Thursday, 26 July 2012

GS ĐH STANFORD KÊU GỌI ĐIỀU TRA VIỆC VN BẮT GIỮ 17 NHÀ HOẠT ĐỘNG TRẺ (VOA - BBC)




VOA
26.07.2012

Giám Đốc Chương trình Luật Quốc Tế và Đối Chiếu của Đại Học Stanford ngày 25/7 gửi đơn lên Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện (UNWGAD) đặt vấn đề về việc Việt Nam bắt giữ phi pháp và giam cầm 17 nhà hoạt động xã hội-chính trị trong nước.

Thỉnh nguyện thư do Giáo sư Allen Weiner đệ nạp yêu cầu Ủy Ban UNWGAD thúc giục Hà Nội phóng thích ngay lập tức tất cả những người bị giam giữ để khắc phục những vi phạm nhân quyền liên quan tới việc bắt giữ và giam cầm tùy tiện.

Thông cáo đăng trên website của Trường Luật Đại học Stanford nhấn mạnh 17 nhà hoạt động đang bị giam cầm đã bị vi phạm các nhân quyền căn bản, trong đó có quyền tự do bày tỏ ý kiến, hội họp, và lập hội.

Thỉnh nguyện thư gửi cơ quan Liên Hiệp Quốc chuyên điều tra về tình trạng bắt giam tùy tiện cũng nêu rõ 17 nhà hoạt động này còn bị vi phạm quyền được có quy trình tố tụng thích hợp và quyền được xét xử công bằng mà thế giới đã đảm bảo trong Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị và trong các văn bản luật pháp quốc tế khác.

Những vi phạm luật pháp quốc tế đó bao gồm bắt giữ mà không có lệnh, giam cầm dài hạn trước khi xét xử mà không lập cáo trạng, ngăn cản không cho người bị giam được tiếp xúc với luật sư và thân nhân trong suốt quá trình bị tạm giam.

Theo Giáo sư Weiner, 17 nhà hoạt động bị bắt giữ chỉ vì họ tham gia các hoạt động kêu gọi nhà nước Việt Nam phải cải thiện nhân quyền và công bằng xã hội, trong đó có những bức xúc về môi sinh, y tế, luật pháp, chính trị, đất đai, và tham nhũng.

Giáo sư Weiner nói các nhà nước như Việt Nam đang dùng hệ thống luật pháp của họ để bóp nghẹt những hình thức phản đối các rào cản phi pháp cũng như các hành vi vi phạm nhân quyền của nhà nước, và thỉnh nguyện thư nộp lên Ủy Ban Điều Tra của Liên Hiệp Quốc về Việc Bắt Giữ Tùy Tiện nhằm vạch trần thủ đoạn đáng báo động đó.

17 nhà hoạt động Công giáo trẻ có liên hệ với Dòng Chúa Cứu Thế bị bắt vì bị tố cáo vi phạm các điều luật như ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ và ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

11 người trong số này bị cáo buộc là thành viên của đảng Việt Tân, một tổ chức đấu tranh cho dân chủ Việt Nam có trụ sở ở hải ngoại mà Hà Nội gọi là ‘tổ chức khủng bố’.

Nếu thỉnh nguyện thư được Ủy ban UNWGAD chấp thuận, nhà nước Việt Nam có cơ hội hồi đáp trước khi Ủy ban ra quyết định về vụ việc, trong đó có thể có những khuyến nghị với Hà Nội về trường hợp của những nhà hoạt động này.


BBC
Cập nhật: 10:13 GMT - thứ năm, 26 tháng 7, 2012

Lá đơn nhân danh 17 người Công giáo và Tin Lành bị bắt giữ

Chương trình Luật Quốc tế, thuộc Đại học danh tiếng Stanford của Hoa Kỳ, vừa gửi kiến nghị lên Nhóm Công tác về giam giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc nhân danh 17 thanh niên Công giáo và Tin Lành đang bị giam ở Việt Nam.

Giáo sư Allen Weiner, Đồng Giám Đốc Chương trình Luật Quốc Tế và Đối Chiếu của Trường Luật Stanford, nhận làm luật sư cho những người đứng đơn thỉnh cầu.

