Mặc Lâm, biên tập
viên RFA, Bangkok
2012-07-05
Bà Bùi Thị Minh
Hằng, người bị bắt vào trại Thanh Hà vì tội biểu tình chống Trung Quốc vừa phổ
biến một thư ngỏ gửi tất cả những ai quan tâm đến tình hình đất nước, dân chủ
nhân quyền nhằm báo động việc công an
và chính quyền tiếp tục sách nhiễu bà bằng nhiều cách kể cả bắt bớ trái phép và
có dấu hiệu vu oan cho bà là tàng trữ ma túy. Trước các động thái nghiêm trọng
này bà Hằng cho biết là sẽ tự thiêu để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho dư
luận thế giới.
Mặc
Lâm có cuộc phỏng vấn bà để tìm hiểu thêm nội dung câu chuyện.
Nụ cười vẫn trên môi
chị Bùi Thị Minh Hằng - Hôm được trả tự do .
Courtesy NXD
Thủ
đoạn chụp mũ và khủng bố tinh thần
Mặc Lâm: Thưa bà, chúng tôi
vừa nhận được thư ngỏ của bà trình bày việc công an vô cớ sách nhiễu bà liên
tục từ khi ra khỏi trại Thanh Hà tới nay chưa đầy hai tháng. Xin bà cho thính
giả biết thêm chi tiết.
Bà Bùi Thị Minh
Hằng:
Từ khi tôi được nhà cầm quyền buộc phải trả tự do từ cơ sở giáo dục Thanh Hà về
cho đến nay mới được chưa đến hai tháng nhưng cuộc sống của tôi luôn luôn bị họ
theo dõi. Tôi cũng đã có cái linh cảm này kể từ khi họ trả tôi về mặc dù trên
báo chí họ thông tin đến dân chúng là họ khoan hồng cho tôi nhưng cái cách thức
mà họ trả tôi ra khỏi trại thì ai cũng biết. Họ trói tay trói chân tôi và họ
làm những hành động mà mọi người đều biết là sự trả thù cùng cực khi mà tôi vẫn
còn trong tay họ dù chỉ một giờ, một phút.
Ngay
trên chuyến xe trả tôi về tôi đã nói với những người công an áp tải tôi rằng có
lẽ chính quyền này gọi theo lời các cụ ngày xưa nói là “chó đen giữ mực” vì họ
biết là làm sai, buộc phải thả tôi ra bởi sức ép đấu tranh của nhân dân trong
nước và ngoài nước, của dư luận quốc tế và ngoại giao nhưng họ vẫn cố tình hành
xử với một công dân như thế. Tôi biết trước một điều rằng họ không thể nào có
được một sự lương thiện trong vấn đề này. Tôi về nay đã được gần hai tháng
nhưng luôn luôn bị theo dõi. Tức là họ đã theo dõi tôi từ ngày họ thả tôi ra.
Bà Bùi Thị Minh Hằng
xuất hiện thường xuyên trong các cuộc xuống đường biểu tình vì chủ quyền của
Việt Nam. Courtesy Vietinfo
Mặc Lâm: Gần đây nhất công
an đã sách nhiễu bà như thế nào, cụ thể có gì nghiêm trọng lắm hay không? Chẳng
hạn tin tức mà chúng tôi nhận được bà là người đầu tiên bị bắt trong cuộc biểu
tình chống Trung Quốc vào ngày 1 tháng 7 vừa qua?
Bà Bùi Thị Minh
Hằng:
Gần đây nhất họ cố tình xâm phạm cuộc sống tự do của tôi. Vào ngày 1 tháng 7
tôi lên Sài Gòn thì cái ngày hôm đó nó trùng hợp do có lời kêu gọi biểu tình,
mà biểu tình chống Trung Quốc thì 11 cuộc biểu tình ở Hà Nội cho tới bây giờ
những người dân như tôi vẫn khẳng định rằng chúng tôi biểu tình để thể hiện lòng
yêu nước trước hiện tình đất nước hiện nay. Trung Quốc đã gây hấn rất công khai
trắng trợn, thậm chí còn mời thầu những lô dầu nằm trong chủ quyền của đất nước
Việt Nam. Đương nhiên chuyện đó người dân có quyền thể hiện tình yêu nước của
mình.
Thực
tế tôi lên Sài Gòn đã ba ngày và lúc đó tôi ra nhà ga để đón một cháu bé con
của một người bạn đến Sài Gòn vào lúc 6 giờ. Họ thừa biết trong giờ đó thì
chẳng ở đâu có biểu tình cả, vả lại đó là công việc hoàn toàn riêng tư của tôi
thế nhưng họ đã theo dõi và bắt tôi với phương thức bắt cóc.
Mặc Lâm: Bà nói là họ dùng
phương thức như bắt cóc, bà có thể nói thêm một cách chi tiết về việc này hay
không?
Bà Bùi Thị Minh
Hằng:
Họ chặn đầu xe taxi lại một cách rất côn đồ, họ a lô cho nhau đến trên một chục
con người cả trên xe hơi lẫn xe Honda. Cho đến khi về tới công an quận 3 thì
lực lượng của họ lên tới trên 20 con người ở đấy. Đối với cá nhân tôi tôi thấy
rằng mình không tưởng tượng nổi cách hành xử của họ nữa. Sau khi cưỡng ép tài
xế taxi đưa tôi về công an quận 3, tôi chất vấn lý do tại sao họ lại bắt tôi
thì họ nói ra miệng lý do rằng họ nghi ngờ tôi tàng trữ ma túy bởi vì họ được
báo như thế. Tôi cảm thấy phẫn uất vì đã có biểu hiện của người bắt tôi mà sau
này tôi biết được tên là Đoàn Văn Phúc. Tên này luôn luôn xông vào áp sát tôi
với những hành động thô bạo.
Sau 6 tháng trong
lao tù, chị Hằng trông ốm yếu, tiều tụy đi rất nhiều. Người mặc áo hồng là một
nữ An ninh Hà Nội tên Minh, chuyên theo dõi chị Hằng. Source Blog
Nguyenxuandien
Mặc Lâm: Bà phản ứng như thế
nào sau khi nghe họ nói là nghi ngờ bà có tàng trữ ma túy trong người?
Bà Bùi Thị Minh
Hằng:
Theo kinh nghiệm của những người đi trước, những người từng bị chính quyền, cơ
quan an ninh vu vạ, họ dựng lên những chứng cứ sai sự thực để bắt người. Tôi
cũng được biết cách tổ chức bắt tôi và những gì họ tuyên bố, những hành vi của
họ chỉ làm cho thấy họ muốn làm ra những chứng cứ ngụy tạo tuy nhiên hôm đó họ
không thực hiện được bởi vì thứ nhất tôi phản ứng rất dữ dội. Thứ hai trên
người tôi mặc một bộ quần áo bà ba không có túi gì cả nên họ không ném được các
thứ hàng quốc cấm vào người tôi.
Sau
đó tôi cương quyết phản đối không trở về khách sạn vì tôi nhớ vụ án của Cù Huy
Hà Vũ họ đã xông vào phòng để làm những điều như mọi người đã biết. Cho nên về
khách sạn vào giờ sáng sớm đó thì rất bất lợi cho tôi nên tôi cương quyết không
đi. Sau đó họ gọi điện thì một xe 7 chổ mang biển số 72 của an ninh Vũng Tàu ,
chỉ sau 5 phút thì họ chạy vào công an quận 3 và sau đó 5 người họ cưỡng chế
tôi, đẩy tôi lên xe và họ lái vòng vòng lên tới Biên Hòa, Bình Dương. Cho tới
gần 6 tiếng đồng hồ sau thì họ mới trả tôi về trước cổng nhà của tôi.
Mặc Lâm: Sau khi chở bà đi
lòng vòng như vậy tôi nghĩ là họ dùng phương cách cô lập bà với nhóm người biểu
tình và khi xong việc thì họ trả bà về nhà. Khi về tới nhà họ có để cho bà yên
hay vẫn tiếp tục theo dõi như trước đó?
Bà Bùi Thị Minh
Hằng:
Khi trả tôi về trước cộng nhà thì ở đó đã túc trực sẵn một nhóm an ninh, quay
phim chụp ảnh và họ đã mời rất đông công an phường, tổ dân phố và dân phòng
đứng chật trước cổng nhà tôi rồi. Qua những bằng chứng cho thấy cách tổ chức
bắt bớ đó tôi khẳng định một điều rằng đang có một chiến dịch đối với tôi và
ngày hôm nay tiếp tục xảy ra tình trạng cô Huỳnh Thục Vy và các em thanh niên
yêu nước bị bắt ở Sài Gòn...hai ba ngày hôm nay cho tôi thấy dấu hiệu là họ đã
có một kế hoạch rất ghê gớm trong việc ngụy tạo chứng cứ để tạo cho tôi một cái
tội gì đó để cưỡng bức tôi.
Tự
thiêu vì dân oan
Mặc Lâm: Bây giờ xin đi vào
vấn đề chính. Tại sao bà lại chọn con đường tự thiêu trong khi vẫn còn những
phương cách khác để cho dư luận biết những việc làm trái pháp luật của an ninh,
công an và chính quyền?
