Saturday, 7 August 2021

TRUNG QUỐC TỰ ĐÓNG CỬA : CƠ HỘI CHO CÁC NƯỚC DÂN CHỦ (Thụy My - RFI)

 


Trung Quốc tự đóng cửa : Cơ hội cho các nước dân chủ

Thụy My -  RFI

Đăng ngày: 07/08/2021 - 17:19

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210807-trung-qu%E1%BB%91c-t%E1%BB%B1-%C4%9....BB%9Bc-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7

 

Theo Le Point, sau bốn thập niên phát triển ngoạn mục, Trung Quốc bắt đầu một lối rẽ thoái trào, và đây là cơ hội thực sự cho các quốc gia dân chủ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/b9d693d8-f791-11eb-b9dd-005056a97e36/w:900/p:16x9/100_14.webp

Ảnh minh họa : Màn hình lớn trước một trung tâm thương mại chiếu biểu tượng búa liềm tại Thiên An Môn nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, ngày 01/07/2021. AP - Andy Wong

 

 

Khi quyền lực của đảng đứng trên tất cả

 

Tác giả Nicolas Baverez nhắc lại, hồi thế kỷ thứ 15, Trung Quốc và châu Âu tách rời nhau. Trung Hoa thời đó là đại cường số một thế giới, chủ trương bế quan tỏa cảng, năm 1433 đột ngột kết thúc những chuyến thám hiểm của đô đốc Trịnh Hòa (Zheng He) từ Đông Nam Á đến bán đảo Ả Rập và phía đông châu Phi. Cùng lúc đó, châu Âu tiến hành toàn cầu hóa lần đầu, hướng về một nền kinh tế tư bản thâm dụng. Đế quốc Trung Hoa đóng cửa và bắt đầu suy tàn, trong khi phương Tây nắm quyền kiểm soát lịch sử.

 

Mao là người giành được chủ quyền đất nước, còn Đặng Tiểu Bình đã biến Trung Quốc thành cường quốc khi tung ra Bốn hiện đại hóa năm 1978. Nhờ mở cửa cho kinh tế thị trường, tư bản ngoại quốc và công nghệ, Đặng đã giúp Trung Quốc cất cánh một cách ngoạn mục nhất trong lịch sử, để chỉ trong bốn thập niên lại trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới về sức mua tương đương (PPP). Còn Tập Cận Bình, trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc và nhân đại dịch Covid, vừa làm một bước ngoặt ngược lại khi đóng cửa Trung Quốc, đặt ý thức hệ lên trên tăng trưởng, và quyền lực của đảng đứng trên sáng tạo.

 

Dấu hiệu này thấy rõ qua việc nắm lại lãnh vực công nghệ, với cớ chống đầu cơ, bảo đảm cạnh tranh. Trước hết là cản bước Mã Vân (Jack Ma) qua việc buộc ngưng niêm yết Ant Technology, phạt Alibaba 2,8 tỉ đô la. Rồi đến Didi, ứng dụng gọi xe hàng đầu Hoa lục với 90% thị phần và 493 triệu người sử dụng vừa lên sàn Wall Street, bị xử lý với lý do bảo vệ dữ liệu, khiến cổ phiếu sụt ngay 40%.

 

Không chỉ quốc hữu hóa trên thực tế lãnh vực giáo dục tư nhân trị giá 100 tỉ đô la trên thị trường chứng khoán bằng cách cấm thu lợi nhuận, Tập Cận Bình còn đi xa hơn nữa. Về mặt chính thức là nhằm giảm bất bình đẳng, nhưng thật ra để kiểm soát tư tưởng của ngành giáo dục và xã hội. Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài không còn được sử dụng Variable Interest Entities (VIE), tức các công ty bình phong giúp tránh né quy định cấm người nước ngoài không được đầu tư vào các lãnh vực chiến lược. Lập tức cổ phiếu các tập đoàn liên quan sụt mất 70%.

 

 

Từ « Bốn hiện đại hóa » của Đặng đến « Bốn phong tỏa » của Tập

 

Thay vì Bốn hiện đại, 2021 sẽ là năm của Bốn đóng cửa. Đóng cửa kinh tế với ưu tiên cho thị trường nội địa hiện đang dậm chân tại chỗ vì vac-xin Trung Quốc với chất lượng tệ hại nên không hiệu quả, nhất là mức cầu yếu vì những lỗ hổng phúc lợi xã hội. Đóng cửa về tiền tệ với việc Ngân hàng trung ương giám sát chặt chẽ mọi hoạt động tài chính, kể cả lãnh vực tiền ảo : Bắc Kinh muốn độc quyền nhân dân tệ kỹ thuật số. Đóng cửa công nghệ qua việc tách rời mạng internet Trung Quốc và thế giới phương Tây. Đóng cửa chiến lược với số tiền cho vay trong khuôn khổ Con đường tơ lụa mới từ 75 tỉ đô la một năm chỉ còn 4 tỉ đô la, đặc biệt là gây áp lực lên Đài Loan để thống nhất bằng vũ lực.

