Friday 13 July 2012

BIỂN ĐÔNG : CUỘC ĐỤNG ĐẦU KHÓ TRÁNH (Tiến Hồng)




Tiến Hồng
Thứ ba, 10 Tháng 7 2012 23:48

Vào tháng 5,6/2011, tình hình biển Đông đã nổi sóng khi Trung Quốc khiêu khích cả Phi Luật Tân (tại Reed Bank –Bãi cỏ rong và Amy Douglas Bank trong vùng đặc quyền kinh tế) và Việt Nam (cắt cáp 2 tàu thăm dò dầu khí của PetroVietnam cũng trong vùng đặc quyền kinh tế).

Vào tháng 5 và tháng 6 năm 2012, tình hình biển Đông lại nổi sóng, có phần dữ dội hơn.

Đối với Phi, cuộc đụng đầu với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough (xem hình) đã kéo dài hai tháng rưỡi và có lúc căng thẳng tưởng như chiến tranh đã gần kề khi Trung Quốc đưa hơn 40 tầu ngăn chặn ngư dân Phi đánh cá trong khu vực. Đến nay, tình hình có phần tạm lắng dịu khi hai bên tuyên bố rút khỏi vùng vì bão. Nhưng tàu của Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn rút khỏi khu vực tranh chấp (mặc dù đã khẳng định) khiến tổng thống Phi yêu cầu Trung Quốc hãy « trung thực ». Tổng thống Phi ngày 5/7/2012 còn cho biết một mặt sẵn sàng cho phép máy bay Mỹ tuần sát khu vực, măt khác nhắc cho Trung Quốc biết là Mỹ sẽ can thiệp một khi được yêu cầu, theo đúng hiệp ước phòng thủ chung. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ Vicoria Nulan đã xác nhận « Hoa Kỳ hỗ trợ Phi nhận thức được những gì đang diễn ra và hỗ trợ cho đồng minh của họ trong việc bảo vệ an ninh của chính họ ». Bà Nulan cũng nhắc lại lập trường của Hoa Kỳ muốn thấy vấn đề biển Ðông được tất cả các bên liên quan đàm phán và một bộ qui tắc ứng xử (COC) được đưa ra. Phi cũng dự trù đưa tranh chấp ra Toà án quốc tế và trao kháng thư phản đối việc thành lập thành phố Tam Sa bao gồm vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Ảnh: The Economist

Đối với Việt Nam, sau khi Quốc hội thông qua luật biển ngày 21/6/012 khẳng định chủ quyến tại Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã phản ứng dữ dội với đạo luật này. Cùng ngày, Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua việc nâng cấp thành phố Tam Sa (bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa) từ cấp huyện lên cấp quận với sự tăng cường lực lượng quân sự đi kèm. Đây chỉ là khúc dạo cho những hành động khiêu khích có tính toán kế tiếp nhằm đưa cộng sản Việt Nam vào thế phải đụng đầu dù không muốn.

Mời đấu thầu 9 lô để đưa giàn khoan khổng lồ 981 vào khai thác

Ngày 23/6/2012, Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã cho đấu thầu 9 lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam và yêu cầu các công ty ngoại quốc ký kết với Việt Nam rút lui. Những lô này có diện tích 160.129,38 km2 và đã được Trung Quốc đánh số trùng với các lô mà Việt Nam đã đánh số từ 128 đến132 và từ 145 đến156 (xem bản đồ của PetroVietnam đính kèm)

Ông Tổng giám đốc PetroVietnam Đỗ Văn Hậu trong cuộc họp báo ngày 27/6/2012 đã kịch liệt phản kháng quyết định sai trái này. Ông cho biết hiện có 4 hợp đồng dầu khí đang được triển khai trong khu vực, bao gồm: Hợp đồng 1 với GazProm của Nga tại lô 129-132; hợp đồng 2 tại lô 128 với công ty Dầu khí Ấn Độ ONGC; đặc biẽt hợp đồng 3 với Exxonmobil của Mỹ tại lô 156-159 (phần phía Bắc dính vào lô Trung Quốc dự định mời thầu); hợp đồng thứ 4 tại lô 148,149, PVN ký hợp đồng với tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam (lô 148 là nơi tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp thăm dò ngày 26/5/2011).

