Sunday, 31 October 2021

SỐ PHẬN NHỮNG NHÀ BÁO ĐỐI LẬP DƯỚI MÓNG VUỐT PUTIN (Lê Tây Sơn – Saigon Nhỏ)

 


Số phận những nhà báo đối lập dưới móng vuốt Putin

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
31 tháng 10, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/so-phan-nhung-nha-bao-doi-lap-duoi-mong-vuot-putin/

 

“Mọi người đều hiểu đây là thời kỳ khó khăn nhất đối với báo chí Nga kể từ thời Stalin”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/Steve-Harvey--1024x683.jpg

Công Trường Đỏ  .  Steve Harvey/Unsplash

 

Thứ Sáu là ngày cảnh giác nhất đối với phe đối lập tại Liên bang Nga. Trong những căn hộ nhỏ, quá nóng, quán cà phê hay tòa soạn, các nhà báo rê chuột trên màn hình máy tính để chờ xem Tổ quốc có chụp lên họ chiếc mũ gần giống với “kẻ phản quốc” không! Đã trở thành quy luật vào hầu hết các ngày Thứ Sáu, trên trang web của Bộ Tư pháp Nga thường cho đăng danh sách mới nhất các phương tiện truyền thông và các cá nhân, được xem “đặc vụ nước ngoài”!

 

 

Từ giải Nobel hoà bình cho nhà báo đối lập Dmitry Muratov

 

Các nhà báo độc lập và đối lập xem đây là một “Sự bôi nhọ không thể biện minh được!”. Nhưng. Tổng thống Nga Vladimir Putin lại khẳng định “nó không nhằm bịt miệng hay kiểm duyệt ai, mà chỉ có mục đích thông báo cho độc giả và người xem truyền hình biết là một số phương tiện truyền thông họ đang theo dõi nhận được nguồn tài trợ từ nước ngoài”. “Luật không cấm bất cứ ai có ý kiến ​​riêng về một vấn đề nào đó mà chỉ nói về việc nhận viện trợ tiền từ nước ngoài để hoạt động hay chống phá đất nước” – ông Putin nhấn mạnh gần đây. 

 

Đối với người vừa đoạt giải Nobel Hòa bình Dmitry Muratov, một nhà báo đối lập nổi tiếng thuộc số rất ít người chưa bị bắt hoặc bị làm cho thương tật, bị ám sát thì cái gọi là “Thông báo ngày Thứ Sáu” là âm mưu mới nhất của Điện Kremlin nhằm loại bỏ tận gốc báo chí độc lập và tất cả những gì còn trụ lại được của tinh thần phản biện và phản đối hiệu quả ở nước Nga. 

 

Nếu vào thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, chiến thuật “cứng” được tình báo Nga giao cho những sát thủ được thuê, như đã xảy ra với nhà báo nữ Anna Politkovskaya, thì nay chiến thuật “mềm” tạm chiếm ưu thế với sự trợ giúp của “Luật đặc vụ nước ngoài”. 

 

Là tổng biên tập của tờ báo có bề dày chống đối Novaya Gazeta, ông Muratov đã bị mất sáu đồng nghiệp kiên định trong cuộc chiến giành sự thật. Nổi tiếng nhất trong số đó chính là Politkovskaya. Sinh ở Mỹ nhưng có khát vọng mãnh liệt phục vụ cho người dân Nga, bà đã bị bắn gục trước ngưỡng cửa căn hộ của mình ở Moscow cách đây 15 năm. 

 

Văn phòng cũ của Politkovskaya trong tòa nhà này hiện vừa là nơi bảo tồn di sản của bà vừa là phòng tác nghiệp điều tra. Các tài liệu và hình ảnh phủ lên toàn bộ một bức tường, còn các lời luận tội và các nghi phạm được nối với nhau bằng sợi chỉ màu đen. 

 

“Khi một phương tiện truyền thông bị quy tội ‘tồn tại không mong muốn’ nó lập tức trở thành kẻ thù mặc định của công chúng. Điều đó có nghĩa là tờ báo hay kênh tin tức sẽ phải ngừng hoạt động theo tôn chỉ, còn nếu muốn tồn tại nó phải chuyển hướng” – Muratov nói và cho biết ông đã trao lại tiền thưởng giải Nobel cho các tổ chức từ thiện vì trẻ em và báo chí. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/Dmitry-Berdnyk-1024x768.jpg

Dmitry Berdnyk/Unsplash

 

Vladimir Putin đã cai trị nước Nga, đầu tiên là tổng thống, rồi thủ tướng, rồi lại là tổng thống, kể từ đêm giao thừa năm 1999, khi người tiền nhiệm Boris Yeltsin chọn ông để trao quyền vì không còn đủ sức khoẻ cáng đáng nhiệm vụ sau vài lần mổ tim. Suốt 22 năm Putin bám chặt chiếc ghế quyền lực nhất nước Nga, nhiều nhà báo và chính trị gia đối lập bị sát hại không run tay và hầu như không tìm ra kẻ thuê giết họ. Điều này dễ hiểu vì chúng “giết người theo hợp đồng!”. 

 

Bà Tanya Lokshina, phó giám đốc phụ trách châu Âu và Trung Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại Moscow, nhận định:

 

 “Rõ ràng, tại Nga, việc trở thành một chính trị gia đối lập, một nhà báo độc lập hoặc một blogger đối lập là chọn lựa cực kỳ rủi ro với một bản án tử hình trên đầu. Dưới thời Putin, đã có hơn chục nhà báo bị sát hại hoặc chết trong các trường hợp đáng ngờ. Nhiều người khác bị thương tích do tấn công dã man. Nhưng có rất ít vụ được điều tra hiệu quả và tội phạm bị trừng phạt”. 

 

Vì vậy, không có gì khó hiểu khi hầu như tất cả những kẻ ra lệnh giết Politkovskaya vẫn an toàn. Trong vụ giết nhà lãnh đạo đối lập Boris Nemtsov bên ngoài Điện Kremlin cách nay hai năm, chỉ có năm người đàn ông đến từ Chechnya bị kết án vào năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa biết ai trả 15 triệu rúp cho chúng dù hồ sơ tòa án khẳng định có việc thuê mướn. 

 

Các chính trị gia như lãnh đạo đối lập Alexey Navalny (phải ngồi tù vì những tội danh vu khống sau khi ông bị đầu độc suýt chết ngay trên quê hương mình bởi chất độc thần kinh Novichok sản xuất bởi chính phủ Nga và được cứu sống ở Đức). Vào thời điểm này, dù chiến thuật “cứng” đã ngưng áp dụng nhưng nhiều nhà báo độc lập không tin những nguy hiểm thể xác đối với họ đã biến mất mà chỉ “tạm ngủ yên chờ ngày ngóc đầu dậy”. 

 

Bị chụp chiếc mũ “đặc vụ nước ngoài” sinh mạng của họ có thể mất bất cứ lúc nào. Những nguy hiểm khi tác nghiệp cũng nhiều hơn. Đặc biệt là khi Putin vẫn được đa số người Nga yêu thích và nhiều người đồng tình với cách hành xử tàn bạo của ông ta.

