Sunday, 8 August 2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BA MƯƠI MỐT (Đỗ Duy Ngọc)

 


Sài Gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi mốt

Đỗ Duy Ngọc

08/08/2021

https://baotiengdan.com/2021/08/08/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-ba-muoi-mot/

 

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5  phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26 — phần 27 — phần 28 — phần 29 — phần 30

 

 

Hôm qua cộng đồng mạng dậy sóng về bài viết của một bác sĩ tên Khoa. Theo lời kể của anh thì anh đang là bác sĩ tuyến đầu chống dịch trong một bệnh viện nào đó không nêu tên. Ba Mẹ anh cũng là bác sĩ, dù tuổi đã cao nhưng cũng tình nguyện tham gia chống dịch và rồi cả hai nhiễm bệnh lại nằm điều trị trong bệnh viện của anh đang làm việc.

 

Ba Mẹ anh trở nặng, phải sử dụng máy thở. Cạnh đó cũng có một sản phụ nhiễm bệnh sắp sinh đôi. Anh bác sĩ này đã lấy máy thở của cha mẹ mình để giành sự sống cho sản phụ. Và sản phụ đã sinh mẹ tròn con vuông sau ca mổ nhưng cha mẹ anh ta đã qua đời.

 

Bài viết lại được một người đang là Phó Tổng biên tập một tờ báo lớn thêm mắm dặm muối trên trang face của mình. Ông này từ lâu trong làng báo gọi là ông Năm mực, Năm nổ vì ông đã từng viết bài ngồi ăn mực với Bộ trưởng môi trường và Bộ trưởng Thông tin thời Formosa đang nóng bỏng để chứng minh cá tôm không bị nhiễm độc do nhà máy Formosa thải ra.

 

Hai bài viết đã gây nhiều xúc động và trên mạng nhiều người nhỏ lệ, khen không hết lời hành động đầy tính nhân văn và lòng nhân đạo của người bác sĩ. Chấp nhận để cha mẹ mình qua đời để cứu lấy người sản phụ. Lâm ly quá chứ. Hi sinh quá chứ. Đọc nghe như chuyện của Tâm hồn cao thượng hay Hạt giống tâm hồn. Đáng để cho mọi người ngưỡng mộ và có thể thành bài học trong sách giáo khoa để dạy cho con trẻ biết sống vì mọi người.

 

Lòng tốt thời này quá hiếm hoi, lòng cao thượng trong những ngày tang thương thế này quá ít. Cho nên khi đọc câu chuyện này, ai cũng cảm động, ai cũng xót xa và mọi người xem anh chàng bác sĩ đó như một anh hùng trong mùa dịch.

 

Nhưng không phải thế! Sáng nay cũng trên không gian mạng, nhiều người đã bóc trần sự thật. Anh chàng bác sĩ đã xoá bài, khoá trang. Ông nhà báo đăng lời xin lỗi. Người ta tự hỏi mục đích những bài viết này là gì? Anh bác sĩ đành đoạn bịa ra cái chết của cha mẹ mình và cứu sống sản phụ để đánh bóng cá nhân mình ư? Để kêu gọi các nhà tài trợ tặng thêm máy thở? Để kiếm lòng thương hại? Nếu thế thì bỉ ổi và tàn nhẫn quá. Viết một cái tin giả như thế thì vô đạo đức quá!

 

Anh nhà báo ngồi phòng lạnh dựa vào đó để viết một status lâm li, lấy nước mắt người đọc khi chưa kiểm chứng gì. Câu view, câu like? Từ chuyện này, người ta nghi ngờ chuyện hôm kia cũng do anh chàng nhà báo này kể về một trường hợp một cậu thanh niên nhiễm dịch trở nặng nhưng không bệnh viện nào nhận, cuối cùng chết trên đường chuyển viện. Có lẽ chuyện này cũng nằm trong chuỗi chuyện hư cấu khi ngồi trong phòng máy lạnh viết bài?