Trả lời từ Hoa Kỳ, ông Allen Weiner giải thích vì sao ông tin rằng chiến dịch này sẽ có tác động đến chính quyền Việt Nam:

Allen Weiner: Việc sử dụng điều 79 và 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, ít nhất như cách Việt Nam sử dụng với những nhà hoạt động này, vi phạm luật nhân quyền quốc tế.
Nếu Nhóm Công tác LHQ xác nhận điều này, chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tuân thủ nghĩa vụ quốc tế bằng việc thả họ, và trong tương lai không còn lạm dụng quyền lực dựa trên luật trong nước. Và ngay cả nếu Việt Nam không chịu tuân thủ, ý kiến có lợi từ Nhóm Công tác có thể giúp vận động những phía khác – các tổ chức phi chính phủ (NGO), tổ chức quốc tế và các nước có quan hệ quan trọng với Việt Nam – để đòi Việt Nam tôn trọng các ràng buộc nhân quyền.
Việc này có thể cho Việt Nam một số lý do thực tiễn để ngừng lạm dụng hệ thống luật pháp.

BBC: Về mặt thủ tục, Nhóm Công tác LHQ sẽ xem xét lá đơn của ông như thế nào?
Allen Weiner: Nhóm Công tác về giam giữ tùy tiện của LHQ là một cơ quan độc lập gồm các chuyên gia hoạt động dưới quyền Ủy ban Nhân quyền LHQ. Họ sẽ chuyển đơn cho chính phủ Việt Nam để nghe bình luận. Thông thường họ yêu cầu có trả lời trong vòng 90 ngày.
Nếu Việt Nam trả lời, Nhóm Công tác sẽ chuyển lại phản hồi cho người đứng đơn và yêu cầu cung cấp hồi âm về bình phẩm của chính phủ Việt Nam.
Khi đã sẵn sàng ra quyết định, Nhóm Công tác sẽ có bình luận, không mang tính ràng buộc, là liệu những người này đã bị giam cầm tùy tiện hay không.
Nếu Nhóm Công tác thấy rằng họ đã bị giam cầm tùy tiện, họ sẽ gửi thư kiến nghị cho chính phủ Việt Nam.

BBC: Vì sao toàn bộ 17 người được ông đề cập trong đơn đều liên quan Dòng Chúa Cứu Thế mà không phải những trường hợp khác?
Allen Weiner: Chúng tôi gửi đơn đại diện cho những người đã tìm đến tôi nhờ giúp đỡ.
Bản thân tôi không lựa chọn đại diện cho những ai từ những người có thể đã bị giam cầm tùy tiện ở Việt Nam.
17 người này có điểm chung là chính phủ Việt Nam bắt giữ họ trong một phần cuộc tấn công vào những người hoạt động thông qua mạng xã hội, gồm cả hình thức báo chí công dân và viết blog, cùng hoạt động đào tạo liên quan.
Họ đều tham gia vào những hình thức hoạt động hợp pháp mà chính phủ Việt Nam dường như thấy bị đe dọa và tìm cách trấn áp.

BBC: Ông có chia sẻ quan điểm của một vài dân biểu Mỹ gần đây, như ông Frank Wolf, cho rằng chính phủ Mỹ nhẹ tay với Việt Nam trong vấn đề nhân quyền?
Allen Weiner: Tâm điểm lá đơn của chúng tôi xoay quanh hành vi của chính phủ Việt Nam, chứ không phải Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, nếu Nhóm Công tác LHQ kết luận rằng việc giam giữ các nhà hoạt động này vi phạm luật quốc tế, tôi hy vọng chính phủ Mỹ sẽ ủng hộ nỗ lực giúp trả tự do cho họ.

BBC: Việt Nam luôn nói các tổ chức phi chính phủ đặt ở nước ngoài và tổ chức của Việt kiều muốn chính trị hóa nhân quyền. Ông trả lời thế nào?
Allen Weiner: Các chính phủ cấm đoán nhân quyền có hệ thống và thường xuyên luôn nói các NGO vận động cho nhân quyền đang chính trị hóa vấn đề, hay can thiệp công việc nội bộ.
Đó là cách đánh lạc hướng khỏi thực tế. Chính phủ Việt Nam đang dùng quyền lực nhà nước, lạm dụng hệ thống tư pháp để hạn chế quyền dân sự và chính trị của công dân.
Những quyền này không phải do người ngoài áp đặt cho Việt Nam mà dựa trên Hiệp ước quốc tế mà Việt Nam chấp nhận.
Điều đang bị chính trị hóa ở đây là hệ thống tư pháp Việt Nam. Luật pháp và tòa án đang bị dùng làm công cụ của chính thể để đàn áp hoạt động chính trị, xã hội, đe dọa những người kêu gọi dân chủ hay phản đối chính sách của chính phủ.







No comments:

Post a Comment

View My Stats