 

 

Luật đặc vụ nước ngoài gợi nhớ thời Stalin

 

Để sống sót, một số người chọn cuộc sống lưu vong. “Putin dựa vào tình yêu và lòng trung thành của hơn 70% người dân Nga (theo số liệu bầu cử của chính phủ). Ông ấy gọi mình là ‘tổng thống của đa số’ và phải trụ lại đó lâu dài để bảo đảm lợi ích của một thiểu số cận thần, xu nịnh. 

Họ không quan tâm đến việc những tờ báo đối lập bị dán nhãn đặc vụ nước ngoài, phe đối lập bị trấn áp và các lãnh đạo đối lập bị bỏ tù hay bị đánh, giết” – Muratov nói.

 

 Việc áp dụng Luật đặc vụ nước ngoài từ năm 2017, và danh sách gần đây nhất của 88 công ty và cá nhân “đặc vụ nước ngoài” là đòn giáng mạnh vào lòng can đảm, nhiệt huyết và khí tiết của những nhà báo coi công việc của họ là “nghĩa vụ yêu nước Nga”. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/Steve-Harvey-1024x683.jpg

Steve Harvey/Unsplash

 

Khi các studio của kênh truyền hình đối lập Dozhd TV (TV Rain) tràn ngập nguồn năng lượng được tân trang lại với các phòng trưng bày và cửa hàng thiết kế thì một tiếng trống cảnh báo vang lên: Từ Tháng Tám, công ty truyền thông nổi tiếng này được đưa vào danh sách “làm việc cho nước ngoài”. 

 

Chính phủ buộc kênh phải đăng cảnh báo màu đỏ lấp đầy màn hình trước khi phát sóng một chương trình. Trên mỗi bản tin trên trang Twitter của kênh cũng phải kèm theo cảnh báo: “Tin tức hay tài liệu này được tạo ra và phân phối bởi một phương tiện truyền  thông nước ngoài thực hiện nhiệm vụ của một đặc vụ nước ngoài hay một thực thể pháp lý Nga thực hiện nhiệm vụ đại lý của một điệp viên nước ngoài”.  

 

Trong những ngày Stalin còn cai trị và ám ảnh nhiều người Nga đến tận hôm nay thì việc qui chụp như vậy sẽ dẫn đến một phiên toà nhanh gọn và sẽ nhận được một viên đạn vào đầu. 

 

Đã có hàng triệu nạn nhân bị thanh trừng như thế tại Liên Xô. “Khi bạn bị xác định làm việc cho nước ngoài tức là bạn đã trở thành kẻ thù của nhà nước; chống lại quốc gia. Nhưng ở Nga với lịch sử khủng khiếp của riêng nó, hậu quả là rất lớn – Tikhon Dzyadko, Tổng biên tập của TV Rain giải thích – Vi phạm lần đầu, tôi có thể bị phạt 300,000 rúp, lần thứ hai một triệu rúp, lần thứ ba, tôi đoán là năm triệu rúp. Và sau đó nếu tôi không chịu thanh toán sẽ có phiên toà hình sự chống lại tôi và chủ sở hữu của TV Rain. 

 

May mắn, doanh thu quảng cáo vẫn chưa bị ảnh hưởng nặng nề dù nó chỉ trang trải được một phần nhỏ trong tổng chi phí. Nhưng chắc chắn quảng cáo sẽ bị ảnh hưởng vì không ai muốn quảng cáo trên một phương tiện có kèm theo dòng chữ… kênh này không yêu nước! Tôi đã thấy quảng cáo trên các trang web đối lập giảm đến 90% doanh thu. Nhưng rõ ràng, ở đây có sự phân biệt đối xử và không công bằng, khi xét về mặt kỹ thuật, bất kỳ tổ chức tin tức nào nhận tài trợ, dù không đáng kể, từ bên ngoài quốc gia đều có thể bị gắn mác “liên quan đến nước ngoài” nhưng Cơ quan Giám sát Liên bang trong lĩnh vực Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Đại chúng đã loại trừ cánh truyền thông thân chính phủ như Tass và Interfax dù chúng cũng nhận vốn nước ngoài thông qua đầu tư”. 

 

Để biện minh, Putin nêu ra trường hợp kênh truyền hình  RT, trước đây là Russia Today trụ sở tại Washington (MỸ) cũng bị tình báo Mỹ cáo buộc là một phần của “bộ máy tuyên truyền do chính phủ Nga điều hành” từ Tháng Một, 2017. Ông ta nói: “Chính sách của Nga chỉ là phản ánh luật pháp Mỹ”. Tuy nhiên, không có bất kỳ nhà báo Mỹ nào làm việc cho RT phải chạy trốn chính phủ Mỹ. 

 

Không giống như Roman Dobrokhotov, tổng biên tập của tờ The Insider đang lẩn trốn ở châu Âu. The Insider là trang web chuyên điều tra bị Nga tố cáo nhận tài trợ từ bên ngoài và là đặc vụ nước ngoài. Dobrokhotov, vợ, con và gia đình rộng hơn không tiết lộ nơi ẩn náu của mình. Tại Nga, cái cớ khép tội ông là bôi nhọ một blogger người Hà Lan thân Putin, nhưng ông phủ nhận hoàn toàn. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/Damir-Spanic-1024x516.jpg

Minh hoạ: Damir Spanic/Unsplash

 

Sau khi cảnh sát mở nhiều cuộc đột kích vào nhà riêng của ông và nhà của cha mẹ, Dobrokhotov cảm thấy đã đến lúc phải ra đi nếu không muốn điều tồi tệ hơn. 

 

Đợt điều tra mới nhất gọi là “đe dọa nhà nước” diễn ra sau khi Dobrokhotov tiếp xúc với một phương tiện truyền thông nước ngoài để phối hợp điều tra vụ đầu độc Navalny. Lập tức phương án đào thoát được tiến hành. 

 

“Mọi người đều hiểu đây là thời kỳ khó khăn nhất đối với báo chí Nga kể từ thời Stalin” – ông nói. Hy vọng việc trao giải Nobel cho Muratov (và Maria Ressa, một nhà báo đối lập Philippines) sẽ mang lại cho Tổng biên tập tờ Novaya Gazeta sự bảo vệ, ít ra là vào lúc này. 

 

Đến nay, Muratov luôn khẳng định tờ báo không nhận bất kỳ nguồn tài trợ nào từ bên ngoài nước Nga. “Nhưng nếu họ muốn chụp mũ chúng tôi làm việc cho nước ngoài, họ sẽ làm. Không có cách nào chúng tôi có thể tự bảo vệ mình trước quyết định phi pháp luật và không được xét xử này” – ông nói.




TẠI SAO ĐẢNG CỘNG SẢN ĐANG DẦN TRỞ THÀNH ĐẢNG ĐỐI LẬP Ở NGA? (The Economist)

 


Tại sao Đảng Cộng sản đang dần trở thành đảng đối lập ở Nga?

