4.07.2012
Bài viết này vốn đã
được đăng trên Văn Học số 233,
tháng 9 & 10/2006, số đặc biệt về Nguyễn Mộng Giác. Nay nghe hung tin anh
đã từ giã cõi đời, xin được viết lại với tất cả niềm thương tưởng, như một lời
chia tay và đưa tiễn bạn văn Nguyễn Mộng Giác về chốn non ngàn. [HXS]
Hồi
còn bên nhà, lúc bắt đầu khởi nghiệp (chướng) viết lách lai rai vào khoảng thập
niên 63/64 – giai đoạn hiển lộng của những cây bút miền trung trên các diễn đàn Văn, Văn Học, v.v. – tôi chưa thấy
tên tuổi Nguyễn Mộng Giác hiện diện trên các mặt báo. Đùng một cái, anh xuất
quân ồ ạt như thác lũ, bắn những phát trọng pháo đầu tiên vào trường văn chương
chữ nghĩa. Thật thế, Nguyễn Mộng Giác xuất hiện trên văn đàn, khởi từ Bách Khoa, như một hiện
tượng. Chẳng phải là nhờ bàn tay phù phép, lăng xê của một ai, anh đến với văn
chương bằng tài năng đích thực của mình (mặc dù Nguyễn Mộng Giác là một trong
những đồng hương mật thiết với nhà văn uy tín, gốc Bình Định, Võ Phiến thời bấy
giờ). Những gì Nguyễn Mộng Giác viết ra đã gặt được lòng tin cậy của bạn đọc
cũng như văn giới. Trước tác của Nguyễn Mộng Giác, hầu hết, nặng ký. Anh viết
nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận, nhận định văn
học, v.v. Mỗi một dòng chữ viết ra được dẫn dắt bởi một ngòi bút cẩn trọng,
chín chắn, luôn luôn tạo một ấn tượng hay đặt để một điều gì đó cần suy gẫm nơi
bạn đọc. Chẳng phải là những sáng tác hời hợt, đọc lướt qua, thỏa mãn một nhu
cầu giải trí nào đó. Nói điều khiêm nhượng như thi gia tiền bối Nguyễn Du từng
thố lộ, những trước tác dù mua vui cũng được một vài trống canh của Nguyễn Mộng
Giác cũng đã đoạt được một vài giải thưởng văn học nghệ thuật quan trọng (hình
như là Bóng Thuyền Say hay
Đường Một Chiều,
nếu không nhầm trong trí nhớ tồi tệ của tôi). Trong anh còn tiềm tàng một nguồn
lửa sáng tạo âm ỉ đốt, và rất mãnh liệt khi cần bùng cháy. Chẳng thế mà những
bộ trường thiên Mùa Biển
Động, Sông Côn
Mùa Lũ viết trong hoàn cảnh khó khăn cũng đã rỉ rả góp mặt với đời
tạo được nhiều tiếng vang đáng kể.
Tôi
không quen biết Nguyễn Mộng Giác từ trước. Hoạ chăng chỉ có người bạn lâu năm của
tôi, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, (đã giã biệt chúng ta năm hai ngàn lẻ năm vừa
qua) là có mối dây liên lạc mật thiết và tình thân đậm đà với Nguyễn Mộng Giác.
Nói trộm vía Hoàng Ngọc Tuấn (và cả Nguyễn Mộng Giác, giờ đây) tôi cũng lấy làm
lạ là hai người hai cá tính khác biệt mà có thể gần gũi nhau được: Nguyễn Mộng
Giác mực thước, thâm trầm trong lúc Hoàng Ngọc Tuấn có phần luông tuồng, buông
thả trong giao tiếp. Nguyễn Mộng Giác đã dung chứa Hoàng Ngọc Tuấn một khoảng
thời gian khá dài ở Bình Định(?) – theo lời Hoàng Ngọc Tuấn kể – khi bạn ta bị
sa cơ (Tuấn đi lính thứ dữ, chịu trận không nổi, tự cho phép mình giải ngũ).
Theo tôi, Nguyễn Mộng Giác có lòng lân tài, hết mình thương bạn lúc thất thế,
có thể chịu đựng được cái nết bất thường nơi bạn. Cái khó là còn chị Diệu Chi,
phu nhân nhà văn Nguyễn Mộng Giác nữa chi?! Một chữ thàng Bình Định rõ nét! Một
điểm son cho tình bằng hữu qua thời nhiễu nhương. Có người nghĩ tếu, cho rằng
chẳng qua Nguyễn Mộng Giác/Hoàng Ngọc Tuấn thân nhau là vì cùng ở một lò Võ Phiến/Bách Khoa Lê Ngộ Châu mà
ra. Thật ra chẳng có lò bệ gì ráo. Võ Phiến và Bách Khoa chẳng qua đúng lúc, kịp thời giới
thiệu được tài năng của Nguyễn Mộng Giác/Hoàng Ngọc Tuấn ra trước công chúng.
