Tuesday 17 July 2012

MỘT MẠNG NGƯỜI, 4 NĂM TÙ (Nguyễn Thị Thanh Tuyền - Mẹ Nấm)




Nguyễn thị Thanh Tuyền

Dân Luận
Thứ Tư, 18/07/2012

Ngày hôm nay tôi phải đi công tác nên tôi đã không tho dõi qua mạng phiên tòa phúc thẩm xử công an giết người Nguyễn Văn Ninh. Mặt dù rất bận rộn trong công việc nhưng tôi rất lo lắng không biết vụ án của Chú Tùng bố của Kim Tiến tòa án xử như thế nào? Đợt này Ông Tòa án ổng bớt bệnh chưa? Tôi nghĩ quẩn không biết hôm nay họ có hoãn lại phiên tòa như những đợt trước hay không?... Khi về đến nhà tôi đã vội vàng bật máy để xem vụ án xử như thế nào? Không tin vào mắt mình khi đọc dòng chữ “Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm tuyên bố giữ nguyên bản án sơ thẩm với mức án 4 năm tù giam đối với trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, không truy cứu trách nhiệm của những dân phòng và công an trực ban có liên quan đến cái chết của nạn nhân Trịnh Xuân Tùng”. Tôi đã rơi nước mắt và tự hỏi: “Tại sao trên mãnh đất Việt Nam mạng người rẻ như vậy? Công an giết người chỉ có 4 năm tù giam”. Có phải đây mở màn cho tiền lệ kẻ giết người mặc sắc phục mai sau trên đất nước này hay không? Rồi mai đây 90tr dân này trong số đó sẽ chết oan ức như Chú Tùng, Anh Nhựt, Anh Bảo, Anh Đức… là bao nhiêu người nữa?

Hơn một năm qua Tôi đã nuôi dưỡng ý chí của mình để kiên trì, dù khó khăn gian nan vất vả như thế nào tôi cũng phải làm sáng tỏ cái chết của chồng tôi, anh Nguyễn Công Nhựt, bị công an Bình Dương bắt trái phép, dùng nhục hình đánh chết người và tạo dựng hiện trường giả. Với ý chí đó tôi đã gửi 16 lần đơn khiếu nại tố cáo Công an Bình Dương, mỗi lần gởi đơn khiếu nại tố cáo là mỗi lần tôi đặt một niềm hy vọng vào những lá đơn đó và mong ước sẽ có người có tâm đọc những lá đơn của tôi và một ngày không xa pháp luật sẽ trả sự trong trong sạch và minh oan cái chết cho chồng tôi, bắt những kẽ giết hại chồng tôi như CA Bình Dương và lãnh đạo Công Ty Kumho phải đứng ra vành móng ngựa phải chịu hành phạt của pháp luật.

Niềm hy vọng đã biến mất trong tôi, thật sự là tôi đã mất hết niềm tin vào pháp luật Việt Nam. Tôi nghĩ Pháp luật được ban hành chỉ áp dụng cho những người dân thấp cổ bé họng mà thôi như: Một cô gái trẻ người non dạ nhất thời tát cảnh sát giao thông phải lãnh mức án 9 tháng tù giam, Dân đụng tới CA thì qui tội chống người thi hành công vụ…Tuy nhiên pháp luật áp dụng cho CA dùng nhục hình đánh đập dân oan nhập viện thì hưởng mức án treo, rồi bây giờ CA giết chết một mạng người chỉ hưởng mức án 4 năm tù giam...

Hơn một năm qua tôi đã chờ đợi kết quả cuối cùng của vụ án Bố Kim Tiến đúng là tôi quá thất vọng vào cái bản án cho trung tá công an Nguyễn Văn Ninh mà pháp luật Việt Namn đã ban tặng cho ông ấy mức án 4 năm tù giam.

Qua vụ án của chú Tùng tôi đã nhìn rõ được bản chất pháp luật Việt Nam, nên tôi đã hiểu tại sao VKSND tối cao điều tra công an Bình Dương đánh chết Anh Nhựt ngay đồn công an mà điều tra hơn một năm không dám đưa ra kết quả điều tra. Bởi vì pháp luật là vỏ bọc để họ có thể làm sai theo qui định pháp luật mà không chịu trách nhiệm trước pháp luật nên tại sao vụ án Anh Nhựt hiện nay vẫn nằm trong bóng tối.

Pháp luật không nghiêm minh thì sao đòi hỏi một xã hội dân chủ công bằng. Pháp luật không công bằng thì công lý tìm đâu ra. Pháp luật bao che dung túng làm sao không xảy ra tiêu cực. Cho nên gần đây xảy ra bao nhiêu vụ án công an đánh chết người và đánh đập dân oan mà không có sự can thiệp của Bộ công an. Vì nay đã có pháp luật bao che dung túng mất rồi.

Bây giờ đây thật sự tôi không còn tin vào công lý tại Việt Nam, Hành pháp và luật pháp cùng một người nắm thì công lý tìm đâu ra?

Nhưng tôi tin vào luật nhân quả” gieo nhân nào ấc gặp quả ấy”!
______________________________


Jul 17, '12 12:25 PM

Bản thân mình làm đúng, không có gì sai trái... rất bình tĩnh để xử lý tình huống... - Thái độ của kẻ đánh chết người.

Bị cáo Nguyễn Văn Ninh đã làm đúng, rất đúng - Thái độ của VKS.

Và đây là kết quả: y án 4 năm tù cho một hành động giết người rất đúng, rất bình tĩnh.

Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh vẫn khẳng định trước tòa là mình bình tĩnh, không có dấu hiệu hối tiếc gì về cái chết của một con người dưới bàn tay sát thủ của ông ta. Những dân phòng và công an có trách nhiệm liên đới vẫn an toàn đứng ngoài vòng pháp luật nhờ cái vòng xử lý nội bộ che chắn.

Trước phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Ninh một mực khẳng định là mình làm đúng quy trình, hành vi của bị cáo không có gì vi phạm. Trả lời tiếp câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về việc xử lý tình huống vi phạm có đến mức cần thiết phải ghì nạn nhân xuống đến độ trật đốt sống cổ không?

Bị cáo Ninh đã trả lời: Thái độ của bị cáo lúc ấy rất bình tĩnh, bình thường. Hành vi bắt người là chính đáng do bị cáo đã được học, được trang bị kiến thức để làm sao bắt được đối tượng nhanh nhất nên theo bản án sơ thẩm với tội danh làm chết người trong khi thi hành công vụ là đúng, nhưng theo bị cáo, mức án 4 năm tù là quá nặng.

Thái độ hoàn toàn điềm tĩnh của Nguyễn Văn Ninh, khi nhìn nhận lại hành vi tước đoạt mạng sống người khác, khiến người ta hoàn toàn có thể khẳng định tính "sát thủ chính danh" được đào tạo bài bản của ngành công an.

Sử dụng hành vi bạo lực đối với người không có vũ khí tự vệ trong tay, và chỉ có một mình, dẫn đến hậu quả chết người, mà không khiến bị cáo thay đổi suy nghĩ về chức năng, nghĩa vụ và quyền hạn của ngành công an trong tình huống này, thì quả thật là một mối nguy hiểm cho xã hội, khi mặc nhiên thừa nhận sự uy quyền của những người sở hữu loại "giấy phép sát nhân" như thế này.

Nguy hiểm hơn là khi có sự đồng tình "đúng và rất đúng" của Viện kiểm sát.

Tội danh "làm chết người trong khi thi hành công vụ" sẽ luôn là tình tiết giảm nhẹ đối với hành vi giết người của những người thừa hành pháp luật như lực lượng công an. Và điều này có lẽ lý giải được lý do vì sao tình trạng người dân bị đánh đập, bị tước đoạt mạng sống tại đồn công an ngày một gia tăng mà không có biện pháp xử lý triệt để.
Và hôm nay, thêm một lần nữa, điều này đã được bảo kê bởi các quan toà phúc thẩm.

Khi bác bỏ mọi kháng cáo đề nghị hủy bản án phúc thẩm, thay đổi tội danh với bị cáo Nguyễn Văn Ninh từ "làm chết người trong khi thi hành công vụ" sang tội "cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người" (khoản 3, điều 104 Bộ luật Hình sự), bác bỏ yêu cầu xử lý nghiêm minh những dân phòng và công an trực ban có liên đới trong đêm xảy ra sự việc đau lòng của nạn nhân Trịnh Xuân Tùng là thêm một lần nữa những người đại diện pháp luật hôm nay, đã góp phần củng cố niềm tin bất khả xâm phạm cho lực lượng công an "là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ".

4 năm tù cho một mạng người, và còn rất nhiều mạng sống khác bị tước đoạt bởi bàn tay của lực lượng công an như bị cáo Ninh nữa.

Quyết định của toà phúc thẩm ngày hôm nay chính là hành động nuôi dưỡng và tiếp tay cho việc lạm quyền của ngành công an - trong đó có những sát thủ lạnh lùng như Trung tá Nguyễn Văn Ninh và các dân phòng, cùng công an trực ban có mặt tại đồn Thịnh Liệt vào ngày xảy ra vụ án.





No comments:

Post a Comment

View My Stats