The Economist

Trần Hùng, biên dịch

01/11/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/11/01/tai-sao-dang-cong-san-dang-dan-tro-thanh-dang-doi-lap-o-nga/

 

Ekaterina Engalycheva chưa bao giờ nhận được huy hiệu Lenin khi còn nhỏ. Vào tuần lễ cô sắp sửa trở thành đội viên thiếu niên Oktiabriata (tức “thiếu niên tháng Mười”), như tất cả những đứa trẻ Liên Xô khác lúc 7 tuổi, thì Liên bang Xô viết tan rã. Nhưng 30 năm sau, Engalycheva là đảng viên Đảng Cộng sản và là ủy viên hội đồng thành phố Moskva. Cô vận động chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu của Vladimir Putin; điều Lenin chắc chắn sẽ ủng hộ. Nhưng Lenin có lẽ sẽ kinh hoàng trước những mong muốn khác của cô: bầu cử tự do và công bằng. Cô đã bị giam giữ và phạt tiền vì phản đối việc bỏ tù Alexei Navalny, nhà lãnh đạo đối lập của Nga, và gần đây đã phải tự nhốt mình trong văn phòng trong khi cảnh sát đợi để bắt cô ở bên ngoài.

 

Cô khác xa khuôn mẫu của một người Cộng sản. Cô không phải là một cán bộ hưu trí vẫy cờ đỏ, và không quan tâm đến Stalin. Cô cũng không cảm thấy có mối liên hệ gắn bó gì với những người Cộng sản thời kỳ Liên Xô đã “phản bội đất nước và nhân dân chúng tôi, chuyển phe và sang “định cư” ở Nước Nga Thống nhất” (Đảng chính trị mà ông Putin hiện dùng để kiểm soát Quốc hội Nga). Cô không bận tâm với việc Đảng Cộng sản ngày nay được lãnh đạo bởi Gennady Zyuganov, một nhà tư tưởng thời Liên Xô cũ vốn hay ca ngợi Stalin. Điều quan trọng hơn đối với cô là đảng này đang có dấu hiệu trở thành một đảng đối lập thực sự. Và điều này đang khiến Điện Kremlin, và thực tế là cả bản thân ông Zyuganov, cảm thấy lo lắng.

 

Ông Zyuganov thành lập Đảng Cộng sản hậu Xô Viết của mình vào năm 1993, nhằm mục đích tận dụng một số sự bất mãn và hoài niệm quá khứ mà sự sụp đổ Liên Xô mang lại. Trên thực tế, đó là một đảng theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc, mà năm đó đã tham gia vào một cuộc nổi dậy vũ trang bất thành chống lại chính phủ dân chủ của Boris Yeltsin. Năm 1996, khi ông Zyuganov thách thức Yeltsin trong cuộc bầu cử tổng thống, những người theo chủ nghĩa tự do và các doanh nhân Nga, vốn lo sợ trước sự quay lại của chủ nghĩa Cộng sản, đã dành tất cả nguồn lực của họ ủng hộ vị tổng thống ốm yếu. “Tôi thà chọn một Yeltsin đã chết hơn là một Zyuganov còn sống,” một giám đốc điều hành đài truyền hình nói vào thời điểm đó.

 

Ông Zyuganov đã thua, nhưng trong hai thập niên tiếp theo, sự hiện diện của ông đã cho phép Điện Kremlin định hình chính trị như một sự lựa chọn nhị phân giữa dân chủ và chủ nghĩa cộng sản kiểu Xô Viết. Ngày nay, nhiều nhà dân chủ Nga, vì mong mỏi đuổi người kế nhiệm Yeltsin ra khỏi Điện Kremlin, đã quay sang bỏ phiếu cho những người Cộng sản.

 

Họ nhận thức rõ về tình huống trớ trêu này. Tuy nhiên, như Yevgenia Albats, một đại diện cho giới truyền thông đối lập của Nga, nói, “chính phủ khốn nạn này đã khiến chúng ta không còn lựa chọn nào khác”. Với gần như tất cả các hình thức chính trị bị cấm và ông Navalny đang nằm sau song sắt, Đảng Cộng sản đã trở thành bên hưởng lợi chính từ chiến lược “bỏ phiếu thông minh” của ông. Navalny kêu gọi người Nga bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên nào phù hợp nhất để đánh bại Đảng Nước Nga Thống nhất. Nếu số phiếu được kiểm một cách trung thực trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 9, những người Cộng sản có lẽ sẽ có được số phiếu tương đương với Nước Nga Thống nhất. Bất chấp các gian lận, đảng này vẫn giành được 19% số phiếu bầu, tăng từ mức 13% hồi năm 2016.

Thành công này đã khiến ông Zyuganov bất ngờ. Được tài trợ và bị kiểm soát bởi Điện Kremlin, ông đã ghi danh đảng của mình vào hệ thống “dân chủ được quản lý” của ông Putin, điều mang lại một ảo tưởng về việc người dân có quyền lựa chọn, đồng thời củng cố quyền kiểm soát của Điện Kremlin. Chiến lược “Bỏ phiếu thông minh” đã làm hỏng trò chơi đó. Nó không chỉ giúp tăng số phiếu của Đảng Cộng sản, mà còn mang lại cho các nghị sĩ trẻ tuổi của đảng một cảm giác quyền lực.

 

Không chỉ các lá phiếu phản đối Putin giúp Đảng Cộng sản giành thêm phiếu. Một số chính trị gia trẻ tuổi tranh cử dưới ngọn cờ của đảng đang sử dụng đảng như một nền tảng để từ đó khởi động chương trình nghị sự cánh tả của riêng họ. Nhiều người trong số họ có thể được xếp vào hàng ngũ giống như các đảng dân chủ xã hội kiểu châu Âu.

 

Ví dụ như Mikhail Lobanov, một giảng viên toán 37 tuổi tại Đại học Tổng hợp Moskva. Ông đã điều hành một chiến dịch tranh cử theo phong cách phương Tây, huy động quỹ từ cộng đồng và vận động cử tri tận từng nhà, ở một khu vực tương đối giàu có của Moskva. Ông từ bỏ những khuôn sáo về ý thức hệ để tập trung vào hoạt động vận động đô thị và phúc lợi xã hội. Ông nói: “Tôi tin vào lý tưởng cánh tả như một cách để hạn chế sự thái quá của chủ nghĩa tư bản, thông qua các cơ hội bình đẳng và khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe toàn dân.” Sự gian lận trắng trợn của Điện Kremlin đã cướp đi chiến thắng nhưng không làm mất đi sự hấp dẫn của ông.

 

Với việc chủ nghĩa cánh tả đang phát triển ở hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới, điều đáng ngạc nhiên là nó đã mất rất nhiều thời gian mới trở nên thịnh hành ở Nga, đặc biệt là nếu xét tình trạng bất bình đẳng mà chế độ của ông Putin đã gây ra. Một lời giải thích rõ ràng là người Nga cần có thời gian mới có thể quên đi được nỗ lực của Liên Xô nhằm thực thi sự bình đẳng, chuyện hàng triệu người đã bị giết trong quá trình đó, và việc nỗ lực đó đã thất bại thảm hại như thế nào. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng thu nhập giảm liên tục trong 6 năm qua đã khiến nhiều người Nga phải quay lại xem xét tư tưởng chính trị cánh tả.

 

Sự thay đổi hiện tại của những người Cộng sản chủ yếu là phản ứng lại các chính sách của ông Putin. Bằng cách sáp nhập Crimea hồi năm 2014, Putin đã đánh cắp chương trình nghị sự dân tộc chủ nghĩa trước đây của đảng, khiến các thành viên của đảng phải đưa ra lựa chọn, theo giải thích của Gregory Yudin, một nhà xã hội học. “Họ có thể tiến xa hơn về phía cánh hữu và trở nên “tuyệt chủng”, hoặc họ phải bước ra khu ổ chuột của mình và chuyển sang cánh tả. ”

 

Valery Rashkin, một nghị sĩ đại diện Đảng Cộng sản và là người đứng đầu đảng bộ Moskva, đã quyết định thử nghiệm. Tại cuộc bầu cử hồi tháng 9, ông ủng hộ một số ứng cử viên trẻ như Evgeny Stupin, một cựu cảnh sát điều tra 38 tuổi, từng phục vụ tại khu vực Ural nhưng đã bỏ công việc được trả lương quá tệ (cùng với tư cách thành viên bắt buộc của Đảng Nước Nga Thống nhất), sau đó chuyển đến Moskva để tìm việc làm. Sự bất công và tham nhũng mà ông gặp phải ở đó đã khiến Stupin tìm đến với Đảng Cộng sản.

 

Điện Kremlin hiện đang chỉ đạo một cuộc đàn áp theo kiểu Liên Xô chống lại những người Cộng sản trẻ tuổi, và cố đóng khung họ như những người theo chủ nghĩa Stalin. Trong khi đó, những người Cộng sản đang đứng lên đấu tranh cho nhân quyền, chẳng hạn như bằng cách yêu cầu điều tra về các vụ tra tấn được báo cáo trong các nhà tù của Nga.

 

Nước Nga của Putin giờ đây đang thực sự là một thế giới đầy những điều trớ trêu.

 

-------------------------

 

Nguồn: Russia’s once-tame Communist Party is becoming an opposition force”, The Economist, 30/10/2021.

 




NGÀY THỨ HAI CỦA HỘI NGHỊ G20 TẬP TRUNG VÀO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU (VOA News)

 


Ngày thứ hai của hội nghị G20 tập trung vào biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng toàn cầu

VOANews

31/10/2021

https://www.voatiengviet.com/a/ng%C3%A0y-th%E1%BB%A9-hai-c%E1%BB%A7a-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-g20-t%E1%BA%ADp-....BA%A7u/6292749.html

 

https://gdb.voanews.com/3BAC63B9-1813-417E-8459-E3DAA52AFDD4_w650_r1_s.jpg

Lãnh đạo tham dự hội nghị G20 ở Rome.

 

Ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome tiếp tục diễn ra hôm Chủ nhật, và các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế lớn trên thế giới hy vọng giải quyết mối đe dọa mang tính sống còn của tình trạng biến đổi khí hậu, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, COP26, ở Glasgow, Scotland, trong tuần này.

 

Các nhà lãnh chuẩn bị cam kết thực hiện các bước khẩn cấp để đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, phù hợp với cam kết toàn cầu trong Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015 nhằm giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức "dưới" 2 độ C trên mức thời tiền công nghiệp, và tốt nhất là ở mức 1,5 độ.

 

Nhóm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu chiếm hơn 3/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới. Họ sẽ cần phải tìm được sự đồng thuận trong việc đạt được mục tiêu giảm phát thải, đặc biệt là cắt giảm khí mê-tan và loại bỏ dần than đá.

 

Trả lời các phóng viên trước thềm hội nghị thượng đỉnh, một quan chức cấp cao trong chính quyền Hoa Kỳ cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác đang hy vọng đạt được cam kết chấm dứt tài trợ nước ngoài cho sản xuất nhiệt điện than.

 

Ông Biden cũng sẽ tổ chức một cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh để giải quyết cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhóm 20 quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh chiếm hơn 80% GDP thế giới và 75% thương mại toàn cầu.

 

Giải quyết gián đoạn thương mại toàn cầu là trọng tâm chính của chính quyền Biden, vốn lo ngại rằng những nút thắt cổ chai này sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

 

Để giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng của quốc gia, đầu tháng này, chính quyền Biden đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động suốt ngày đêm, bảy ngày một tuần, tại Los Angeles và Long Beach, hai cảng chiếm 40% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển vào Hoa Kỳ.

 

3 COMMENTS   

 



KHÍ HẬU : PHE NĂNG LƯỢNG HÓA THẠCH THUA HIỆP ĐẦU, NHƯNG KHÔNG BỎ MỤC TIÊU (Trọng Thành - RFI)

 


Khí hậu: Phe Năng lượng Hóa thạch thua hiệp đầu, nhưng không bỏ mục tiêu

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 01/11/2021 - 00:49

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211031-khi-hau-phe-nlht-thua-hiep-dau-nhung-khong-bo-muc-tieu

 

Michael Mann (*) được coi là một trong những nhà khí hậu học « có ảnh hưởng lớn nhất thế giới ». Trước thềm thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Glasgos (COP26), tuần san Courrier International cuối tháng 10/2021 giới thiệu bài phỏng vấn của báo Anh The Guardian với tác giả cuốn « The New Climate War » (Cuộc chiến khí hậu mới) (**).

 

https://s.rfi.fr/media/display/ece19692-3aa3-11ec-8caf-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/climate-change-thermometer-forest-fire-forest.webp

Ảnh minh họa : Trái đất bị hâm nóng, cháy rừng ngày càng dồn dập và quy mô ngày càng lớn hơn. © pxfuel

 

Một trong các thông điệp chính của tác giả trong cuốn sách là tố cáo những thủ đoạn mới của các tập đoàn năng lượng hóa thạch. Sau khi thất bại trong việc « phủ nhận hiện thực biến đổi khí hậu », giờ đây các tập đoàn này và những thế lực đằng sau đang tìm cách gieo rắc không khí hoảng hốt, lo sợ, bi quan trong xã hội, trước một thảm họa khí hậu được coi là không thể tránh khỏi. Mục tiêu là khiến người dân « buông xuôi » chấp nhận định mệnh.

 

Tuy nhiên, nhà khí hậu học Mỹ khẳng định trên thực tế, chính các thế lực phủ nhận biến đổi khí hậu đang rơi vào « thế phòng ngự », cuộc chiến vì khí hậu chưa bao giờ « thuận lợi như hiện nay ».

 

                                                       ***

 

The Guardian : Ông đã tham gia nhiều chiến dịch về khí hậu. Vậy có điều gì mới trong « cuộc chiến khí hậu » này (« Cuộc chiến khí hậu mới » là nhan đề tác phẩm mới xuất bản của M. Mann) ?

Michael Mann : Trong hơn 20 năm qua, tôi từng trong tầm ngắm của « các thế lực phủ nhận hiện thực biến đổi khí hậu », các tập đoàn năng lượng hóa thạch đa quốc gia và tất cả những ai ủng hộ họ, trước hết là giới chính trị gia bảo thủ và các phương tiện truyền thông của họ. Tất cả những điều này nằm trong một hoạt động rộng lớn nhằm làm mất uy tín của ngành khoa học về sự rối loạn khí hậu. Đây chắc chắn là một chiến dịch truyền thông được tài trợ tốt nhất và có tổ chức nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, giờ đây, chúng ta đang ở vào thời điểm mà không còn có thể phủ nhận được sự biến đổi khí hậu nữa : mọi người đang chứng kiến các tác động của biến đổi khí hậu một cách trực tiếp. Tuy nhiên, các thế lực « chủ trương không làm gì cả » (inactivist), như danh hiệu mà tôi dùng để gọi họ, không đầu hàng đâu. Họ chỉ từ bỏ lập trường phủ nhận hiện thực biến đổi khí hậu triệt để trước đó, nhưng thế vào đó là cả một hệ thống chiến thuật mới. Chính « cuộc chiến khí hậu mới » này là điều mà tôi mô tả trong cuốn sách vừa ra mắt.