Hiện nay công ty Nga GazProm không có ý định rút lui vì tin chắc vào giá trị pháp lý của hợp đồng. Công ty Ấn thì có thể rút khỏi lô 128 vì kết quả thăm dò không mấy khả quan. Công ty ExxonMobil tỏ ra mập mờ khi tuyên bố “Chủ quyền là một vấn đề mà chỉ có các chính phủ mới có thể giải quyết”. Chúng ta chưa biết chắc những đe dọa của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng đến đâu trong tương lai. Trước mắt, Trung Quốc đã tung hoả mù (*) khi tờ Nhân dân nhật báo đưa tin Công ty dầu mỏ quốc gia Thái Lan “có hứng thú” về việc khai thác dầu mỏ trên vùng biển Nam Hải (biển Đông) (không xác định vị trí và nguốn tin không kiểm chứng). Tờ này còn tung tin theo Philippine Daily Inquire cho rằng công ty dầu Philex của Phi muốn hợp tác với Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) về việc khai thác khí đốt tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) của Phi. Nhưng Bãi Rong không nằm trong 9 lô mà Trung Quốc gọi thầu. Mặt khác, chủ tịch Thượng viện Phi đã bác bỏ dự định này và cho rằng “mời vào nhà mình một định chế đang đòi chủ quyền cả căn nhà của mình thì thật là điên”.

Nói chung, sẽ khó có công ty ngoại quốc nào liều lĩnh nhận lời mời thầu của Trung Quốc. Nhưng vẫn có một xác suất về một vài công ty phá rào. Ông Đỗ Văn Hậu cảnh cáo sẽ có biện pháp đối phó. Thực ra, khi đưa ra lời gọi thầu, Trung Quốc có thể đã dự liệu sẽ không có công ty ngoại quốc nào nhận lời. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ không ngần ngại đưa giàn khoan dầu khổng lồ 981 vào vùng tranh chấp để thực hiện kế hoạch khai thác dầu khí 19 khu vực biển Đông đã đề ra từ năm 2011 (nhưng không nêu rõ vị trí).

Cộng sản Việt Nam sẽ đối phó ra sao trước viễn ảnh này? Đây sẽ là cơ nguy chính đụng đầu khó tránh.

“Tuần tra định kỳ” để “phòng ngừa chiến tranh” hay để tạo đụng đầu?

Ngày 28/6/2012, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc đưa tin quân đội Trung Quốc đã thiết lập chế độ tuần tra định kỳ (cả hải và không phận) để “phòng ngừa chiến tranh”(sic) trên toàn vùng biển Nam Sa (Trường Sa); mặt khác xem xét thiết lập cơ quan quân sự tại thành phố Tam Sa mới thành lập và nâng cấp. Dường như đây là một động thái phản ứng việc máy bay Su-17 của Việt Nam thám sát Trường Sa vào giữa tháng 6/2012. Thực ra máy bay thám sát Trung Quốc đã nhiều lần bay trên Trường Sa khi hải quân Việt Nam tiếp tế vùng hải đảo này.

Ngày 3/7/2012, đài truyền hình Trung Quốc loan tin 4 tàu hải giám (83, 84, 66, 71) đã tuần tra định kỳ tại quần đảo Trường Sa và đã “xua đuổi thành công” tàu (cảnh sát biển) của Việt Nam sau khoảng 10 phút bao vây. Thông Tấn xã Việt Nam khi bác bỏ tin này chỉ nêu là lực lượng chức năng Việt Nam đã “yêu cầu tàu của Trung Quốc rời khỏ khu vực quần đảo Trường Sa” mà không nêu rõ cuối cùng lực lượng nào đã rút lui. Chúng ta có thể ghi nhận một tàu cảnh sát biển của Việt Nam khó đương cự được với 4 tàu hải giám của Trung Quốc khi họ cố tình gây sự.

Tân Hoa Xã còn cho biết hoạt động của 4 tàu hải giám là toàn bộ vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Như vậy 4 tàu hải giám này có thể hoạt động trong vùng 9 lô mà Trung Quốc vừa gọi thầu và đây sẽ là đầu mối cho một cuộc đụng đầu khó tránh. Trung Quốc đã đưa lên mạng cảnh một tàu Trung Quốc đang quan sát một giàn khoan của Việt Nam mà không nêu rõ nơi chốn.

Thiếu tướng Trung Quốc La Viện còn kêu gọi hải quân hỗ trợ cho lực lượng hải giám và ngư chính.

Tất cả những động thái trên cho thấy trong tương lai một tình trạng như đã xảy ra đối với Phi tại bãi đá cạn Scarborough cũng sẽ xảy ra tại quần đảo Trường Sa.

Tại bãi đá cạn Scarborough, Phi Luật Tân có “lá bùa Mỹ” yểm trợ nên không nao núng. Còn cộng sản Việt Nam khi bị khiêu khích trong những tình huống vừa nêu sẽ có lá bùa nào đề hộ thân hay phải tự lực cánh sinh?

Khác với Phi có thể lật bài tẩy, Việt Nam không thể làm như vậy vì về mặt chính thức, cộng sản Việt Nam luôn luôn nêu rõ lập trường không nhờ nước này (Mỹ) để chống nước kia (Trung Quốc). Tuy nhiên Trung Quốc luôn luôn quan tâm về việc có thể có thoả thuận ngầm giữa Việt và Mỹ về một hình thức can thiệp trong trường hợp có yêu cầu.

Chuyến thăm “lịch sử” của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Paneta tại Cam Ranh ngày 3/6/2012 được báo chí Trung Quốc (Hoàn cầu Thời báo) theo dõi và phân tích sát sao. Nói chung, các nhà phân tích của Trung Quốc mặc dù thừa nhận tính chất quan trọng của chuyến đi này nhưng tin rằng giữa Mỹ và cộng sản Việt Nam còn nhiều dị đồng để có thể trở thành đồng minh của Mỹ. Thực vậy, việc nâng tầm cao mới trong hợp tác quốc phòng bị cản trở khi cả bộ trưởng quốc phòng lẫn thủ tướng Việt Nam yêu cầu Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận bán võ khí sát thương. Ông bộ trưởng xác nhận cả hành pháp lẫn lập pháp đều cho rằng cộng sản Việt Nam phải cải thiện nhân quyền trước. Nói cách khác, nếu cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp những người bất đồng chính kiến và những người Việt Nam yêu nước biểu tình chống Trung Quốc xâm lược như những ngày 1/7 và 8/7 vừa qua thì không những sẽ bị coi là tay sai cho giặc mà còn có thể không được Mỹ tiếp sức lúc nguy nan.

Về tình hình trong nước, nền kinh tế đang ở trong tình trạng nguy ngập khiến việc chống ngoại xâm càng gặp khó khăn. Khoảng 400.000 doanh nghiệp phá sản, 2 triệu người thất nghiệp, nợ xấu ngân hàng 400.000 tỷ, nợ của doanh nghiệp Nhà nước 1 triệu tỷ. Trong khi đó, giới lãnh đạo đảng cộng sản ngày càng mâu thuẫn trong việc đấu đá nội bộ mà cái gọi là “chỉnh đốn đảng” và “chống tham nhũng” sẽ chỉ là cái cớ mà thôi. Theo một nguốn tin mật, Bộ chính trị đã họp kín đầu tháng 7/2012 biểu quyết Nguyễn Tấn Dũng phải ra đi vào tháng 8/2012, nhưng không rõ ông ta sẽ có phản chiêu nào không? Đối với người dân trong nước thì họ có câu vè để nói về thực chất của chế độ đảng mafia này:

Ở đâu cũng có đảng,
Chẳng đâu thấy cộng sản!

Câu vè đó cũng là lời tiên tri cho sự cáo chung không xa của đảng cộng sản Việt Nam.

Rennes 10/07/2012
Tiến Hồng









No comments:

Post a Comment

View My Stats