Tuesday 17 July 2012

ĐÊM NHẠC HOÀNG NGỌC TUẤN : CÁNH CHIM TÌM BIỂN LỚN (Phan Tấn Hải)




07/17/2012

Đêm nhạc Hoàng Ngọc Tuấn không chỉ đã hiển lộ những độc đáo riêng của nhạc sĩ, cũng là nhà nghiên cứu âm nhạc, từ Úc Châu tới, mà cũng cho thấy một bước chuyển mình của Viện Việt Học khi mời gọi trân trọng với nghệ thuật Việt như một phương thức quảng bá Việt Học.

Đêm nhạc hôm Thứ Bảy 14-7-2012 của Hoàng Ngọc Tuấn đã để lạị nhiều cảm xúc sâu lắng cho khán giả, trong cả 2 phần: phần đầu, Hoàng Ngọc Tuấn hát những ca khúc của anh, mà anh gọi là những ám ảnh về sự ra đi, về sự chia lìa, về sự đánh mất quê hương ngay cả khi chân anh còn đặt trên bờ cát Nha Trang, về những năm tháng lưu vong như cánh chim không để lại đường bay, về những người tìm về với VN và rồi bị nhà nước CSVN trục xuất như trường hợp của GS Nguyễn Hưng Quốc và anh, về những khát vọng tự do khi bị bức bách ở quê nhà, và về những mối tình dang dở một thời ở quê hương vì không biết chiều nay phải ăn ở đâu và ngủ ở đâu; phần thứ nhì, Hoàng Ngọc Tuấn độc tấu Tây Ban Cầm những bài quen thuộc, và cả một bài anh ngẫu hứng để tặng khán giả, mà anh giảỉ thích là, “hết bài, là không nhớ hồi nãy mình đàn cái gì.”

Họa sĩ Ann Phong trả lời câu hỏi của Việt Báo, nhận xét rằng, “Nhạc Hoàng Ngọc Tuấn có rất nhiều sự thật, thật đến độ đi thẳng vào lòng mình tự nhiên... Chỉ có một guitar và tiếng hát, các ca khúc của Hoàng Ngọc Tuấn đã trang trải tâm sự của những người lưu vong đau đương trên hành trình tìm tự do.”

Hoàng Ngọc Tuấn cho biết anh đã tới Quận Cam nhiều lần, riêng trình diễn trên sân khấu Việt Học là 3 hay 4 lần, anh đã soạn được 500 ca khúc, nhưng anh chọn riêng những bài mang chủ đề ra đi, lưu vong, hành trình tìm tự do cho đêm nhạc hôm Thứ Bảy, vì anh luôn luôn bị ám ảnh bởi sự ra đi, bởi sự lưu vong... vì anh không quên được những ngày ngộp thở ở quê nhà, và không quên được hàng trăm ngàn người Việt đã vùi thân dưới biển.

Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn tại Viện Việt Học hôm Thứ Bảy 14-7-2012.

Anh khởi đầu đêm nhạc bằng một ca khúc về nỗi ám ảnh khi còn ở Nha Trang:

Tôi vẫn ngồi nơi đây nơi hiên nhà
nhưng tôi đã đi xa...
Tôi vẫn nằm đây dưới ngôi nhà này
nhưng tôi đã đi xa rồi...
Ôi thành phố như mộ đá
không một chuyến xe nào qua
tôi không hề nói câu từ giã
...(hết trích)

Hoàng Ngọc Tuấn cũng kể rằng, và thời tuổi hai mươi ở quê nhà, anh không dám yêu ai, hay có yêu thì không dám nói, hay dám nói mà không dám làm gì cả, “vì tôi không biết hôm nay tôi sẽ ngủ ở đâu và làm gì...”

Ca khúc “Yêu Nhau Như Chim Bay” được Hoàng Ngọc Tuấn hát với những dòng trích sau:

...Như bông hoa qua đêm vừa thức giấc
như con chim thơ ngay vừa biết hát
ta yêu nhau vì mới biết trên môi một lời nói êm đềm
mình nói sẽ còn yêu mãi...
Như hôm qua không bao giờ đến nữa
như hôm nay yêu nhau rồi sẽ mất...
Từng nụ cười trên môi sẽ mãi mãi không phai...(
hết trích)

Đặc biệt, nhạc Hoàng Ngọc Tuấn cũng có cảm hứng từ Kinh Phật. Anh kể là có một lần đọc trong Kinh Phật, khi một chành thanh niên hỏi rằng thế nào là bậc Bồ Tát, Đức Phật đã trả lời rằng không có ai vẽ được đường bay của chim, nhưng khi đêm về, chim vẫn tìm về tổ mà không hề lạc.

Từ đó, Hoàng Ngọc Tuấn nói, không ai xóa được đường đi của anh, và đó là ca khúc “Đố Ai Xóa Được:”
Cánh tay là cánh chim trời, ta bay ta bay...