 

 

The Guardian : Vậy kẻ địch là ai ?

Michael Mann : Đó là các thế lực vận động cho các năng lượng hóa thạch, những người phủ nhận hiện thực biến đổi khí hậu, có mối quan hệ mật thiết với các cường quốc dầu khí, như Ả Rập Xê Út và Nga. Tất cả những điều đó tạo nên cái mà tôi gọi là « liên minh của những thế lực xấu ». Nếu như cần phải tìm ra một gương mặt duy nhất có thể coi là hiện thân của « kẻ địch » trong cuộc chiến khí hậu cũ và mới, thì đó là Rupert Murdoch. « Biến đổi khí hậu » là một chủ đề mà các phương tiện truyền thông của Murdoch thao túng từ nhiều năm nay : Năm nay thủ đoạn bóp méo thông tin đã trơ tráo đến mức quy nguyên nhân các vụ cháy rừng cây bụi ở Úc là do những kẻ đốt rừng. Một thủ đoạn đáng ghê tởm, có mục tiêu đánh lạc hướng công luận về nguyên nhân thực sự của thảm kịch này : biến đổi khí hậu.

Chúng ta cũng cần ghi nhận vai trò gia tăng của các quốc gia dầu mỏ. Ả Rập Xê Út đang chơi trò ngáng đường, Nga tiến hành cuộc chiến tin học, can thiệp vào đời sống chính trị của nhiều quốc gia khác, cản trở cuộc chiến chống rối loạn khí hậu. Giờ đây, chính quyền Nga sử dụng các đội quân « robot mạng » (bot) và « troll » (kẻ kích động tranh cãi trên mạng) để gieo rắc những bất hòa trong giới những người tranh đấu vì khí hậu và những cãi vã trên các mạng xã hội. Những « trol » của Nga đã tìm cách phá hoại việc ấn định giá cacbon tại Canada và Úc. Nhiều tài khoản của Nga đã can thiệp vào phong trào « Áo Vàng » tại Pháp.

 

 

The Guardian : Theo ông, những người « phủ nhận hiện thực biến đổi khí hậu » đang ở thế phòng ngự, và có những lý do để hy vọng. Phải chăng đây không phải là khởi đầu cho một niềm hy vọng đầy ảo tưởng ?  Tình hình hiện nay thì có gì khác đâu ?

Michael Mann : Không nghi ngờ gì nữa : chưa bao giờ bối cảnh lại thuận lợi hơn, từ 20 năm nay, tức từ khi tôi dấn thân vào đấu trường khí hậu. Chắc chắn là, trong quá khứ, đôi khi chúng ta đã để cho mình bị ru ngủ trong thái độ tự huyễn hoặc, tự thỏa mãn. Năm 2007, khi giải Nobel hòa bình được trao cho nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu (GIEC) và Al Gore (cựu phó tổng thống Mỹ và một doanh nhân dấn thân vào cuộc chiến khí hậu), một sự ý thức về khí hậu dường như đã diễn ra trong giới truyền thông. Nhiều người đã muốn coi đó là một « bước ngoặt ». Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tôi đã rất lo ngại. Tôi biết là kẻ địch chưa sẵn sàng chấp nhận thua, tôi đã chờ đợi là « cuộc chiến khí hậu » sẽ trỗi dậy trở lại.

Đây chính là điều đã xảy ra với vụ « Climagate » (***). Lần này thì khác, khác từ mọi góc nhìn. Tôi cho rằng làn gió chính trị đang chuyển hướng một cách thuận lợi. Phong trào của giới trẻ vì khí hậu đang làm sôi sục công luận, và hướng trọng tâm của dư luận vào các vấn đề mang tính đạo lý trong quan hệ giữa các thế hệ. Chúng ta đang chứng kiến một bước biến chuyển mạnh mẽ trong ý thức người dân. Điều này báo hiệu tương lai sẽ sáng sủa hơn. Thảm họa khí hậu là có thể tránh được, vẫn còn một lối thoát. Chúng ta thấy, trong lời lẽ của thế lực những kẻ « chủ trương không làm gì cả » (inactivist), nhiều điều cho thấy họ đang ở vào thế phòng ngự. Những chuyên gia về truyền thông của đảng Cộng Hòa, như nhà thăm dò dư luận Frank Luntz chẳng hạn, đã nói với những khách hàng của họ trong các ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch và với các chính trị gia phục vụ họ, rằng không thể tiếp tục phủ nhận thực trạng hỗn loạn khí hậu, mà không phải gánh chịu các hậu quả. Làm như vậy công luận không chấp nhận nữa. Và thế là họ bắt đầu tìm kiếm các phương pháp khác.

 

 

The Guardian : Ông nêu ra chiến thuật đánh lạc hướng. Đâu là những dấu hiệu cho thấy rõ chuyện này nhất ?

Michael Mann : Mỗi khi mà người ta nói với bạn là : đấy là lỗi của bạn, bởi vì bạn không có một ứng xử có trách nhiệm, thì có rất nhiều khả năng rằng đấy là một cách để bạn bị đánh lạc hướng khỏi các giải pháp mang tính hệ thống, mang tính chính trị. Buộc tội các cá nhân là một phương pháp hiệu quả và đã được thử thách trong nhiều lĩnh vực khác. Công ty Coca Cola và tất cả ngành công nghiệp giải khát trong những năm 1970, đã thành công khi thuyết phục chúng ta là không cần phải xử lý vấn đề rác thải. Chính đó là nguồn gốc của khủng hoảng toàn cầu về rác thải nhựa hiện nay. Các thế lực vận động hành lang cho các loại vũ khí cũng có cùng chiến thuật, như khẩu hiệu mà họ thường đưa ra : « không phải vũ khí giết người, mà chính là người sử dụng vũ khí (là kẻ có trách nhiệm) ». Tại nước Anh, chỉ cần xem tập đoàn dầu khí BP, cơ sở cho ra đời loại máy tính đầu tiên tính toán lượng khí thải của từng cá nhân (hay « dấu ấn khí thải »). Vì sao lại như vậy ? Bởi vì BP muốn các vị quan tâm đến vấn đề khí thải do cá nhân quý vị tạo ra, và quên đi khí thải của BP.

Điều đó đưa chúng ta đến thủ đoạn thứ hai của họ : gây chia rẽ. Trong lúc cần phải tập trung cuộc thảo luận về vấn đề chiến lược để thay đổi hệ thống, thì trên các mạng xã hội, các robot mạng (bot) lại thổi bùng lên các tranh luận xung quanh các lựa chọn mang tính cá nhân.

Tất nhiên, các thay đổi về lối sống là cần thiết, nhưng không đủ. Các thay đổi này có lợi cho sức khỏe, lợi cho túi tiền, và mang lại một tấm gương tốt. Nhưng chúng ta không thể để cho các thế lực chủ trương không hành động thuyết phục chúng ta rằng các hành động (thay đổi lối sống mang tính cá nhân) này, chỉ riêng chúng thôi, đã đủ là giải pháp, và các thay đổi mang tính hệ thống là thừa. Nếu như họ thành công trong việc khiến chúng ta chống lại nhau, nếu như họ đẩy chúng ta đến chỗ lên án một lối sống này hay lối sống khác, lên án « dấu ấn khí thải » của một ai đó, thì họ đã tạo ra được sự chia rẽ, và khiến cho không thể có được một cuộc chiến tập thể chống lại các nhóm lợi ích và những kẻ gây ô nhiễm chính.