Bà Bùi Thị Minh Hằng: Tôi chọn con đường
tự thiêu vì thực sự trong một thời gian rất dài tôi đi khiếu kiện về chuyện mất
đất, mất nhà từ lúc đó tôi đã chứng kiến cách hành xử rất tồi tệ của chính
quyền dành cho người dân, nhất là những người được gọi là dân oan bây giờ. Trong
thời gian vừa qua toàn thể đất nước chúng tôi những người dân oan người ta
xuống đường biểu tình nhưng không phải mới bây giờ đâu, nếu tìm hiểu sâu vào
lịch sử các cuộc biểu tình của dân oan nhiều hơn các cuộc biểu tình chống Trung
Quốc rất nhiều lần.
Ngay
buổi chiều hôm nay tôi tiếp một cô gái thì cô này nói rằng cô từng đi đấu tranh
với dân oan trong 7 năm trời nhưng bây giờ thì cô nhận thức vấn đề hoàn toàn
khác. Trong 7 năm cô đi đòi công lý thì rõ ràng không có công lý trên đất nước
Việt Nam này cho nên thay vì tiếp tục đi đòi công lý thì cô sẵn sàng tự thiêu,
dùng cái chết của cô cho mục đích chung cho cả dân tộc phải dành được tự do dân
chủ và nhân quyền trước khi đất nước này có thể có pháp quyền.
Bởi
vì một đất nước không có tự do, không có nhân quyền thì người dân không bao giờ
có được pháp quyền cả. Có lẽ rằng quyết định của tôi không phải chỉ một mình
tôi mà hiện nay có rất nhiều người từ đấu tranh cho quyền lợi riêng tư của mình
khi đi sâu vào việc đấu tranh họ nhận lấy những hành xử bất công không luật
pháp đã đẩy họ vào con đường như thế, và họ đã ý thức cuộc đấu tranh cho đất
nước.
Mặc Lâm: Theo chúng tôi được
biết thì nhiều phái đoàn ngoại giao rất quan tâm theo dõi trường hợp của bà.
Các tổ chức nhân quyền thế giới cũng đã nhiều lên tiếng chính quyền về sự giam
giữ bà trái phép. Tại sao bà không chọn cách tỵ nạn chính trị như nhiều người
đã làm mà lại chọn con đường tự thiêu thưa bà?
Bà Bùi Thị Minh
Hằng:
Bản thân tôi xin thú thực với quý vị là từ khi tham dự đấu tranh đòi tài sản
gia đình thì lúc đó tôi đã có những phẫn uất và tôi đã tuyên bố nếu có tự thiêu
thì tôi sẽ tự thiêu vì dân oan. Thế nhưng cho đến thời điểm này tôi nghĩ rằng
nếu tôi không chọn phương cách đó thì có lẽ họ cũng không để cho tôi sống. Bởi
vì họ sẽ bằng mọi cách để bóp nghẹt tiếng nói đấu tranh của rất nhiều người kể
cả bàn thân tôi. Thế nên tôi không chọn con đường xin tỵ nạn chính trị. Tôi
cũng không chọn con đường chạy trốn bởi vì tất cả những người phải rời bỏ tổ
quốc để ra đi họ đều có những nỗi đau riêng của họ. Cho dù cuộc sống có đầy đủ
thì vẫn có những nỗi đau riêng.
Bản
thân tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đối với đất nước
và quê hương. Nhưng đến bây giờ chứng kiến cách hành xử của một bộ máy chính
quyền không hề vì dân. Những hành động từ bắt bớ giam cầm cho đến cách đối xử với
người dân trong sáu mươi mấy tỉnh thành cả nước thì đến giờ phút này tôi nghĩ
rằng tôi chọn cái chết để phản ứng lại và gióng lên một tiếng nói trước sự tàn
bạo của nhà cầm quyền bây giờ.
Tôi
biết ai cũng can ngăn và cho là nếu tôi chết thì đấy là sự thiệt thòi cho bản
thân tôi và phong trào đấu tranh nhưng tôi nghĩ rằng cái chết của tôi có thể
chuyển tải được đến công luận thế giới. Bản thân tôi là người xuống đường yêu
nước trong suốt gần một chục cuộc biểu tình trong năm 2011 và gần đây nhưng bị
người ta liên tục đàn áp bằng mọi phương cách, không cần tới luật pháp. Tôi đã
từng bị bắt bớ rất nhiều lần và tôi nghĩ rằng nếu tôi có sống trong xã hội như
thế này cũng không bao giờ được bình yên.
Tôi hy vọng rằng cái chết của tôi sẽ làm thay đổi và có
thể đem lại phần nào đó sự bình yên cho nhân dân và dân tộc của tôi.
Mặc Lâm: Xin cám ơn bà Bùi
Thị Minh Hằng với cuộc phỏng vấn hôm nay.
Copyright
© 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment