Thursday, 19 July 2012

ĐỌC "MỘT HÀNH TRÌNH THƠ" của CUNG TRẦM TƯỞNG (Trịnh Bình An)




18-07-2012

“Một Hành trình Thơ” (1948-2008) của Cung Trầm Tưởng do Tủ Sách Tiếng Quê Hương phát hành sẽ ra mắt bạn đọc vào giữa tháng Bảy, 2012.


Một Hành Trình Thơ” (1948-2008)  .  Nguồn ảnh: TQH
http://dcvonline.net/images/072012/cungtramtuong.jpg

Khoảng năm 1959, tạp chí Sáng Tạo (Sài Gòn) cho ra đời một ấn phẩm có tên “Tình Ca”. Đó là một tuyển tập thi-nhạc-họa với 13 bài thơ của Cung Trầm Tưởng, trong đó 6 bài được Phạm Duy soạn thành ca khúc. Bìa và phụ bản của Ngy Cao Uyên. “Tình Ca” ngay lập tức được giới thưởng ngoạn hào hứng đón nhận. Những vần thơ tình tứ của mối tình gái Pháp-trai Việt như thổi một luồng gió mới vào tâm hồn bạn đọc. Người ta được nhìn, được cảm, ngay cả được thở, cả một vùng trời lãng mạn Paris với công viên Luxembourg lá rụng, với ga Lyon đèn vàng, với những quán rượu ly đỏ rưng rưng; giữa khung cảnh thơ mộng ấy là người tình tóc vàng sợi nhỏ… Cái tên Cung Trầm Tưởng nhanh chóng tràn vào giới thanh niên trí thức thời bấy giờ cùng không khí lãng mạn của phong trào thơ mới.

Từ trái qua: Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy, Ngy Cao Uyên.    Nguồn ảnh: phamduy.com

Một mối tình! Bắt đầu của “Một Hành Trình Thơ” là như thế. Một bắt đầu thật lãng mạn, thật tình tứ, thật… thơ. Nhưng cuộc đời không như là mơ, cuộc đời có lúc thành cuộc đi đày, và người thơ có lúc thành người tù. Tháng Tư 1975, dù là một trung tá Không Quân có thể dễ dàng ra đi ngay từ đầu nhưng Cung Trầm Tưởng đã chấp nhận ở lại, chịu 10 năm tù cải tạo . “Hành Trình Thơ” từ đó rẽ sang một bước ngoặt khác.

Trong tù, Cung Trầm Tưởng không ngừng làm thơ. Tuy không có giấy, không có bút để ghi lại nhưng thơ của ông được những người bạn tù thay nhau học thuộc lòng. Tập thơ “Lời Viết Hai Tay” ra đời trong tù, lưu giữ được là nhờ “bộ nhớ tập thể” thân tình ấy. Với ông, những năm tháng ngục tù chỉ tiếp thêm sức sống cho thơ: “Thơ tù đối với tôi là một quá độ cần thiết phải có, không có cái đó thì không tiếp tục nổi. Bởi sau cuộc rong chơi của tình yêu lứa đôi, chủ nghĩa hiện sinh... mình thấy đó vẫn chỉ là những cuộc rong chơi. Nhưng nếu dân tộc bị rớm máu, người thi sĩ phải bị đổ máu.” (*)

“Một Hành Trình Thơ” gồm 7 thi tập: Sóng Đầu Dòng–Tình Ca và Quá Độ, Lời Viết Hai Tay, Bài Ca Níu Quan Tài, Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định, Thi Bá-Con Tắc Kè và Bà Góa Phụ, Mỗi Dặm Đường Một Nghìn Vần Thơ, và, Vi>Sáng Ký Về Người Tình Đầu. “Một Hành Trình Thơ” còn tuyển đăng những bài khảo luận về thơ của Cung Trầm Tưởng như: Một Bản Thể Luận Bồng Bềnh Về Thơ, Ainsi Parlait Le Poète, Vì Sao Nhiều Người Việt Lưu Vong Thường Hay Làm Thơ? v.v.

Đến với “Một Hành Trình Thơ” ta sẽ tìm được gì?

Thứ nhất, cái đẹp của tiếng Việt.

Mọi người hẳn đều đồng ý rằng tiếng Việt rất giàu có về âm thanh và hình ảnh (mà ta thường gọi là tượng thanh, tượng hình). Ta cũng thấy đặc tính ấy được nhiều người biết áp dụng vào thơ, văn họ viết; nhưng ta vẫn sẽ bất ngờ với cách Cung Trầm Tưởng dùng tiếng Việt. Đọc Cung Trầm Tưởng (CTT) là luôn luôn ngỡ ngàng với tiếng Việt, những chữ tầm thường nhất bỗng trở thành tuyệt nhất.