 

Sự quay ngoắt này khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc suy sụp, tư bản ngoại quốc bỏ chạy, cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ tạm ngưng cho niêm yết các công ty Trung Quốc vì thông tin tài chính mơ hồ. Hậu quả về lâu về dài là rất lớn.

 

Việc khai tử giáo dục tư nhân là góp phần kềm hãm tăng dân số. Tăng trưởng đang chậm lại ở mức 5% sẽ còn xuống dốc với việc kiểm soát doanh nghiệp tư nhân và chảy máu chất xám. Trên trường quốc tế, hình ảnh Trung Quốc xấu hẳn đi do đẩy mạnh mô hình tư bản toàn trị, ủng hộ tất cả các Nhà nước thù địch với tự do, và chủ nghĩa bành trướng đi kèm với sự hung hăng cực độ - nhất là về Đài Loan, mà Tập Cận Bình hứa sẽ nhanh chóng sáp nhập.

 

Theo Le Point, Trung Quốc đóng cửa là một yếu tố quyết định mà các nền dân chủ nhất thiết phải tranh thủ. Khi tự thu mình lại, Bắc Kinh đã tạo điều kiện cho việc bao vây. Các chế độ tự do cần phải thu hút các tài năng sẽ ra khỏi Hoa lục. Xu hướng dân tộc chủ nghĩa và ý thức hệ của Bắc Kinh còn tạo rủi ro đối đầu vũ trang, mà các nước tự do buộc lòng phải chuẩn bị bằng cách củng cố các liên minh và lấy lại vị thế hàng đầu trong công nghệ.

 

Cách trả đũa Trung Quốc thực tiễn nhất là tái xây dựng các nền dân chủ, giải quyết những biến thái của kinh tế bong bóng, quyền hạn quá lớn của độc quyền công nghệ và các mạng xã hội, lạm dụng dữ liệu cá nhân, bất bình đẳng. Dân chủ chỉ có thể chiếm thế thượng phong so với tư bản toàn trị Trung Quốc bằng cách nối lại với các giá trị đã làm nên thành công của phương Tây : rủi ro và sáng tạo, mở cửa, tự do chính trị.

 

 

Tân Cương : Trung Quốc khai thác tài nguyên, cưỡng bức lao động

 

Cũng về Trung Quốc, The Economist nhận định « Các nỗ lực của Bắc Kinh để tái thúc đẩy kinh tế Tân Cương có thể bóp nghẹt vùng này ». Chính quyền Trung Quốc thường nhấn mạnh đến « hài hòa xã hội » thông qua phát triển kinh tế, nhưng từ 2014 lại đặt « ổn định » lên hàng đầu.

 

Những khu công nghiệp được lập ra, tiền bạc được bơm vào cho cơ sở hạ tầng và các thành phố mới. Cuối năm ngoái, Tập Cận Bình khoe rằng kinh tế Tân Cương phát triển chưa từng thấy, đời sống cư dân được cải thiện. Nhưng thực tế u ám hơn nhiều.

 

Kinh tế Tân Cương có thể tách làm hai phần. Nguồn lợi lớn của Tân Cương là năng lượng, rất quan trọng cho Trung Quốc, và các kỹ nghệ liên quan (khai thác dầu khí, sản xuất điện và hóa chất) chiếm hơn phân nửa sản xuất công nghiệp của khu vực, nằm trong tay doanh nghiệp nhà nước. Nửa còn lại chủ yếu là nông nghiệp tập trung ở phía nam, nơi hầu hết người Duy Ngô Nhĩ sinh sống.

 

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các nhà máy được xây dựng bên cạnh những trại giam, và nhiều nhân chứng khẳng định bị cưỡng bức lao động. Nhiều người được thả khỏi trại cải tạo đã phải làm việc tại đây. Để tránh né lệnh cấm mua hàng từ Tân Cương, Bắc Kinh tạo điều kiện lưu chuyển hàng hóa và lao động. Trong 5 năm qua Trung Quốc đã nối dài 1.530 km đường sắt, xây thêm 15 sân bay dân sự, có đến 3/6 hành lang thương mại của Con đường tơ lụa mới đi qua Tân Cương.

