Sứ
mệnh Afghanistan: Phương Tây thất bại, nhưng không phải chỉ là lỗi của riêng họ
Matthias
Naß -
Die Zeit
Vũ Ngọc Chi, dịch
16/08/2021
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/1-18-747x420.png
Từ đồn của họ ở tỉnh
Balk, các binh sĩ của quân đội Afghanistan đang quan sát Taliban. Trong vòng
vài ngày, những người Hồi giáo quá khích đã chiếm hết thành phố lớn này đến
thành phố lớn khác. Nguồn: Farhad Usyan/ AFP/ Getty Images
Mỹ và NATO không nên rút quân vội vàng như vậy.
Nhưng người dân Afghanistan đã bị bỏ mặc bởi chính quân đội của họ và chính phủ
tham nhũng.
Kabul đầu hàng. Chính phủ Afghanistan hứa hẹn
một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình, vị tổng thống đã rời khỏi đất nước.
Taliban có thể tiến vào thủ đô mà không cần giao tranh. Nhưng ngay cả khi không
chiến đấu cũng sẽ có một cuộc thanh toán đẫm máu. Một tương lai kinh hoàng đang
ở phía trước Afghanistan. Nhiều người Afghanistan, đặc biệt là nhiều phụ nữ, sẽ
không tìm ra lối thoát, không con đường thoát chạy.
Đó là một khoảnh khắc khủng khiếp. Thế giới đứng
ngoài nhìn choáng váng, khi Afghanistan một lần nữa nằm dưới sự thống trị của
những phần tử Hồi giáo cực đoan. Trong vòng vài ngày, hết thành phố này đến
thành phố khác rơi vào tay các chiến binh tôn giáo. Không ai, thật sự là không
ai nghĩ rằng Taliban có thể tiến nhanh đến vậy. Lính chính phủ không chống lại
họ mà hoảng sợ bỏ chạy. Và bỏ lại phía sau dân chúng lo sợ kinh hoàng.
Joe Biden có phải chịu trách nhiệm về thảm họa
này không? Tổng thống Mỹ có gây ra sự sụp đổ với quyết định rút quân đội Mỹ khỏi
Afghanistan cho đến ngày 11 tháng 9 năm 2021? Liệu sự hiện diện liên tục của
các đơn vị tinh nhuệ của Hoa Kỳ, kết hợp với các cuộc không kích vào lực lượng
Taliban đang tiến công, có ngăn cản được chiến thắng của họ? Không, sự kháng cự
của quân đội từ bên ngoài có thể làm trì hoãn cuộc tiến quân, nhưng nó không
ngăn cản được.
“Tôi sẽ không giao
cuộc chiến này cho tổng thống thứ năm”
Đã từ lâu, Biden không còn tin rằng phương Tây
có thể ổn định lâu dài Afghanistan. Ngay từ năm 2009, khi vẫn còn là Phó Tổng
thống dưới thời Barack Obama, ông đã phản đối việc gia tăng mới lực lượng quân
đội Hoa Kỳ. Ông không thấy một đối tác đáng tin cậy trong giới lãnh đạo chính
trị ở Kabul. Tổng thống Mỹ đắc cử, Biden nói rõ rằng ông sẽ chấm dứt cuộc chiến
dài nhất của nước Mỹ. Hiện ông đã khẳng định lại quyết tâm rút lui này, trong
đó lưu ý đến trường hợp Kabul. “Tôi là tổng thống thứ tư có quân đội Mỹ ở
Afghanistan – hai đảng viên Cộng hòa, hai đảng viên Dân chủ. Tôi sẽ không giao
cuộc chiến này cho tổng thống thứ năm”.
Mỹ, được NATO hỗ trợ, đã can thiệp vào
Afghanistan 20 năm trước vì một lý do cụ thể: Họ muốn lấy khu vực do Taliban bảo
vệ được làm nơi ẩn náu cho tổ chức khủng bố Al-Qaeda, nhóm đã tấn công New York
và Washington, DC vào ngày 11/9/2001. Mục tiêu này đã đạt được với cái chết của
trùm khủng bố Osama bin Laden trễ lắm là vào năm 2011. Tuy nhiên, công cuộc xây
dựng đất nước đã thất bại hoàn toàn – việc thiết lập các cơ cấu dân chủ, xã hội
dân sự giúp phụ nữ ở Afghanistan trên hết được sống trong nhân phẩm và quyền tự
quyết.
Không ai được quyền hạ thấp thiện chí và sứ mệnh
đầy ấn tượng của tất cả những người đã cố gắng giúp Afghanistan trên con đường
tiến vào thời đại hiện đại: Binh lính, những người giúp đỡ nhân đạo, bác sĩ và
y tá, doanh nhân và nhà ngoại giao. Họ đã hy sinh bản thân rất nhiều, nhiều người
đã trả giá cho nỗ lực của họ bằng cuộc sống của mình. Tuy nhiên, nước này hiện
đang rơi trở lại chế độ chuyên chế Hồi giáo.
Đó chủ yếu hay chỉ là lỗi của phương Tây, nơi
lẽ ra không bao giờ được phép can thiệp vào Afghanistan, vốn đơn giản là không
có chỗ ở HinduKush (ND: khu vực dãy núi HinduKush bao gồm Pakistan và
Afghanistan)? Người ta có thể tranh cãi như vậy. Nhưng cũng có nhiều ví dụ về
nơi nhận được sự giúp đỡ, nơi mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Nhưng những tiến bộ này trong trường học, bệnh
viện, trường đại học và các phương tiện truyền thông dường như chỉ có thể thực
hiện được với sự bảo vệ liên tục của quân đội. Người Mỹ – và cả người châu Âu –
vẫn chưa sẵn sàng cho một sứ mệnh bất tận. Thật là lố bịch khi một vài chính trị
gia lại yêu cầu can thiệp quân sự để đẩy lùi Taliban. Sẽ không có ủy quyền nào
cho việc này, bất kể ở Washington, D.C., hay Berlin.
Quân đội đầu hàng
Taliban mà không kháng cự
Tất nhiên, các hoạt động của Mỹ và NATO không
nên kết thúc một cách vội vàng như vậy. Nhưng điều đó không thay đổi một vài sự
thật cơ bản. Quân đội Afghanistan bao gồm 300.000 binh sĩ, ít nhất là trên giấy
tờ. Ước tính chỉ có khoảng 75.000 chiến binh Taliban. Hoa Kỳ đã đầu tư khoảng
83 tỷ đô la vào trang bị thiết bị và đào tạo quân đội Afghanistan – nhưng cuối
cùng quân đội này đã đầu hàng Taliban mà không kháng cự lại. Những người lính
không muốn chiến đấu cho một chính phủ hoàn toàn tham nhũng, đôi khi thậm chí
không cung cấp thức ăn cho họ tại địa điểm hoạt động của họ.
Việc kéo dài sự hiện diện của quân đội phương Tây
thêm một, hai hoặc năm năm nữa sẽ không làm thay đổi sự phá sản của giới lãnh đạo
chính trị ở Kabul. Không phải phương Tây đã bỏ rơi người dân Afghanistan, mà là
chính phủ của chính họ không có khả năng để lãnh đạo quân đội.
Tuy nhiên, các nỗ lực phải luôn được thực hiện
để cung cấp viện trợ nhân đạo. Ngay cả tại Afghanistan, nơi Taliban hiện đang thiết
lập lại chế độ chuyên chế của họ. Quyền con người được áp dụng phổ quát, không
ai được phép đứng yên khi một dân tộc bị khuất phục và tước quyền. Nhưng sự trợ
giúp từ bên ngoài chỉ có thể đến bằng vũ lực trong một trường hợp hoàn toàn ngoại
lệ. Và nó cần những đối tác có năng lực, đáng tin cậy trong nước.
Đã đến lúc phải rút kinh nghiệm cho những sai
lầm mắc phải ở Afghanistan. Hiện tại chủ yếu là nỗi đau buồn khi đối mặt với thảm
kịch của sự thất bại.
No comments:
Post a Comment