực văn học nghệ thuật, điện ảnh, báo chí, như nhà văn Doãn Quốc Sĩ, Nhã Ca, Trần Phong Vũ, nhà thơ Trần Dạ Từ, Du Tử Lê, Viên Linh, diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc, ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện...

“Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ (1948-2008)” là một tập sách dày hơn 600 trang, bìa cứng, trình bày khá đẹp mắt, do nhà xuất bản “Tủ Sách Tiếng Quê Hương” phát hành năm 2012.

Tác phẩm “Cung Trầm Tưởng, một hành trình thơ (1948-2008)”. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Theo lời nhà thơ Cung Trầm Tưởng, “Quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của tác phẩm này kéo dài 14 năm nhằm kiện toàn cho tác phẩm, sửa đi sửa lại không biết bao nhiêu lần để xây dựng bố cục, nhằm duy trì tính liên hoàn và thống nhất cho toàn tác phẩm trải dài 60 năm như một chuyện kể bằng thơ, với những chuyển đổi cung bậc tình cảm của tác giả.”

“Ðó là một quá trình của sự hành thân lao tâm khổ trí và bạc đầu để chỉ tìm ra một số từ, số ngữ, một số thi ảnh, kể cả một số tựa đề cho một số bài thơ mà chủ quan mình cho là ưng ý nhất.” Tác giả “Một Hành Trình Thơ” nói thêm.

“Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ (1948-2008)” được chia ra làm 7 tập, gồm, Tập Một: Sóng đầu dòng, Tình ca và Quá độ; Tập hai: Lời viết hai tay; Tập ba: Bài ca níu quan tài; Tập bốn: Những dấu chân ngang trên một triền phiếm định; Tập năm: Thi bá, Con tắc kè, và Bà góa phụ; Tập sáu: Mỗi dặm đường một nghìn vần cho thơ; Tập bảy: Sáng ký về người tình đầu.

Lồng trong mỗi tập, ngoài phần thơ văn của Cung Trầm Tưởng, còn là những bài viết của nhiều tác giả tên tuổi xoay quanh thơ văn Cung Trầm Tưởng, như bài viết của Thụy Khuê, Viên Linh, Võ Ý, Nguyễn Ngọc Diễm, Lê Hữu Cương, Nguyễn Thanh Nhã, Trần Văn Nam, Giang Hữu Tuyên.

***

Nhắc đến Cung Trầm Tưởng, phần lớn độc giả thường nhắc ngay đến những bài thơ của ông từng được Phạm Duy phổ nhạc, như Mùa Thu Paris, Bên ni bên nớ, Tiễn em... Tuy nhiên, tại buổi ra mắt “Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ (1948-2008)” thính giả có dịp được nghe, được biết thêm một số khía cạnh khác trong thơ Cung Trầm Tưởng.

Nhà thơ Du Tử Lê, trong vai trò làm diễn giả “Thẩm định giá trị thi tập Cung Trầm Tưởng,” cho rằng, “Với 60 năm ăn ở bền bỉ với thi ca, không ai có thể nói trong 5, 10 phút về sự đóng góp của Cung Trầm Tưởng đối với thi ca Việt Nam.” Chính vì thế, nhà thơ Du Tử Lê chỉ tập trung giới thiệu với khán giả một phần trong những thành công của nhà thơ Cung Trầm Tưởng, đó là “lục bát Cung Trầm Tưởng, một đóng góp cực kỳ quan trọng của nhà thơ đối với thể thơ thuần Việt Nam này”.

“Chỉ cần một chút chú ý thôi người đọc sẽ bắt gặp được rất nhiều những xâu chuỗi lấp lánh tu từ trong lục bát họ Cung. Như ‘Mình tôi với phố non cao/Tàu như dưới tỉnh núi còn vọng âm’ (Khoác kín), hay ‘Trời nong chặt nỗi thu phiền/Hồn cây hồng mộc ngợp miền thu Tây’ (Thu ngây), hoặc ‘Thôi em xanh mắt bồ câu/Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau’ (Kiếp sau),” nhà thơ Du Tử Lê dẫn dắt.

Tác giả của “Khúc Thụy Du” nhận định, “Tóm lại Cung Trầm Tưởng không chỉ đi tiếp con đường lục bát của thi ca mà ông còn đẩy, vận hành ‘lục bát thời không Nguyễn Du’ tới những không gian, những ngữ cảnh, những ngữ nghĩa mà trước đó lục bát chúng ta không hề có. Nếu không có cuộc giải phóng lục bát một cách dứt khoát quyết liệt của họ Cung, đồng nghĩa với những nỗ lực kết thúc chu kỳ vận hành của một thời kỳ ‘lục bát không nguyễn Du’, tôi e ngày hôm nay chưa chắc văn học Việt có thể bước qua một thời kỳ lục bát khác như đã thấy.”

Trong tư cách là một người bạn tù từng gắn bó nhiều năm cùng tác giả “Một Hành Trình Thơ” trong các trại tù cộng sản sau năm 1975, Bắc Ðẩu Võ Ý, cựu trung tá phi đoàn trưởng phi đoàn 118 trình bày phần “Tình tù, thơ tù liên quan đến Cung Trầm Tưởng”.

Nhà thơ Võ Ý cho rằng, “Thơ tù Cung Trầm Tưởng là 'cây gậy Phùng Quán' giúp người tù vịn câu thơ mà đứng lên một cách uy nghi trong lao tù cộng sản.”

Ông Võ Ý nhắc đến câu chuyện là thế nào để đưa được “Bài Ca Níu Quan Tài, một tâm sự thi thu âm tiếng khóc tận cùng bi thiết của cái gọi là xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau tháng 4 năm 1975” qua đến Mỹ.

“Sẽ là chuyện điên rồ nếu nhờ những đồng đội sắp xuất cảnh mang theo ‘Bài Ca Níu Quan Tài’. Chúng tôi nghĩ cách an toàn hơn là nhờ các bộ nhớ xuất sắc chịu khó học thuộc lòng tập thơ. Cuối cùng thiếu tá Lâm Tùng Nguyên, trưởng phòng quân báo, sư đoàn 4 không quân đã nhận học thuộc lòng khúc ai vãn cả ngàn câu thơ trong một tháng trước khi gia đình anh đi Mỹ năm 1989. Thơ tù Cung Trầm Tưởng, một di sản văn hóa của dân tộc, đã được đồng đội mang đi trong tình nghĩa như vậy đó.” Cựu trung tá Võ Ý kể lại.

Trong phần nói về “Con người, tác giả Cung Trầm Tưởng,” nhà thơ Viên Linh nhận xét, “Cung Trầm Tưởng là một trong những người làm tân kỳ chữ nghĩa ở miền Nam trước 1975 và đến nay ông vẫn tiếp tục điều đó.”
“Cung Trầm Tưởng là người sáng tạo toàn diện, tức là viết văn không phải là để thỏa mãn một điều gì mà viết văn là để nói lên một điều gì mà nhà văn người cầm bút suy tư, và sống với.” Nhà thơ Viên Linh kết luận.


Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com

----------------------------------------------------


Tin liên quan :
Trịnh Bình An   -    18-07-2012 

Băng Huyền/Viễn Đông     (VienDongDaily.Com - 16/07/2012)

KQ võ ý      Tuesday, June 26, 2012 4:11:46 PM

Nguyễn Mạnh Trinh        24/07/2012 

Thụy Khuê  -   Paris, tháng 10/1999



No comments:

Post a Comment

View My Stats