 

 

Đầu tư duy ý chí khiến Tân Cương có nguy cơ trì trệ

 

Hán hóa được đẩy mạnh : người Hán được trợ cấp để di dân đến vùng này. Một công nhân xây dựng Hán tộc ở Thiểm Tây cho biết đã được cấp nhà khi chấp nhận định cư vĩnh viễn.

 

Hướng sang kinh tế, nhưng không có nghĩa là giảm bớt đàn áp. Các xa lộ vẫn dày đặc trạm kiểm soát, những camera xoay theo phía khách bộ hành. Cách đây hai năm, xe bọc thép và cảnh sát vũ trang hiện diện khắp nơi ở Kashgar. Giờ đây đã bớt, nhưng thành phố ngày càng ít bản sắc Duy Ngô Nhĩ. Những đường phố trước đây vang lên tiếng gọi nhau đi cầu nguyện, nay đầy những quầy bán nữ trang. Trong một đền thờ Hồi giáo gần khu trung tâm, một gian phòng đã bị biến thành nhà vệ sinh cho du khách.

 

Đầu tư vào Tân Cương tăng đến 16% trong năm 2020, nhưng kinh tế vùng này chỉ tăng có 3%. Chính quyền hy vọng Tân Cương sẽ đi theo mô hình các tỉnh duyên hải như Quảng Đông, Chiết Giang. Tuy nhiên sự cất cánh của các tỉnh này là nhờ doanh nghiệp tư nhân, và thị trường lao động tương đối tự do. Còn người lao động Duy Ngô Nhĩ, cho dù không phải ở trong trại cải tạo, không dễ thay đổi việc làm, lại càng không thể di chuyển tại Hoa lục mà không bị công an truy lùng.

 

Các nhà đầu tư lớn vào Tân Cương là công ty nhà nước, vì nhiệm vụ chính trị là chính. Trước đây Tân Cương có những chủ doanh nghiệp Duy Ngô Nhĩ, nhưng nhiều người đã biến mất trong các nhà tù hay trại cải tạo. Thay vì đặt nền móng cho tăng trưởng, chính sách này có nguy cơ dẫn đến trì trệ.

 

 

Miến Điện : Loạn lạc sinh thêm dịch bệnh

 

Tại Miến Điện, The Economist thấy rằng « Quân đội đang làm cho đại dịch càng tồi tệ hơn », tỉ lệ tử vong vì Covid thuộc loại cao nhất thế giới.

 

Hầu như tất cả các nước Đông Nam Á đều đang phải đối phó với đợt dịch nặng nề, nhưng Miến Điện tặng cho con virus xuất phát từ Vũ Hán những điều kiện tốt nhất. Sau vụ đảo chính hồi tháng Hai, việc xét nghiệm, truy vết và điều trị Covid bị ngưng lại. Hàng ngàn nhân viên y tế đình công, tham gia xuống đường. Khi một bang nằm sát biên giới Ấn Độ báo cáo về dịch vào tháng Sáu, tập đoàn quân sự quá bận rộn với việc đàn áp biểu tình nên hầu như không hành động.

 

Khoảng 230.000 người đã chạy trốn từ tháng Hai đến tháng Sáu, nâng tổng số người di tản lên 680.000. Những trại tị nạn không có mấy phương tiện còn những người chạy vào rừng lại càng thiếu thốn. Hơn nữa, Miến Điện chỉ có 0,7 bác sĩ trên 1.000 dân, viên chức phụ trách chương trình tiêm chủng quốc gia đã bị bắt giữ.

 

Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhân viên y tế rút vào hoạt động bí mật, nhưng đã có ba bác sĩ bị người của chế độ đóng vai bệnh nhân để gài bẫy bắt. Thuốc men và dụng cụ y khoa trở nên hiếm hoi, oxy lại càng khan hiếm. Mỗi ngày có khoảng 360 người chết tại Miến Điện vì Covid, nhưng con số này có lẽ còn xa so với sự thật. Tập đoàn quân sự đang xây dựng 10 lò thiêu tại Rangoon, có khả năng thiêu trên 3.000 xác một ngày.

 

Những giấc mơ của các phù thủy khí hậu

 

Tuần này có thêm L’Express nghỉ hè, chỉ còn hai tuần báo Pháp ra mắt bạn đọc. Hồ sơ của Le Point dành cho « Bí mật của các chế độ quân chủ »L’Obs bàn về « Làm nguội lại hành tinh », còn tuần báo Anh The Economist dành trang bìa cho « Trí thông minh mã nguồn mở ».