Tôi không ăn thịt, điện tôi dùng là do năng lượng tái tạo, tôi có một chiếc xe hơi chạy bằng năng lượng hỗn hợp điện – xăng. Tôi lựa chọn như vậy, tôi cổ vũ những người khác làm như vậy, nhưng tôi không tin rằng sẽ có hiệu quả khi phê phán những cá nhân không ở cùng một cấp độ như bản thân mình. Tốt hơn là giúp cho tất cả mọi người tiếp tục tiến lên trên con đường này. Đó chính là vai trò của những thay đổi chính trị và mang tính hệ thống : thiết lập được những khuyến khích, để sao cho ngay cả các cá nhân không quan tâm đến « dấu ấn khí thải » của họ, cũng chọn đi theo hướng này.

 

 

The Guardian : Ông cũng chỉ ra một mặt trận khác của cuộc chiến khí hậu, đó là chủ thuyết về « tai họa không tránh khỏi ».

Michael Mann : Chủ thuyết về « tai họa không tránh khỏi » là một mối đe dọa, một thủ đoạn giờ đây được sử dụng còn nhiều hơn cả việc phủ nhận hiện thực hỗn loạn khí hậu. « Những kẻ chủ trương không làm gì cả », biết rõ là : khi mọi người nghĩ rằng không còn gì có thể thay đổi được nữa, một cách tự nhiên là họ sẽ buông trôi. Và khi buông xuôi rồi, thì chính họ đã phục vụ một cách không ý thức cho lợi ích của các thế lực vận động cho các năng lượng hóa thạch. Chiến lược này nguy hại ở chỗ là nó lái những người thoạt tiên vốn rất tin tưởng vào mục tiêu bảo vệ môi trường, những người như vậy lẽ ra đã có thể đứng ở tuyến đầu để đòi hỏi các thay đổi. Những con người đầy thiện chí, đầy lý tưởng tốt, rút cục lại rơi vào trầm cảm, mất hết hy vọng.

Tuy nhiên, tất cả những quan điểm về việc « quá chậm mất rồi » được thiết lập dựa trên hiểu biết sai lạc về các dữ kiện khoa học. Nhiều diễn ngôn về « tai họa không thể tránh khỏi » – những diễn ngôn như của (nhà văn Mỹ) Jonathan Franzan, của nhà báo David Wallace-Wells, của phong trào Thích ứng Triệt để (Deep Adaptation) – xuất phát từ một ý tưởng sai lầm, đó là một « trái bom » mêtan (methane) ở vùng cực sẽ dẫn đến tình trạng khí hậu bị hâm nóng vô cùng nhanh chóng, tiêu diệt toàn bộ sự sống trên Trái đất trong vòng 10 năm. Điều này là hoàn toàn sai trái. Không có dữ liệu khoa học nào ủng hộ cho giả thiết này cả.

 

 

The Guardian : Tuy nhiên, không cần đến một trái bom mêtan thì cũng đã có đầy lý do để lo ngại. Và tình cảm lo ngại chẳng phải cũng thúc đẩy việc hướng đến nhận thức đúng hơn ?

Michael Mann : Đúng như vậy, đó là một phản ứng tự nhiên. Nhiều người cũng dễ đi theo quan điểm « thảm họa là không tránh khỏi ». Bản thân tôi đôi khi cũng như vậy. Điều này có thể cho phép có được một sự tỉnh giác, kích thích hành động, với điều kiện là không để cho mình bị rơi vào tình trạng suy sụp. Cần phải có sự hỗ trợ của những người khác xung quanh, để cho trải nghiệm này có ý nghĩa như một sự thanh lọc (giúp cho một sự thay đổi triệt để trong nhận thức).

 

 

The Guardian : Đôi khi ông cũng có nói đến việc cô Greta Thunberg bị lạc hướng.  

Michael Mann : Tôi ủng hộ triệt để Greta Thunberg. Trong một đoạn của cuốn sách này, tôi cũng có nói đến việc cô ấy đôi khi là nạn nhân của các giả thiết sai lầm. Nhưng tôi ủng hộ mọi hành động của cô ấy. Tôi chỉ lên án những ai lẽ ra đã phải hiểu, thì lại để cho mình bị mắc lừa. Điều đặc biệt tôi muốn là tập hợp lại những tuyên bố sai trái về khoa học trong lĩnh vực khí hậu. Nếu các dữ kiện khoa học chỉ ra một cách khách quan là quá trễ để có thể giới hạn nhiệt độ ở dưới mức có thể xảy ra thảm họa, thì đó là một sự thật. Và chúng tôi, các nhà khoa học, chúng tôi sẽ chấp nhận điều đó. Nhưng đây không phải là khẳng định của khoa học.

 

 

The Guardian : Cũng có một chuyển biến khác trong cuộc chiến khí hậu. Đó là sự gia nhập đấu trường của một số tác nhân mới. Bill Gates, chắc chắn là một tác nhân nổi bật, vừa công bố cuốn « Khí hậu : làm thế nào để tránh một thảm họa » (Nxb Flammarion), trong đó ông ấy đề xuất một phương pháp theo kiểu kỹ sư tin học, một thứ « hệ điều hành toàn cầu » được cập nhật trên quy mô lớn. Ông nghĩ sao về chuyện này ?

Michael Mann : Tôi biết ơn ông ấy vì đã sử dụng sự nổi tiếng của bản thân để đánh động công luận về cuộc khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn không tán thành giải pháp mà ông ấy đề xuất. Quan điểm của ông ấy mang tính kỹ trị quá mức, và dựa trên một sự đánh giá thấp vai trò có thể của các năng lượng tái tạo trong việc giúp nền văn minh của chúng ta rời bỏ năng lượng hóa thạch. Khi chúng ta đánh giá thấp tiềm năng đó, chúng ta buộc phải tìm đến các lựa chọn đầy hiểm họa khác, như « địa công nghệ » (với các công nghệ như làm mưa nhân tạo, hay tạo mây ngăn ánh sáng mặt trời…), hay hút và chôn cất khí CO2. Việc đầu tư vào các giải pháp này chưa chứng minh là hiệu quả, nếu làm như vậy thì sẽ có ít đầu tư hơn cho các giải pháp tốt hơn. Bill Gates cũng từng viết là không có giải pháp chính trị cho chuyện biến đổi khí hậu. Nhưng bạn ơi, chính trị là toàn bộ vấn đề. Nếu như bạn không có thế lực ủng hộ hướng đi này, bạn sẽ không thể giải quyết được gì cả, và giải pháp của bạn thậm chí có thể khiến bạn bị chệch hướng.

 

 

The Guardian : Tác phẩm của ông chỉ ra một loạt các lý do để hy vọng : nhanh chóng khắc phục sự chậm trễ của các năng lượng tái tạo, các tiến bộ công nghệ, các hành động trong lĩnh vực tài chính… Tuy nhiên, ông và nhiều người khác hy vọng là cần phải có một sự huy động mạnh mẽ như kiểu trong Thế chiến Hai, để nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, và Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác, hiện vẫn còn rất xa với trạng thái này. Xét từ quan điểm này, đại dịch Covid liệu đã cải thiện tình hình hay làm cho mọi việc tồi tệ hơn?

