Benoît de Tréglodé
IRASEC: Đông Nam Á 2012 – những sự kiện chủ chốt
Đào Hùng dịch
23/07/2012
Tác giả
là giám đốc IRASEC (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á hiện đại) đặt ở Bangkok, Thái
Lan. Là tiến sĩ sử học, từng làm việc ở EFEO tại Hà Nội (1994-1997), ở Đại học
Budapest Hungary (1997-1998) và tham tán văn hóa ở Đại sứ quán Pháp tại Tokyo
(2005-2008), ông là tác giả của nhiều sách nghiên cứu về Việt Nam hiện đại. Bài
này đăng trên số chuyên san của IRASEC: Đông
Nam Á 2012 – những sự kiện chủ chốt (tr. 55-71).
------------------------
Vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa đang đè nặng lên quan hệ giữa Hà Nội
và Bắc Kinh, từ khi bình thường hóa năm 1991, mối quan hệ ngoại giao giữa hai
nước láng giềng không có gì thay đổi (1). Các cuộc thương thuyết Trung-Việt về
những bất đồng vẫn trì trệ từ 10 năm nay, và như một nhà ngoại giao Việt Nam đã
nói: “Những cuộc tranh luận đó không bao giờ chấm dứt, nó có thể kéo đến 100
năm!” Các thách thức về hàng hải trở thành vấn đề chiến lược của Việt Nam,
không phải chỉ vì bốn phần năm ngoại thương của Việt Nam đều đi bằng đường
biển.
Hồi 10 tháng 4-2011, mạng chính thức của Trung Quốc, Hoàn Cầu
Thời báo công bố một báo cáo về biển Hoa Nam (2), lần đầu tiên những con số
đưa ra về dự báo trữ lượng hydrocacbon đã đặt vùng này thành một vùng Vịnh thứ
hai - nghĩa là 25 lần trữ lượng của Trung Quốc về dầu lửa và 8 lần về khí đốt
(3) – tin đó tạo nên một cú sốc cho Hà Nội. Ngày 25 tháng 5-2011, hai tàu hải
giám Trung Quốc cắt dây cáp tàu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (gọi là
PetroVietnam) trong khi đang dò địa chấn ở vùng biển tranh chấp. Ngay lập tức
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động vi phạm chủ quyền, mở đầu
một cuộc khủng hoảng công khai giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Việt
Nam và Philippin. Bên trên sự căng thẳng đó, Trung Quốc và Việt Nam đều lần
lượt công bố các dự án phát triển Biển Đông, nhằm khai thác có kế hoạch kinh tế
khu vực, đồng thời nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng vũ trang để có khả năng
bảo đảm an ninh cho đòi hỏi của mình.
Các dự án phát triển Biển Đông
Đảo Hải Nam (được nâng thành đặc khu kinh tế của TQ năm 1988) có
vị trí chiến lước đối với Bắc Kinh vì không những nó nằm gần khu vực thăm dò
dầu khí sôi động, mà còn là cửa ngõ vào thị trường ASEAN mà TQ đã ký một hiệp
định tự do trao đổi đầu tiên (mở rộng các cảng Dương Phố, Bát Sở, Hải Khẩu và
Tam Á đều nhằm hướng về ASEAN) và còn vì nó nằm gần đường Xích đạo trở thành vị
trí lý tưởng để phóng vệ tinh. Đầu 2011, việc phát hành Báo cáo thưởng niên về
phát triển hải dương Trung Quốc tuyên bố phát động những chiến dịch mới khai
thác dầu khí ở quần đảo Hoàng Sa (TQ gọi là Tây Sa) và Trường Sa (TQ gọi là Nam
Sa). Năm 2006 chính phủ trung ương bổ nhiệm Vệ Lưu Thành, ủy viên Trung ương
đảng và giám đốc CNOOC (Trung Quốc Hải dương thạch du Tổng công ty) từ 1993 đến
2003, vào vị trí Bí thứ tỉnh ủy Hải Nam nhằm đẩy mạnh chiến lược phát triển đảo
này.
Tháng 11-2006, việc khánh thành nhà máy lọc dầu Sinopec ở Dương
Phố, cảng nằm về phía bắc đảo, không xa Hải Khẩu, đã nói rõ đường lối của các
dự án lớn được Bắc Kinh ủng hộ. Với khả năng 8 triệu tấn (TT), nhà máy lọc dầu
khai thác ở thềm lục địa khoảng 2 TT, cùng với dầu nhập khẩu từ châu Phi
(Nigeria) và Trung-Đông (6 TT). Xây dựng năm 1992, khu công nghiệp Dương Phố từ
nay sẽ trở thành tổ hợp dầu lửa quan trọng nhất vùng. Trong tương lai, nó sẽ là
trung tâm lọc dầu thô nhập khẩu, và xuất khẩu dầu đã lọc vào nội địa và đến thị
trường ASEAN. Về phía mình, CNOOC đã có mặt trong thăm dò dầu khí trên Biển
Đông, sẽ tham gia hoạt động bằng đầu tư 750 triệu euro để xây dựng điểm tập kết
khí đốt có dung tích khởi đầu là 2 TT năm. Đồng thời đảo này thu hút sự thành
lập nhiều dự án công nghiệp. Đã dự kiến xây dựng một tổ hợp 20 Km2 gồm
một nhà máy lắp ghép tên lửa thế hệ mới và trung tâm chỉ huy. Cuối cùng
TQ đã quyết định xây dựng ở Hải Nam căn cứ không gian thứ tư sau những căn cứ ở
lục địa tại Tửu Tuyền (Cam Túc), Tây Xướng (Tứ Xuyên) và Thái Nguyên (Sơn Tây).
Hải Nam quả là một địa điểm lý tưởng để phóng vệ tinh nặng vì nằm gần đường
Xích đạo, có thể tiết kiệm chất đốt và cải thiện an toàn không gian. Việc xây
dựng căn cứ này gần Văn Xương ở bờ biển phía đông đảo, được khởi công tháng
3-2008. Hải Nam đóng vai trò trụ cột trong tổ hợp công nghiệp và an ninh của
TQ, và Bắc Kinh không dung thứ cho VN cản trở tiến triển của những dự án phát
triển.
Một số quan chức VN không ngần ngại để nói đến “cuộc âm mưu” của
TQ trước những khó khăn ngày càng gia tăng mà họ vấp phải từ mấy năm nay để
ngăn chặn “sức ép của các nhà đàm phán TQ” về vấn đề phát triển kinh tế trên
Biển Đông. Nhiều cán bộ của VN đã thừa nhận, trong nội bộ, hy vọng thu hồi quần
đảo Hoàng Sa từ nay sẽ không thể thực hiện được nữa. “Ván cờ đã thua. Các quân
cờ của TQ đã đi quá xa trên quần đảo. Nếu nghĩ cho thực tế, thì VN không bao
giờ có thể thu hồi những đảo đó!”(4). Tuy nhiên, chế độ của Hà Nội vẫn tiếp tục
đưa các quần đảo tranh chấp thành một sự kiện quốc gia được truyền thông hỗ trợ
một cách khôn khéo. Việc bảo vệ chủ quyền VN trên các đảo đó dùng để củng cố
hình ảnh của Đảng cầm quyền, người chân chính và tự nhiên bảo vệ tổ quốc (5).
Đã có dự kiến thành lập một bộ Kinh tế biển, xuất phát từ lập luận Biển Đông là
tương lai của VN, và là hậu quả trong quan hệ tương lai với TQ.
Dự án phát triển du lịch Hải Nam
Với TQ, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) về hành
chính trực thuộc tỉnh Hải Nam. Tháng 12-2009, tỉnh ủy ĐCSTQ tỉnh Hải Nam đã đưa
ra một dự án phát triển kinh tế gồm ba giai đoạn (6): “Mở đầu công trường năm
2010, hoàn thành thay đổi các nhân tố du lịch cơ bản năm 2015, và hoàn thiện
các nhiệm vụ chủ chốt năm 2020”(7). Tất nhiên phải đặt việc phát động dự án đó
trong bối cảnh toàn thể, đó là phát triển kinh tế miền nam Trung Quốc. Dự án TQ
dự tính đưa Hoàng Sa thành một điểm du lịch “hàng đầu”. Đặt căn cứ tại Hải Nam,
chính quyền các đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa (8) chịu trách nhiệm quản
lý ba quần đảo đó. Dưới sự chủ trì của chính quyền đã đưa ra quyết định tổ chức
những chuyến du lịch đến các quần đảo. Một chuyến đi thử nghiệm năm 2010 cho
phép lần đầu tiên khách du lịch đặt chân lên các hòn đảo không người ở. Năm
2011 chính quyền Hải Nam cho phép các công ty sang trọng nước ngoài tổ chức
quay phim hay chụp ảnh các đảo ở Hoàng Sa. Nhưng đến bây giờ, cơ sở hạ tầng ở
Hoàng Sa, ngoài những cái của quân đội, thì vẫn chỉ là những ngôi nhà tạm của
công trường. Những bến tàu và đường băng cho máy bay nhẹ sẽ được xây dựng trong
tương lai.
Các đảo Hoàng Sa được nhắc đến hai lần trong kế hoạch phát triển
TQ. Một đoạn đầu nói rõ việc xây dựng một cảng cá trung tâm (cấp độ một) phải
hoàn thành nhanh để “thúc đẩy việc thiết lập công nghiệp cá ở Hoàng Sa”. Đoạn
thứ hai giải thích rằng một cảng cá nằm ở “ngoại hải” sẽ được xây dựng mà nhà
cầm quyền căn cứ trên “những bằng chứng khoa học” nhằm “sử dụng và khai thác
các đảo theo một kế hoạch phối hợp và vì các ly do khoa học; tăng cường một
cách hợp pháp chính quyền các đảo không người ở (hay không có người cư trú) và
các đảo Hoàng Sa, và tiến hành hợp pháp đăng ký quyền sở hữu đất đai dựa theo
nguyên tắc quản lý các lãnh thổ có liên quan (đến TQ)”. Cuối cùng, văn bản nhắc
lại việc tổ chức tua du lịch bằng tàu thuyền “bao gồm tỉnh Hải Nam, cho phép
thực thi quyền tư pháp trên lãnh hải các quần đảo Tây Sa, Nam Sa (tức Hoàng Sa,
Trường Sa) và Trung Sa” phải tiến hành một cách nhanh chóng.
Về mặt pháp lý, không gian biển quốc gia và quốc tế được quản lý
theo một ngôn từ bao gồm khu vực hàng hải và khai thác của Nhà nước. Căn cứ
pháp lý đó được diễn dịch theo tiếng Trung Quốc như sau:
- Nội hải: từ đất liền đến đường biên cơ bản
- Lãnh hải: từ đường biên cơ bản đến 12 hải lý
- Chuyên thuộc kinh tế khu: đến tận 24 hải lý từ đường biên
cơ bản
- Tỵ liên khu: khu vực kinh tế đặc quyền chiều rộng tối đa
200 hải lý
- Đại lục giá: thềm lục địa
- Ngoại hải: vùng biển cả hay biển quốc tế.
Theo khái niệm TQ, vùng biển cả, được pháp lý quốc tế coi là “tài
sản công của thế giới”, được dịch là ngoại hải “biển bên ngoài”. Các đảo
Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa đều được coi là nằm trong vùng đó. Như vậy, nếu
kế hoạch phát triển kinh tế chỉ dựa trên điểm 3, điều 2 của đạo luật về “lãnh
hải và vùng chuyên thuộc của CHND Trung Hoa”, thì vẫn có thể đọc một cách khác,
mang tính văn hóa hơn, nhằm nêu lên những mâu thuẫn về pháp lý giữa các từ nội
hải và ngoại hải, “biển bên trong/biển bên ngoài”. Cặp đôi những từ
đó đã có ở TQ từ lâu và cách sử dụng vẫn có giá trị cho đến khi xuất hiện những
từ ngữ pháp lý hiện hành. Như vậy, khái niêm “nội hải” đôi khi được dùng theo
nghĩa rộng để chỉ mọi không gian biển mà TQ có chủ quyền và pháp lý. Từ đây,
tên gọi nội hải đôi khi có thể vấp phải những đường ranh do luật quốc tế
xác lập và gộp cả “nội hải”, “lãnh hải” và “khu chuyên thuộc” vào với nhau, mà
cả trên nghĩa rất rộng là gồm cả “khu vực kinh tế đặc quyền” và cả “thềm lục
địa”.
Thật chính đáng khi đặt câu hỏi rằng tại sao những người biên soạn
văn kiện chính thức đó lại chọn dùng từ ngoại hải, và như vậy là đã chọn
khi hiểu rằng nó nói đến một không gian “biển cả”, vốn nằm ngoài mọi chủ quyền
quốc gia, để chỉ khu vực đã được dự tính “xây dựng những thiết bị kinh tế tương
lai” trong khuôn khổ phát triển đảo Hải Nam. Việc đặt song song một ngôn từ
chuyên dùng của luật quốc tế về biển bên cạnh ngôn từ phản ánh một khái niệm
truyền thống được Trung Quốc hóa về không gian biển, đã tạo nên nhiều cách hiểu
khác nhau về một dự án phát triển mà rõ ràng nhà chức trách đã lường trước mọi
va chạm trên bình diện địa chính trị và những phản ứng khu vực sẽ nảy sinh,
điều mà những sự kiện gần đây xảy ra với Việt Nam và Philippin một lần nữa đã
chứng minh.
“Du lịch biển” Việt Nam và tuần lễ biển đảo
Năm 2011 là năm Đại hội lần thứ XI của ĐCS Việt Nam, và như vậy là
bầu cử lại mọi cấp của chính quyền đất nước. Đối với Đảng, trước hết cần phải
động viên tinh thần yêu nước của nhân dân để tăng cường đường lối đạo lý, và
như vậy là chính đáng, dưới sự lãnh đạo của Đảng trong lịch sử. Vào tháng 4,
đến lượt VN đưa ra công khai một dự án đầy tham vọng phát động “du lịch ven
biển và hải đảo”, một kế hoạch phát triển đặc biệt hướng về việc bảo vệ các đảo
ở Biển Đông (9). Kế hoạch đó tạo điều kiện cho “các chính quyền địa phương đẩy
mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm ở các thành thị ven biển miền Trung VN,
bảo vệ môi trường, nhưng đặc biệt là tham gia bảo vệ đất nước vì trong hàng
nghìn hòn đảo tất nhiên có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”(10).
Trên
thực tế, dự án của VN chủ yếu là một thông báo chính trị hướng về TQ (11).
Điều cần ghi nhận là một lần nữa VN lợi dụng cơ hội để tuyên bố tổ chức tua du
lịch đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi lần có khủng hoảng với Bắc
Kinh, VN lại tuyên bố như là sắp mở tuyến du lịch đó đến nơi. Chẳng hạn tháng
4-2004, đã dự tính mở đường liên lạc Khánh Hòa-Trường Sa, dù thời đó chưa có
khả năng kiểm soát việc mở đường. Năm 2011, trong một cuộc hội thảo do chính
quyền tổ chức tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), nơi có 11 ngư dân bị TQ
bắt và giam giữ tháng 9-2010 – một vụ bắt giữ được báo chí nói rất nhiều hồi đó
– các cán bộ đảng giải thích rằng mục tiêu của dự án phát triển mới này là “xây
dựng cơ sở hạ tầng hiện đại ven biển và hải đảo, công nhận sớm lễ hội tri ân
các binh sĩ bỏ mình ở Hoàng Sa là lễ hội quốc gia, và tổ chức Liên hoan biển
đảo VN 3 hay 5 năm một lần, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên Biển
Đông, và đặc biệt đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Bước thứ hai của cuộc huy động quanh thách thức về Biển Đông được
đánh dấu bằng việc tổ chức từ ngày 1 đến 8 tháng 6-2011 một “Tuần lễ biển đảo”.
Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức tại tỉnh ven biển Khánh Hòa (các đảo Trường Sa
thuộc tỉnh này) và khai mạc phòng triển lãm tài nguyên đã có trên các đảo Hoàng
Sa và Trường Sa. Tờ Quân Đội Nhân Dân của quân đội, đã đưa ra một hồ sơ
đặc biệt nói về giá trị tài chính của Biển Đông đối với VN: “Năm 2012, kinh tế
biển sẽ đạt đến 53-55 % GDP của VN và đóng góp 55-60 % giá trị xuất khẩu của
nước ta”. Mục tiêu của tờ báo là thuyết phục độc giả rằng những căng thẳng xuất
hiện lại trên Biển Đông sẽ động chạm đến cuộc sống hàng ngày của mọi người, cụ
thể là vấn đề cung cấp các hải sản trong tương lai. ĐCS Việt Nam nhận thấy cuộc
khủng hoảng trong lòng Biển Đông khó mà huy động dân chúng, đối với họ, dù
truyền thông chính thức nói gì đi nữa, thì cuộc sống ở Trường Sa còn quá xa so
với các lo toan hàng ngày của họ. Mục tiêu của tuyên truyền được bộc lộ ở tính
phức tạp của những thách thức địa chính trị khi nhắc đến những phiền toái sát
sườn của mỗi một người và có thể gây nên sự bất bình và tố giác những ý đồ của
TQ.
Ở VN, tình hình bang giao giữa hai nước láng giềng thường được
giải mã qua những bình luận trên báo chí chính thống về sự gia tăng của giá rau
quả, của hải sản, đồ dệt may, v.v…, một sự tăng giá vô lối thường được giải
thích như thuộc trách nhiệm của TQ, mà sự cạnh tranh thương mại xuất hiện như
là “bất chính hay phương hại cho quyền lợi dân tộc của nhân dân VN”.
Hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và Việt Nam
Giữa các năm 2000-2004 và 2005-2009, nhập khẩu vũ khí đến
Inđônêxia, Singapore và Malaixia đều lần lượt tăng 84%, 146% và 722%. Ở VN và
TQ xu hướng cũng tương tự. Việc hiện đại hóa quân đội không còn là chủ đề kiêng
kỵ ở Hà Nội và Bắc Kinh. Người ta nói đến, các nhà báo và nhiều trang mạng (chủ
yếu là TQ) đều dành cho chủ đề này. Vào thời cựu bộ trưởng Quốc phòng VN Phạm
Văn Trà (1997-2006), rất khó nêu lên vấn đề này. Từ nay, vấn đề đó hình như
không còn đặt ra nữa.
Quân đội nhân dân VN nêu rõ sự lạc hậu của trang bị, cụ thể là hải
quân quốc gia và không quân, và trong giai đoạn hội nhập với vũ đài quốc tế,
cần phải mở rộng các đối tác kinh tế. VN muốn hiện đại hóa quân đội, và phải
nhanh chóng nhờ vào đường lối đòi hỏi phải mua của “những nhà công nghiệp tốt
nhất, không tính đến xu hướng chính trị”(12). Vì Giải phóng quân TQ đang hiện
đại hóa, quân đội VN từ lâu không dám thú nhận nhu cầu hiện đại hóa vì ngại
quan hệ đến Bắc Kinh, thì ngày nay đã xác nhận. Về chủ đề này, QĐVN hy vọng sự
xích lại với Hoa Kỳ sẽ kéo theo những hợp đồng quân sự trong tương lai (13).
Chính thức mà nói, sự xích lại của bộ Quốc phòng CHXHCNVN có thể tóm tắt trong
4 điểm sau: “Xu thế hòa bình; quan hệ quân sự đối ngoại chưa bao giờ có hiệu quả
và mở rộng như ngày nay; việc sản xuất khí tài quân sự hiện đại của VN [dù công
nghệ quốc phòng VN chưa có sự phát triển vững chắc] và tiếp nhận một đội ngũ
chuyên gia kỹ thuật quân sự quan trọng”(14).
Từ khi Phùng Quang Thanh lên làm bộ trưởng Quốc phòng năm 2006, đã
ưu tiên thành lập cảnh sát biển và một binh chủng mới không lực hải quân. Sự
yếu kém của hải quân không còn “trụ nổi” trước những cú đấm của TQ và sự hiện
đại hóa của hải quân khu vực. Tháng 10-2010, cảnh sát biển lần đầu tiên diễu
hành nhân dịp 1000 năm Hà Nội. Năm trước, TQ đã phản đối khi VN tuyên bố mua 10
tàu ngầm qui ước Kilo của Nga. Hiện nay, hợp đồng đang được thương thuyết, về
việc VN mua tên lửa tầm xa biển-đối-biển và biển-đối-không. Ngày 8 tháng
7-2011, theo báo Thanh Niên, tướng Pham Đức Lĩnh, giám đốc cảnh sát
biển, đã tiết lộ sự tăng cường trong tương lai trang bị của cảnh sát biển với
việc mua tàu thủy và máy bay mới. Một tuyên bố cho phép nhắc lại rằng “VN sẽ
chống đến cùng những nước ngoài nào tìm cách khai thác dầu khí trong hải phận
thuộc chủ quyền VN và không có sự thỏa hiệp về điều này”(15).
