Saturday, 21 July 2012

DÂN NGU và NGU DÂN (K. N.)




K. N.
22-7-2012

Không tình cờ, tôi bắt gặp hai ông bạn đang trao lời với nhau.
- Dân mình sao mà có người ngu thật!
- Ấy! Xin ông. Nhân dân ta anh hùng, thông minh, cần cù, đoàn kết trong chiến đấu sản xuất, cởi mở mến khách, vân vân và vân vân. Mãi mà ông chẳng thuộc sao? Không khéo người ta sẽ bảo chính ông mới là ngu đấy!
- Tôi không nói chung chung. Tôi nói cụ thể như ở Thanh Hóa, báo chí mới phanh phui một “quả đắng”. Mấy thằng cha Trung Quốc nào đó vào xin thuê đất để làm ăn thực ra là để đào trộm cổ vật. Người mình được thuê làm việc cho chúng thấy chúng giở bản đồ ra nom dòm rồi đào lên những lọ, những chum, … , mà thường làm về đêm, rồi mang đi đâu không biết; vậy mà vẫn ngậm tăm, ngửa tay nhận tiền công rẻ mạt của chúng. Cho đến lúc chúng cuốn xéo lúc nào chẳng hay, để lại một đống nợ nần cho dân bản địa.
- Thế thì … là quan ngu chứ! Cho chúng vào, rồi để mặc chúng muốn làm gì mặc sức! Vừa dốt lại vừa nát.
- Ý ông muốn nói vừa kém khả năng lại vừa tham nhũng chứ gì? Các nhà chức trách và chức năng của ta, trong những trường hợp như thế này, chỉ sơ suất vì cả tin thôi, lại quá bận nữa. Chắc chẳng có gì mờ ám ở đây đâu.
- Vậy ở Bình Thuận, chúng cho các quan đi “nghiên cứu, học tập” bên nước chúng để rồi các quan phê duyệt cho chúng mua đất phi pháp tính chuyện làm ăn lớn là sao?
- Ờ, thì cũng có những con sâu, nhưng không phải như ông nhìn đâu cũng nhung nhúc những sâu. Ông chẳng thấy, Úc rồi Nhật phát hiện ra công ti của nước họ đút lót các quan nhà ta, vậy mà nước “anh em” Trung Quốc chiếm đến 90% số thắng thầu ở nước ta, cấm có tai tiếng gì.
- Ấy đấy! Đó là vấn đề. Mấy nước tư bản “giãy chết” kia “dở hơi”. Kinh doanh kiếm chác lợi nhuận mà còn muốn sòng phẳng, cạnh tranh lành mạnh! Nước “anh em” của ta rất khác đấy. “Người của đại quốc làm ăn ở nước ngoài, sao cho thu được lợi nhuận, càng bộn càng tốt, lại có cơ phá ruỗng đất nước người ta, không khuyến khích, nâng đỡ thì thôi, ai lại đi vạch áo cho người xem lưng!”. Tay bợm Tàu giở trò ở Thanh Hoá, đố nhờ “bạn” lôi cổ về hộ để đòi lại những gì bị cuỗm đi đấy! Còn tay bợm Tàu ở Bình Thuận, ta làm không khéo thì có cơ bị sứ quán, lãnh sự quán “bạn” can thiệp, kháng nghị “các người gây khó dễ cho việc làm ăn chính đáng của công dân nước chúng tôi”!.
- Thôi! Chuyện đó để sau. Tôi đang nói chuyện “dân ngu”. Ở Quảng Bình, chẳng phải chính dân mình cho bọn người Tàu ẩn náu trong nhà để toan tính việc mua lậu gỗ sưa đấy sao! Ở Cà Mau, chẳng phải dân mình tạo điều kiện cho bọn con buôn Tàu lừa cú “ngoạn mục” sao! Rồi chuyện tranh mua, tranh bán, ép giá, thả giá, tranh việc làm với người mình ngay trên đất nưóc mình. Rồi chuyện lũng đoạn trồng, nuôi (cây, con), thậm chí khó tin như nuôi đĩa, như “bẩn hoá” chè,… Rồi chuyện thu mua rễ cây hồi, gốc cây chè tuyết, móng trâu,… năm nào; thu mua chóp đầu đá tai mèo ở Hà Giang cách nay chưa lâu ngay khi có tin UNESCO đang tìm hiểu để công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên địa chất trong mạng lưới công viên địa chất toàn cầu; … Dân mình có túng đói cũng không nên để cho chúng nó “tung hoành” như thế được.

- Ông dùng từ “tung hoành” đúng quá! Không chỉ “tự do qua lại thao túng việc làm ăn”, “ngang nhiên khoanh biển nuôi trồng hải sản” ở những nơi “nhạy cảm”, mà còn dường như “muốn ở đâu thì ở”. Ở Hải Phòng, Ninh Bình, Bình Dương, … đã mọc lên những phố Tàu, làng Tàu. Rồi chẳng biết có sẽ hình thành những Chinatown, Chinavillage chính thức, những loại “tô giới” hiện đại bội phần nguy hại hơn những tô giới đế quốc trên đất Tàu trước đây không! Có một chuyện có vẻ “chẳng đáng gì” nhưng có thể rất không bình thường. Lần ấy, mấy người đi dạo bên bờ biển Đồ Sơn thấy một tay đang ung dung ngồi câu cá bèn lại bắt chuyện. Hắn ta thản nhiên lắc đầu thốt ra mấy tiếng Tàu nghe ra là “không biết tiếng Việt”. Lát sau, hắn ung dung đi xe đạp về thị trấn Đồ Sơn, chẳng có hành lí gì mang theo người. Hỏi mấy người dân Đồ Sơn, trong đó có công an, họ cũng lấy làm lạ. Rõ ràng anh ta là người ngoại quốc rồi. Anh ta từ đâu đến? làm gì? Ở đâu? Di đâu? v.v. Người Việt chúng ta sang Trung Quốc hẳn chẳng thể “ung dung” như thế được. Tất cả những chuyện có vẻ như “để trống đất nước” vậy ông cho là do dân?
- Chẳng phải sao? Dân là tai mắt của nhà chức trách.

- Đó cũng là một chuyện. Ngày trước chỉ một công an hộ khẩu phụ trách một tiểu khu (tương đương một phường bây giờ) mà hầu như ở đâu xảy ra trộm cắp, cờ bạc, hút xách, đĩ điếm, ngứời lạ, … đều nắm được, nhờ dân. Ngày nay, mỗi phường có bao nhiêu công an? Bao nhiêu bảo vệ dân phố? Tại sao dường như dân người ta mặc kệ? Hay người ta khó trông cậy anh, chẳng mấy tin tưởng anh? Nói như ông thì hoá ra dân trí bây giờ đâm ra thấp đi, ngu đi nhỉ.
- Có lẽ vậy. Trước đây đã được giảng rằng dân trí ta cao: dám đứng ở tuyến đầu chống đế quốc và đi theo con đường tiền tiến của thời đại. Mà nay… Lại còn những chuyện như “đua nhau làm dâu” nước người, một kiểu “bán mình”, không là ngu đi ư?
- Vâng. Chuyện “làm dâu” ấy, do các cô và thân quyến của các cô “ngu”, họ ngu vì nghèo và hèn; họ ngu vì “trình độ thấp”. (Nhưng thưa ông, đó còn là nỗi nhục, không chỉ của riêng họ, mà của cả chúng ta, của dân tộc này, của đất nước này!). Vấn đề là ai đã để cho họ ngu, hoặc làm cho họ ngu, như thế? Nữa, chính quyền “của dân, do dân, vì dân”, lẽ nào lại để con dân mình “bán mình” như vậy? Dể những “bà mối”, những mụ Tú bà kiểu mới, tự tung tự tác? Còn các đoàn thể chính trị, vốn được đề cao là lắm vai trò, họ ở đâu những lúc ấy? Họ vô trách nhiệm, vô cảm hay vô lương? Xem ra, chuyện “dân ngu” không đơn giản chỉ là dân ngu!
Có những kẻ chẳng phải là nghèo (còn “hèn” lại là chuyện khác), “trình độ” không gọi là thấp, có vai vế hẳn hoi, mà lại “bán mình”, tất nhiên là theo kiểu “VIP”, ông có gọi họ là dân ngu không?
- Ờ, bọn họ có là dân ngu không nhỉ?
Mà khoan! Ngẫm “phó thường dân” chúng ta, nói thật, tự tôi cũng thấy mình thậm ngu.

Ngày trước thấy quân Trung Quốc sang giúp làm đường để ta rảnh tay đánh Mĩ thấy “ông anh hai” thật tử tế, hào phóng, đúng là vĩ đại. Chúng dân nước ta chắc cũng nghĩ thế nên mới để cho “bạn” tha hồ làm gì thì làm, thậm chí còn vô tình tiếp tay. Về sau mới vỡ lẽ ra rằng “bạn” đòi đưa quân sang đánh “giúp” nên buộc phải nhờ làm đường cho họ không phật ý. Vậy là dân ngu vì không được biết, vì trên giấu dân.

Việc giấu dân thì nhiều lắm. Từ việc “nhỏ” như “xử lí nội bộ” cho đến việc rõ ràng là chẳng hề nhỏ như việc đàm phán về biên giới (ngay các chuyên gia mấy ai được biết, dẫu có những việc trái lè lè ra dân thường cũng thấy).
Chúng ta luôn luôn được nghe nói quần chúng, nhân dân làm nên lịch sử thấy sướng cái bụng: là mình trong đó chứ ai! Là anh ư? Tôi ư? Hãy là những cái chấm trong đám đông, chớ là những cá thể vượt ra ngoài “lề thói”! Nên nhớ “mọi cái đã có trên lo” (Chẳng rõ “trên” là ai? Là những ai? Ở đâu?). Như năm 1988, Bắc Kinh giết quân ta, chiếm đảo của ta ở Trường Sa mà có vị cấp trên còn trấn an và huấn thị: “Các đồng chí cứ lo công tác của mình, mọi việc đã có trên lo”. Ỷ vào trên lo, cho đến đỗi một ông bí thư vô tư bảo: “Mấy cái bãi chim ỉa giữa biển khơi vô chủ, trên đã tính cả”! Vậy là “đã có trên lo” làm cho dân ngu đã đành mà còn làm cho chính quan cũng ngu!

Có hồi, chúng ta sống “phơi phới” trong gian khổ, cả trong nghèo khổ, nhờ vào niềm tin. Có niềm tin, sống tốt hơn, làm tốt hơn. Song, quá tin là (dân) ngu; làm cho dân chỉ biết tuân theo là ngu dân. Có những hành xử ngu rất hồn nhiên, “dễ thương” nữa. Họa sĩ T.V. được “trên” cử đứng ra giới thiệu cách làm sơn mài cho một giáo sư Trung Quốc, ông đã tận tình chỉ vẽ và vị giáo sư nước bạn cũng tha thiết bỏ luôn bữa ăn trưa để tiếp thụ. Sau này, hàng sơn mài của ta có một đối thủ đáng gờm, hoạ sĩ lắc đầu cho biết vậy. Phải chăng giá như dân ta bớt “tuyệt đối tin tưởng” đi!

Ngu dân, không chỉ dân ngu lãnh đủ, mà còn là cái họa cho đất nước, cho giống nòi. Từ hàng xấu, hàng giả, hàng độc thẩm lậu vào (do dân buôn thì ham lợi, dân mua thì ham rẻ, các nhà chức trách thì bỏ mặc, dung túng hoặc tiếp tay), đến những “hàng” của quyền lực mềm, trực tiếp hoặc gián tiếp, nhan nhản trong đời sống, trong xã hội (trên sách báo, phim ảnh; trong cách hành xử, đối phó với dân, với “bạn”; … ).
Đức tin là cốt lõi của tôn giáo, dẫu là “thuốc phiện của nhân dân” thì cũng là chỗ dựa tâm linh những lúc nào đó. Tuy nhiên, mê tín cách tín ngưỡng một ranh giới mong manh, dễ sa vào hơn, và thường cặp với dị đoan. Tôn giáo hướng người ta tới Niết bàn, Thiên đường, cái đích siêu hình để con người phấn đấu cho cuộc sống tinh thần tốt hơn, ít ra thì cũng được cảm thông, khích lệ, an ủi, giải toả những khi cần thiết. Ngày nay, rất nhiều người, nếu không nói là hầu hết, cầu đến các vị linh thiêng chủ yếu là để được ban danh vị, tài lộc theo lối xin xỏ, hối lộ các ngài, kiểu “dương sao, âm vậy”. Phải chăng sự vỡ mộng về lí tưởng “xây dựng thiên đường nơi hạ giới”, một mục tiêu tưởng là “duy vật biện chứng” mà xem ra là “duy tâm siêu hình”, xây dựng trên một niềm tin ban đầu là “trần thế” dần dà nhuốm màu “tôn giáo cực đoan”, đã làm cho đạo đức hành xử và lối sống tha hoá nhanh và mạnh hơn khi mất đức tin một tôn giáo chính tông?
Sự dối trá triền miên có thể làm cho người ta mụ đi, ngu đi, nhưng cũng có thể phá ruỗng những gì lẽ ra là tốt đẹp?

* * *

Chuyện của hai ông bạn – dân ngu và ngu dân – xem ra khó bàn phân minh.

Xưa kia, dân ta “ngu” nên bị ngoại bang đô hộ và hầu như cam chịu. Làm cách mạng rồi mà vẫn “bé nhỏ”, “ngu ngơ”, nên số báo Nhân Dân nào của đảng cũng có mục “hướng dẫn đọc báo Nhân Dân”. Dân tiếp nhận tự nhiên, và có lẽ còn hàm ơn. Những lúc này, gần như quen miệng và quen tai những lời như “được đóng thuế”, “ơn Dảng, ơn Chính phủ”, … Đến lúc dường như dân đã “trưởng thành”, báo thôi phải “hướng dẫn” đọc; song, cũng dường như, “trên” thấy vẫn còn phải “chăm nom, dìu dắt”, không tin dân tự làm chủ, dẫu khẩu hiệu “nhân dân làm chủ” luôn luôn được giương cao. Có nhiều cái dân không được biết dù chẳng là bí mật quốc gia; có nhiều cái dân không cần biết, hoặc không nên biết dù thuộc phạm vi quyền hoặc lợi của họ. Dường như người ta nghĩ “an dân” là làm cho dân biết an phận! (Nhân đây, xin kể một chuyện “nhỏ”: một bạn văn tình cờ người “dân tộc”, vốn là bác sĩ sau từng làm trưởng ban tuyên giáo một tỉnh biên giới phía bắc nói với người viết bài này rằng : “Năm 1979 giá như ‘trên’ tin dân chúng tôi thì quân xâm lăng Trung Quốc bị khốn khó hơn nhiều”).

Cảm thấy một điều: “trên” rất tự tin, quá tự tin. Lần nào đó, tại một cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc, nhà văn hoá N.K.V. đề nghị hoạt động thông tin không nên chỉ một chiều truyền đạt, giải thích, tuyên truyền mà cần phải có phản biện, phản hồi (ý kiến dân). “Tiếp nhận” ý kiến đề đạt này là lời phán của một “trên” rất cao: Hơi đâu mà tranh luận những loại như thế. Còn vị “trên” của Ban Tuyên giáo thì thẳng thừng: Một anh đồ Nghệ lên mặt dạy Dảng ta phải làm thế này, thế nọ.

Rồi một lúc nào đó, không chỉ không tin dân mà có thể đi đến chỗ cảnh giác với dân, thậm chí sợ dân. Nếu đến nước này thì e rằng sự “tự tin” đã yếu đi hoặc thiếu lắm.

Có mấy lối để có được lòng dân. Bằng mị dân. Bằng ngu dân. Bằng thực sự “của dân, do dân, vì dân”. Hai lối đầu, vì quyền lợi của một số người hoặc của một số nhóm người, lịch sử nhân loại cho thấy có thể thành công nhưng kết cục chẳng bao giờ tốt đẹp và thảm hoạ người dân phải lãnh đủ.

Phải chăng như ai đó nói rằng: làm ngu dân thì chính mình cũng ngu đi, hoặc do mình vốn ngu!

* * *

Giới lãnh đạo Trung Cộng cũng có chính sách ngu dân. Một trong những thủ đoạn ngu dân nham hiểm nhất là kích thích chủ nghĩa dân tộc cực đoan đại Hán. Hồi trước, để chống giới lãnh đạo Liên Xô xưa, họ “dạy” cho dân họ căm thù, ghét bỏ những gì dính dáng đến Liên xô. Có một chuyện khá là hài hước. Hai người Việt đi xe đạp gặp mưa trên một chặng đường lầy lội ở Yên Bái gặp một chiếc xe tải rỗng của quân “bạn” giúp làm đường đi cùng chiều bèn xin đi nhờ. “Bạn” đồng ý nhưng nhất định không chịu cho một trong hai chiếc xe đạp lên vì chiếc đó do Liên Xô sản xuất. Hài hước thật nhưng đáng buồn cho nhân tính, một biểu thị mông muội của nhân loại vào thế kỉ 20! Thế mới biết phương lược ngu dân có thể dẫn con dân đến những vực sâu tăm tối nào! Vậy cho nên chẳng lấy làm lạ là không ít người dân Trung Quốc vẫn tin rằng cuộc xâm lăng Việt Nam năm 1979 của Bắc Kinh là “phản kích tự vệ, vẫn tin rằng Việt Nam xâm lấn biên giới, biển, đảo của họ. Điều đáng lấy làm lạ là các phương tiện truyền thông chính thức của ta im lặng trước luận điệu đó; còn nhà chức trách cho đục bỏ những gì “phạm huý” trên các tấm bia về cuộc chống xâm lược năm ấy! Điều cũng đáng lấy làm lạ là “trên” của ta phản ứng rất chậm, rất ít, rất yếu. Trong khi Bắc Kinh tận dụng mọi cơ hội, mọi phương tiện, mọi nhân lực có thể để “ngu dân” cả nhân dân thế giới. Cho nên rất cảm thông với một cô sinh viên của ta du học ở Mĩ. Trong một cuộc họp có mặt sinh viên Mĩ và nhiều nước khác, một nữ sinh viên Trung Quốc đăng đàn thuyết phục người nghe về “chủ quyền” của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa; cô sinh viên của ta uất ức phát khóc lên được nhưng chẳng biết phản ứng cách nào vì cô chẳng được trang bị gì cả. Sau đó, về nhà người Mĩ chứa chấp hai cô, trong bữa ăn cô sinh viên Trung Quốc lại thao thao giảng giải về chủ đề đó; cô sinh viên của ta tức quá bỏ luôn bữa ăn. Đáng thương cho con em chúng ta chứ không đáng giận. Bắc Kinh quan tâm hàng đầu trang bị cho dân, cho du học sinh của họ (cũng như cho những người của họ đi công tác nước ngoài hay có dịp tiếp xúc với người nước ngoài, kể cả các nhà khoa học ở trong và ngoài nước) không phải về chủ nghĩa Mác-Lênin, về chủ nghĩa xã hội, về đoàn thanh niên cộng sản, về tình hữu nghị này nọ, v.v. mà về quyền lợi “cốt lõi” của họ. Còn ta thiếu “nhạy bén” chăng? Thiếu nhạy bén ư?! Với người dân biểu tình chống Bắc Kinh lăng loàn, với người dân giữ đất sinh sống của họ, có thiếu nhạy bén không nhỉ?
“Mười sáu chữ vàng” và “bốn tốt” họ muốn ban cho ta như những “bài ru”, những liều thuốc ngủ.
Giới cầm quyền Bắc Kinh tất nhiên là hoan hô chúng ta “dân ngu”, càng ngu sâu và ngu lâu càng “hảo, hảo”. Còn nhân dân thế giới, dẫu muốn ủng hộ ta cũng khó mà cảm thông nếu chúng ta cứ ngu.

20-7-2012
K. N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.


No comments:

Post a Comment

View My Stats