Michael Mann :  Tôi tin tưởng là trong hiện tại mọi người đang kết thành đội ngũ trên mặt trận khí hậu. Đại dịch này đầy những thảm kịch nhưng cũng mang lại rất nhiều bài học, đặc biệt về tầm quan trọng của việc lắng nghe giới khoa học trong những tình huống nguy cơ cao. Lắng nghe giới chuyên gia về y tế, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các biện pháp ngăn cách để đề phòng nguy cơ virus lây lan, tương tự như việc các nhà khí hậu học khuyến nghị chúng ta giảm mạnh khí thải CO2 trước nguy cơ thảm họa khí hậu. Chúng ta cũng ý thức được rõ ràng hơn về việc, nếu chống lại khoa học, tổn thất sẽ rất cao, như việc hàng trăm nghìn người đã qua đời một cách vô nghĩa tại nước Mỹ, do một tổng thống từ chối áp dụng các biện pháp dựa trên khuyến nghị của các chuyên gia về y tế.

Cuộc khủng hoảng này là một cơ hội duy nhất để duyệt xét lại một cách tập thể những ưu tiên của chúng ta. Làm thế nào để sống được, sống một cách bền vững trên một hành tinh không phải là vô tận, nơi không gian, thức ăn, nước không phải là vô hạn. Trong một năm nữa, ký ức và những hậu quả của virus corona vẫn sẽ còn đau đớn, nhưng nhờ ở vac-xin, mà cuộc khủng hoảng sẽ lùi lại phía sau chúng ta. Ngược lại, trước mặt chúng ta là một mối đe dọa khác đang lớn dần. Đó là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn nhiều : khủng hoảng khí hậu.

 

---

 

Ghi chú 

 

(*) Nhà khí hậu học và địa vật lý Mỹ Michael Mann sinh năm 1965, giám đốc trung tâm Earth System Science Center của đại học công Pennsylvania (Mỹ). Năm 1998, trong lúc chưa hoàn thành luận án tiến sĩ, ông đã là đồng tác giả một bài báo gây sốc trên tạp chí khoa học Nature. Bài báo nổi tiếng với đồ thị về nhiệt độ ở Bắc bán cầu trong nhiều thế kỷ, mang hình « cây gậy khúc côn cầu » (crosse de hockey), với đường cong vọt thẳng lên phía trên, tương ứng với việc khí hậu nóng lên đột ngột mạnh mẽ kể từ đầu kỉ nguyên công nghiệp hóa. Theo The Guardian, chưa bao giờ mối liên hệ giữa hoạt động của con người và khí hậu bị hâm nóng lại được chỉ ra rõ ràng đến như vậy nhờ nghiên cứu của nhóm khoa học, mà Michael Mann là thành viên. Kết quả nghiên cứu của Michael Mann cùng các đồng nghiệp xác nhận nguồn gốc khiến Trái đất nóng lên nhanh chóng là do các hoạt động của con người.

 

(**) « The New Climate WarThe Fight to Take Back Our Planet » (Cuộc chiến khí hậu mới. Chiến đấu để giành lại hành tinh của chúng ta), xuất bản tháng Giêng 2021 tại Mỹ (Nxb PublicAffairs).

 

(***) « Climagate » là một biến cố đóng vai trò lớn khiến Thượng đỉnh Khí hậu COP15 tại Copenhagen thất bại. Ít ngày trước COP15, hàng trăm thư điện tử liên quan đến trung tâm nghiên cứu về khí hậu rất có uy tín Climatic Research Unit (CRU) của đại học Anh University of East Anglia, bị tung lên mạng. Các dữ liệu của CRU vốn được coi là cơ sở cho các báo cáo của nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC / GIEC), được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm đưa ra các dự báo khoa học về khí hậu Trái đất trong tương lai. Phe phủ nhận tác động của năng lượng hóa thạch đến việc Trái đất bị hâm nóng đã nhanh chóng lên tiếng tố cáo các nhà khoa học CRU thao túng, bóp méo dữ liệu, và khẳng định đây là bằng chứng không thể phủ nhận được về một âm mưu mang tính toàn cầu chống lại lối sống phương Tây. Tại Copenhagen, Ả Rập Xê Út - quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới - nhân cơ hội này lên tiếng phản đối mạnh mẽ các kết luận báo động của IPCC / GIEC. Trong số các thư điện tử bị đưa lên mạng có trao đổi giữa giám đốc CRU Phil Jones và nhà khí hậu Mỹ Michael Mann. Áp lực của truyền thông khiến giám đốc CRU từng nghĩ đến chuyện tự sát. Các cuộc điều tra sau đó đã giải oan cho trung tâm CRU. Phe phủ nhận tác động của năng lượng hóa thạch đến biến đổi khí hậu ngày càng trở nên thiểu số. Dù sao, phe này cũng đã thành công trong việc làm chậm lại nỗ lực của cộng đồng quốc tế tìm đồng thuận về vấn đề khí hậu trong một giai đoạn bản lề có ý nghĩa quyết định.

 




TRƯỚC THỀM COP26 : GIỚI TRANH ĐẤU VÌ KHÍ HẬU TUẦN HÀNH Ở GLASGOW GÂY ÁP LỰC (Trọng Thành - RFI)

 


Trước thềm COP26: Giới tranh đấu vì khí hậu tuần hành ở Glasgow gây áp lực

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 31/10/2021 - 10:44

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211031-truoc-them-cop26-hang-tram-nguoi-bieu-tinh-tai-glasgow

 

Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu COP26 khai mạc tại Glasgow hôm nay, 31/10/2021. Hàng trăm nhà tranh đấu môi trường biểu tình tại thành phố Scotland để gây áp lực với giới lãnh đạo trước hội nghị, mà nhiều người cho rằng là « cơ hội cuối cùng » để cộng đồng quốc tế thỏa thuận được về các biện pháp căn bản giúp hành tinh tránh được thảm họa khí hậu.

 

https://s.rfi.fr/media/display/37a0e93c-3a61-11ec-8f94-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/CLIMATE-UN-BRITAIN_Place_FEU.webp

Một màn trình diễn của các nhà tranh đấu môi trường, báo động về tính chất hết sức khẩn cấp của khủng hoảng khí hậu, tại quảng trường George, Glasgow, Scotland, ngày 28/10/2021. Glawgow là nơi diễn ra thượng đỉnh về Khí hậu của LHQ COP26. REUTERS - RUSSELL CHEYNE

 

Theo AFP, người biểu tình đến từ nhiều nơi trên thế giới. Cảnh sát Scotland cho biết khoảng 10.000 nhân viên an ninh sẽ được triển khai trong thời gian COP26 (dự kiến kết thúc ngày 12/11), điều chưa từng thấy tại Scotland. Hơn một trăm lãnh đạo các nước sẽ tham dự thượng đỉnh đặc biệt này.

 

Những người biểu tình trương các khẩu hiệu như : « Hãy hành động ngay lập tức ! », « Hành động chứ đừng nói nữa ! » hay « Hãy chấm dứt các năng lượng hóa thạch »… Các thành viên phong trào Extinction Rebellion, bảo vệ môi trường bằng các biện pháp phản kháng bất bạo động, hiện diện đông đảo trong cuộc biểu tình. 

 

Trả lời AFP, Dirk Van Esbroeck, một công dân Bỉ 68 tuổi về hưu, nói : « Chúng tôi chờ đợi các biện pháp tầm cỡ hơn, chờ đợi các lãnh đạo chính trị ý thức về tính cấp thiết của tình hình, bởi thế hệ con chúng ta, cháu chúng ta có nguy cơ phải sống trong một thế giới phức tạp hơn hiện nay nhiều, lớp trẻ sẽ phải gánh chịu những rối loạn khí hậu ghê gớm ». Ông Dirk Van Esbroeck - có 5 con và 12 người cháu – đi tàu hỏa từ Bỉ đến Edimbourg, trước khi đi bộ hơn 60 km đến Glasgow.

 

Tham gia vào cuộc tuần hành cho nhiều người thuộc giới trẻ. Cô Becky Stokes, 31 tuổi làm nghề phiên dịch, đến từ Tây Ban Nha, cho AFP biết : « Chúng tôi có mặt ở đây để đòi công lý khí hậu », cho các nước « phía Nam » (tức các nước đang phát triển, các nước nghèo). Với Becky Stokes, COP26 là « cơ hội cuối cùng ».

 

Đầu buổi tối hôm qua, nhà tranh đấu trẻ người Thụy Điển, cô Greta Thunberg, 18 tuổi, đã đi tàu đến Glasgow, sau khi tham gia một cuộc biểu tình của hàng chục nghìn thanh niên tại Luân Đôn lên án vai trò của các định chế tài chính trong cuộc khủng hoảng khí hậu, cuộc biểu tình diễn ra ngày thứ Sáu, 29/10. Bãi khóa, biểu tình vì Khí hậu vào mỗi thứ Sáu hàng tuần là sáng kiến của Greta Thunberg cách đây 3 năm, khi cô còn là học sinh trung học. Phong trào « Các Thứ Sáu vì Tương Lai » (Fridays for Future) dấy lên từ đó, thu hút đông đảo thanh thiếu niên nhiều quốc gia, khu vực.

 

 

Hội nghị Giới trẻ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc

 

Bên cạnh cuộc tuần hành tại trung tâm thành phố Glasgow, giới trẻ tham gia Hội nghị Giới trẻ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COY), tập hợp những người dưới 30 tuổi, đến từ khắp nơi trên thế giới, để thảo ra các đề nghị chung gửi đến giới lãnh đạo chính trị thế giới. COY diễn ra từ ngày 28 đến 31/10. Hội nghị Giới trẻ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc sẽ ra một tuyên bố chung để gửi đến chủ tịch COP26, trước khi được Youngo (đại diện chính thức của giới trẻ tại Công ước Khung về Khí hậu của Liên Hiệp Quốc– UNFCCC) công bố ngày cho Giới trẻ trong COP26, dự kiến diễn ra ngày 05/11. Trả lời đài France Info, cô Hélène, đại diện giới trẻ Pháp cho biết « Từ giao thông, rác thải… tất cả các đề nghị sẽ cũng hướng một mục tiêu chung, nhanh chóng tìm ra các giải pháp để ngăn chặn khủng hoảng khí hậu, giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C, theo thỏa thuận Paris ».

 

Tiếng nói của giới trẻ thế giới, của những người tranh đấu vì môi trường có tác động đến thượng đỉnh COP26 hay không ? Theo ban tổ chức phong trào khí hậu, ngày thứ Sáu 05/11 tới tại Glasgow sẽ diễn ra một cuộc biểu tình để gây áp lực lên giới lãnh đạo. Dự kiến sẽ có đến 100.000 người tuần hành.





TẠI G20, CHỦ TỊCH TRUNG QUỐC BÁC YÊU CẦU CỦA MỸ ĐIỀU TRA NGUỒN GỐC COVID-19 (Thu Hằng - RFI)

 


Tại G20, chủ tịch Trung Quốc bác yêu cầu của Mỹ điều tra nguồn gốc Covid-19

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 31/10/2021 - 11:28

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211031-t%E1%BA%A1i-g20-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-trung-qu%E1%BB%91c-b%C3%A1c-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-ngu%E1%BB%93n-g%E1%BB%91c-covid-19

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tham dự thượng đỉnh G20 qua hình thức trực tuyến, đã bác lời kêu gọi của Hoa Kỳ mở điều tra về nguồn gốc virus corona gây bệnh Covid-19. Ông Tập, cũng như tổng thống Nga Vladimir Putin, đã kêu gọi công nhận vac-xin của nhau, đặc biệt là giữa các thành viên nhóm G20.

 

https://s.rfi.fr/media/display/0d4cec64-2d30-11ec-8964-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/AP21111194201319.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. © AP - Andy Wong

 

Theo trang NHK, trong bài diễn văn hôm qua 30/10/2021, ông Tập Cận Bình dường như nhắm đến Hoa Kỳ khi phát biểu : « việc chính trị hóa các nghiên cứu về nguồn gốc virus corona đi ngược lại với tinh thần đoàn kết cần có để đối phó với đại dịch ». Chủ tịch Trung Quốc đề xuất hỗ trợ tài chính cho chiến dịch tiêm phòng của thế giới, chủ yếu cho các nước đang phát triển, và ủng hộ việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ về vac-xin ngừa Covid-19.

 

Trung Quốc có hai loại vac-xin Sinopharm và Sinovac được sử dụng lần lượt tại 70 và 37 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều nước Mỹ la-tinh, châu Phi và châu Á, theo thống kê của AFP. Còn bộ Ngoại Giao Trung Quốc nêu con số 1,6 tỉ liều đã được Bắc Kinh chuyển cho hơn 100 nước và tổ chức quốc tế. 

 

 

Nga, Trung chưa công nhận vac-xin nước ngoài nào

 

Dù được Tổ Chức Y Tế Thế Giới thông qua, nhưng hai vac-xin của Trung Quốc vẫn chưa được các nước phương Tây công nhận, tương tự như vac-xin Sputnik V của Nga. Đối với tổng thống Nga, đây là « do cạnh tranh không lành mạnh, do chủ nghĩa bảo hộ ». Thế nhưng, trên thực tế, cả Nga và Trung Quốc cũng không công nhận bất kỳ vac-xin nước ngoài nào.

 

Tổ Chức Y Tế Thế Giới đề ra mục tiêu 70% dân số toàn cầu được tiêm chủng từ nay đến giữa năm 2022 để có thể chấm dứt đại dịch. Canada cam kết đóng góp thêm vào chương trình này. Tại thượng đỉnh G20, thủ tướng Justin Trudeau thông báo sẽ viện trợ thêm thông qua chương trình COVAX, « ít nhất 200 triệu liều vac-xin cho các nước nghèo », nơi tỉ lệ tiêm chủng chỉ ở mức 5%.

 

                                                          ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Chuyên gia WHO : Việc truy tìm nguồn gốc Covid-19 vẫn “ở điểm chết”

 

Trung Quốc phản bác báo cáo của tình báo Mỹ về nguồn gốc Covid-19

 

Tổng thống Biden tố cáo Trung Quốc che giấu nguồn gốc Covid-19


View My Stats