QĐNDVN đã vạch ra một chiến lược quân sự, nhưng cũng phải hỏi xem
tầm nhìn đó có được chia sẻ không hay đến một lúc nào đó giai cấp chính trị có
đủ phương tiện để bảo vệ nó không, trong khuôn khổ trói buộc của mối quan hệ
đặc biệt giữa hai Đảng cộng sản đang cầm quyền. Nếu quan sát cách thức khủng
hoảng trên Biển Đông đã diễn ra từ tháng năm-sáu 2011 (từ tháng 7-2011, truyền
thông VN đã quay lại đúng lúc để ca ngợi sức mạnh của tình hữu nghị
Trung-Việt), thì mối nghi ngại vẫn còn tồn tại. Một sự thay đổi vẫn có thể nhận
thấy. Trong hàng ngũ QĐNDVN, việc xảy ra chiến tranh với TQ vẫn đang “ở trong
một tương lai chưa xác định” từ nay được nêu lên, nếu không phải được xem xét
một cách nghiêm túc. Đầu năm 2010, VN đã lần đầu tiên trong cuốn Sách trắng
quốc phòng thứ ba đưa ra “tính chất khó chơi của người láng giềng lớn phía
bắc”. Tuy nhiên, nếu có xung đột trong tương lai gần, “có thể VN phải rút lui
khá nhanh, đó là sự thật, vì hải quân của nó quá yếu. Chính phủ VN không thể
chấp nhận tình hình đó, đất nước đang lên gân và muốn đưa ra thông điệp như
sau: chúng ta phải tự vệ, đang tìm những mối quan hệ khác, người ta muốn thương
thuyết với Liên minh châu Âu hay với các nước khác, vì những nước này chưa được
củng cố vững về quốc phòng, cho nên mới có chuyện xích lại gần nước Nga mới
đây”(16).
Việt Nam biết rằng trong tình trạng hiện nay, Quân giải phóng
Trung Hoa, và cụ thể là Hạm đội 5, hoàn toàn chưa có khả năng hoạt động trên
Biển Đông. Mặc dầu có việc mua sắm mới đây, phần lớn máy bay quan sát và vận
tải TQ đều có tối thiểu 20 năm tuổi. Các máy bay chiến đấu tự sản xuất, kiểu
F-7 và F-8, chỉ có bán kính hoạt động 2.200 km, quá ít với nhiệm vụ hoạt động
đến Trường Sa, khác với máy bay của các nước ASEAN ở gần các quần đảo này hơn.
Nếu TQ có tham vọng kiểm soát Biển Đông, cụ thể là các đảo Trường Sa nằm quá xa
bờ biển của mình, TQ ý thức được rằng quân đội cần có những máy bay quan sát
mới (loại AEW&C), những máy bay tiếp tế và vận tải nặng. Tháng 3-2011, việc
công bố kế hoạch 5 năm lần thứ 12, lần đầu tiên đặt vấn đề hiện đại hoá hạm đội
lên ưu tiên hàng đầu của quốc gia (toàn bộ một chương dành cho vấn đề này), đã
được bình luận lâu trong các giới liên quan đến VN. Trong thực tế, hạm đội phía
nam đã có những khí tài tốt nhất của hải quân Trung Hoa, tàu sân bay duy nhất
của TQ, chiếc Variag, những tàu khu trục hiện đại nhất (052A), một căn
cứ tàu ngầm nguyên tử ở Du Lâm-Tam Á, vừa có hai tàu ngầm tiêm kích mới (SSN)
trang bị tên lửa đạn đạo thế hệ cuối cùng (SSBN) (17)¸ và cuối cùng là máy bay
tiêm kích tàng hình J-20 bí ẩn và đang được bàn cãi. TQ còn có đơn vị kiểm soát
hải dương thành lập năm 1998: gồm 300 tàu tuần tiễu, từ nay đến năm 2020 sẽ có
tổng số 15.000 người (nay là 9.000), 16 máy bay mới (nay là 9), và 520 tàu
chiến (nay là 260). Ngoài ra QGP còn chờ trang bị một tàu sân bay mới kiểu Liên
Xô (vào năm 2012), tàu ngầm phóng lôi 094, và đang tiến hành một công trình bí
mật sản xuất tên lửa đạn đạo chống tàu chiến (hạm mẫu sát thủ) có thể đe
dọa việc triển khai tàu sân bay Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương.