Có lẽ qua Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Mộng Giác có biết chút đỉnh về tôi. Cho nên
khi cộng tác với tờ Văn
Học ở hải ngoại sau này, tôi không bị bỡ ngỡ, và có cảm tưởng như
đã thân thiết từ lâu. Cũng là một cái tài khéo xử của một trong những vị chủ
báo văn nghệ lâu năm. Nguyễn Mộng Giác còn là người chung thủy, hết lòng với
văn học (viết thường và viết hoa), và giỏi lèo lái nữa. Kể từ khi kế nhiệm tờ Văn Học Nghệ Thuật và
sau đó cải đổi thành Văn
Học (khoảng 1986/87) từ tay Võ Phiến/Lê Tất Điều, đứng mũi chịu sào
là Nguyễn Mộng Giác. Lèo lái con thuyền
Văn Học qua phong ba cũng Nguyễn Mộng Giác. Ai cũng biết làm báo
văn nghệ tại hải ngoại thì chỉ có từ chết tới bị thương. Vậy mà anh gồng mình
chịu được cũng tài. Có những lúc đuối sức phải tạm trao y bát cho Hoàng Khởi
Phong, Khánh Trường, cho Trịnh Y Thư, Cao Xuân Huy . Nhưng rồi thuyền chưa tới
bến anh cũng đành chèo chống trở lại. Đó là cái tình, cái lòng của Nguyễn Mộng
Giác; bao hàm cả sự hi sinh trong đó nữa. Vác ngà voi mà không bị cơm nhà trách
cứ thì thật là nhất anh! Tròm trèm hai mươi năm đâu có ít ỏi gì!
Tôi
cũng biết ơn anh Nguyễn Mộng Giác và Văn
Học đã vui vẻ tiếp thu bài vở Hoàng Xuân Sơn từ những bước đầu hội
ngộ. Hầu như sáng tác nào gởi cho Văn
Học cũng được chiếu cố. Nhờ đó mà tôi có được chút phấn kích để
nuôi lửa (tịch mịch?), cộng tác với Văn
Học qua nhiều “triều đại” và còn thơ thẩn nhì nhằng cho tới giờ
này.
Tôi
định cư tại xứ tuyết Gia Nã Đại từ cuối năm 1981. Mãi tới năm 93, lần đầu tiên
tôi mới có dịp ghé thăm miền Cali nắng ấm. Lẽ dĩ nhiên là có liên lạc với ông
chủ báo và ghé thăm tòa soạn Văn
Học. Tôi đã được anh chị Giác/Chi niềm nở tiếp đón. Và được hưởng
một buổi dạ tiệc hội ngộ đông vui có đàn ca thơ phú với các bạn văn nghệ cũ mới
tại tư gia hai vị này. Nhớ có Nguyễn Xuân Hoàng/Trương Gia Vy, anh chị Mai Kim
Ngọc, vợ chồng Nghiêu Đề (hỡi ơi đây là lần cuối gặp bạn!), Quỳnh Giao/Nguyễn
Xuân Nghĩa, Phan Nhật Nam, Nguyễn Chí Kham . . . và nhiều bạn khác nữa. Hôm sau
còn được chị Diệu Chi cho ăn bữa cơm gia đình có mắm cà, dưa món và trách cá
nục kho đúng điệu Huế mền, ngon hết sẩy và không thể nào quên được.
Nguyễn
Mộng Giác là người ít nói, trầm ngâm, từ tốn đúng vẻ con nhà mô phạm. Tôi có
thể ăn nhậu bốc phét, suồng sã một tí với các bạn Cao Xuân Huy, Trịnh Y Thư,
Khánh Trưòng . . . Nhưng với anh Giác, vẫn còn một cái kẽ nhỏ giữ đâu đó. Tuy nhiên
không đến nỗi hời hợt quá, xã giao qua quýt. Trong chừng mực nào đó, chúng tôi
có thể ngồi lại bên nhau đàm đạo chuyện trên trời dưới đất, văn chương chữ
nghĩa, kể cả chuyện đời thường.
Khoảng
cuối năm 2004, tuổi đời và tình trạng sức khỏe không cho phép Nguyễn Mộng Giác
tiếp tục công tác văn học nữa. Anh chính thức giã từ vũ khí, trả lại ngà voi,
về ăn cơm nhà đuổi gà cho vợ. Và tờ Văn
Học cũng được trao tay, không biết lần thứ mấy, cho Cao Xuân Huy
với sự trợ giúp của Trịnh Y Thư (cũng vẫn hai chàng khinh binh tuyến đầu dễ
thương này). Phần tôi, bệnh trạng không kém, cũng bớt hăng hái văn nghệ văn
gừng, liên lạc mật thiết với các bạn văn như thuở ban đầu. Tuy nhiên, cứ mỗi
lần cầm tờ Văn Học
trên tay, tôi lại nhớ đến anh: Nguyễn Mộng Giác của một thời, Một Nhà Văn đúng
nghĩa với chức năng.
Con
người thàng hậu ấy!
Cuối
tháng tám hai nghìn lẻ sáu
No comments:
Post a Comment