Báng ta tựa bóng mây trời
bước chân ngọn gió ngang trời...
Ai vẽ được đường bay cuả chim
ai vẽ được màu sắc của mưa
ai vẽ được hình bóng của mây
ai vẽ được bàn chân của gió
đố ai buộc cánh chim trời...(
hết trích)

Hoàng Ngọc Tuấn kể rằng anh có một ca khúc từ một ám ảnh khi đọc thơ của Rainer Maria Rilke, khi đọc về hình ảnh một người sau bữa ăn tối đã đứng dậy, bước đi và không bao giờ về lại ngôi nhà của mình nữa... để lại những người con ngồi chờ đợi.

Hình ảnh bi thảm của kiếp người được Hoàng Ngọc Tuấn ghi lại trong ca khúc:

Một người sau bữa ăn chiều
đứng dậy rồi đi, đi mãi không về
vì một ngôi giáo đường Đông Phương
những đứa con cầu nguyện...
(hết trích)

Hoàng Ngọc Tuấn kể rằng, anh không quên hình ảnh hàng trăm ngàn vùi thân đấy biển, và anh hình dung rằng một triệu năm sau, khi địa cầu đảo lộn, núi thành đáy biển và đaý biển trồi lên thành ruộng đồng... Sẽ có một nông dân, trong khi đi cày, lượm được một khúc xương của người vựợt biển một triệu năm trước, cầm ống xương lên suy nghĩ, và thổi như một ống sáo. Âm thanh lúc đó tuyệt diệu bất ngờ. Những người nông dân sẽ nói rằng xương ống đó là của một loaì vượn nâu cả triệu năm trước, một thời sống như ở thiên đàng, nơi của hòa bình và yêu thương cho nên phát ra tiếng sáo êm dịu như thế. Lúc đó, cũng có người bàn rằng lóng xương đó là xá lội của bậc thánh nào đó, và bàn nên đưa lên bàn thờ. Họ không ngờ rằng, xương đó là từ những chuyến ra đi đầy đau đớn....

Không ai làm chứng cho những cái chết đi tìm tự do như thế. Anh nói, và nhạc của anh cũng là một lời chứng cho hàng triệu lóng xương dưới lòng biển đó. Ca khúc “Lóng Xương Hóa Thạch” của Hoàng Ngọc Tuấn mang hình thức đối đáp giữa một người nam và một người nữ.

Này anh thân yêu, đến một ngày nào
đỉnh non cao biến thành đại dương
Này anh thân yêu, chắc hẳn loaì người
ngàn triệu năm sau, hết còn khổ đau...(
hết trích)

Hoàng Ngọc Tuấn kể, những ngày còn bé anh thường tới thăm Thầy Tuệ Sỹ. Khoảng năm 1986, anh nghe tin Thầy bị án tử hình, nên cùng các bạn văn nghệ, như Thường Quán và Võ Quốc Linh, cùng đồng bào lái xe lên Canberra, thủ đô Úc, biểu tình đòi tự do cho Thầy và cho tất cả những người đòi hỏi quyền tự do tôn giáo.

Trong đêm đó, Hoàng Ngọc Tuấn phổ nhạc bài thơ “Tôi Vẫn Đợi” của Thầy Tuệ Sỹ:

Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù, tha thiết mãi
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông trào máu lệ quê cha...
(hết trích)

Đêm nhạc Hoàng Ngọc Tuấn là một thành công lớn với những xúc động sâu sắc. Khán giả Viện Việt Học cũng là thành phần chọn lọc, hầu hết là các học giả, giáo sư và sinh viên về tham dự hai ngày “Hội nghi Tiếng Việt: Việc Bảo Tồn Tiếng Việt Trong Gia Đình Việt Nam Ở Hải Ngoại vào Thứ Bảy 14-7 và Chủ Nhật 15-7-2012.

Khi tiếng đàn ngưng lại, lời ca Hoàng Ngọc Tuấn vẫn còn âm vang trong lòng người, những người may mắn không để lại một lóng xương cho cả triệu năm sau... Cảm ơn Hoàng Ngọc Tuấn, anh đang hát cho nhiều triệu người im tiếng.

Được biết, tiền góp được từ đêm nhạc Hoàng Ngọc Tuấn, và từ buổi ra mắt các tác phẩm của GS Nguyễn Hưng Quốc hôm cuối tuần đều trao tặng Viện Việt học.

Phan Tấn Hải

GHI CHÚ:
Nhiều sinh hoạt của Viện Việt-Học đang cần góp sức, cần hỗ trợ và bảo trợ từ mọi giới. Độc giả quan tâm có thể liên lạc với Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St., Suite 222 - Westminster, CA 92683. Tel (714) 775-2050 // www.viethoc.com




No comments:

Post a Comment

View My Stats