Nếu tính khả thi về kỹ thuật của chương trình này - theo TQ thì
thực hiện vào năm 2015 - tiếp tục khiến nhiều chuyên gia phương Tây nghi ngờ,
thì tín hiệu đã được phát ra. Hạm đội phương Nam TQ có tham vọng khu vực và
khai thác các nguồn lợi trên Biển Đông là một ưu tiên của CHND Trung Hoa, dù nó
có làm các nước láng giềng Đông-Nam Á hài lòng hay không.
Phải chăng là một định hướng mới về đường lối an ninh Việt Nam
Trên đầu não CHXHCN Việt Nam, phần lớn các ủy viên BCT và BCHTƯ
đều đồng thuận về một nước VN độc lập, đứng vững trên chính trường quốc tế
(ASEN, ONU), có lợi với sự hiện diện quân sự Hoa Kỳ ở Đông-Nam Á và đối tác
thương mại và chính trị cố gắng ngang hàng với TQ. Những năm gần đây, VN tiếp
tục ký kết cả một loạt hiệp định đối tác chiến lược (với Nga, Ấn Độ, Trung
Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Anh và Đức), mặc cho đôi khi làm giảm
thiểu ý nghĩa chính trị. Ngoại giao VN không che dấu ý định tăng cường chân
đứng trên quốc tế, đặc biệt với phương Tây.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từ khi lên cầm quyền năm 2006, đã hướng
đường lối đối ngoại VN ra ngoài phạm vi thông lệ. Trước hết với châu Âu, “nhưng
sự chia rẽ của cựu lục địa, nhất là về quan điểm an ninh, đã trầm trọng khiến
cho việc thực thi các lợi ích chiến lược của VN trong khu vực không thể thực
hiện được”(18) ; rồi những năm gần đây là các đối tượng khác cụ thể là với các
nước Bắc Á (đứng đầu là Nhật Bản và Hàn Quốc), Hoa Kỳ, ASEAN và nhất là Nga.
Người VN hy vọng Nga cuối cùng là nước có thể đủ để dựa vào lúc
này nhằm ngăn chặn ảnh hưởng khu vực của TQ (19). Trong mấy thập niên gần đây,
nhất là năm 2009, VN đã mua nhiều khí tài quân sự của Nga: hai tàu tuần tiễu đa
chức năng Projekt 10412 Svetlak tháng 11-2001 (giao hàng năm 2003) và hai chiếc
khác năm 2009 (chiếc đầu giao năm 2010 và chiếc thứ hai được hãng Almaz hạ thuỷ
ở St-Petersbourg ngày 22 tháng 4-2011); một chiếc mới vừa được đặt hàng; hai
tàu hộ tống tàng hình Gepard 3,9 năm 2006 (chiếc đầu Đinh Tiên Hoàng được giao ở
Cam Ranh tháng 3-2011, chiếc thứ hai đang ở giai đoạn thử nghiệm trên biển
Baltic); hai tên lửa Molnya Projekt 1241.8 (Vympel) đã giao cho VN từ
2007-2008, mười tên lửa bổ sung sẽ tiếp theo; Vympel sẽ sản xuất các bộ phận
cấu thành để lắp ghép theo một hợp đồng 30 triệu đôla dự tính đến năm 2015; sáu
tàu ngầm chạy bằng dầu-điện 636 MV Varshaw vyanka (tàu Kilo) năm 2009 (chiếc
đầu sẽ giao năm 2013 và chiếc cuối cùng năm 2018, ước tính 1,8 tỉ đôla cộng
thêm 1,1 tỉ đôla phụ cho vũ khí và thiết bị bổ sung); 20 SU-30MK2 và tàu hộ
tống Gepard loại Cheetah lại được đặt năm 2009. Chỉ trong năm đó, con số hợp
đồng mua vũ khí của Nga đã lên đến 4,5 tỉ đôla. Cuối cùng, một dự án hợp tác
lớn được ký tháng 4-2011 với nhà máy sửa chữa Zvezdochkaen của Nga nhằm mục đích
hiện đại hoá và xây dựng trung tâm dịch vụ cảng của xưởng quân giới Cam Ranh.
Nhà cầm quyền VN cam kết không quốc tế hoá cảng nước sâu này sau khi người Nga
ra đi năm 1992.
Ngày nay, CHXHCN Việt Nam đang suy nghĩ về khả năng để cho tàu sân
bay nước ngoài (20) - trước hết phải hiểu là của Mỹ - đến tiếp vận xăng dầu.
Trung tâm có thể tiến hành những sửa chữa nhỏ và vừa cho tàu ngầm và tàu mặt
nước dân dụng và quân sự. Bộ Quốc phòng thảo luận việc mời chuyên gia Nga đến
đây, cũng như mua các thiết bị và kỹ thuật kiểm soát tân kỳ. Trong thời gian
đầu, kỹ thuật viên Nga sẽ được sử dụng để xây dựng nhà máy sửa chữa và dịch vụ
hậu cần và kỹ thuật, rồi họ có thể bảo đảm việc duy tu. Việc xây dựng trung tâm
phải mất ba năm. Cuối cùng, sân bay quốc tế Cam Ranh mới phải được xây dựng từ
nay đến năm 2020-2030, nhưng trước mắt quân đội VN chịu trách nhiệm mở một sân
bay cấp 1 tại đó trong vòng 5 năm. Người ta có thể hỏi mục tiêu cuối cùng của
VN hình như có thể là để bảo đảm đúng kỳ hạn khả năng hoạt động nội bộ (dân sự
và quân sự) của nơi này, để đề phòng trường hợp xấu đi ngoài khơi Cam Ranh.
Hoa Kỳ là con bài mà VN cũng muốn tung lên trong trò chơi chiến
lược của mình, từ tuyên bố của bà Hilary Clinton về Biển Đông ở Hà Nội tháng
7-2010. Một tầng lớp cầm quyền đang lên của VN (đã theo học, dù là trong thời
gian rất ngắn, một trường đại học Mỹ hay trường dạy bằng tiếng Anh để được đào
tạo cấp tốc loại MBA) đang hướng về Washington. Chưa bao giờ đại sứ quán Mỹ ở
Hà Nội tuyển dụng nhiều tham tán (thương mại, hợp tác kỹ thuật, v.v…) như hai
năm trở lại đây. Tháng 12-2010, Lê Công Phụng, đại sứ VN, đã tiết lộ rằng quan
hệ giữa hai quốc gia tốt đẹp khiến nước ông đang chuẩn bị sắp tới để ký kết đối
tác chiến lược với Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo VN biết rằng chính thức hóa sự gần
gũi đó không làm hài lòng người láng giềng TQ, để không đi xa hơn và làm một
cách công khai.
Trong khi chờ đợi, quan hệ thương mại được củng cố rõ rệt với
Washington và ảnh hưởng của các nhà công nghiệp Mỹ về quốc phòng tăng lên ở VN.
Việc mở sắp tới công viên Không gian gần ngoại vi Đà Nẵng, được Nguyễn Tấn Dũng
chủ trì cùng với người bạn doanh nhân Nguyễn Bá Thanh, bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Khu công nghiệp sẽ đón nhận các nhà công nghiệp Hàn Quốc (khách hàng đầu tiên
với một phần ba diện tích công viên, Korean Aerospace Industries-KAI) và nhiều
công ty con của Airbus có quan hệ với không quân VN. Nhưng đằng sau bình diện
đó, còn có tham vọng của thủ tướng VN phát triển công nghệ quốc phòng quốc gia
đang phôi thai, với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, bằng việc lắp ráp hay sản xuất có
thời hạn máy bay tiêm kích Mỹ trên đất mình.
Các sự lựa chọn chiến lược VN trước sức ép TQ, cho thấy ĐCSVN hết
sức lợi dụng các căng thẳng địa chính trị để tăng cường hình ảnh người đảm bảo
cho an ninh quốc gia. Biển Đông trong tương lai sẽ là nơi diễn ra bạo lực. Căng
thẳng sẽ diễn ra khi các bên cầm quyền ở TQ và ở VN cảm thấy bị đe dọa vì những
đòi hỏi mở cửa của nhân dân nước mình. Từ 20 năm nay, phát triển kinh tế ở VN
đều kèm theo tăng trưởng của lưu thông tiền tệ trong trao đổi thương mại và
chính trị, một tình trạng thường thấy ở châu Á. Sự tham nhũng của những người
cầm đầu được đẩy mạnh; tiền bạc của tăng trưởng đã tưới vào toàn bộ hệ thống
nội bộ. Hà Nội biết rằng nếu đất nước phải đối mặt với những khó khăn nghiêm
trọng về kinh tế, nước CHND Trung Hoa sẽ có mặt để hỗ trợ. Nhưng gánh nặng của
sự hỗ trợ tài chính đó có giá của nó. Khi TQ cảm thấy nghi ngờ đầu tiên về tham
nhũng trong các chính khách của mình, thì một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra ở
VN, dù có nguy cơ liên quan đến vai trò các gia đình/gia tộc cầm quyền (21).
Chính đó là điểm yếu của nó. VN bị trói buộc trong mối quan hệ đặc biệt với Bắc
Kinh, kinh tế đất nước cần sự đầu tư của TQ (và mặc dù việc nhập khẩu nhân công
TQ luôn luôn khiến dân chúng khó chịu), nhưng chủ nghĩa yêu nước và nhu cầu
phân biệt của người Việt đối với người TQ, luôn luôn vượt qua tính duy lý của
mối quan hệ lịch sử phụ thuộc xây dựng chỉ trên lợi ích của giới cầm đầu chính
trị và kinh tế. Mọi thách thức trong tương lai của cặp đôi Trung-Việt là đường
biên của sự thăng bằng mong manh giữa lệ thuộc và độc lập. Nước CHXHCN Việt Nam
vẫn là một quốc gia nông dân được nuôi sống bằng giá trị đất đai trên đó Nhà
nước hiện đại được cấy lên và phát triển trong sự va đập chồng chất lên nhau.
B. d. T.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.
Chú thích:
1. Trên đảo Hoàng Sa chỉ có người TQ (chủ yếu là quân đội) và một
cảng nhỏ cho ngư dân gốc Hải Nam cư trú tạm thời. Khi có bão, tàu thuyền VN
được phép trú ẩn với những điều kiện ngặt nghèo. Trên đảo Trường Sa, ngược lại
các đảo có thể ở được đều có người VN. Về lý lẽ phía TQ, xem Jianming Shen,
“Luật quốc tế và những khác biệt lịch sử xác nhận danh nghĩa của TQ đối với các
đảo trên biển Nam Trung Hoa”, Hastings International & Comparative Law
Review, tập 21, 1997, tr. 1-75.
