Monday 2 July 2012

BẰNG GIẢ , BẰNG DỎM (Trần Khải)




07/01/2012

Với tình hình học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tại Việt Nam tới tỷ lệ mấp mé 100%, văn bằng trung học này nên gọi là bằng giả, hay bằng dỏm? Bởi vì đó là bằng thật, do Bộ Giáo Dục cấp, nhưng cũng không thể thực sự gọi là bằng thật vì không thể bằng với những năm có tỷ lệ thi rớt ào ạt được.

Nhưng vấn đề cốt tủy là, với tình hình văn bằng như thế, làm sao thế hệ tương lai có thể điều hành đất nước hay sẽ có những khám phá khoa học tiến bộ nào được. Thêm nữa, tới năm 2015, khi kinh tế toàn khối ASEAN đã gỡ hết các rào cản thuế quan, lực lượng nhân sự văn bằng giả này làm sao có đủ tiếng Anh và trình độ toán học để ganh đua với nhân sự các nước khác, và như thế là một viễn tượng mới xảy ra: xuất khẩu lao động ngay trong đất nước mình, vì những người nước khác trong ASEAN có nhiều vốn, có văn bằng thật và trình độ thật sẽ tràn vào VN tự do nhằm khai thác đủ thứ tài nguyên mà không bị ngăn cản nữa kề từ 2015.

Một viễn ảnh nữa, khi gỡ rào thuế quan trong ASEAN năm 2015 xong, thương lái Trung Quốc mang quốc tịch Thái Lan, Cam Bốt, Indonesia, Singapore, Mã Lai... sẽ vào Việt Nam quậy đủ thứ. Bây giờ còn thê thảm, tới lúc đó làm sao giúp dân mình đứng chơ vững?

Hãy nhìn sang Hoa Kỳ. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông là bao nhiêu?

Các bản tin từ báo Los Angeles Times và OC Register cho biết, trong khi học trò tại Việt Nam tôt nghiệp trung học gần 100%, học trò Mỹ vất vả hơn nhiều mà cũng không được như thế.

Tại học khu Los Angeles Unified chỉ có 62% học sinh trung học tốt nghiệp, trong khi có tới 21% học sinh bỏ ngang trong năm 2011.

Riêng tại Quận Cam, tức thủ đô người Việt tỵ nạn cộng sản, có khoảng 9.3% học sinh Quận Cam bỏ ngang trung học công lập năm ngoái, và số học sinh tốt nghiệp niên khóa 2010-11 lên tới 85.7%.

Như thế, có phải văn bằng tốt nghiệp trung học tại VN là bằng giả, hay nên gọi là văn bằng “bất định,” bởi vì trong đó đa số vẫn là các em học sinh xứng đáng tốt nghiệp, vì truyền thống học siêng năng người Việt vẫn là có thừa?

Nhưng bằng giả rất là rẻ tại Việt Nam, và nếu bằng giả được xã hội hay công quyền chấp thuận, tại sao người ta cần mệt nhọc kiếm văn bằng thật?

Báo Đất Việt hôm 27/6/2012 cho biết, bằng tiến sĩ giả chỉ có giá 13 triệu đồng, tức là 625 đôla Mỹ.

Bản tin báo naỳ viết:

“Ngày 26/5, Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã bóc gỡ đường dây mua bán văn bằng giả quy mô lớn. Tại một quán cà phê ở phường Phương Liên, cảnh sát phát hiện một nhóm thanh niên đang giao dịch 10 bằng giả các loại, trong đó có một bằng tiến sĩ.

Có 3 đối tượng bị tạm giữ là Đào Anh Tuấn (28 tuổi, ở Thái Bình) và Vũ Đình Quyến (30 tuổi, ở Thanh Hóa) và Nguyễn Đăng Đức (25 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội).

Các đối tượng khai nhận, mỗi văn bằng giả, nhóm này bán với giá 5-8 triệu đồng, riêng bằng tiến sĩ có giá 13 triệu đồng. CQĐT đang làm rõ nguồn cung cấp các văn bằng giả cũng như xác minh những người đã mua số bằng này.”
(hết trích)

Nếu bằng trung học giá 5 triệu đồng, tức 240 đôla Mỹ, và nếu xã hội và công quyền chấp nhận văn bằng này, đất nước tương lai ra sao? Nhiều phần, những người có văn bằng giả đành phải bám vào các nghề như công an và cán bộ công quyền để mình có quyền chất vấn người, mà không để cho rơi vào vị trí bị người chất vấn.

Nhà báo Bùi Tín, trong bài viết nhan đề “
Về một nền Văn hóa Công an” đăng trên blog riêng của ông trên đài VOA ngaỳ 18-6-2012, cho biết:

“...Sự đổ đốn của ngành công an bắt nguồn từ trên cao nhất khi chính Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng bị chỉ mặt là dùng bằng dỏm, 2 giấy khai sinh khác nhau, ngày sinh khác nhau đến 3 năm...”

Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang cũng mang chức danh Giáo Sư - Tiến Sỹ, như thế câu hỏi về bằng giả ai dám chất vấn?

Chưa hết, các em học sinh thi trung học mang phao vẫn là tội rất nhẹ, so với ông Thứ Trưởng Bộ Y Tế Cao Minh Quang đi Thụy Điển ngắm cảnh mấy vòng xong là về tự phong đã tốt nghiệp văn bằng Tiến Sĩ.

Báo Tiền Phong trong bản tin ngày 16/9/2011 viết:

“Thứ trưởng Bộ Y tế tự phong bằng tiến sĩ

Cơ quan an ninh xác định, bằng cấp từ nước ngoài của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang sử dụng chưa phải là bằng tiến sĩ. Cùng với sự xác nhận của trường ĐH Uppsala, đó chỉ là chứng chỉ cần đạt để tham dự khóa học tiến sĩ.”


Báo chí chỉ dám chất vấn ông, vì ông không chỉ huy công an. Bởi vì, nếu đụng tới ông Bộ Trưởng Công An, thì côn đồ sẽ bao vây tòa soạn để quậy tới bến còn hơn là Văn Giang, Tiên Lãng...

Có một cách gọi khác, văn bằng trung học “đại trà” kia nên gọi là “hàng dỏm”? Đó là chữ của một viên chức, khi trả lời phỏng vấn của báo Phụ Nữ Today.

Bài phỏng vấn tựa đề “PGS Phạm Vĩnh Cư: Đáng sợ khi "của rởm" được chấp nhận...” có một câu vấn đáp như sau:

“PV: - Mấy năm nay, thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng đỗ 97 - 99%. Cả nước chi ra hàng nghìn tỷ đồng tổ chức một cuộc thi mang tính hình thức chỉ để loại ra 1-3% thí sinh yếu kém, trên thực tế, chẳng ai ngây thơ tin vào những kết quả "đẹp như mơ" này nhưng oái oăm ở chỗ, nó làm hài lòng gần như tất cả mọi người và thế là năm nào chúng ta cũng làm y như thế. Theo PGS, có thể lý giải về hiện tượng này như thế nào?

PGS Phạm Vĩnh Cư: - Đấy là sự giả dối “tích cực”, tức là chủ động nói dối. Phải chăng những người làm giáo dục có những lợi ích của mình và chúng gắn với thành tích giáo dục. Thành tích giáo dục càng cao người ta càng có nhiều lợi ích, cụ thể ở đây là lợi ích vật chất. Tạo ra thành tích thật khó lắm, tất cả cái gì là của thật, là của xịn đều vô cùng khó khăn. Vì thế, người ta đua nhau tạo ra những thành tích giả, đặc biệt đáng sợ khi thứ “của rởm” đó vẫn được xã hội chấp nhận như một điều tự nhiên...”(
hết trích)

Như thế, Bộ Giáo Dục là nơi có tội đầu tiên, theo nhận định này. Và vì Bộ Giáo Dục chấp nhận, xã hội đành chấp nhận vì không biết cách nào phân biệt hàng thật, hàng dỏm nữa.

Nhưng nếu bằng dỏm ra điều hành kinh tế thì sao? Có giúp tăng kinh tế cho VN được không?

Trong một bài phỏng vấn trên báo Đất Việt vào ngày 23/8.2010, một giáo sư tiết lộ rằng viện trưởng một viện kinh tế tại VN thực ra là có văn bằng dỏm.

Bài phỏng vấn có tựa đề “Đừng lạ khi nhiều cán bộ xài bằng giả” trích như sau:

“Trò chuyện với Đất Việt về vấn nạn đang làm nhức nhối xã hội, loạn cán bộ xài bằng giả, nữ Giáo sư, tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Hoàng Xuân Sính cho rằng việc rộ lên "phong trào" cán bộ làm bằng giả cho "đẹp hồ sơ", mong thăng quan tiến chức cũng không có gì là lạ...(...)

- Thời gian qua, câu chuyện một số quan chức đi học tiến sĩ chỉ mất có 6 tháng, có bằng tiến sĩ song không biết ngoại ngữ, học thạc sĩ chỉ mất có 40 ngày… đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Điều này có gì bất thường so với việc học tiến sĩ, thạc sĩ ở thế hệ của bà?

- Thế hệ bọn tôi, chưa kể học tiến sĩ mà ngay cả học thạc sĩ cũng cực kỳ vất vả và đặc biệt là rất nghiêm túc. Nhưng càng về sau này, tôi thấy nhiều người học càng ngày càng lười. Thậm chí có những bài luận văn thạc sĩ của không ít người chính là bài của tôi. Nhưng nếu không cho họ đỗ thì họ lại kêu khóc rằng sẽ bị cơ quan sa thải, nên vẫn đành phải cho qua.

Một cậu học trò của tôi, tốt nghiệp khoa Triết của trường Tổng hợp, đã từng tới từ biệt tôi vì không tìm được việc làm. Sau một thời gian gặp lại thấy khá khẩm hơn và cậu ấy nói đã sống bằng nghề làm luận văn tiến sĩ, mà toàn tiến sĩ ngành kinh tế. Cậu ấy bảo: “Không có gì khó, tất cả đều lơ lớ giống nhau, em cũng đi sao chép từ các luận văn khác, chỉ có điều đổi tên luận án”. Cậu ấy nói rằng, trong những đối tượng thuê làm luận văn có cả tổ chức cơ quan nhà nước. Một thời gian sau, cậu ấy đã tổ chức cả đường dây làm mỗi tuần xong một luận án. Thời gian gần đây, tôi có nghe tin cậu ấy đã được mời làm viện trưởng một viện kinh tế…”(
hết trích)

Bởi vậy, kinh tế VN mới xuống dốc. Vấn đề là, vào năm 2015 toàn khối ASEAN gỡ rào kinh tế, các văn bằng dỏm lấy gì mà đua với người?



No comments:

Post a Comment

View My Stats