Trâu phì phò, vịt quác ao tanh;
Lõm bõm ì òm lũ trẻ ranh.
Trăm mái nhà đùm một phận ẩm,
Thêm trăm tủi cực cũng cam đành.

(Thi bá bỏ ẩn, trở về phố thị gặp tên ma thuật-CTT)
Ở đây, ta gặp lại bút pháp tả cảnh sinh động của Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Ta sẽ ngậm ngùi trước cảnh sống cùng quẫn trong bài thơ, nhưng ta vẫn sẽ có một cảm giác khoan khoái, đó là khoái cảm về cái đẹp khi thấy chữ “ẩm”được dùng hay quá, hay cả về hình lẫn về thanh. Về hình, “ẩm” gợi lên cảm giác buồn bã, u ám như trong “ẩm thấp” “ẩm ương”; “ẩm” đi sau “ao tanh” vẽ lên một cảnh tượng hôi hám, lạnh lẽo, dính dớp của làng xóm nghèo. Về thanh, “ẩm” tạo nên một tiếng buông tõm, như có vật gì đó rơi và chìm ngay xuống, nó lột tả cái số phận đen tối của những cảnh đời không lối thoát.

Thơ Cung Trầm Tưởng cho thấy tiếng Việt quả rất phong phú về khả năng mô tả sự vật. Một số câu thơ dùng chữ rất thường nhưng có sức gợi hình độc đáo là: “Âm u lấm vẩn hồn”, “Cực chưa chấm dòng”, “Hận thù vắt nhợt mặt gà mái”, “Chân vẫn bước, nhưng lòng đang bò sát”, “Hắn đi trong thế giới mốc meo vàng”, “Hè ngời loáng như dao”, “Ngủ lung liêng đốm lửa phà”, “Một chiếc hôn ngây bẽn lẽn la đà”, “Đã ghì bấu bóng hụt hơi”, “Chân dung một mối thương sầu bồng mang”, “Oái oăm mấy cũng thưa ừ - Éo le lắm cũng không từ éo le”, v.v.

Thứ hai, đọc thơ Cung Trầm Tưởng để thấy cái chí bất khuất.

Như đã nói ở trên, nếu không có những người bạn tù che chở thì Cung Trầm Tưởng không tài nào giữ được những bài thơ ông làm trong tù. Nói cách khác, Cung Trầm Tưởng không làm thơ cho riêng mình, ông làm thơ cho những người lính Việt Nam Cộng Hòa dũng cảm, những con người thân hàng chứ chí không hàng.

Nhờ sao Kháng nhắn sao Khuê
Hỏi thiên cơ lối ngược về sao Tiêu.
Ngược về tít tận phiêu diêu,
Lỡ hư vô có thì liều hư vô.
Được thì hốt hết thiên thu,
Thua làm mây vấn rối bù đầu non.

(Lác Đác Những Giọt Sương Đêm - CTT)

Khí thơ cuồn cuộn như một Cao Bá Quát ngang tàng. Những chữ thô ráp, bình dân như “liều”, “lỡ”, “được”, “hốt hết”, “thua”, được cài đặt với những chữ trừu tượng, bóng bẩy như “hư vô”, “thiên thu”, “đầu non” để diễn tả cái chí khí tự do phóng đạt dù thân thể đang chịu cảnh gông cùm.

Thứ ba, cái sức sống mãnh liệt.

Hãy ưỡn ngực hít sâu vào khí sớm,
Chẳng thuộc riêng ai trời đẹp của muôn lòng.
Mùa xuân đến đều chia cho muôn khắp,
Kẽm gai nào rào chắn được trời trong!

(Tặng Phẩm Mùa Xuân - CTT)

Có vắng ta đi xe vẫn hốt
Lá đêm qua rụng lối còn nồng,
Người vẫn còn nhau cho ngày mới
Như cầu cũ vẫn dẫn qua sông.

(Có Vắng Ta Đi … - CTT)

Thứ tư, thơ Cung Trầm Tưởng trước sau vẫn là đời thường và… tình yêu .

Thơm tho nền nã tủy xương pha
Thống ái cuồng dâm nọc nõn nà,
Một rớt rầu phiền nhờn chán ngán,
Nồng dòng tu kín, tanh bê tha.

(Lễ Đen – CTT)

Anh ôm em ẩm mình dây;
Gió lay lóc phố, mưa lầy lội tim.
Tóc rong rêu chảy vai mềm,
Lời xô lũ luýnh quýnh chìm môi mê.

(Tình Đắm – CTT)

Thứ năm, lý luận phê bình thơ.

Trong “Một Hành Trình Thơ”, bên cạnh những bài thơ, những trường thi, còn là một số khảo luận về thơ. Nếu nói thơ là thịt da thì văn là bộ xương. Một bộ xương thẳng thớm tạo nơi bám vững chãi cho da thịt, từ đó mới có thân thể xinh đẹp; không thể có người đẹp nhưng lưng lại khòm hay mỹ nhân mà hông bị lệch.

Với khả năng lý luận mang tính khoa học của một chuyên viên khí tượng và quản trị an ninh, Cung Trầm Tưởng mổ xẻ thơ, ông không coi thơ là thứ “bất khả phân tích”, ông tìm hiểu bản thể thơ như một “phạm trù tinh thần”. Nhận định dưới đây của Cung Trầm Tưởng hẳn sẽ hữu ích cho nhiều người, người làm thơ, người đọc thơ, và cả người phê bình thơ:

Muốn được nhận vào hội quán của nền Văn Hóa Thứ Ba, thơ bắt buộc phải đổi mới cả về ngôn ngữ lẫn thế giới quan và cung cách thẩm mỹ của nó. Điểm tế nhị là làm sao đừng để ham muốn đổi mới và phô trương kiến thức làm nhòe tính trong sáng cần có của cảm hứng khi làm thơ. Một bài thơ hay giống như một ly rượu đầy, hiểu như sự khai triển của nó đã đạt tới mức lý tưởng, ở đó có một cân bằng tối ưu giữa ngôn ngữ và tư tưởng. Chỉ một chút phụ gia tư tưởng thôi, thường do ham muốn phô trương kiến thức gây ra, sẽ làm cho bài thơ lộ vẻ cố dụng, ý nặng hơn lời, và như vậy không chỉ phá vỡ tính nhất thể phải có của ngôn ngữ tư duy và tư tưởng hành ngôn mà còn phá vỡ chính cái trạng thái viên mãn vốn là tư chất của bất cứ bài thơ hay nào.
(Cái Vốn Phải Là Như Thế - CTT)

Cung Trầm Tưởng cũng nhắc tới vấn đề “thơ phổ nhạc”. Dù một số bài thơ của ông được nhiều người biết đến một phần cũng nhờ Phạm Duy phổ nhạc nhưng Cung Trầm Tưởng vẫn cho rằng “cái giá mà thơ phổ nhạc thường phải trả là nó bị đẩy vào hậu trường hoặc bị xuống cấp thành một người phụ diễn mờ nhạt cho âm nhạc”. (Trích đoạn bài phỏng vấn của VietHome Magazine)

Liệu những người thường tự hào “yêu thơ” có tách được mình ra khỏi cái bẫy “thơ phổ nhạc” không? Thời buổi này người yêu thơ đàng hoàng đã khó thì người làm thơ chân chính càng khó hơn, nhưng chúng ta có thể vui mừng vì nền thơ ca Việt Nam đã có được một người thơ chân chính, Cung Trầm Tưởng.

Xin vô phép, ghép vài đoạn thơ lục bát của ông để làm chơi một màn “lảy Cung Trầm Tưởng”.

Vật vờ lạc cõi nhân sinh,
Bài thơ cô phận làm kinh gọi hồn (For Rent)
Phăng phăng nước chảy đá mòn,
Một thời dài vắn, mất còn sát nhau. (Bài Ca Níu Quan Tài)
Nhìn, nghe, nghĩ, nhớ đào sâu;
Bóc tang thương nổi, moi giàu cổ kim . (Bài Học Phát Âm Vỡ Lòng)
Đu đưa võng mép thềm huyền,
Buông luôn bất túc triền miên ngôn từ. (Ngẫu Hứng Hồ Sao)

“Thơ ca là một rong chơi lãng mạn mà thâm trọng” Cung Trầm Tưởng đã gắn thơ mình liền với số phận nổi trôi của đất nước, và ông – người thơ, nhờ đó cũng có dịp xuyên suốt một hành trình. 60 năm thơ Cung Trầm Tưởng phải chăng cũng là 60 năm sống, làm người-Việt-Nam?

© DCVOnline



(*) . Nói chuyện với nhà thơ Cung Trầm Tưởng  Thụy Khuê, RFI, 10/1999.
- Sưu tập về tạp chí Sáng Tạo.   blog Trần Hoài Thư.
- Cung Trầm Tưởng - Một Hành Trình Thơ.    Bắc Đẩu Võ Ý.
- Phỏng vấn Cung Trầm Tưởng    Mặc Lâm, RFA, 01/05/2010

“Một Hành Trình Thơ” (600 trang) - Ấn phí 30 USD + 3USD cước phí trong nước Mỹ (Ngoài nước Mỹ, cước phí 10 USD).
Ngân phiếu xin ghi trả: VLAC/Tiếng Quê Hương  
Liên lạc: Trần Phong Vũ - 14924 Dillow Street, Westminster, CA 92683, USA. ĐT (949)232-8660;
hoặc Uyên Thao - PO Box 4653, Falls Church, VA 22044, USA. Email: uyenthaodc@gmail.com  hay uyenthao1@yahoo.com





No comments:

Post a Comment

View My Stats