Về lý lẽ của VN, xem Lưu Văn Lợi, Khác biệt giữa Việt Nam-Trung
Quốc về các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1996.
2. Biển Đông là tên gọi của Hà Nội. Bắc Kinh gọi là Nam
Trung Quốc hải, tức Nam Hải. Philippin gọi theo tiếng Tagalog là Dagat
Timog Tsina (biển nam Trung Hoa).
3. Hoàn Cầu Thời Báo, 10 tháng 4-2011.
4. Trao đổi ở Hà Nội, tháng 5-2011.
5. Nhà báo Vũ Quang Việt đã công bố trên mạng Thời Đại Mới
(ww.tapchithoidai.org/) một bài đòi hỏi trao lại một nửa quần đảo Hoàng Sa cho
VN. Một nhóm Việt Kiều đã công kích dữ dội lên án ông ta là thân Trung Quốc, vì
ông ta không đòi thu hồi toàn bộ quần đảo đang tranh chấp.
6. Kjeld Erik Brodsgaard, Hainan, State, Society and Business
in a Chinese Province, London, Routled, 2009.
7. “Trung Hoa nhân dân cộng hòa quốc lãnh hải cập tỵ liên khu
pháp”, Điều 2 Mục 3 qui định (Đại cương qui hoạch phát triển cơ sở hạ tầng
du lịch quốc tế đảo Hải Nam, tháng 12-2009).
8. Trung Sa là quần đảo nhỏ giáp với Philippin, nơi có bãi cạn
Scarborough đang tranh chấp, mà TQ gọi là Hoàng Nham (ND.)
9. Đỗ Hùng và Tấn Tú, “Thần tốc đến Trường Sa”, báo Thanh Niên,
12 tháng 5-2011.
10. Điện của Thông Tấn Xã Việt Nam, 10 tháng 5-2011.
11. Tổng giám đốc du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn, khẳng
định rằng du lịch biển sẽ là ưu tiên hàng đầu của VN trong giai đoạn 2011-2020.
Mục tiêu đến năm 2020, VN sẽ có 5 vùng du lịch biển lớn: Hạ Long-Cát Bà, Lăng
Cô-Sơn Trà-Hội An, Nha Trang-Cam Ranh, Phan Thiết-Mũi Né và đảo Phú Quốc. Sự
cấp bách của nhà cầm quyền VN là phải thiết lập một “mặt trân biển-đảo-bờ biển”
(www.mattran.org.vn/home/Caccuocvd/biendao/
biendao.Htm).
12. Trao đổi ở Hà Nội, tháng 5-2011.
13. Mark E. Mayin, « U.S.-Vietnam relation in 2011 : current
issues and implications for US policy », 26 tháng 7-2011.
14. Quân đội nhân dân, tháng 6-2011.
15. Thanh Niên, 9 tháng 7-2011.
16. Trao đổi ở Hà Nội, tháng 5-2011.
17. James Holmes và Toshi Yoshihara, China’s Naval Strategy in
the 21st Century: The Turn to Mahan, London, Routledge, 2009.
18. Trao đổi ở Hà Nội, tháng 5-2011.
19. “Châu Âu chỉ là một đồng minh trên hồ sơ kinh tế, [nhưng] về
mặt quốc phòng, nó không vận hành được. Với nước Nga, VN làm việc tốt hơn,
ngoài ra còn cảm thấy như hai nước có lợi ích giống nhau. Vả lại, sự sống động
của một quá khứ chung gần đây [1975-1991] giải thích giới cầm đầu chính trị và
kinh tế hai nước biết rõ nhau, và về mặt văn hóa, người VN và người Nga đã làm
ăn tốt với nhau, sự tiến triển được dễ dàng” (trao đổi ở Hà Nội, tháng 5-2011).
20. Năm 2012, Hoa Kỳ có 11 tàu sân bay (có chiếc lớn nhất thế giới
101.000 tấn), Ý có 2 (chiếc Guiseppe-Garibaldi 14.000 tấn và Cavour
27.000 tấn), và Tây Ban Nha cũng có 2 (Principe de Asturins 17.200 tấn
và Juan-Carlos I 27.000 tấn). Nước Pháp có Charles-de-Gaulle
(42.000 tấn), Anh có HMS Illustrious (22.000 tấn), Braxin có Nae Sao
Paulo (trước là Foch 32.000 tấn), Nga có Kuznetsov (67.500
tấn), Ấn Độ có INS Viraat (28.700 tấn), Thái Lan chiếc Chakri
Naruebet (11.500 tấn) và TQ có từ 2011 chiếc Variag (đang tiến hành
đặt tên lại) 67.500 tấn.
21. Cần biết thêm sự phân bổ giữa số tiền viện trợ công cho phát
triển của Trung Quốc với Việt Nam, Lào và Myanmar, thông thường thấp, so với số
tiền mà chính phủ chuyển cho những người đứng đầu các nước này trong từng
trường hợp, để cám ơn sự hỗ trợ bên trong cho quyền lợi của TQ.
Được đăng bởibauxitevnvào lúc02:40
No comments:
Post a Comment