L’Obs cho biết trước hiện tượng Trái Đất nóng lên, các nhà nghiên cứu cầu viện đến « kỹ thuật địa lý » (tạm dịch géo-ingénierie). Một giấc mơ « đội đá vá trời », được các nhà tỉ phú ở Silicon Valley ủng hộ, nhưng gây nhiều tranh cãi.

 

Tuần báo kê ra 13 dự án đầy tham vọng, và ít nhiều mang tính khoa học viễn tưởng. Đó là chận bớt các tia nắng mặt trời, làm mỏng đi những đám mây ở độ cao, tăng suất phản xạ (albédo) của Trái Đất, đẩy nhanh sự hình thành các đám mây, thẩm thấu bớt khí carbonic nhờ năng lượng sinh học, thiết lập những bộ lọc carbonic, kích thích cơ chế bơm sinh học của các đại dương, làm mưa nhân tạo, đẩy nhanh tốc độ tan rã của các tảng đá, trồng cây và nuôi tảo, « giam » carbone trong đất nông nghiệp, biến đổi gien di truyền để các bé sơ sinh nhỏ hơn, thay đổi quỹ đạo Trái Đất để tránh xa Mặt Trời hơn.

 

 

Các hoàng gia châu Âu tìm cách trường tồn trong thế kỷ 21

 

Ở châu Âu, các vương triều làm cách nào để có thể trường tồn ? Hồ sơ 16 trang của Le Point lần lượt lược qua hoàng gia các nước Tây Ban Nha, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, Monaco, Thụy Điển, Na Uy… Tuần báo cũng đưa người đọc đến Atlantic College, nơi đào tạo các quân vương tương lai cho toàn thế giới.

 

Nếu đại công tước Henri của Luxembourg dù tài chính thiếu minh bạch nhưng vẫn được 80% người dân hài lòng trong vai trò nguyên thủ, thì quốc vương Willem Alexander của Hà Lan không có may mắn này. Ngay khi cả nước đang phong tỏa vì đại dịch, một tấm ảnh vua và hoàng hậu Maxima trong một nhà hàng bên bờ biển Hy Lạp, không mang khẩu trang khiến người dân giận dữ. Nhà vua vội vã bỏ ngang kỳ nghỉ, đi thăm các viện dưỡng lão, còn công chúa kế vị Catharina-Amalia từ chối món tiền trợ cấp (1,6 triệu euro/năm) để tỏ tình tương trợ với các thanh niên cùng lứa tuổi đang gặp khó khăn vì Covid.

 

Ở Bỉ, quốc vương Philippe đối mặt với xu hướng muốn xóa bỏ chế độ quân chủ. Còn tại Tây Ban Nha, nhiều người tin rằng vương triều sắp đến hồi kết thúc, đó là do quốc vương Juan Carlos. Từ 1975 đến đầu 2010, nhà vua vẫn được dân chúng yêu quý vì đã giúp tái lập dân chủ qua việc thỏa thuận ngầm với tất cả các đảng kể cả cộng sản, tạo điều kiện cho Tây Ban Nha gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên chuyến đi săn bắn ở Bostwana bằng công quỹ ngay trong khủng hoảng kinh tế, thủ lợi mấy chục triệu euro hoa hồng trong hợp đồng thương mại với Ả Rập Xê Út… đã gây sốc. Hiện nay cựu vương phải lưu vong tại Abou Dhabi vì bị truy tố ở Tây Ban Nha.

 

Riêng tại Anh, nữ hoàng Elizabeth II biết cách đóng vai biểu tượng cho sự ổn định của ngai vàng. Nhiều hoàng gia châu Âu cố gắng ra khỏi tháp ngà, mở tài khoản Facebook, Twitter. Một số tham gia các dự án xã hội, môi trường như thái tử Charles nước Anh, ông hoàng Albert ở Monaco ; đặc biệt quốc vương Thụy Điển, hoàng hậu Na Uy có cuộc sống bình dị. Các hoàng gia đều muốn bảo vệ những người kế vị, và sự tình cờ đã khiến vài năm nữa các nữ hoàng sẽ nối ngôi phụ vương : Victoria ở Thụy Điển, Leonor ở Tây Ban Nha, Élisabeth ở Bỉ và Catharina-Amalia ở Hà Lan. Các nữ vương tương lai đều biết những gì đang chờ đợi mình : chứng minh lý do hiện hữu của một vương triều trong thế kỷ 21.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats