Thursday 12 July 2012

BÁO TỔ QUỐC - SỐ 138 - NGÀY 1-7-2012




Tổ Quốc 138
Phát hành : 01/07/2012



Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay – qui tụ Liên Hiệp Châu Âu và 19 nước mạnh nhất thế giới về kinh tế trong hai ngày 18 và 19 tháng 6 vừa qua tại Los Cabos, Mexico - cũng gần giống G20 năm trước. Đã không có tranh cãi và xung đột quan điểm. Thực tế đã quá rõ ràng đến nỗi ngôn ngữ cãi cố không chỉ vô ích mà còn ngớ ngẩn.

Cuộc khủng hoảng đã kéo dài hơn bốn năm và chưa ai có thể tiên đoán bao giờ nó mới chấm dứt. Nó đã là cuộc khủng hoảng dài nhất và lớn nhất trong lịch sử thế giới. Người ta đã nhận ra rằng nó không phải chỉ là một cuộc khủng hoảng tài chính, hay kinh tế, hay ngay cả khủng hoảng cơ cấu. Nó kéo dài bởi vì nó là cuộc khủng hoảng chính trị và tư tưởng chính trị.

Điều mà mọi nhà lãnh đạo các nước G20 đã nhìn rõ là chủ nghĩa thực tiễn phải bị vất bỏ. Nó đã ngự trị trong hơn hai mươi năm qua và đã đưa thế giới tới bế tắc. Chủ nghĩa thực tiễn là gì? Đó là cách nhìn thiển cận dành cho quyền lợi chỗ đứng trước hết và trên hết; cụ thể là mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và đạo đức thì quyền lợi phải được dành ưu tiên. Nó thể hiện một cách khác nhau theo từng hoàn cảnh.

Tại Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước dân chủ phát triển nói chung, mệt mỏi sau chiến tranh lạnh, nó là sự lơ là với các giá trị dân chủ và nhân quyền, bình thường hóa quan hệ với các chế độ độc tài bạo ngược thay vì đối đầu, thả lỏng đầu cơ, khuyến khích tiêu thụ và nhập khẩu tối đa hàng hóa rẻ, bất luận được sản xuất như thế nào, để tránh lạm phát. Đối với các nước cộng sản cũ, kiệt quệ và hốt hoảng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, nó là "chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", là chủ nghĩa"mèo trắng mèo đen, mèo nào cũng được miễn bắt chuột", miễn bắt chuột", chuột đây là tiền vì "giầu có là vinh quang". Một cách cụ thể nó là sự từ bỏ ảo tưởng một xã hội không giai cấp, bóc lột công nhân tối đa để sản xuất thật nhiều với giá thật rẻ và bán sang các nước giầu.

Kết quả là sau khi đã bỏ rơi nhiều dân tộc trong tay các tập đoàn bạo ngược chủ nghĩa thực tiễn đã dẫn thế giới đến khủng hoảng và bế tắc. Thực tế đã quá rõ ràng và các nhà lãnh đạo G20 đã nhanh chóng đạt tới đồng thuận phải có. Đó là củng cố và tăng cường Liên Hiệp Châu Âu, một kết hợp tuy có những sai lầm kỹ thuật nhưng lành mạnh về bản chất vì đặt nền tảng trên dân chủ và nhân quyền. Đó là các nước đang phát triển, như Trung Quốc, phải ưu tiên phát triển thị trường nội địa bằng cách gia tăng sức mua của quần chúng, với hệ quả tự nhiên là tăng cường chỗ đứng của các công dân và vai trò của xã hội dân sự, nói cách khác phải chấp nhận dân chủ như một tương lai tất yếu. Không thể khác, một làn sóng dân chủ mới đang trào dâng khắp thế giới, tại Trung Đông và Bắc Phi, tại Đông Á, tại Nga, tại Trung Quốc và ngay tại Hoa Kỳ và Châu Âu, mỗi nơi tùy theo cách mà chủ nghĩa thực tiễn được thể hiện và phải bị bác bỏ. Tất cả đòi hỏi các quốc gia phải được cai trị một cách đúng đắn, các giá trị đạo đức, dân chủ và nhân bản phải được thượng tôn. Các chế độ độc tài sẽ không thể tồn tại.

Một câu hỏi quan trọng phải được đặt ra cho chúng ta: tại sao Việt Nam lại quá tụt hậu để không có mặt trong G20 trong khi chúng ta đứng hàng thứ 13 trên thế giới về dân số, với một địa lý thuận lợi? Tại sao?

ÿ Ban Biên Tâp Tổ Quốc


DOWNLOAD :




No comments:

Post a Comment

View My Stats