 

Tiêu chí quan trọng và cần thiết của một nhà báo là sự trung thực khi viết tin. Anh quan chức báo chí này toàn đưa tin phịa, không kiểm chứng, lại viết toàn như đúng rồi. Ngày xưa người ta đọc báo để lấy tin tức chính xác, còn bây giờ nhiều nhà báo viết, đọc không thấy tin mà chỉ thấy tức mình. Trong lúc cả nước và thành phố này mọi người đang lo âu vì dịch bệnh, đang khó khăn trong cuộc sống vì bị giãn cách quá dài.

 

Trong lúc các lãnh đạo bù đầu tìm biện pháp đối phó để lấy lại lòng tin của nhân dân. Thì một bộ phận những người trong cuộc lại chế ra những tin giả, tin phịa khiến cho dân hoang mang, làm cho dân thêm sợ hãi. Kiếm những giọt nước mắt của người đọc bằng cách cho cha mẹ mình chết đi dưới bàn tay của mình, đó có phải là tội ác không? Có phải là thứ con bất hiếu không dù chuyện đó không có thật.

 

Nhà báo mà tung tin nhảm thì có thể xử lý bằng luật pháp được không? Không thể chỉ là một lời xin lỗi. Làm quan chức của một tờ báo mà liên tục xin lỗi thế này thì có nên ngồi tiếp ở vị trí đấy không? Báo với chả chí, toàn chấy rận.

 

Cũng hôm qua trên báo chí, người ta cũng đọc được một tin mang tính nhân văn khác. Đó là tin thật chứ không phải tin nhảm như trên. Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên chỉ đạo lo hậu sự cho các trường hợp tử vong do virus Vũ Hán. Theo tin, Bộ Tư lệnh TP sẽ tiếp nhận tro cốt người chết vì dịch bệnh, tạm lo chuyện thờ cúng và sau đó chuyển đến từng gia đình một cách chu đáo. Ban Tôn giáo TP tiếp nhận tro cốt, thờ cúng đối với những gia đình chưa có điều kiện nhận chuyển giao. Chi phí hậu sự cho các trường hợp tử vong do virus Vũ Hán sẽ được trích từ ngân sách thành phố. Thành phố cũng chỉ đạo Trung tâm hỏa táng không được tự tổ chức chuyển giao tro cốt cho bất cứ trường hợp nào.

 

Dân tộc ta vẫn quan niệm nghĩa tử là nghĩa tận, nhất là thời kỳ dịch vật thế này. Người mất đi trong lặng lẽ, không một lời đưa tiễn của người thân, không một ánh nến, chẳng một vòng hoa. Chủ trương của thành phố như thế là hợp lý. Dù chỉ còn là hũ tro cốt, nhưng đó cũng là một sinh mệnh, là một con người. Tôn trọng, thờ phụng là một việc làm cần thiết và mang tính nhân văn phù hợp với đạo lý của dân tộc.

 

Việc bàn giao tro cốt cho thân nhân đến tận gia đình cũng làm cho người chết cũng như người sống được ấm lòng. Hôm trước thấy nhà đòn giao hũ cốt chứa lăn lóc trong giỏ nhựa thấy đau lòng quá. Chết mà vẫn chưa yên. Nếu thực hiện được như lời của ông Nên, gia đình của người mất sẽ an tâm, ghi ơn khi công việc đến từng nhà được chu toàn.

 

Một công việc đáng ghi nhân nữa là chuyện cô gái 9X tài xế nhóm “mai táng 0 đồng” ở TP.HCM: Chúng tôi không cần tiền, chỉ cần người phụ giúp. Theo nhóm thiện nguyện, mỗi nạn nhân xấu số có hoàn cảnh khó khăn không may qua đời, gia đình cần cung cấp giấy chứng tử và các giấy tờ liên quan cho nhóm, sau đó mọi công việc còn lại nhóm sẽ tự làm tới khâu cuối cùng là bàn giao tro cốt cho gia đình.

 

Cô gái ấy tên Hà Nhi, cô nói: “Người mất vì dịch rất cô đơn, không có người thân và anh em bạn bè hàng xóm tiễn đưa. Thật sự mỗi khi đến nhà đưa người mất vô hòm là em khóc nhiều lắm. Thương bà con lúc này lắm, vì virus Vũ Hán mà họ phải ra đi trong sự cô đơn và đau đớn vì bệnh tật, xót lắm“.

 

Đội mai táng 0 đồng của Hà Nhi dù mới hoạt động được 3 ngày đã nhận trợ giúp của nghệ sĩ Việt Hương khi tặng 1 chiếc xe cứu thương để thuận lợi hơn trong công việc. Với 2 chiếc xe, nhóm đã hỗ trợ được gần 10 ca tử vong. Một hành động đẹp và thiết thực của những người trẻ tuổi mong được lan toả để mang niềm vui đến bao gia đình.

 

Hiện nay, thành phố hạn chế cho phép tư nhân đưa hũ cốt về nhà dân, nhóm này vẫn tiếp tục làm công việc giúp gia đình người chết các khâu lo quan tài, liệm xác và đem thiêu. Đây là công việc vất vả và rất nguy hiểm. Hi vọng những người trẻ sẽ vượt qua những khó khăn, trở ngại để hoàn thành tốt công việc giúp đời của mình.

 

                                                           ***

Tình hình tiêm vaccine ở thành phố đang tiến triển thuận lợi, nhiều người đã đăng ký với địa phương nhưng chưa được gọi cũng nóng ruột. Họ không sợ chích trễ nhưng họ sợ nếu chích muộn sẽ bị chích vaccine Tàu. Và chuyện vaccine Tàu vẫn râm ran, bàn cãi trong cộng đồng.

 

Mới đây, một anh diễn viên hết thời bị tố giả tạo khi kêu gọi tiêm vaccine loại nào cũng được, miễn là được cấp phép. Rất nhiều người phê bình anh ta vì miệng anh này kêu gọi như thế nhưng thực chất anh và gia đình đã âm thầm chọn vaccine của Mỹ để tiêm từ lâu rồi. Có người còn đặt câu hỏi: “Anh lấy tư cách gì mà được tiêm Pfizer sớm thế, trong khi nhiều nhân viên y tế trên tuyến đầu vẫn chưa được tiêm mũi nào?”

 

Chích vaccine là việc cần thiết để có thể giảm thương vong vì dịch, nhưng người dân cũng có quyền chọn lựa và quyết định. Không ai xúi giục và bắt ép phải chích cái này hay không chích cái kia. Và bản thân là người của công chúng cũng nên cẩn trọng trong phát ngôn và trong hành động. Tại sao mình chọn thứ tốt cho bản thân và gia đình, mà lại đi xúi người khác chọn thứ mà người ta không thích? Anh cũng không thể nhân danh bất cứ cái gì để kêu gọi người khác làm những diều người ta không muốn.

 

Theo thống kê, hiện nay quận Phú Nhuận có tỷ lệ người được tiêm chủng cao nhất thành phố, đạt 51% và cũng có số người nhiễm bệnh ít nhất, chỉ hơn huyện Cần Giờ là 1241 trên số dân 163.961 người. Đã có 82.867 người được tiêm chủng cho đến hôm qua. Hôm nay vẫn thấy trong phường người ta gọi nhau đi chích.

 

Hi vọng đến cuối tháng 8, số người được tiêm chích đạt chỉ tiêu, bóng ma dịch bệnh sẽ bị đuổi đi để Sài Gòn trở lại những ngày tháng cũ. Tang thương lắm rồi, xin ngừng lại.

____

 

Tham khảo: https://tuoitre.vn/so-y-te-phoi-hop-cong-an-xac-minh-vu-bac-si-nhuong-may-tho-cua-ba-me-cuu-san-phu-20210808084511554.htm

 

Một số hình ảnh:

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/0-41-768x895.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/1-30-696x928.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/2-19.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/3-11.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/3-11.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/4-21.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/5-14.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/6-6-768x901.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/6-6-768x901.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/7-6-768x575.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/8-10-696x875.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/9-5.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/10-3-696x872.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/11-2.jpg

.

 

52 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats